Việt Dương: Nhà thơ Phan Lạc Giang Đông – Người hết lòng với bạn

Nhà thơ Phan Lạc Giang Đông
(1940-2001)

Tôi gặp Phan Lạc Giang Đông ở Đàm Trường Viễn Kiến của học giả Nguyễn Đức Quỳnh khoảng năm 1958 – 59. Chúng tôi thân nhau vì cùng thích văn chương chữ nghĩa và cùng lạc quan với những hoài bão của tuổi trẻ. Có cái vui là chúng tôi đều ở khu Ông Tạ. Tôi ở ấp Cả Trắc, còn Giang Đông ở Giáo xứ Thái Hòa, trên đường Lê Văn Duyệt, cách ngã ba Ông Tạ chừng hơn 300 mét, nên chúng tôi thường gặp nhau, và mỗi buổi sáng Chủ Nhật cùng nhau đạp xe lên Đàm Trường Viễn Kiến để nghe và để học hỏi những bậc thức giả đến đây thuyết trình và trao đổi ý kiến với những người tham dự.

Chỉ trong mấy tháng qua lại với nhau, tôi đã thấy Giang Đông có nhiều điểm đặc biệt: Thứ nhất là Giang Đông có mộng làm tướng. Mỗi lần tới nhà tôi, Đông thường cắp theo cuốn Thế Chiến Thứ Nhì, dày 7, 800 trang (tôi quên tên tác giả và tên người dịch) mà Đông coi là sách gối đầu giường. Đông thuộc làu tên những trận đánh, nhớ tên những ông tướng của Liên Xô, của Đức, của Nhật, của Trung Cộng và rất ngưỡng mộ tướng độc nhãn Moshe Dayan của Do Thái. Đông thường nói là sẽ vào Võ Bị Đà Lạt và chọn binh chủng Nhảy Dù.

Thứ nhì, Đông là người truyền bá thơ của Quang Dũng. Thời gian đó, tôi không thấy tạp chí văn nghệ miền Nam viết về Quang Dũng, nhưng Đông cho biết là Quang Dũng đi kháng chiến, làm đại đội trưởng trong trung đoàn Tây Tiến qua giải phóng Hạ Lào và đã viết những bài thơ kháng chiến đượm tình tuyệt vời. Mỗi lần tới tôi, Đông thường đọc những bài như Tây Tiến, Quán Bên Đường, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Trắc Ẩn, Đôi Bờ… Anh không ngâm thơ, nhưng có giọng đọc thơ đặc biệt, vừa lả lơi vừa say sưa theo vần điệu và lên bổng xuống trầm theo những câu anh đắc ý. Tôi thích giọng và kiểu đọc thơ của Đông, nên mỗi lần anh đến, tôi thường nói, chẳng hạn: “Cho nghe Tây Tiến”. Đông cười, gật gật đầu, rồi đọc:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi!

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Thứ ba, Giang Đông làm thơ rất sớm. Mỗi lần Đông đến, tôi đều kéo anh ra quán cà phê

vợt ở đầu ngõ vào ấp Cả Trắc. Ngồi quán, Đông thường đọc cho nghe những bài thơ anh mới làm. Có lần tôi hỏi: “Sau này cậu làm tướng, rồi lại là nhà thơ, như thế là văn võ song toàn. Trong sử Việt có ông tướng nào làm thơ?”

Giang Đông đáp: “Có nhiều chớ, mình không nhớ hết, nhưng có thể kể chẳng hạn thời Lý có Lý Thường Kiệt với bài Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, thời Trần có Trần Quang Khải với bài Phò Giá Về Kinh, Phạm Ngũ Lão có bài Thuật Hoài. Đến thời Hậu Trần có Đặng Dung với bài Cảm Hoài. Bài này nhiều người thuộc và nhớ nhất hai câu:

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.”

Thứ tư, Giang Đông có tài giao thiệp và quảng giao. Tuy chỉ mới 18, 19, nhưng anh kết giao với nhiều giới trong đó có những người rất đặc biệt, chẳng hạn giao du với nhà văn Thế Phong, người nổi tiếng phóng khoáng ngang tàng, chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến, in ronéo để qua mặt kiểm duyệt của Bộ Thông tin, tác giả Cô Gái Nghĩa Lộ, Thủy và T6, Nửa Đường Đi Xuống và Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam… Giang Đông Chơi với Lê Triều Quang, người có mộng làm giáo chủ như Đức Huỳnh Phú Sổ, và rất thân với họa sĩ Nguyễn Duy, sau này đi về miền Tây, lang thang trên một con đò và sống bằng nghề vẽ truyền thần cho bà con cô bác ở mấy thôn xóm quanh sông rạch.

Năm 1963, gia đình tôi di chuyển lên Đà Lạt. Năm 1966, tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi ra miền hỏa tuyến Thừa Thiên, Quảng Trị, nên không có dịp gặp lại Giang Đông. Nhưng qua báo chí, tôi biết Giang Đông cũng như Du Tử Lê, Trần Bất Bạt và một số nhà thơ trẻ khác đã đưa tiếng thơ trẻ vào thi đàn miền Nam. Trong thời gian này với thi phẩm Đắc Khanh và Mầu Sắc Quê Hương (1967) và Thông Điệp (1969), Giang Đông đã nói lên những suy tư của người trẻ trong cuộc chiến càng ngày càng thảm khốc ở miền Nam.

***

Sau 30/4/1975 hơn một tháng, tôi đi trình diện ở Xuân Lộc, được đưa đến trại Thanh Hóa, Hố Nai. Đây là trại gia binh của Liên Đoàn Biệt Động Quân, được bộ đội biến thành trại cải tạo. Ở đây, chúng tôi được học 10 bài, trong đó đảng dạy về chính nghĩa của cách mạng xã hội chủ nghĩa và tội lỗi của ngụy quân, ngụy quyền làm tay sai cho đế quốc Mỹ chống lại cách mạng. Đảng xác định với tội ấy, ngụy quân phải tội chết, nhưng với đại nghĩa khoan hồng, không những đảng đã tha chết mà còn dạy dỗ cải tạo để ngụy quân trở thành người lương thiện biết làm lại cuộc đời, giúp ích xã hội. Sau khi học xong 10 bài để ổn định tâm tư, đầu năm 1977, cả trại khoảng trên 800 người được chuyển tới trại Tân Hiệp, thường gọi là trại Suối Máu, Biên Hòa, cách ngã ba Hố Nai hơn cây số. Trại này trước 30/4/75 là trại giam cán binh Việt Cộng, nay đổi ngược. Trại Suối Máu gồm có 5K, mỗi K chứa khoảng trên 1000 người với những nhà vách tôn và mái tôn. Sau một thời gian chúng tôi đến đây, có nhiều toán cải tạo được chuyển đến Suối Máu và tôi gặp lại Giang Đông ở K1 khoảng giữa năm 1977.

Dù ở ngoài đời hay trong tù, Giang Đông vẫn khéo xoay sở vì có tài giao thiệp. Để thấy cái tài này, xin trích một đoạn trong bài “Một vài nét về ông Nguyễn Cao Kỳ” của nhà thơ Thư Khanh, phu nhân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông:

“Tôi còn nhớ ngày ông Nguyễn Cao Kỳ lái máy bay ra Bắc ném bom. Tôi đang ngồi lo lắng không biết làm sao mua được sữa cho con tôi, vì các cửa tiệm tạp hóa thì đóng cửa chặt hết rồi. Tiệm tạp hóa đầu đường nhà tôi của bà Bảy Búa cũng đóng chặt. Không sao gọi được để bà ấy thương tình mình là khách quen từ lâu mà bán cho vài hộp sữa Ông Thọ hay sữa Trái Núi. Đường phố vắng tanh. Trong xóm nhà ai cũng chỉ còn ôm cái radio nghe tin tức. Quân đội thì cấm trại 100%.

