Thầy Thích Minh Tuệ

Hoàng Anh Sướng: Đôi lời về Sư Minh Tuệ: Xin hãy để cho sư được yên tĩnh để sư toàn tâm toàn ý trên con đường tu học

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên “hiện tượng” sư Minh Tuệ – một vị khất sĩ tu theo lối khổ hạnh (Hạnh đầu đà) ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường… với những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái thầy như một vị Phật sống nhưng cũng có không ít kẻ chê bai, cười nhạo, nghi ngờ, thậm chí phỉ báng.

Rất nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến sư Minh Tuệ đi bộ khất thực. Cá nhân tôi, một Phật tử đã đến nhiều nước Phật giáo nguyên thủy như Miến Điện, Thái Lan, Cam Pu Chia…, không lấy gì làm lạ. Tôi cũng đã từng leo lên nhiều ngọn núi cao, nổi tiếng linh thiêng ở Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, là nơi tu tập của hàng trăm các vị tu hành thuộc nhiều tông phái: Thiền tông, mật tông, tịnh độ tông… Họ ẩn tu trong những hang đá, những cốc dựng sơ sài giữa bốn bề là thiên nhiên âm u, thanh tịnh. Nhiều người nhập thất đã vài tháng. Có người suốt chục năm trời chưa một lần xuống núi. Họ cách ly hoàn toàn với thế giới ồn áo, náo nhiệt bên ngoài, tu tập miên mật những mong giác ngộ và giải thoát. Tôi đã gặp gỡ một số vị khất sĩ, lắng nghe những sẻ chia về hành trình tu tập của họ và cả những câu chuyện kỳ bí đã và đang xảy ra ở đây. 

Tìm hiểu về sư Minh Tuệ qua một số clip trên mạng, được biết, sư tu theo “Hạnh đầu đà”, là một trong những phương pháp tu khổ hạnh có từ thời Đức Phật, trong đó, tiêu biểu nhất là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – vị “Thánh Tăng đệ nhất đầu đà”. Pháp tu này được quy định cụ thể với 13 điều sau đây: 1. Y phục làm bằng những mảnh vải rách. 2. Chỉ dùng ba y. 3. Khất thực mà ăn. 4. Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 5. Không ăn quá no. 6. Không giữ tiền bạc. 7. Sống độc cư. 8. Sống trong nghĩa địa. 9. Sống dưới gốc cây. 10. Sống ngoài trời. 11. Không ở cố định, thường du hành. 12. Ngồi ngủ, không nằm ngủ. 13. Chỉ dùng bình bát. 

Mục đích của pháp tu này là diệt trừ lòng tham trước ba vấn đề thiết yếu nhất của đời sống hằng ngày. Đó là cơm ăn, áo mặc và chỗ ở, nhờ vậy mà thoát ly khỏi tham dục. Bởi giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, an nhiên tự tại với mọi thứ trong đời sống hàng ngày. Thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử của Ngài đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà chứng đạo. 

Trở lại “hiện tượng” sư Minh Tuệ. Tôi chưa từng gặp gỡ sư ở ngoài đời bao giờ. Nhưng xem kỹ một số clip trên mạng, thấy sư đã và đang thực hành đúng theo Hạnh đầu đà. Khuôn mặt sư trông gầy gò, da đen nhưng rất sáng. Sư nói năng giản dị, mộc mạc, chân thành và rất khiêm nhường. Nói chuyện với ai, sư cũng xưng là “con”. Sư không thuyết giảng những gì cao siêu, huyền bí của đạo Phật. Nếu ai đó gặng hỏi về phương pháp tu tập, sư luôn nói về việc giữ GIỚI. Điều đó rất đúng với lời Phật dạy. Bởi con đường của giải thoát là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ. Trước những cử chỉ đôi khi quá tôn kính của người đời, sự luôn khiêm hạ đáp lễ, không bao giờ xưng là Thầy và luôn nói sư đang “tập học”. 

