Lê Nguyễn: Một bất ngờ đã không xảy đến trong lịch sử. Khi miền Nam suýt trở thành một tỉnh của nước Đức

Năm 1870, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra với thất bại nghiêng về phía Pháp. Điều này làm trầm trọng thêm những khó khăn mà đế quốc Pháp gặp phải về mặt tài chính vào những năm cuối thập niên 1860. Trong cuộc chiến tranh trên, một vài sự kiện liên quan đến thuộc địa Nam kỳ đã không được các tài liệu nghiên cứu sau này đề cập đến. 

Theo J. Bouault, tác giả quyển La Cochinchine et la guerre de 1870-71 (Nam kỳ và cuộc chiến năm 1870-71) đăng trên Tạp chí lịch sử thuộc địa Pháp tháng 11.1929, tin tức về cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ vào tháng 7.1870 đã lan tới Sài Gòn vào ngày 5.8.1870 và nhiều thiệt hại của quân đội Pháp ghi nhận được vào ngày 25.9.1870. Tuy nhiên, đó chỉ là tin không chính thức trong nội bộ các viên chức Pháp. Mãi đến ngày 20.10, Thống đốc Nam kỳ Cornulier mới được thông báo chính thức. Bouault đã viết về sự kiện này như sau (trích): ”Bị thu hút bởi cuộc chiến gian khổ tại Bắc kỳ chống lại các băng cướp người Hoa từ Vân Nam tràn xuống, triều đình Huế đã không tạo nên những cuộc khuấy động có tính thù nghịch trong những tỉnh của người Pháp. Bằng biện pháp phòng bị an toàn, vị Đô đốc-Thống đốc đã ban bố tình trạng giới nghiêm vào ngày 8.11 và tuyên bố trục xuất các cư dân Đức đang nắm giữ vị trí quan trọng trong ngành thương nghiệp địa phương…” (G. Taboulet dẫn trong La geste française en Indochine, Paris 1955, trang 577)

Ở một đoạn khác, Bouault viết rằng vào cuối tháng 8.1870, một tàu chiến đã có mặt ở Brest, nơi đó, người ta chuẩn bị đưa xuống tàu những kiệt tác hội họa ở bảo tàng Louvre, những viên kim cương gắn trên vương miện, nhằm chuyển đến Sài Gòn, nơi được coi là một kho chứa an toàn, phòng trường hợp quân Phổ tấn công và cướp đoạt. Nhưng đặc biệt nhất là tiết lộ quan trọng sau đây của Boault về số phận thuộc địa Nam kỳ trong chiến tranh Pháp-Phổ:

(trích): “…Người ta cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy từ đầu cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, một nhật báo Anh về Viễn Đông đã nhiều lần ám chỉ sự kiện nhượng đứt xứ Nam kỳ thuộc Pháp cho nước Phổ trong một hòa ước (báo European Mail những ngày 12, 19, 26.8 và 30.9.1870, các ngày 8.10 và 4.11.1870, tin đã được tòa Lãnh sự Pháp ở Bangkok báo cho Thống Đốc Nam kỳ)…” 

Sau trận đánh ở Sedan, ngày 2.9.1870, hoàng đế Pháp Napoléon III trở thành tù binh của quân Phổ, việc điều hành chính quyền nằm trong tay Hoàng hậu Eugénie.

Trong một tài liệu phổ biến vào năm 1903, Théophile Gautier con, nguyên Quận trưởng Pontoise, có kể lại chuyến đi đến Paris để hội kiến với Bá tước Bismarck, Thủ tướng Phổ, một người hùng trong chiến tranh Pháp-Phổ, theo lệnh của Hoàng hậu nhiếp chính Eugénie, để trao tận tay ông này một bức thư gửi cho hoàng đế nước Phổ. Bức thư đó nêu lên một số đề nghị như sau:

– Phá hủy các phòng tuyến ở Strasbourg, thành phố được công nhận tự do, quản trị độc lập.