Tôi đang lo lắng chả biết sao thì may quá, ông xã tôi từ trại Không Quân Tân Sơn Nhất về. Mặt mày chồng tôi – Phan Lạc Giang Đông – đầy vẻ hớt hải nghiêm trọng trong bộ quân phục sẵn sàng chiến đấu. Giang Đông bảo tôi: “Ông Kỳ ra ném bom ngoài Bắc rồi. Anh về báo cho em hay là sắp có chiến tranh lớn. Máy bay ngoài Bắc chúng sẽ trả đũa. Anh phải cấm trại dài dài và sẽ ra tuyến đầu Tổ Quốc làm đài phát thanh cùng một số anh em, có cả Nguyễn Đình Thiều. Anh báo để em phải tự lo cho con.”

Tôi hỏi chồng tôi: “Cấm trại 100% sao anh lọt về được?”

Giang Đông: “Anh có thẻ báo chí. Đưa Quân Cảnh… quen cả mà. Mình nói đi làm phóng sự, ra nhà in. Em nhớ Vũ Đức Thọ hay ra ăn cơm nhà mình không. Anh ấy là đại úy Quân Cảnh coi vòng đai phi trường.”

Tôi nói: “Em đang lo không mua nổi sữa cho con.”

Giang Đông thở dài: “Rồi! Để anh vào trại, sẽ quay về ngay.”

Tôi chờ. Trong vòng một giờ sau Giang Đông về, cười toe. Mở ba cái nút áo trận ra bảo: “Nè anh đẻ ra sữa đây này – Miệng đếm từng hộp sữa lấy ra để xuống bàn: 1 -2 – 3 … 10. Mười hộp, sữa Trái Núi đấy. Đủ chưa?”

Giang Đông nói: “Không Quân mà… Huynh đệ chi binh là số một! Anh phải chạy xuống Quân Tiếp Vụ, gặp trung sĩ Mô, người cùng quê Hải Dương. Anh Mô bảo lấy mười hộp thì phải ghi tên 10 bạn anh vào danh sách nhường sữa này để anh Mô có lý do tổng kết sữa. Và anh ấy dặn nhớ nói lại với các bạn một tiếng, kẻo họ tự ái.” Tôi mừng có sữa, nhưng lại hỏi vặn: “Tại sao có vụ nhường sữa này?”

Giang Đông: “À thì vì vụ ông Nguyễn Cao Kỳ ra Bắc ném bom. Sữa khan nên không được mua nhiều như trước. Mỗi quân nhân độc thân chỉ được mua một hộp thôi. Em đừng lo, có thằng nào bạn anh cần mua sữa đâu. Huynh đệ chi binh mà.” 

Giang Đông lo xong sữa cho vợ con, lại đi, và còn ca nho nhỏ giễu cợt: Một trăm phần trăm em ơi. Giờ đây lại cấm trại rồi…Lính… lính mà em.”

Từ tài khéo xoay sở này, nên hơn một năm ở K1, Đông đã giúp tôi mấy việc:

Thứ nhất là cung cấp vải dày để khâu mũ. Vì đi lao động nắng chói chang mà không có mũ, nên tù cải tạo phải lấy vải hay vật gì đó để buộc lên đầu. Khi bị cấm, tù nhân chuyển qua việc kiếm vải dày, tự khâu thành mũ lưỡi trai. Việc khâu mũ thành phong trào. Vào một buổi trưa, Giang Đông đem đến cho tôi năm miếng vải dày để tôi khâu mũ. Khoảng tuần sau, tôi đã có cái mũ lưỡi trai đội đi lao động. Rồi sau đó tới phong trào làm ghế xếp, Đông lại đem đến cho tôi mấy thanh gỗ và vải dày để làm ghế. Tôi hỏi kiếm đâu ra gỗ trong mấy hàng rào thép gai này thì Đông đáp: “Quen mấy thằng trong đội mộc.”

Thứ nhì là cung cấp bánh cháy. Chỉ sau một thời gian đến K1, Giang Đông được sung vào đội nhà bếp (anh nuôi). Từ đó cứ buổi trưa và buổi chiều, sau khi nhà bếp đã chia xong cơm cho các nhà, Đông ghé tôi, đưa cho tôi miếng cơm cháy bằng hai bàn tay. Đó là loại bánh rất quý trong trại tù, vì ăn cháy no lâu và rất thơm ngon. Có cái thú là trong khi ăn cháy, tôi thường bảo Đông cho nghe những bài thơ của Quang Dũng như những ngày ở ấp Cả Trắc. Và mỗi lần nói cho nghe bài gì đó, Đông lại cười và đọc. Vẫn giọng đọc của 20 năm trước, lả lơi và say sưa với những vần thơ của Đôi Mắt Người Sơn Tây, của Đôi Bờ, của Quán Bên Đường… Lạ hơn là có thêm một bài mới của Quang Dũng với cái tên Mai Nở Bên Mồ:

Bao nhiêu vành khăn trắng Đằng đẵng tin sa trường Từ biên giới xa xôi

Lau cao mờ đợt gió

Cỏ hoang mồ những ai Lả tả trong mưa lạnh

Âm thầm hoa viếng người Quê hương chừng xa lắc

Thăm mồ mấy cành mai.

Rồi còn được nghe:

Chót vót cây cao hồ dễ im Sông sâu hồ dễ đã im lìm

Cây cao chừng đợi giờ giông tố Sông đợi mùa dâng sóng nước lên.

Giang Đông bảo 4 câu này Quang Dũng đã bật ra khi ngồi sửa xe đạp bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tôi hỏi là trong nhà tù sao tìm được Mai Nở Bên Mồ và 4 câu Quang Dũng muốn nhắn nhủ đảng Cộng sản thì Đông chỉ cười bước đi.

Cả năm dài, tôi nghĩ chắc chỉ mình tôi có cái thú vừa ăn cháy vừa nghe thơ Quang Dũng trong những hàng thép gai với màu đỏ tươi của hoa mười giờ nở tung dưới ánh nắng chói chang. Trại tù mà đầy hoa nở. Chỉ trại Suối Máu mới có cảnh sắc này, vì trại trưởng không muốn để tù nhân ngồi không, nên bắt mỗi nhà lên luống quanh nhà trồng hoa. Sau khi làm đất lên luống, nhà nào cũng được cán bộ quản giáo cung cấp giống hoa mười giờ, loại hoa dễ kiếm, dễ trồng. Đất ở đây pha cát, hợp với hoa mười giờ, nên chỉ trong thời gian ngắn, cả trại thắm màu hoa đỏ bên những dãy nhà tôn đen xỉn với đám tù giơ xương, quần đùi, ngồi lê la.