“Vậy tại sao một vị khất sĩ đang trên con đường tu học, chưa chứng đắc nhiều lại trở thành “hiện tượng”, được quá nhiều người dân trân trọng, tôn kính?” Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi ấy. Tôi nghĩ, một trong những lý do căn bản nhất là bởi sư Minh Tuệ đã giữ giới, sống thiểu dục, khiêm hạ, không nhận tiền, không nhận vật thực cúng dường khi bình bát đã đầy thức ăn, lấy việc tu thân, tu tâm làm sự nghiệp cho mục đích tối thượng của đạo giác ngộ giải thoát. Hình ảnh vô cùng giản dị ấy của sư Minh Tuệ gợi cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh tăng đoàn của Đức Phật cách đây 2.600 năm khi đi khất thực. Nó càng trở nên thật đẹp, thật ấn tượng khi môi trường đạo Phật ở nước ta hiện nay đang bị ô nhiễm nặng bởi nhiều sư không giữ giới, tham lam vô độ, suốt ngày tìm cách vơ vét tiền cúng dường của dân, đi ô tô sang, đeo đồng hồ, dùng điện thoại đắt tiền, nơi ở thì lộng lẫy, cao sang như cung vua phủ chúa…. Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ giống như dòng suối trong, mát lành giữa những sông, hồ đang bị ô nhiễm, bốc mùi xú uế nên được đông đảo dân chúng chào đón, tôn kính. 

Song, cá nhân tôi, khi xem những thước phim quay cảnh sư Minh Tuệ đi đến đâu, dân chúng kéo theo kìn kìn, trong đó, có nhiều Youtuber, Tiktoker, tôi không khỏi lo lắng cho sư. Bởi một người đang trên con đường tu học đạo, cần tránh xa sự ồn ào. Nhất là khi gần đây, tôi nghe tin, một số vị sư nổi tiếng trong nước đã “lên tiếng” về sư Minh Tuệ và trong đám đông đi theo sư, đã xuất hiện bóng dáng của an ninh. 

Vì vậy, tôi tha thiết mong mọi người, nếu thực sự yêu mến sư Minh Tuệ, hãy để cho sư được yên tĩnh để sư toàn tâm toàn ý cho việc tu học. Và nếu như đủ duyên gặp sư Minh Tuệ ngoài đời, tôi sẽ nói với sư: hạn chế tối đa việc trò chuyện với các Youtuber, Tiktoker. 

Cầu mong sư chân cứng đá mềm, viên thành trên con đường tu học đạo giác ngộ, giải thoát.

Hoàng Anh Sướng 

***

Trần Huy Mẫn: Điều gì đang xảy ra khi Thích Minh Tuệ “tái xuất hiện”?

1) Hình ảnh Thích Minh Tuệ đã làm thay đổi cách nhìn một chiều đối với Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Tại sao là một chiều? Bởi không ít vị tu sĩ cho rằng tu sĩ phải đầu tròn, áo vuông, phải được giáo hội công nhận, phải có danh xưng cao đạo này nọ mới được gọi là tu sĩ. Nhưng ẩn sâu đằng sau những hình tướng này ra sao, đó mới là quan trọng.

2) Hình ảnh đầu đội trời, chân đạp đất trên khắp mọi nẻo đường đã làm lung lay những bước chân quen bước lên xe máy, xe hơi, máy bay sang trọng của nhiều vị tu sĩ?

3) Hình ảnh ba y phấn tảo được chắp, vá từ những mảnh vải lượm ở bãi rác, bãi tha ma, khiến cho những bộ hoàng y của nhiều tu sĩ bị lu mờ?

4) Hình ảnh chiếc “bình bát” được chế từ lõi nồi cơm điện vì sợ làm hoen ố hình ảnh bình bát của Phật, những bình bát mà rất nhiều tu sĩ dùng để nạp đầy những “món đồ” không đúng với Phật pháp”?

