Phạm Đình Bá: Bạn có bực bội vì bị kẹt xe không?

Kẹt xe ở Sài Gòn. Ảnh: Phu Nguyen

Tôi xa quê đến ở tại Toronto từ 41 năm nay. Thành phố nầy có khoảng 2,8 triệu cư dân trên một diện tích khoảng 700 km2, hay trung bình khoảng 4000 người mỗi km2. Tôi đi đây đó bằng xe đạp từ 18 năm nay, chỉ lái xe vào cuối tuần. Tôi không lái xe trong tuần vì kẹt xe dữ lắm.  

Năm 2024, Toronto là một trong những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới, với người lái xe mất trung bình 142 giờ mỗi năm – tương đương với 18 ngày đi làm –vì bị kẹt xe và 86% cư dân mô tả tình hình nầy là một “khủng hoảng”.

Nhiều người ở đây nói đùa “Toronto chỉ cách Toronto một giờ”. Đi lại từ nơi này đến nơi khác trong thành phố thường mất ít nhất một giờ, và thường kẹt xe lâu hơn nhiều vào giờ cao điểm. “Toronto về cơ bản là không thể đi lại được. Và với nhiều dân hơn, thì sẽ kẹt xe hơn nữa.”  

Một cư dân Toronto nói “Đi làm ở đây thực sự tệ hại và hỗn loạn – sự chậm trễ, tai nạn, công trình đang xây và chặn đường”. Anh ta chỉ ra cảm giác bất lực khi bị kẹt xe, mất đi thời gian quý báu và cảm giác bất lực có thể kéo dài rất lâu sau khi đã đến đích.

Tôi vẫn nhớ chuyện kẹt xe ở Sàigòn. “Không biết có ông nào giống tui không chứ dạo này thấy Sàigòn ngày càng bí bách, chật chội. Ra đường giờ không khác gì hành xác, sáng sớm kẹt, trưa kẹt, tối cũng kẹt. Mà kẹt giờ đâu phải kiểu nhích nhích cho vui, mà là kiểu đứng yên tại chỗ, xe máy chen nhau từng centimet, hơi người với khói xe hòa quyện vào nhau như cái lò xông hơi tập thể.”

Sàigòn có khoảng 9,8 triệu dân trên một diện tích khoảng 2095 km2, hay khoảng 4700 người mỗi km2, cũng đông đúc như Toronto. Một phần của đời sống hằng ngày là kẹt xe. 

“Em sinh viên cũng ngán lắm, từ chỗ ở tới trường 4km mà đi xe rất mệt, hôm nào học chiều mà về trễ là luôn kẹt cứng ngắc. Nhiều khi cũng muốn đi chơi đâu đó mà nghĩ tới cái cảnh ra đường là dẹp luôn chỉ muốn ở yên trong phòng cho khỏe”. Có vẻ như kẹt xe làm giảm đi những thú vui trong ngày.

Theo tôi hiểu, thành phố Bangkok còn đông dân hơn cả Toronto và Sàigòn, với 11,4 triệu dân trên khoảng 1569 km2, hay khoảng 7259 người mỗi km2. Cư dân ở đây mất trung bình khoảng 96 giờ – tương đương với 12 ngày đi làm – vì bị kẹt xe mỗi năm, tuy không tệ bằng Toronto nhưng cũng tệ lắm.

Nhiều người dân Bangkok vẫn phải lái xe dù thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt. Những người nầy phải đối mặt với tình trạng kẹt xe và những bài học về tính kiên nhẫn. “Giao thông ở Bangkok là một chuyện dài về xe máy chạy bạt mạng, xe buýt ì ạch, những người đi bộ nhắm mắt qua đường, taxi chạy quá tốc độ, và xe tuk-tuk liều lĩnh”.

Bangkok có “danh hiệu đáng ngờ là thành phố có số người tử vong do tai nạn giao thông trên đầu người cao nhất thế giới”. Những lo ngại về an toàn giao thông làm tăng thêm căng thẳng cho đời sống hàng ngày. Vào giờ cao điểm, các tuyến đường chính trở thành bãi đậu xe, với 42% người dùng mạng xã hội cho rằng trung tâm thành phố đầy tắc nghẽn.

Kẹt xe có tác động gì lên đời sống? Ở Toronto, tôi cảm thấy khỏe lên vì phải đi làm bằng xe đạp. Thêm nữa, tôi hiểu nhiều về đời sống trong các khu phố vào nhiều mùa khác nhau. Những lúc đạp xe lại là những giờ thư giãn trong ngày. 

Dù bị kẹt xe, cư dân Toronto không thiếu sự tháo vát. Một số người đã chuyển đến gần nơi làm việc hơn hoặc chọn những khu phố có phương tiện giao thông công cộng. Những người khác đã điều chỉnh giờ làm việc, đàm phán các thỏa thuận làm việc từ xa hoặc chấp nhận các phương thức di chuyển thay thế. “Câu trả lời dễ dàng là sống gần nơi bạn làm việc, cũng như nơi bạn thực hiện các công việc hàng ngày còn lại”.