Việc thứ ba là cung cấp sách. Một lần sau bữa cơm thăm nuôi, Đông đưa cho tôi cuốn thơ Đường của Trần Trọng San, nói là người nhà mới đem, vì ở trong toán đẩy xe nên giấu công an đem vào được. Tôi đưa lại cuốn thơ, bảo khi nào đọc xong thì cho tôi mượn. Đông đưa cuốn thơ cho tôi: Ông đọc trước đi… Tôi nói là sẽ kiếm ít giấy, chép lại một số bài thì Đông mở cái thùng giấy, lấy ra một xấp giấy trắng và cái bút chì đưa cho tôi. Khoảng vài tuần sau, Đông đem đến cho tôi cuốn Exodus của Leon Uris, bảo người bạn cùng đội đi dỡ nhà ở Long Bình gặp nó trong cái thùng giấy. Anh ta lấy đem về, nhưng không đọc được, nên Đông xin và đem cho tôi. Đầu năm 1979, Giang Đông và nhiều người bị chuyển trại. Cuốn thơ Đường chưa trả Đông, tôi giữ lại.Thế là tôi có hai bảo vật là cuốn thơ Đường và cuốn Exodus.

Mấy ngày sau, chúng tôi biết việc chuyển trại là do biến cố lễ Noël 1978. Đêm đó, ông linh mục tù nhân đã làm lễ với một số tù nhân khác. Công an vào bắt dẹp và bắt những người tổ chức. Tù nhân ở mấy nhà gần nhà ông cha làm lễ đã phản đối, rồi kéo ra sân biểu tình. Việc phấn khích này đã lôi cuốn những nhà khác kéo hết ra sân. Tất cả xếp hàng theo từng nhà và hát bài Đêm Thánh Vô Cùng. Tiếng hát của cả trên ngàn người vang động đã lôi cuốn những K khác, mỗi K chỉ cách nhau mấy hàng rào thép gai, kéo ra sân xếp hàng và hát theo. Những nhà trưởng K1 họp lại, yêu cầu Ban Chỉ huy trại thả mấy tù nhân và cho phép làm lễ. Trại thả tù, nhưng không cho phép làm lễ. Cuối cùng những nhà trưởng K1 đồng ý. Kết thúc cuộc biểu dương đêm Noël 1978. Qua thăm nuôi, những người ở Hố Nai cho biết đêm ấy, tiếng hát đã vang xa tới Hố Nai và xe tăng cùng bộ đội đã bao vây trại tù.

Tiếp sau vụ tổ chức lễ, nhiều tù nhân đã tập hợp thành Ban Hành Động, đêm đêm trùm chăn tới từng nhà lên án và đập những tên làm ăng ten. Việc này không kéo dài được lâu. Trại đã nhanh chóng thu thập được tên những người trong Ban Hành Động và thực hiện việc chuyển trại, đưa những người này tới những trại khác nhau. Sau này gặp lại Giang Đông, anh cho biết là đã ở trong Ban Hành Động và được chuyển tới nhà tù Chí Hòa, rồi lên trại Xuân Phước, Tuy Hòa.

Trở lại cuốn thơ Đường và Exodus. Cuốn thơ thì tôi dùng để học chữ Hán qua những bài thơ. Còn cuốn Exodus – Đây là cuốn sách bằng hình thức tiểu thuyết đã viết lại việc người Do Thái từ nhiều nước trở về vùng đất Palestine và cuối cùng đã lập lại nước Israel ở miền đất hứa. Truyện ghi lại cuộc chiến đấu anh dũng của dân Do Thái đối phó với những nước Ả Rập vây quanh. Việc kỳ diệu là người Do Thái đã tái lập được quốc gia và biến miền đất khô cằn với sa mạc thành một đất nước phát triển cả nông nghiệp lẫn kỹ nghệ. Những kibbutz vừa chiến đấu cải tạo đẩt vừa chống với những cuộc đột kích của người Ả Rập, đã dựng được những làng tươi đẹp với đồn điền cam, táo, nho. Nhà nào bên ngoài cũng có vườn hoa hồng, bên trong thì đầy sách. Tác giả đã đưa ra một so sánh thật tuyệt là chỉ cách nhau chừng 10 cây số, làng kibbutz thì đầy cỏ xanh, nhà cửa khang trang, cách mấy trăm thước đã ngửi thấy mùi thơm hoa hồng, còn làng của người Ả Rập thì trên đường vào làng đầy phân, thanh niên la cà quán cà phê, phụ nữ thì ngồi trước thềm nhà bắt chấy, bắt rận. Tôi đã đọc Exodus từ những năm 71 -72, tập sách mua được trong đống sách lẫn quần áo, bơ, phô-mai, kẹo bánh thải ra từ những căn cứ Mỹ của những người bán đồ Mỹ ở khu chợ trời cạnh chợ Đông Ba, Huế. Thấy nội dung của Exodus có thể nâng cao tinh thần, làm lớn mạnh con người trong tình cảnh tù không án với thời gian mịt mù, tôi đã đọc lại mấy lần, rồi mỗi tối kể 1, 2 chương cho những bạn thích nghe chuyện.

Nhân nói đến việc kể chuyện trong nhà, xin nói qua về luật lệ của trại Suối Máu. Theo những tù nhân từ những trại khác được chuyển đến đây thì trại Suối Máu có thể là trại cải tạo thoải mái nhất trong những trại tù ở miền Nam. Trại ở ngay đường giao thông giữa Biên Hòa và Hố Nai. Ngày nghe tiếng xe lam chạy ngoài đường, đêm thấy ánh sáng đèn điện từ Biên Hòa. Tù cải tạo không bị nhốt trong nhà mà được đi lại trong trại, trong những hàng rào thép gai bao quanh trại với những tháp canh của công an. Vì quanh trại là đường giao thông và gần khu dân cư, không có nhiều đất, nên việc lao động chỉ có mấy việc: Khai thác bãi đất hoang pha cát bên ngoài, sau trại trồng cây bạc hà, còn trong trại, chỗ nào có đất thì làm đất lên luống trồng rau muống hạt để cung cấp một phần rau cho trại. Rau muống lên xanh tốt, nhưng rất bẩn vì bón phân bắc – dùng phân nhà cầu pha nước tưới lên những luống rau. Nhiều tù nhân chết vì bệnh kiết lỵ, chắc là do ăn rau của mình trồng. Đội của tôi phải trồng rau muống trên một khu đất dài chừng 50 mét, rộng chừng 40 mét, nên chúng tôi rất vất vả với những việc: khiêng phân từ nhà cầu ra vườn rau, pha nước vào phân rồi tưới lên những luống rau, kéo nước từ giếng sâu với thùng lớn để tưới rau ngày hai lần, rồi phải làm cỏ rau hàng ngày vì rau lên nhanh thì cỏ cũng lên theo. Có một thời, trại thực hiện chương trình đào ao nuôi cá, nhưng đào mấy ao không có nước, vì đất vùng này khô và quá cao nên phải bỏ, chỉ tội cho những đội phải đào ao, mất cả nửa năm hì hục đào đất, rồi để những cái ao khô với nắng.

Sau giờ lao động về nhà, mọi người tự do đi lại nấu nướng. Người đi lao động bên ngoài trại kiếm được ít rau bên vệ đường đem về nấu trong những lon gô (guigoz) – lon sữa bột do người nhà đem vào trong những lần thăm nuôi. Còn người ở nhà đặt bẫy bắt được chuột thì đem ra giếng làm thịt, lột da cắt đầu, rồi xâu 3, 4 con vào một thanh sắt có cán bằng gỗ, cho vào lò nhà bếp. Mùi thơm ngào ngạt của chuột bay ra tới sân.

Rồi tới 6 giờ, trại đóng cổng. Công an ở trại phía ngoài. Còn trong hàng rào, tù nhân tự do sinh hoạt tới khi có kẻng báo ngủ lúc 9 giờ. Trong thời gian đó, từng nhóm trong mỗi nhà tụ lại chuyện trò với thuốc lào, trà cà phê (thường là sau thăm nuôi). Từ sự thoải mái này, những người thuộc một số truyện chưởng của Kim Dung đã gây thành phong trào kể truyện chưởng. Ai nhớ được bộ nào thì kể trong nhà mình. Rồi những người đó luân phiên đi tới những nhà khác, nếu được mời.