5) Hình ảnh từng bước chân an lạc, đi khắp mọi nẻo đường của tổ quốc, dưới trời mưa, giá lạnh hay nắng nóng 30-40 độ C chỉ để rèn luyện sức khỏe và học hỏi lối sống tàm quý, tri túc, biết đủ khiến cho vô số các tu sĩ quen hành cước trong các đạo tràng cao sang phải nhột nhạt?

6) Hình ảnh một ngày ăn một bữa trước ngọ, sau ngọ ai cho, ai tặng, ai cúng dường bất cứ thứ gì đều nhất quyết không nhận, cho dù một vật nhỏ đã khiến nhiều tu sĩ ngày ăn ba bữa, nhận đồ cúng dường phi thời, cảm thấy bị thương tổn vì quyền lợi đang bị thu nhỏ và đe doạ?

7) Hình ảnh ai cho tiền, nhét tiền, ép nhận tiền vào tay nhưng nhất quyết không nhận, vì nhận tiền là phạm giới, khiến cho không ít tu sĩ quen, thường nhận tiền, tìm mọi cách để nhận tiền của chúng sanh phải đổ mồ hôi hột?

8) Hình ảnh đắp y phấn tảo, an nhiên tự tại giữa bốn mùa nóng lạnh, kiết già qua đêm trong hang núi sâu, dưới rừng lá rậm, trong căn nhà hoang hay giữa bãi tha ma… khiến cho nhiều tu sĩ quen nằm giường cao, nệm đẹp, có máy điều hòa phải cảm thấy bất an?

9) Hình ảnh nụ cười an lạc luôn nở trên môi, từ bi cầu nguyện an lạc cho những chúng sanh ngay cả khi bị chúng sanh chửi bới, đánh đập, xua đuổi… Khiến không ít tu sĩ đã quen cảnh được chúng sanh khúm núm, xu nịnh, cung phụng… cảm thấy nhức nhối?

10) Luôn xưng con với tất cả chúng sanh – tự tại, vô ngại, vô ngã khiến không ít tu sĩ quen núp trong ảo tướng giả tạm đứng ngồi không yên?

11) Luôn phủ nhận mình là tu sĩ – vì không muốn làm mất đi hay làm ảnh hưởng tới hình ảnh tôn nghiêm, cao quý của Bổn Sư, bổn tự nơi mình xuất gia, mà chỉ khiêm hạ nhận mình là một công dân Việt Nam đang học thực hành theo hạnh nguyện của Phật khiến không ít tu sĩ và các cư sĩ cuồng tín tức tối?

12) Luôn pháp, lấy giới của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm Thầy, trang nghiêm trong từng bước chân, khiêm cung, lễ kính trước hết thảy chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ lơ mơ về pháp, sao nhãng, khinh khi giới luật của Phật phải tức tối, hoảng sợ. 

13) Luôn lấy Giới – Định – Huệ làm Thầy, làm nền tảng tu học, làm hành trang khuyến tấn hành giả, tùy duyên hóa độ chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ quen tu giới định huệ trên sa lon, phòng lạnh đứng ngồi không yên, ăn ngủ không ngon, không yên giấc?

Sự xuất hiện hiện của thầy Thích Minh Tuệ đang làm sống lại hình ảnh của chư cổ Phật, của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nhắc nhở, khuyến tấn chúng sanh đi theo con đường Bát Chánh Đạo để cùng nhau hướng về bến bờ giải thoát. 

Mọi thủ đoạn sử dụng đám đông để trà trộn gây hỗn loạn, xây dựng kịch bản ám sát & hãm hại, sử dụng công cụ truyền thông bôi xấu, dèm pha, chửi bới, hành vi nhục mạ, bức hại, đánh đập thầy Thích Minh Tuệ càng chứng tỏ một điều, đạo từ bi trí tuệ của Phật đang không ngừng tỏa sáng trên đất Việt.

