Phạm Lưu Vũ: Tu không chỉ là sửa
Bài lục bát:
“Nếu không có bác công nhân
Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày?
Áo quần ta mặc ai may?
Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà?”
Là bài học trong sách vỡ lòng ngày xưa, ngụ ý dạy trẻ con phải biết quý trọng người lao động. Hỏi trẻ con như thế là người lớn, hỏi người lớn như thế là trẻ con. Người lớn còn phải biết có vô vàn kiểu lao động, cả chân tay lẫn trí óc… Lao động tạo nên con người.
Lao động trí óc còn đóng vai trò quan trọng hơn lao động chân tay, vì trí óc dẫn đường cho chân tay. Có cả một “hội đồng lý luận trung ương”, nghe nói lương rất cao, mặc rất đẹp, đi xe rất sang, ở nhà rất to… chỉ mỗi việc tìm đường lên CNXH mà tìm mãi chưa ra, nhưng cứ phải nuôi, cứ phải tìm…
Tu cũng thuộc lao động trí óc, nhưng là loại lao động đặc biệt. Tu không chế ra máy móc, công nghệ, không làm tăng năng suất lao động, không cải thiện tiện nghi… Nhưng tu để cho con người biết sức mạnh của trí tuệ lớn đến mức nào.
Thời Đức Phật, các tu sĩ Bà La Môn ở Ấn Độ là những người có đẳng cấp cao nhất trong xã hội, cả xã hội có trách nhiệm phải phụng sự. Ở phương Tây cũng tương tự, giới tăng lữ luôn luôn là bộ óc, là sức mạnh trí tuệ của mọi xã hội. Tăng đoàn của Đức Phật không tự xếp mình vào đẳng cấp nào, nhưng coi việc bố thí, cúng dường của xã hội đối với người tu hành là tự nhiên, là công đức… mà tất cả mọi đàn na, tín thí trong xã hội không bao giờ thắc mắc.
Cho nên hỏi ai cày cấy cho thầy tu dùng bữa, ai dệt vải cho thầy mặc… là câu hỏi ngu hơn cổ điển. Thời nhà Đường, sư Bách Trượng cũng đề ra lệ, bắt các sư phải tự trồng trọt lấy mà ăn, tự dệt vải lấy mà mặc… với nguyên tắc: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn). Nhưng đó là cách để đối trị lòng tham, nếu hóa duyên dễ quá (như kiểu lượm phong bì của Thích Trúc Thái Minh ở Ba Vàng) thì đạo cũng hỏng, huống hồ các sư. Chứ không phải Ngài Bách Trượng ngu cổ điển như trên.
Ở nước ta, ngày trước hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa nhỏ, bên cạnh chùa đều có vài khoảnh ruộng chùa, để các sư cày cấy… là theo truyền thống của Ngài Bách Trượng ngày xưa. Bây giờ các sư chỉ hành nghề mê hoặc phật tử để vơ vét tiền cúng dường… thành ra chùa càng to, sư càng béo, và phước điền thì ngày càng bé lại, chỉ còn bằng manh chiếu rách thảm hại.
Tu Phật còn đặc biệt hơn nữa, bởi không chỉ là tu trí tuệ, mà là tu tiến hóa, tu giải thoát và giác ngộ. Chứng minh có sự tồn tại, thường hằng của con đường (đạo) giải thoát trong tất cả mọi chúng sinh, tìm ra con đường đó… là “lao động” bất khả tư nghì của người tu Phật.
Bất kì người nào, dẫu chỉ Một người đắc đạo giải thoát, giác ngộ, thì công đức đối với toàn bộ Nhân loại còn lại là vô cùng lớn. Tất cả mọi cuộc cách mạng, đại cách mạng, mọi cuộc chiến tranh “giải phóng” từ xưa đến nay, dù vĩ đại đến mấy, cũng không thể so sánh được. Các loại chủ nghĩa, tư tưởng, các hạng đầu đảng, lãnh tụ… chỉ là những hạt bụi thảm hại, so với Một bậc như thế mà thôi.
Tu Phật không chỉ đơn giản là sửa nghiệp, sửa đức… hiểu như thế mới là hiểu bất liễu nghĩa. Liễu nghĩa tu là chuyển nghiệp, từ nghiệp thấp, lên nghiệp cao hơn… trong thập pháp giới. Nhưng cũng chưa phải đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế tu nghĩa là Diệt. Diệt hết tham sân si… để chứng Diệt đế, tức là chứng Niết Bàn. Người chứng Diệt đế (thành Phật), không phải là cái người tu trước đó. Ai cũng đã từng nằm mơ. Thử hỏi người trong mơ có thể “tu” thành người tỉnh được không? Không bao giờ. Người ra khỏi giấc mơ, không phải cái người vừa trong mơ. Ở đệ nhất nghĩa đế, tu không có nghĩa là sửa là như vậy.
Ghi chú:
Bài viết này không coi những hạng ma tăng, tà tăng, bịp bợm …. là người tu Phật, mà là những hạng yêu quái, mượn danh Phật để phá Phật.
Phạm Lưu Vũ