Tôi nghĩ chắc người Sàigòn cũng biến thách thức kẹt xe thành cơ hội. Một cư dân Sàigòn coi quãng đường đi làm 15km từ quận Tân Bình đến Thủ Đức là “bài tập thể dục buổi sáng” suốt 4 năm. Dù phải thức dậy lúc 6h, anh nói “Khi đạp xe qua khu công nghiệp Tân Bình mỗi sáng, tôi học được cách nhịn thở khi qua đoạn xả khói, nhưng bù lại được ngắm bình minh trên kênh Nhiêu Lộc.”

Một nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Sàigòn đã cải tiến xe đạp điện bằng cách gắn thêm bình ắc-quy phụ, biến chúng thành “phương tiện đa năng” vừa chở đồ, vừa tránh kẹt xe. “Tụi mình hay đua xe quanh đại lộ lúc 5h sáng – vừa tập thể dục, vừa ngắm thành phố không khói bụi.”

Cư dân Bangkok cũng đầy sáng tạo trong tình trạng tắc đường. Một cư dân đã mô tả người bạn của cô là người gần như sống trong xe hơi của mình. “Cô ấy rời khỏi nhà vào buổi sáng với khuôn mặt chưa trang điểm khi đi làm. Khi cô ấy gặp đèn đỏ, cô ấy tô mi một mắt. Khi đến đèn đỏ tiếp theo, cô ấy tô mi mắt còn lại. Đến lúc cô ấy đến nơi làm việc, cô ấy đã chỉn chu!”.  

Nhiều cư dân Bangkok lên kế hoạch cho những chuyến đi phức tạp. Một chuyến đi làm điển hình có thể bao gồm sự kết hợp của xe buýt, phà sông, thuyền kênh, tàu điện trên cao, đường sắt ngầm và có thể là chặng cuối bằng taxi hoặc xe ôm. Biên đạo phức tạp này đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc về mạng lưới giao thông của thành phố.

Ở Singapore vào đầu những năm 1970, kẹt xe ở khu trung tâm thành phố đã trở thành vấn đề. Trong giờ cao điểm sáng và chiều, giao thông tại trung tâm di chuyển rất chậm. Khi thu nhập cá nhân tiếp tục tăng, dự báo số lượng xe ô tô sẽ tiếp tục tăng, kẹt xe đã trở thành “một vấn đề gây bực bội và lãng phí.”

Chương trình Giấy phép Khu vực ở Singapore được triển khai giữa năm 1975 để làm giảm kẹt xe tại khu trung tâm. Các tài xế muốn vào khu vực hạn chế phải mua giấy phép bổ sung và trả thêm khoản phí. Đây là biện pháp nghiêm ngặt mà chính phủ Singapore áp dụng, triển khai đồng thời với chương trình Đỗ xe và Đi Chung xe buýt, cũng như Chương trình khuyến khích nhiều người đi chung xe.  

Chương trình Giấy phép Khu vực được đánh giá là thành công. Lưu lượng xe vào trung tâm Singapore trong giờ cao điểm sáng giảm 73% trong 6 tháng đầu tiên. Số lượng nhóm đi chung xe tăng 35% và lượng người đi xe buýt vào thành phố cũng tăng mạnh. Điều kiện và khoản phí sau đó được điều chỉnh lại để cân bằng khoản phí và lưu lượng giao thông.

Chương trình nầy về sau được thay thế bởi hệ thống Thu phí Đường bộ Điện tử vào năm 1998. Chương trình sau kế thừa nguyên lý kiểm soát lưu lượng giao thông của chương trình trước, nhưng việc thu phí được tự động hóa.

Ở Hàn quốc, sự chuyển đổi của thành phố Seoul từ một đô thị kẹt xe thành một chuẩn mực tốt về giao thông là bài học đáng nể về cải cách đô thị có hệ thống. Chương trình Đại tu Giao thông Công cộng năm 2004 của thành phố – một sáng kiến ​​trị giá 1,2 tỷ đô la – đã giải quyết nhiều thập kỷ kẹt xe bằng cách thiết kế lại mọi tầng lớp của hệ sinh thái giao thông công cộng.

Sự biến đổi của Seoul chứng minh rằng ngay cả những thành phố tắc nghẽn nhất cũng có thể tái tạo khả năng di chuyển thông qua quản trị dựa trên dữ liệu và tập trung không ngừng vào việc tiếp cận công bằng. Năm 2024, thị trưởng Seoul nói: “Hệ thống giao thông công cộng của một thành phố không phải là về việc di chuyển phương tiện – mà là về việc đưa cuộc sống tiến về phía trước.”

Cũng mong Toronto nơi tôi ở và Sàigòn nơi tôi không thể quên cũng sẽ có những sáng tạo để giải quyết chuyện kẹt xe và đưa đời sống tiến về phía trước. 

Phạm Đình Bá