(Nguồn Thiện Nhân, có hiệu chỉnh)

Trần Huy Mẫn 

***

Nguyễn Thanh Huy: Sư Minh Tuệ và pháp hành dưới góc nhìn Phật giáo

Vài năm trước, tôi có duyên được biết đến sư Minh Tuệ qua kênh Youtube Nhân Gà Vlogs. Hình ảnh sư được quay tại một hang đá ở núi Sạn (Nha Trang) – nơi cũng gần nhà tôi. Qua video, sư không thuyết pháp, cũng không tự nói về bản thân, mà chỉ trả lời, chia sẻ khi được hỏi, một cách rất chân thật về hành trình tu tập của mình. Điều mà tôi quan tâm, chú ý hơn cả là những chia sẻ về việc thực hành, trì giới của sư. Và tôi nhận ra sư Minh Tuệ đọc nhiều, hiểu rõ về kinh Nikaya và hành y theo những lời Đức Phật dạy. Từ đó có nhận định rằng đây là một bậc chân tu.

Đến hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới (tôi không thích dùng từ “nổi tiếng” đối với một bậc tu hành) và có sức lan toả rộng khắp, vượt ra cả biên giới quốc gia. Và câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về ông. Theo đó là rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Kính phục, ngưỡng mộ… có; chê bai, miệt thị … có. Muôn nẻo trần ai!

Nhưng may thay! Những người nghĩ tiêu cực về ông vẫn là thiểu số.

Sư Minh Tuệ tu theo pháp khổ hạnh đầu đà. Một số nhìn vào hành trạng và y áo của ông mà phỉ báng, nào là điên khùng, nào là hành xác, thiếu trí tuệ, không theo con đường Trung đạo mà Đức Phật khuyến khích. Nhưng những kẻ phỉ báng ông đâu biết rằng sư Minh Tuệ đang thực hành theo đúng chánh pháp, ông làm theo những lời dạy trong kinh nguyên thuỷ (1), đó là từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh –  một lối sống trong sạch, thanh tịnh, minh triết, buông xả tất cả, thiểu dục tri túc. Người ta nhầm lẫn khổ hạnh đầu đà là cách tu khổ hạnh trong 6 năm đầu của Đức Phật đi cầu đạo. Cái khổ hạnh ấy là ép xác, hành xác khiến cơ thể phải chịu nhiều đau đớn (có nguồn gốc từ Bà-la-môn). Như vậy, khổ hạnh đầu đà nghĩa nào đó là tiền thân của con đường Trung đạo và vẫn gần với nó nhất.

Nhiều người lại cho rằng tu hành quan trọng ở trí tuệ chứ không phải làm khổ cái thân. Nhưng họ nhầm lẫn giữa trí tuệ thế gian với trí tuệ Phật (2). Trí tuệ thế gian là khả năng nhận thức của con người, có từ di truyền và học hành. Trong khi trí tuệ Phật chỉ được khai mở khi người tu phải biết nghiêm trì giới luật. Có giới mới có định, có định mới sinh tuệ.  Cho nên Đức Phật nói ở đâu có giới hạnh ở đó có trí tuệ và ngược lại (3).

Thực hành hạnh đầu đà cốt lõi là để chấm dứt mọi phiền não trần cấu. Vì ở pháp hành này giúp hành giả có thể hộ trì các căn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh, dần đoạn diệt tham sân si. Đó là lí do vì sao người tu chỉ ăn ngày 1 bữa (giảm cái tham ăn), ngủ ngồi (giảm cái tham ngủ, vì nằm sẽ dễ ngủ say, li bì); mặc 3 y (thực chất là 1 bộ – nhu cầu tối thiểu, giảm sự lệ thuộc, tham ái vào y phục)…

Một số người lại chỉ trích, hạnh đầu đà sao không sống độc cư ở trong rừng mà cứ đi lang thang khắp cả nước làm gì. Thưa rằng, thời nay tìm rừng ở Việt Nam như thời Đức Phật tại thế là không thể. Và sư cũng từng có thời gian ẩn tu trên núi Sạn. Vậy tại sao ông quyết định chọn lựa cách bộ hành đi khắp đất nước? Như ông trả lời, đó là đi “tập học và rèn luyện sức khỏe”. Thực ra, nếu hiểu sâu thì ông đang thực hành đúng chánh pháp Như Lai. Vì đi như vậy là cách để ông chánh niệm thân – thọ – tâm – pháp; vì phải sống trong khổ, biết khổ,  chứng nghiệm khổ thì mới hiểu rõ nguyên nhân của khổ, khi đó khổ sẽ tự chấm dứt, chứ không phải mong thoát khổ để được lạc.