Phần tôi, trước 75, làm đại đội trưởng địa phương quân, tiểu khu Thừa Thiên, thường đóng ở mấy căn cứ hay bảo vệ những cây cầu lớn, quan trọng như cầu Lăng Cô ở Phú Lộc, cầu An Lỗ ở Quảng Điền, cầu Bạch Hổ ở Huế. Để tiêu cho hết thời gian của lính nằm ở căn cứ, hay ở cầu, tôi đã nằm võng đọc hết những bộ truyện của Kim Dung. Đọc tới độ thuộc mấy bộ tôi đắc ý như Lục Mạch Thần Kiếm, Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ… Bỗng nhiên phong trào kể truyện chưởng đã cho tôi niềm vui là đêm ngày nghĩ lại từng bộ truyện và phong trào đã đẩy tôi lên cao. Khởi đầu tôi kể trong nhà mình. Mỗi tối tôi kể 1 giờ, với thuốc lào, trà nước. Sau mấy tháng kể trong nhà mình, nhiều nhà khác đã mời tôi. Ngày khiêng phân, kéo nước tưới rau, đêm kể truyện. Thời gian buổi tối đi nhanh với mấy bộ truyện chưởng. Vì thế, bắt được cuốn Exodus như bắt được vàng. Tôi đọc lại mấy lần cho nhuyễn rồi bắt đầu kể. Tôi đã đổi phong vị đấu chưởng của những vị đại cao thủ võ lâm sang phong vị chiến đấu, kiên nhẫn, chịu đựng của những chiến sĩ Do Thái trong đại nghiệp dựng lại quê hương Do Thái. Exodus đã đem lại tinh thần mới, nguồn vui mới, có bạn tù đã nói với tôi như vậy.

***

Đầu năm 1981, tôi được ra trại, về khu kinh tế mới Gia Ray, Long Khánh. Mẹ tôi có nhà buôn bán trên lộ chính của Xuân Lộc, bị cán bộ cách mạng đẩy đi kinh tế mới để họ lấy nhà. Ở Gia Ray, mẹ tôi với cô em gái chỉ làm chừng một công rẫy và phải buôn bán ở chợ Gia Ray để sống. Khi về kinh tế mới, tôi nghĩ có thể làm rẫy và chăn nuôi heo gà. Nhưng mới làm được nửa mùa, khi bắp kết trái thì bị bệnh ghẻ lở toàn thân. Tôi phải chạy lên Sài Gòn tìm thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát ở Viện Phật Học Vạn Hạnh để nhờ thầy chữa mà tôi đã viết trong bài “Từ bức ảnh của thầy Lê Mạnh Thát trong lễ tang thầy Tuệ sỹ“. Ở Viện Phật Học, tôi đã được thầy Trí Siêu trị dứt bệnh ghẻ, nhưng ở lại Sài Gòn là cả một vấn đề. Vì trong tình trạng cư trú bất hợp pháp, làm sao có thể kiếm được một chỗ ở và làm gì để sống. Tôi nghĩ là phải về Gia Ray, nên trong thời gian ở lại Viện Phật Học, tôi đã qua khu Ông Tạ, la cà ở mấy quán cà phê, hy vọng sẽ gặp một vài người bạn cũ trước kia ở vùng này. Quán nào cũng một ly cà phê đen, tôi ngồi suốt mấy tiếng, trông ngóng bóng dáng của ai đó. Thật trời trông lại, một buổi sáng tới quán cà phê Thăng Long, tôi thấy Hồ Phong ngồi với Phan Lạc Giang Đông. Thấy tôi, cả hai đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Tôi xúc động đến chảy nước mắt. Hồ Phong kéo tôi ngồi xuống ghế. Tôi lấy khăn lau mắt, rồi nói:

– Tôi lang thang ở mấy quán cà phê khu Ông Tạ cả tháng nay, chỉ mong gặp được một người. Hôm nay lại gặp tới hai người.

Giang Đông hỏi: “Sao không ghé nhà?”

Tôi đáp: “Tôi không đến nhà ông, vì nghĩ là ông chưa được thả.”

Hồ Phong, trước 75 đẹp trai, rất phong độ, tuy chỉ là trung sĩ Không Quân phục vụ trong khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân, ở Tân Sơn Nhất, nhưng luôn chải chuốt với chiếc vespa mới. Hồ Phong tên thật là Kiều Kim Bảng, nổi tiếng về giọng ngâm bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Trong những lần bạn bè có dịp họp nhau ăn uống, luôn luôn có người lên tiếng yêu cầu Bảng ngâm bài Hồ Trường. Chính vì thế mà Bảng lấy bút hiệu là Hồ Phong. Lần nào tôi từ Thừa Thiên vào Sài Gòn, Phong cũng chở tôi đến La Pagode góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, nơi tụ hội của giới văn nghệ và báo chí Sài Gòn. Nay Phong đen sạm với nét phong trần, đầu đã nhiều tóc bạc. 

Tôi hỏi: “Hai ông bây giờ sống bằng nghề gì?”

Hồ Phong đáp: “Đi thồ gạo chui cho bà xã bán gạo lẻ ở chợ Ông Tạ.”

Giang Đông nói: “Mình mới được tha từ trại Xuân Phước được 5 tháng, nhưng về nhà được chừng một tháng là mình nhập vào nghề mua bán sách cũ. Mua sách của người Sài Gòn, rồi bán lại cho dân Bắc vào Nam tìm sách của miền Nam. Lãi gấp hai, gấp ba, nên nghề này sống được. Nhưng suốt ngày ở ngoài đường, loanh quanh mấy chợ sách. Nhà mình còn giữ được 3, 4 trăm cuốn, toàn là sách giá trị. Với cái vốn đó, mình có thể tung hoành trong giới buôn sách cũ.”

Sau khi uống nửa ly cà phê sữa với điếu thuốc Samit, tôi kể hoàn cảnh về kinh tế mới bị ghẻ lở, phải lên Sài Gòn tìm thầy Lê Mạnh Thát chữa ghẻ. Nay cần một chỗ ở và một việc gì đó để có thể ở lại Sài Gòn. Định như thế, nhưng tìm đâu chỗ ở và biết làm gì?

Giang Đông cười nói: “Chuyện này dễ, để mình giải quyết cho. Tôi sẽ tìm cho ông một chỗ ở. Còn việc làm thì ông có vốn tiếng Anh, tôi sẽ giới thiệu ông dạy Anh ngữ cho một số cán bộ. Họ vào Nam đua nhau học tiếng Anh nên chuyện học Anh ngữ của những ông cán bộ miền Bắc đã thành phong trào.”