– Nước Pháp trả cho Phổ một khoản chiến phí là hai tỉ quan Pháp.

– và cuối cùng, đề nghị giao cho Phổ thuộc địa Nam kỳ của Pháp, được mô tả là một vùng đất trù phú có thể đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của chính quốc, thậm chí còn dư dả nữa.

Gautier được cử đi tiếp xúc với Thủ tướng Bismarck, trình lá thư của hoàng hậu nhiếp chính Eugénie. Sau khi chăm chú lắng nghe Gautier nêu lên đề nghị giao đất Nam kỳ cho Phổ khai thác và quản lý, bá tước Bismarck đã suy nghĩ trong mấy giây và trả lời với một cung cách nhún nhường: “Ồ! Ồ! Nam kỳ ấy à! Đó là một miếng quá to đối với chúng tôi. Chúng tôi chưa đủ giàu để sắm cái món thuộc địa xa xỉ ấy…”

Câu chuyện dừng lại ở đó, Bismarck hẹn với Gautier gặp lại vào buổi chiều, vì ông ta vừa được hoàng đế Phổ cho người gọi đến hội kiến. Về sau Gautier được thông báo là phía Phổ không chấp nhận những đề nghị của Hoàng hậu Eugénie. 

(Théophile Gautier fils, Une visite au comte de Bismarck, Versailles, Octobre 1870, Rev. Paris, 15.8.1903, trang 763-792)

 Lễ thành lập đế quốc Đức ngày 18.1.1871, sau khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ kết thúc

Thử tưởng tượng nếu người Đức mặn mà với thuộc địa Nam kỳ và đồng ý tiếp nhận để biến nó thành một tỉnh của Đức sau này, không biết rồi dòng chảy lịch sử sẽ hướng về đâu?

***

Cách nay nhiều năm, tôi có viết về câu chuyện này trên một tạp chí, sau in thành sách, trong đó có đoạn như sau (trích): “Lẽ ra bộ máy quyền lực ở Huế phải nhận thức được thời cơ của một cuộc xoay chuyển tình thế, lãnh đạo hay chí ít cũng tích cực hỗ trợ những cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục diễn ra khắp nơi, thì họ lại giữ một thái độ hoàn toàn thụ động … Do đó, sẽ không phải là điều quá đáng khi cho rằng sự kiện này tố cáo với bọn thực dân một thái độ bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn, khuyến khích và giúp chúng vững tâm hơn khi tiếp tục triển khai kế hoạch thuộc địa hóa toàn bộ Việt Nam vào những thập niên 1870-1880…” (hết trích)

Bây giờ đọc lại đoạn trên, tôi cảm thấy ít nhiều xấu hổ về sự thô thiển của mình. Tôi đã lấy những điều kiện tiếp cận thông tin thời hiện đại qua báo chí, điện thoại, internet… làm tiêu chí để đánh giá về những gì đã diễn ra cách nay hơn 150 năm, khi mà người Việt Nam chưa có báo chí quốc tế để đọc, chưa có điện thoại để liên lạc với thế giới bên ngoài, một thông tin từ Pháp chuyển về Việt Nam phải sau hàng tháng trời, qua con đường hàng hải. 

Vì vậy, thông tin về cuộc chiến tranh Pháp-Phổ không thể được triều đình Huế nắm bắt kịp thời như cách tiếp cận thông tin của chúng ta ngày nay. Mặt khác những tin tức về tình hình kinh tế, tài chánh của Pháp như thế nào, còn phong phú hay đã cạn kiệt, cũng là điều vượt quá khả năng hiểu biết của vua quan nhà Nguyễn. Thế thì trách họ đã không nắm bắt thời cơ khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, liệu có bất công và quá đáng hay không? Chúng ta nói với nhau điều này dựa trên tinh thần khách quan và công bằng của lịch sử, chứ nếu muốn lên án triều Nguyễn với bất cứ lý do nào như nhiều người đã làm trước đây thì điều đó không khó khăn một chút nào.

Lê Nguyễn 

23.3.2024