Trên bước đường của sư, nếu ông bị cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, sắc đẹp, tức cái tham dục đã khởi lên; hay ông cảm thấy bị phiền toái khi nhiều người vây quanh, quấy nhiễu, tức cái sân đã nổi lên… Do đó, nếu chỉ ẩn tu chưa chắc sẽ chế ngự được tâm khi đứng trước những xúc chạm của thế tục.

Lại nhiều kẻ phê phán rằng: Ông đi như thế có ích lợi gì cho xã hội? Cả xã hội ai cũng đi như ông thì lấy gì có ăn?

Đây là những câu hỏi thiển cận và có tính chất ngụy biện hoặc đề cao quá về bản thân mình.

Thế, hãy tự hỏi mỗi người chúng ta đã làm gì cho xã hội?

Ai cũng có phần đóng góp cho xã hội không nhiều thì ít, và những giá trị con người có thể tạo ra không chỉ được định lượng bằng vật chất, mà còn ở tinh thần.

Lẽ thường, cái mà ta đã làm được, dễ nhìn thấy, là cho bản thân và gia đình. Nhưng cái mà sư Minh Tuệ đã và đang làm cho xã hội lớn lao và rõ nét hơn ta nhiều, đó là:

Sư đã giúp nhiều người thấy được hình ảnh của Phật giáo nguyên thuỷ và bóng dáng tu hành – cuộc đời Đức Phật.

Sư như một tấm gương chiếu yêu có thể làm lộ ra chân tướng của một số “xàm tăng”, “chuyển khoản tăng”, “hiến kế tăng”…

 Sư đã khiến nhiều người đang mê lạc tà đạo thức tỉnh trở về với ánh sáng của chánh pháp.

 Sư đã khiến nhiều người vẫn giữ được niềm tin vào Phật giáo, và ngay cả những tín đồ tôn giáo khác cũng có cái nhìn thiện cảm và mến mộ đạo Phật.

Sư đã khiến nhiều người tự soi xét lại mình mà giảm bớt tham sân si trong cuộc sống. Thậm chí không ít người còn buông bỏ tất cả mà xuất gia theo bươc chân sư.

Và nghĩa nào đó sư đã khiến cho tình người gần gũi hơn, xã hội hoà ái hơn.

Vậy, nếu cả xã hội mà cứ làm được như sư thì tốt biết bao. Khi đó, tôi tin chắc, xã hội không chỉ có ăn, có mặc mà còn có một đời sống an lạc, hạnh phúc hơn rất nhiều. Nhưng tiếc thay, làm như sư sẽ không được mấy người đâu!

Lại có người thắc mắc rằng sao thầy tu mà xưng “con”, không xưng “thầy” với người khác?

Thứ nhất, ông đã chọn con đường buông xả, không còn ràng buộc việc tu tập ở chùa cũ, cũng như không nhận mình “là sư là thầy ai cả” cốt để khỏi ảnh hưởng đến bất cứ ai và không bị phiền hà về chuyện giấy tờ tu sĩ…

Thứ hai, việc tự xưng “thầy” của các nhà sư với phật tử ngày nay chỉ là thói quen trong giao tiếp. Không có sự ràng buộc nào. Suy cho cùng đó là văn hoá ứng xử tôn ti và qui ước xưng hô trong ngôn ngữ của người Việt, chứ nếu ở tiếng Anh thì cũng chỉ lả I – You, hay tiếng Trung là Wǒ 我 – Nǐ 你mà thôi. Ở một số cao tăng họ vẫn xưng bằng “tôi” hoặc pháp danh khi giảng pháp. Còn sư Minh Tuệ xưng “con” với tất cả đại chúng, hiểu sâu hơn, đó là ông đang thực hành phá chấp ngã, tức ông không quan niệm mình là “thầy”, bỏ qua cái tôi mà khiêm hạ với mọi người. Rõ ràng đây chính là tinh thần vô ngã.