Giang Đông hẹn Hồ Phong sáng mai gặp nhau ở cà phê Ngự Uyển, rồi dẫn tôi đến cà phê Ngự Uyển, trong ngõ Con Mắt, giới thiệu tôi với cụ Hàn Trịnh, chủ cà phê Ngự Uyển. Tiệm cà phê này là một ngôi nhà hai tầng. Tầng trên gia đình ở, tầng dưới làm tiệm cà phê. Tiệm lớn vừa trong nhà vừa ở ngoài sân rộng có tường thấp và những giàn hoa giấy tím thẫm. Qua chuyện trò, tôi biết Giang Đông quen biết cụ Hàn Trịnh trước 75. Hai người thân nhau qua thơ văn, cụ Hàn cũng là nhà thơ, trước 75 đã xuất bản hai tập thơ và nay là thành viên trong Ban nghiên cứu Văn Hóa Xã Hội của Viện Khoa Học Xã Hội thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Giang Đông nói về chuyện ở tù chung và hoàn cảnh của tôi, ở kinh tế mới bị bệnh, cần về Sài Gòn, nhờ cụ tìm cho một chỗ ở. Cụ Hàn bảo tôi: Ở lại Sài Gòn, trước hết cụ cho một chỗ ở, còn việc tính sau. Cụ dẫn tôi và Giang Đông xuống phía sau nhà. Đó là một cái sân sau rộng hơn sân trước, có tường cao bao quanh sân. Có một cái chái lợp tôn vách ván dựa vào tường của ngôi nhà. Cụ đẩy cửa vào và nói: “Dọn những đồ không dùng ra ngoài, lấy giường và bàn ghế trên nhà xuống là thành một gian nhà có thể ở được.”

Ngày hôm sau, Giang Đông đem đến một người bạn tên Thái cùng Hồ Phong giúp tôi dọn dẹp, rồi đem giường và bàn ghế trên nhà xuống. Tôi có một chỗ ở tươm tất với cả cái sân rộng rãi. Tôi từ giã Viện Phật Học Vạn Hạnh, về lại khu Ông Tạ mà năm 1956 gia đình tôi đã là gia đình tiên phong vào ấp Cả Trắc mua nhà đất, sống tới năm 1963 khi khu Ông Tạ đã phát triển lớn rộng thì bán nhà di chuyển lên Đà Lạt.

Ở Ngự Uyển được một tuần, cụ Hàn đưa tôi lên Viện Khoa Học Xã Hội, giới thiệu tôi với ông Mặc Đường, Viện Trưởng của Viện và xin cho tôi làm cộng tác viên dịch thuật. Tôi ký hợp đồng dịch cuốn East Asia: The Modern Transformation của Fairbank và Reischauer, và tôi được giấy chứng nhận của Viện Khoa Học Xã Hội thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đem giấy về trình Ủy ban xã Gia Ray và được giấy của xã cho phép lên thành phố Hồ Chí Minh làm cộng tác viên dịch thuật. Thế là tôi trở thành người cư trú hợp pháp ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, Giang Đông giới thiệu tôi với ông Nguyễn Gia Đôn, cán bộ tập kết, ở một ngôi nhà hai tầng trong hẻm lớn đường Công Lý, gần cầu Công Lý. Ông Đôn muốn học tiếng Anh và tôi dạy ông bộ English for Today. Ông Đôn lại giới thiệu tôi với ông Hải, cán bộ trưởng phòng Thông Tin Văn hóa quận 10. Rồi ông Hải giới thiệu tôi với bà Ngọc, cán bộ trưởng phòng ở công ty IMEX. Người trả tôi 100, người 200. Tôi kiếm được 500, bằng lương của cán sự bậc 5. Đầu năm 1982, thành phố Hồ Chí Minh đón một đoàn xiếc của Liên Xô và cho đoàn tổ chức trình diễn ở sân Việt Nam Quốc Tự (mới xây dựng được một nửa). Ông Hải phụ trách việc này, nên đã tổ chức đội coi xe đạp, xe gắn máy ở hè đường Trần Quốc Toản, trước Việt Nam Quốc Tự, và tôi được một chân trong đội coi xe. Tôi phụ trách đến sớm để chăng dây và về cuối cùng để tháo dây, rồi lấy xe ra cho khách. Mỗi đêm tiền công là 30 đồng, nhưng tôi luôn luôn được ông Hải cho thêm 20 đồng gọi là tiền bồi dưỡng. Ông Hải kết lối dạy Anh ngữ của tôi và rất thích chuyện trò với tôi, nên lần nào học xong cũng mời tôi đi nhậu lẩu chó ở mấy quán cuối đường Sư Vạn Hạnh. Trước 75 tôi không ăn thịt chó. Bây giờ phải theo ông cán bộ ăn thứ thịt này, nhưng lẩu chó nấu với thang thuốc bắc ngũ vị hoặc bát vị, nên thịt chó chỉ còn mùi thuốc bắc. Còn buổi sáng ông Hải thường tới mời tôi lên cà phê Ngự Uyển và nói với tôi là mấy năm uống cà phê ở những quán trên đường Trần Quốc Toản hay Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ), nhưng bây giờ mới đến được một tiệm cà phê tuyệt vời. Tôi hỏi tuyệt vời về cái gì. Hải đáp: Cà phê ngon và nhạc. Tôi nói thêm là cả ba cô tiếp viên nữa. Hải cười gật đầu: Ba cô dáng quý phái và quyến rũ quá. Tôi biết Hải mê cô Ngọc Hân, cô con gái út của cụ Hàn, nên nói xa khuyến khích là phải kiên nhẫn.

Hải nói đúng. Cà phê Ngự Uyển tuyệt vời vì khung cảnh yên tĩnh và thơ mộng với giàn hoa giấy phủ quanh sân. Nhạc rất hay, toàn những bài tình ca của nhạc sĩ miền Bắc sáng tác sau 75, cộng với nhạc Trịnh Công Sơn và tình ca Phạm Duy và nhất là với ba cô Ngự Uyển – Hai cô là con gái tên Ngọc Hân, Ngọc Dung và cô con dâu tên là Dư Bội Yến. Ba cô thay nhau ngồi thu tiền và bưng dọn cà phê. Mỗi lần lên ngồi ở Ngự Uyển, tôi thấy lại khung cảnh quán cà phê của thời trước 75. Với tôi, các cô đối xử thân tình, coi tôi như người nhà. Cô Dung đem cuốn The Old Man and The Sea của Hemingway, nhờ tôi dịch. Mỗi tuần tôi dịch cho cô một chương. Còn cô Bội Yến là nữ sinh Trưng Vương, vừa đẹp thanh lịch vừa hát hay.

Ông Nguyễn Gia Đôn muốn thu một số bài tình ca của miền Nam để gửi ra Bắc, nên ngỏ ý nhờ tôi là nếu quen được cô ca sĩ nào thì giới thiệu. Tôi không quen biết cô ca sĩ nào, nên nói với Bội Yến, rồi giới thiệu cô với Đôn. Khi ông Đôn tới Ngự Uyển, Bội Yến cho Đôn nghe một cuốn cassette, dù chỉ đệm guitar, nhưng giọng rất ngọt không thua ca sĩ chuyên nghiệp. Nghe xong Đôn thốt lên: Tuyệt diệu. Ông Đôn ngỏ ý với Bội Yến, rồi nhờ tôi chở cô lên nhà người bạn ở đường Trương Minh Giảng, gần đối diện với chợ Trương Minh Giảng, vì nhà ông này có máy thâu băng và ông đệm đàn piano. Từ đó, mỗi tối, tôi chở Bội Yến lên ông bạn của Đôn hát khoảng 1 tiếng. Những người tham dự có Đôn và mấy người bạn của Đôn và của ông chủ nhà.

Tôi có một chiếc xe đạp cà tàng, thầy Lê Mạnh Thát mua cho khi tôi ở Viện Phật Học Vạn Hạnh. Xe cũ, nhưng khung tốt. Tôi cứ để thế đi, không sửa chữa thêm gì. Khi dắt xe ra khỏi cổng phía sau, ngồi lên yên rồi tôi bảo Yến: “Cô lên đi, coi chừng chân”. Khi đạp xe qua con hẻm ra đường Thoại Ngọc Hầu, nghe tiếng kêu cót két của bàn đạp, tôi cười nghĩ đến cô tiểu thư tỏa mùi thơm ngọt ngào, ngồi trên cái xe cà tàng của người chân đi dép nhựa. Mấy lần trên đường Trương Minh Giảng, cô đã đập vào lưng tôi nói: “Dừng lại anh, em rơi guốc rồi.”

Bội Yến hát không cần bản nhạc, không ngờ cô thuộc nhiều bài đến thế. Còn người đến tham dự giờ thu băng ngày càng nhiều, đều say mê tiếng hát và có lẽ say mê cả nhan sắc của ca sĩ. Có lần tôi hỏi: “Về nhà có dượt lại không mà cô thuộc nhiều bản như thế?”

Cô đáp: “Buồn nên em hát một mình để tiêu khiển như người chơi đàn hay đọc sách. Em đã thu thập được trên 200 bản tình ca của những nhạc sĩ nổi tiếng.”

Lần khác tôi hỏi: “Cô đi một mình có được không?” Cô đáp: “Dạ được, nhưng em muốn anh đi với em cho vui, rồi cũng muốn anh nghe em hát xem ra sao?”

Tôi nói: “Cô có giọng thiên phú, rất tuyệt với thuật luyến láy điêu luyện, hơn cả Lệ Thanh. Trước 75 nếu cô gặp được một nhạc sĩ giúp đưa cô lên sân khấu thì chắc đã nổi tiếng.”

Rồi lần khác tôi hỏi: “Ông chồng cô đi làm hay sao mà tôi ít thấy. Đêm nào cũng chở cô đi thế này, ông ấy có nói gì không?” 

Cô đáp: “Anh ấy chán đời, sau mấy lần vượt biên thất bại. Bây giờ chỉ đi chơi. Em có nói việc anh chở em lên ông Đôn hát thu băng để ông Đôn gửi ra Hà Nội. Nghe thế anh ấy cười nói: Vậy chỉ ít tháng nữa, tiếng hát của Dư Bội Yến lại vang lên khắp các quán cà phê ở Hà Nội. Người Sài Gòn mà nổi lên giữa Hà Nội mới lạ.”

Về chuyện vượt biên, cô cho biết vợ chồng cô và Ngọc Hân, Ngọc Dung đi vượt biên mấy lần, tốn rất nhiều vàng, nhưng đều thất bại, có lần bị bể, có lần bị lừa, có lần bị bắt phải dùng vàng chuộc ra, nên bây giờ không ai nghĩ đến chuyện vượt biên nữa. Gia đình độc nhất có chị X đi vượt biên với anh Nguyễn Hữu Hiệu là thành, rồi hai người lấy nhau bên Mỹ. (Nguyễn Hữu Hiệu đã đi tu với pháp danh là Thích Chân Pháp, dịch Doctor Zhivago với nhan đề Trả Lại Tình Em. Sau 75, bỏ chùa trở về đời, rồi vượt biên trở thành rể của cụ Hàn Trịnh).

Đến nay, mấy cô con cụ Hàn Trịnh cũng đã trên 60. Cô Ngọc Hân có để mắt xanh tới cây si Hải, sáng nào cũng đến Ngự Uyển ngồi cả giờ mà Hải có dám ngỏ tình không cô? Cô Ngọc Dung còn giữ những trang giấy tôi dịch The Old Man and The Sea, hay giấy đã nát đi theo thời gian? Còn cô Bội Yến có nhớ tiếng cót két của chiếc xe đạp tôi chở cô đi hát và còn hát để tiêu khiển như người chơi đàn? Tôi cho cô biết là ông Đôn gửi băng nhạc ra Hà Nội, nhưng ông không trở về Hà Nội mà đã vượt biên khoảng năm 87, 88 và được định cư ở Na Uy.

Những ngày sống ở cái chái sau cà phê Ngự Uyển, đêm ngày nghe tiếng nhạc xập xình với tiếng hát, trong đó có tiếng hát của Bội Yến, vì cô đã thu 5, 6 cuốn băng cassette cho cà phê nhà mình. Chỉ tội một điều là quá nhiều muỗi và nếu mưa lớn kéo dài mấy tiếng là lụt. Cái chái có nền cao, tráng xi măng, nhưng nước lụt vẫn tràn vào nhà. Bù lại có tiếng nhạc và thỉnh thoảng cụ Hàn Trịnh đem cà phê xuống, ngồi nói chuyện văn thơ và cụ thường đọc cho nghe những bài thơ cụ mới làm mà cụ gọi là thơ Lê để đối với thơ Đường.

Giang Đông đến thường khen chỗ ở hợp với tôi và so sánh đời nhàn nhã của tôi với đời mua bán sách cũ, suốt ngày phải lang thang với nắng bụi đường. Tôi cười nói: Sông có khúc, người có lúc. Trước 75, ông không ra trận để làm tướng mà ngồi ở khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhất. Còn tôi thì đêm ngày ở chiến trường vùng hỏa tuyến. Bây giờ chúng ta đổi vị thế: Ông lang thang ngoài đường, còn tôi ngồi trong nhà dạy học. Khi về cái chái nhà thì luôn có tiếng nhạc từ xa vọng tới – Nói rồi tôi kéo Đông lên cà phê Ngự Uyển và bảo cô Bội Yến đổi băng nhạc, cho nghe tiếng hát của cô.

Giang Đông có một thói quen dậy rất sớm. Thường khoảng hơn 5 giờ sáng Đông đã qua đập cái cửa chái, gọi lớn. Khi tôi dậy mở cửa, anh không vào nhà mà chỉ nói: “Đi cà phê”. Lần nào Đông cũng đưa tôi tới quán cà phê ở bên cạnh nghĩa trang Đô Thành, Chí Hòa, đường đi vào Giáo Xứ Bắc Hải và cư xá sĩ quan Chí Hòa. Anh gọi 2 ly cà phê sữa với 2 cái bánh rán, loại bánh phồng tròn. Uống xong Đông đứng dậy: “Thôi mình đi”. Nhiều lần tôi cầm tiền sẵn để trả thì Đông gạt đi, bảo: “Để mua gạo, mình kiếm được để mình trả”. Không biết Giang Đông gặp nhà thơ miền Bắc Trần Mạnh Hảo ở đâu và bao giờ, nhưng đã hai lần Đông tới tôi đưa ra quán thịt chó ở gần ngã ba Ông Tạ và Đông đã giới thiệu tôi với Trần Mạnh Hảo. Rồi lại cùng Trần Mạnh Hảo đi ăn cưới người bạn tên Thái, người đã giúp tôi dọn đồ đạc khi tôi mới tới Ngự Uyển. Ở đây, giữa đám thực khách ăn uống ồn ào, tôi đã được Trần Mạnh Hảo đọc cho nghe mấy bài thơ mới làm và tôi đã thấy ngôn ngữ phản tỉnh, phản kháng chế độ của Hảo từ năm 82. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi đọc tập truyện Ly Thân và những bài ca ngợi văn hóa miền Nam của Trần Mạnh Hảo trong thập niên 1990.