Hiện tại trên bước đường tu, sư đến đâu dân chúng cũng kéo theo hàng trăm đến hàng ngàn người, và  trong đó có không ít youtuber, titoker, facebooker… Điều đó khiến nhiều người lo lắng, vì vấn đề an ninh hay sự phiền nhiễu cho việc tu tập của sư.

Theo tôi, chúng ta chớ vội mà trách cứ, chửi bới những người làm các kênh mạng xã hội. Hãy nhìn vào mặt tích cực của họ, vì nếu không có họ thì làm sao tạo ra những hiệu ứng tốt đẹp lan tỏa về một bậc chân tu. Và với thời đại này, cũng cần nhìn nhận rằng việc hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh, chia sẻ những điều tốt đẹp sẽ rất hữu hiệu khi có sự hỗ trợ của truyền thông, và mạng xã hội. Nếu không thì làm sao phật tử ở Việt Nam biết đến những bài giảng của sư Pháp Hòa, hay Tịnh Không và của những bậc cao tăng khác nữa.

Mặt khác, sự tụ tập của họ cũng là một phép thử để sư Minh Tuệ thực hành chế ngự tâm. Khi được nhiều người chú ý, sùng bái, vái lạy, nếu sư khởi lên cái tâm – mình là quan trọng, là trung tâm, là ngôi sao, thì ngay lập tức sư rơi vào ngã chấp, ngã mạn (tâm tham ái, cầu danh); nếu họ vây quanh khiến sư không có thời gian nghỉ ngơi sinh hoạt mà khó chịu, nổi giận, tức tâm sân đã sinh khởi. Cho nên những tình huống này là một phép thử cực đại trên bước đường trì giới và chánh niệm. Theo quan sát, dù đi bộ cực khổ đến đâu nhưng lúc nào trên mặt sư cũng an nhiên và luôn nở nụ cười. Có lẽ, sư đã đạt đến trạng thái tịch tịnh.

Hay nhiều người dân tỏ lòng thương xót cho sư, sì sụp khóc lóc, vì chứng kiến cảnh sư đầu trần chân đất dãi nắng dầm mưa… Sự rung cảm này có thể hiểu được nhưng đó là chúng ta lấy suy nghĩ và đôi mắt của người thế tục. Lựa chọn con đường khổ hạnh ấy khiến sư cảm thấy được lạc thọ nội tâm, và những trở ngại đó mới giúp sư đến gần với giác ngộ.

Lại có người lo cho sư vì những tai hoạ có thể ập đến bởi những thế lực đen tối. Xin cũng đừng lo, khi đã chọn con đường này thì phải là một bậc đại dũng. Chả phải sư từng nói “còn cho con sống thì con tu tiếp” đó sao? Đây là tinh thần vô uý khi sư đã thấu triệt vô thường, vô ngã. Điểu mà ta nên quan tâm là liệu sư có thực sự đã đạt được tâm thái đó hay chưa. Nếu đã đạt thì niết bàn cũng không còn xa nữa. Vậy tất cả nên hoan hỉ.

Tôi đoán, tất nhiên đến một giai đoạn nào đó, có thể là sau khi chứng nghiệm khổ, rèn được thân tâm, sư Minh Tuệ sẽ ẩn tu. Vì để đạt giác ngộ, khi giới hạnh đã đầy đủ, cần phải thiền để nhập định.