***

Ở trong nước, tôi không được đọc thơ của Giang Đông, vì cuối thập niên 1960 Đông xuất bản những tập thơ: Đắc Khanh và Mầu Sắc Quê Hương, Thông Điệp, Trở Mình và Tiếng Hát Trên Đồi Cao thì tôi đã ra Thừa Thiên. Giai đoạn này tôi biết Giang Đông đã nổi tiếng đồng thời với những nhà thơ trẻ như Du Tử Lê, Trần Bất Bạt, Vương Đức Lệ… Năm 1994, Giang Đông qua Mỹ theo diện HO, theo nữ sĩ Thư Khanh, thì Đông khoái làm báo, nên khi đến Seattle là vào ngay báo Phương Đông Times để xả hơi trên báo chí, và Giang Đông lại làm thơ. Đến năm 1996, liên lạc được với tôi, Đông gửi cho mấy bài và gần đây mới tìm đọc thơ Đông trên net, nhưng cũng chỉ được ít bài. Viết bài này, tôi không chủ ý viết về thơ Phan Lạc Giang Đông mà viết về đời thường, cách sống và nhất là về sự tương giao của Giang Đông với bạn bè. Tuy vậy, vì viết về nhà thơ, nên tôi cũng ghi lại ít dòng thơ Giang Đông.

Trước hết trong bài: “Thi ca và thi nhân – Phan Lạc Giang Đông”, nhà nghiên cứu Cao Thế Dung đã nhận định về thơ Giang Đông như sau:

“Thơ Phan Lạc Giang Đông mới xuất hiện gần đây. Thơ ông tiêu biểu cho một phẫn nộ của tuổi trẻ đô thị miền Nam, đang là nhân chứng bất đắc dĩ của một thời nội chiến thê thảm nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Thi ca trong giai đoạn này đã chuyển biến bất ngờ và lớn lao, với những hình tượng độc đáo, xuất phát từ cảnh ngộ đen tối của vận mệnh dân tộc giữa cơn nồi da xáo thịt và vong nô từ hai chiều hướng Nam, Bắc… Phan Lạc Giang Đông, một trong những người trẻ tuổi làm thơ, đã một lần dùng thi ca như một

giải tỏa cơn dồn nén đau thương nhất của tuổi trẻ và thơ, qua thi tập Đắc Khanh và Mầu Sắc Quê Hương (1967) đã trở thành thái độ biểu quyết dứt khoát thế đứng của tuổi trẻ, dù thế đứng ấy chơi vơi giữa khoảng lưng chừng, không bám víu vào đâu, dù là một hy vọng mong manh từ thực tại của nó… Thơ Phan Lạc Giang Đông trước hết thiên về khuynh hướng đấu tranh. Mà nói đến đấu tranh tất có bạn có thù… Thơ tranh đấu xuất phát từ đó, và ở Phan Lạc Giang Đông đã thể hiện rõ đường hướng này qua bài Chúng Ta Đứng Lên Mặt Trời Đỏ Lửa:

Chúng ta ngồi đây, đêm tối bao vây
Chung quanh ta nhiều điều làm sao nói hết
Chung quanh ta nhiều khuôn mặt

Từng tháng ngày tiếp nối thiếu trăng sao

Chúng ta ngồi đây, cuộc chiến đấu này và hòa bình nhảy múa
Trên từng ô vườn thửa ruộng.

Chúng ta nhìn hòa bình 
Ôi hòa bình vô cùng vĩ đại.
Chúng ta ngóng tương lai suốt đêm dài
Và tình thương nghiêng đổ trên vai

Lệ có khô trên mắt già, mắt trẻ
Tóc có xanh mùa lúa mới quê hương?
Chúng ta đợi chờ vào đêm thứ mấy?
Để nhìn, để nghĩ, để căm hờn

Lời đấu tranh bỗng sáng ngời bút thép
Lời thơ vang tiếng cồng

Chúng ta đã đứng lên
Mặt trời bỗng nhiên đỏ lửa
Ngàn triệu cánh tay tạo thành trì vững mạnh
Trùng trùng điệp điệp thi ca

Khi chúng ta đứng lên
Ngôn ngữ của chúng ta
Phải là của chúng ta.

Khi đế quốc Liên Xô sụp đổ, Giang Đông ở Sài Gòn đã sáng tác bài Gorbachev để ca ngợi kỷ nguyên mới tự do dân chủ:

Sáng nay

Giữa Sài Gòn, miền Nam Việt Nam

Tôi mở tung những hy vọng vinh quang

Của thế kỷ, của toàn nhân loại

Tôi hát lớn trong vô vàn nhân ái

Hội loài người đã về dự thươngyêu

Có tin vui từ phương Bắc nắng reo

Có gió ngọt ngào báo mùa thayđổi

Trái đất hôm nay có một nguồn sống mới

Có mùa xuân nở lại nước Nga

Có rộn ràng triệu triệu tiếng chim ca

Góc phố Sài Gòn miền Nam nước Việt

Tôi, nhân danh người làm thơ dân tộc

Tôi mừng tủi, nước mắt trào đã khóc

Gorbachev

Nồng nàn men đời chất ngất

Ly rượu ân tình của thế kỷ hai mươi

Tôi đã nghe hàng triệu tiếng vui cười

Các bác, các anh, các chị

Những mùa đông đã thôi rầu rĩ

Những con đường thơm ngát hoa tươi

Những Đông Âu thắm lại tình người

Những câm nín hôm nay đã cùng bày tỏ

Gorbachev ơi

Sáng nay nhân loại đón tên người

Thế giới bây giờ thắm lại sắc xanh tươi.

(Ghi ngày cờ Đại Nga được kéo lên ở điện Kremlin)

Những dòng thơ tố cáo thực cảnh dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với Bà mẹ Việt Nam trên chuyến tàu thống nhất.

Trên những chặng đường xuôi Nam ngược Bắc

Những ga buồn của câm nín thời gian

Những điêu tàn một thuở lầm than

 Những khác biệt ngôn từ ranh giới

Những nghịch lý trên quê hương diệu vợi

Những giả nhân giả nghĩa thiệt hơn

Tôi đã đi suốt những chặng căm hờn

Của chuyến tàu Thống Nhất.

……..

Những điều trái trở thành sự thực

Những dối gian thành lẽ sống con người

Những diễn viên diễn xuất không thôi

Từ cha con, anh em, bè bạn

Ở góc tàu theo những tháng năm

Một bà mẹ còng lưng đi xin ăn Nam Bắc

Nước mắt mẹ nóng hờn tủi cực

Chống gậy theo tàu qua những bến bờ xa

Mẹ xuôi Nam nắng ấm nở hoa

Lòng mẹ no từng đồng tiền gói bánh

Mẹ chán những huy chương thần thánh

Bốn đưa con đã ngã xuống chiến trường

Cũng chỉ vì xã hội quê hương

Những danh xưng quyết tâm độc lập

Những mỹ từ đã phơi bày sự thực

Tấm giấy ban khen không đổi được một đồng

Lũ cháu thơ vẫn đợi vẫn trông

Từng manh áo bát cơm ước mơ no đủ

Danh liệt sĩ như nỗi buồn ủ rũ

Trên đất mẹ xa xăm theo ngày tháng héo mòn

….

Đã mấy chục năm mẹ thèm sự thật

Đã mấy chục năm đè nặng khổ đau

Những ngôn từ lừa bịp theo nhau

Phủ xuống cuộc đời bị trị

Nước mắt mẹ khô suốt gần thế kỷ

Mẹ chỉ còn một khát vọng thương yêu

Mẹ chỉ còn no đủ bữa cơm chiều

Và giấc ngủ ở xó toa

Trên chuyến tàu mang tên Thống Nhất.

(Ga Đồng Hới 1984. Ghi vội trên xe lửa Thống Nhất) 

Giang Đông với mấy vần tình ca:

Chiều đã xuống rồi em

Phố mịt mù bóng đêm

Phố xa mùa tạ lễ

Phố đầu rồi thân quen

Đèn nhà ai thắp sáng

Nhớ nhung đến vô bờ

Chuyến xe chờ xuống phố

Khuya ôm tôi tình cờ

Áo đời tôi hừng nắng

Mãi sưởi ấm tình em

Môi em giờ còn thắm

Ru hồn nhau từng đêm

Em nghiêng nhìn núi biếc

Tìm tận đáy tình thương

Tôi nghiêng nhìn núi biếc

Núi đâu rồi cố hương?

 (Chiều Queen Anne)

Trong những vần thơ, Giang Đông luôn xiển dương sứ mệnh của người cầm bút:

Những vẻ đẹp từ đường cong khép nép

Những hương hoa từ tiếng gọi tên em

Khi xiêm y nũng nịu ấm êm

Anh vẫn là anh của tình chân thiện

Anh vẫn đi dù muôn ngàn lừa phỉnh

Dù bao nhiêu cản trở lọc lừa

Anh vẫn là người sáng tạo muôn thu 

Người văn nghệ đi bằng tim óc

Anh hay chị đã biết cười, biết khóc

Đã biết yêu từ cái nhỏ mà vui

Đã biết nâng niu từ ngọn bút thắm tươi

Chị hay anh vẫn là người đi tới

Phải tự mình đi với lòng phơi phới

Của tổ quốc ta ngóng gọi hằng đêm

 Của ánh đèn trí tuệ của thân quen

Dân tộc sống nơi bút thiêng sắc mực

Người văn nghệ luôn luôn phải thức.

(Gửi người văn nghệ)

Trong khi viết bài này, tôi luôn nhìn thấy hình ảnh một Phan Lạc Giang Đông năng động, làm gì cũng ào ào như gió cuốn, từ việc truyền bá thơ Quang Dũng lúc mới 16, 17 tuổi, tới thời ở trong tù, rồi ra tù gặp lại ở khu Ông Tạ. Khi qua Mỹ, gặp lại Đông qua thư hay điện thoại, tôi vẫn thấy chất này ở Giang Đông. Anh liên tục gửi những bài thơ mới làm, những trang hồi ký “Để cho cuộc chiến lụi tàn”, gửi những bài viết ở mấy tờ báo, thúc giục tôi viết cho Người Việt Tây Bắc, Phương Đông Times… Thích thú mô tả hồ, núi xanh ở Seattle như Đà Lạt và mời tôi qua Seattle để thấy lại Đà Lạt ở Mỹ. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi đọc những lời giới thiệu thơ Phan Lạc Giang Đông ở trang mạng Sài Môn Thi Đàn: “Thi sĩ Phan Lạc Giang Đông là một nhà thơ nổi tiếng trước năm 1975 với các thi tập đã xuất bản gồm: Đắc Khanh và Mầu Sắc Quê Hương, Trở Mình, Thông Điệp, Tiếng Hát Trên Đồi Cao. Ông sang Mỹ qua diện HO năm 1994, và đã viết cho nhiều tờ báo tại Hoa Kỳ. Đặc biệt một số bài thơ của Phan Lạc Giang Đông đã chuyển sang Anh ngữ và được đăng trong các tuyển tập thi ca Hoa Kỳ như thi tuyển ‘A Blossom of Dreams’, Reaching Other Worlds. Riêng bài Holly Park and the Colors of my Homeland của ông đã là bài thơ được đặt lên hàng đầu của thi tuyển quan trọng ‘A Celebration of Poets’. Trước khi qua đời vào cuối năm 2001, thi sĩ họ Phan đã trở thành Hội Viên Ưu Tú của Hiệp Hội Thi Ca International Society of Poets.”

Như thế là qua đến Mỹ, Giang Đông đã vùng vẫy đưa thơ của mình vào thế giới thơ Hoa Kỳ, thế giới thơ tiếng Anh, và đã thành công. Tôi không hình dung được là Giang Đông đã làm thế nào để vừa đi làm ở hãng xưởng, vừa làm báo, viết hồi ký, làm thơ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, giới thiệu những tác phẩm mới như đã tổ chức giới thiệu nhà thơ Du Tử Lê từ Nam California lên Seattle để ra mắt tác phẩm.

Đối với văn nghệ đã thế, đối với bạn bè Giang Đông luôn rộng rãi hào phóng. Với người viết thì sự hào phóng của Đông đã rõ. Ở đây tôi muốn ghi thêm hai trường hợp nữa về tính chất này:

Thứ nhất, với nhà văn Thế Phong. Trong bài “Tất cả dòng sông đều chảy và Phan Lạc Giang Đông” ở trang mạng Virgil Gheorghiu, nhà văn Thế Phong đã viết: Đông dẫn tôi tới quán ăn Phương Đông, góc Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự. Thời bao cấp được mời tới quán ăn, thật tình rất phấn khởi. Đông bảo: “Bữa nay em đông bạc, mới đi buôn đường dài Hà Nội về. Anh tự do chọn món ăn khoái khẩu, uống la de tùy thích, hút 3 số 5 cho đã.”

Thứ nhì, với nhà văn Phan Nhự Thức. Trong bài “Phan Nhự Thức và quán Quảng Nam”, nhà văn Trần Yên Hòa đã viết: Buổi đầu tiên của đêm khai trương Quán bún bò của vợ chồng Phan Nhự Thức có Trần Yên Hòa, Trần Thế Phong, Phan Lạc Giang Đông, Phổ Đức, Hà Nguyên Thạch, Lê Mai Lĩnh, Ngô Đình Long, Trần Thanh Ngọc và Lương Văn Khiêm. Để cho buổi khai trương thêm rôm rả, chúng tôi uống bia Con Cọp và ăn khô cá thiều.

Sau khi bia “dỏm” vào lời ra, Phan Lạc Giang Đông lên giọng đề nghị: “Để chúng ta thường xuyên gặp nhau, vừa giúp đỡ vợ chồng Phan Nhự Thức luôn luôn có khách, tôi đề nghị chúng ta cứ mỗi thứ Năm lại gặp nhau một lần ở đây và từng hai người một, bắt cặp nhau để lo cho bữa nhậu, dĩ nhiên tùy theo khả năng từng người”. Lời đề nghị này được anh em tán đồng và chia bắt cặp.

Giang Đông là thế, luôn luôn có sáng kiến, đi đầu trong mọi việc. Viết những dòng này, tôi nhớ lại những buổi trưa, buổi chiều ăn cơm cháy, nghe thơ Quang Dũng trong tù, nhớ lại lúc Giang Đông dẫn tôi tới cà phê Ngự Uyển tìm chỗ ở, rồi lên đường Công Lý tìm chỗ dạy tiếng Anh. Nhớ lại tiếng đập cửa, gọi lớn của Giang Đông những buổi sáng trời còn tối ở cái chái. Sau khi ra tù tôi có hai ân nhân là thầy Lê Mạnh Thát đã chữa bệnh ghẻ có thể chết và Phan Lạc Giang Đông đã giúp tôi có thể ở lại Sài Gòn.

Ông Giang Đông, tôi nợ ông những miếng cháy trong nhà tù. Nợ ông những ly cà phê, bánh rán ở quán cà phê không tên bên cạnh nghĩa trang Đô Thành Chí Hòa, và nhớ mãi cái gạt tay của ông với câu: “Để mua gạo, mình kiếm được để mình trả.”

Việt Dương