Chắc chắn những ảnh hưởng của sư đã khiến cho tiền rơi vào túi một số xàm tăng ít lại, và cứ đà này có khi họ phải bán ô tô, bán đất bớt mà tiêu. Cho nên không lạ gì việc chống phá, hãm hại sư Minh Tuệ đang vào guồng rất mạnh. Họ ban đầu bịa ra chuyện giả tu, và có cả một ê-kíp quay phim dàn dựng. Họ bôi bác tăng y, gọi áo “phân lô bán nền”, hay họ chê cái nồi cơm điện là bình bát không chính thống. Nhưng họ làm sao hiểu được sư đã đạt đến cái tâm phá chấp, sư đâu còn sợ mắc cỡ, hay bị quê với mọi người, và sư cũng có dùng điện thoại hay biết mạng xã hội nói gì đâu. Khi đã chọn đời sống phạm hạnh, sống xả ly, không gia đình, ngủ nghĩa địa thì trở ngại lớn nhất là gia đình, người thân mà sư còn vượt qua thì có sá gì.

Hèn nhất là họ đã chụp mũ cho sư, gắn nhãn tổ chức nước ngoài phản động, dựng lên một ông sư ăn mày để chống phá Phật giáo Việt Nam và phá hoại đất nước.

Xin thưa rằng Phật giáo Việt Nam bị phá hoại bởi những xàm tăng, ma tăng đang được hậu hậu thuẫn và dung túng. Chính họ đã lợi dụng thuyết nhân quả, luân hồi để xuyên tạc, bịa đặt, và hù doạ cho những người u mê sợ hãi bằng những viễn cảnh ghê rợn ở kiếp sau. Từ đó tiếp tục lợi dụng cúng dường như một phương cách để giải nghiệp báo, cầu phước báu, tăng trưởng công đức… Tiền càng nhiều càng tốt, và “người mà có tâm đạo cúng luôn cả nhà cho chùa… dọn đi chỗ khác ở, cứ ở cái chòi nào đó, ở bình thường thôi”. Tóm lại là cúng dường… cúng dường…

Do đó khi nào các “ma tử ma tôn”* đang trà trộn vào chùa, khoác áo nhà sư mà bị thanh lọc là lúc Phật giáo Việt Nam được chấn hưng.

Tất nhiên, khi tán thán về pháp hành của sư Minh Tuệ thì không đồng nghĩa với việc hạ thấp các pháp tu khác ở những bậc chân tu trên đất nước này. Mỗi người một căn cơ, một hạnh nguyện khác nhau nên không thể ai ai cũng phải giống nhau. Mỗi cá nhân có mặt ở thế gian này là để hoàn thành một “sứ mệnh” của riêng mình.

Nếu tiêu chuẩn của một người tu là giới hạnh thì rõ ràng người hành pháp sẽ cao hơn người hiểu pháp. Và thực hành được hạnh đầu đà là một công hạnh lớn, xưa nay không được mấy ai. Vậy, tán thán, kính ngưỡng giới hạnh là việc nên làm nhưng không nên sùng bái, suy tôn, thánh hoá sư Minh Tuệ ngay lúc này, vì điều đó sẽ khiến rơi vào tà kiến, ngoại đạo, đi ngược lại với tinh thần Phật giáo.

Để thấy rõ được ý nghĩa của việc tu hạnh đầu đà, xin dẫn lại lời Đức Phật khi tán thán hạnh tu của ngài Ca-diếp:

“Lành thay! Lành thay, Ca-diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca-diếp! Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.

Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.” (4)

_____________

Chú thích:

(1) Trong Kinh Sa-môn quả, Kinh Chủng đức
(2) Còn gọi là trí tuệ Bát nhã
(3) Trong Kinh Chủng đức
(4) Trong Kinh Tăng nhất A-hàm, (tập I)

Nha Trang, 10/05/2024
Nguyễn Thanh Huy, 

Giảng viên khoa Ngôn ngữ học trường Đại Học Khánh Hòa

Nguồn: Thư viện Hoa Sen