Nguyễn Hoàng Văn: Đất nước và nỗi lòng cầy lỏn mẹ
Một vài loại mongoose.
Nỗi buồn tận huyệt của những đầu óc cải cách lớn nhất của dân tộc cũng giống như nỗi lòng của người mẹ khi thấy đàn con ngày càng suy kiệt. Mà những thách thức họ từng đối phó cũng chính là chướng ngại của người mẹ vì sự nhỏ nhen, ghen tuông của những thứ “cha/dượng” nhỏ nhen, thậm chí chỉ đơn thuần là thứ tiểu nhân mơ làm cha, làm dượng.
Tôi nhận ra điều này khi cùng con trai xem phim tài liệu khoa học Natural Born Rebels, chương nói về loài cầy lỏn. Loài thú này, tiếng Anh là moongoose, cái tên từng được CIA chọn làm mật danh cho chiến dịch lật đổ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Operation Mongoose, tuy nhiên tôi không bàn chuyện tình báo. Vấn đề ở đây còn lớn hơn nhiều bởi đó là vận mệnh, là sự sống còn của đất nước bởi những khó khăn hay hiểm nguy mà bậc làm mẹ của loài thú này hằng đối mặt cũng chính là sự “phản động” của những thế lực bảo thủ của đất nước trước những hoài bão đổi mới, đi lên.
Giống thú này sống tại Nam Á và Đông Nam Á, tập trung thành những cộng đồng tối đa khoảng 50 con và truyền thống “nội hôn” khiến chúng đối mặt với nguy cơ suy kiệt. Với bản năng làm mẹ, những con cầy cái hiểu rằng để phát triển nòi giống, để cho ra những đứa con khỏe mạnh, chúng phải giao phối với những con cầy đực dồi dào sinh lực khác bầy thế nhưng việc này bị chính bầy đàn của chúng chống đối, nhất là những con đực ghen tuông, sợ bị… sây sớt quyền lợi. Để tránh cảnh đổ máu, những bà mẹ cầy cả nghĩ này phải tiến hành việc phát triển giống nòi trong cảnh vụng trộm, đầy hồi hộp thế nhưng, dĩ nhiên, sự đời không phải lúc nào cũng may mắn cả.
Những nhà cải cách của chúng ta – sau khi có cơ hội va chạm với những nền văn minh khác – chẳng đã ưu tư về sự sống còn của dân tộc như thế là gì. Hãy nhớ lại nỗi buồn của Nguyễn Trường Tộ khi bản điều trần dâng lên vua Tự Đức bị đám triều thần ngu si đội mũ cánh chuồn cười cợt, vô hiệu hóa. Hãy nhớ lại nỗi buồn Duy Tân mà Phan Chu Trinh mang theo tận đáy huyệt: văn hóa dân tộc vẫn chưa thực sự chấn hưng, con người vẫn chưa thực sự thay đổi cách học để mạnh lên trước khi nói đến việc giành lại độc lập.
Vân vân, lịch sử cận đại đã chứng kiến biết bao con người với viễn kiến như thế nhưng đành bó tay, thúc thủ trước sự cười cợt, chế nhạo và phản đối quyết liệt của những thành phần bảo thủ, cắn phá như thể là đám cầy đực bất an và cả ghen, khăng khăng đòi “tắm ao ta”. Mà hình tượng “ao ta” này lại gợi nhắc hình tượng đã trở thành sáo ngữ trong cái khẩu hiệu “tiến ra biển lớn” hiện đang rôm rả; hết tiến trên kinh tế thì tiến đến văn hóa, văn học, rồi lặt vặt hơn là ẩm thực, thời trang và, thậm chí, cả … nhan sắc.
Nhưng để có thể “tiến ra biển lớn” với những bước đi vững vàng thì đầu tiên là phải mang… biển lớn về với mình, là hấp thụ những giá trị tinh hoa và phổ quát của nhân loại, một cách có hệ thống, tận gốc rễ. Không làm như thế thì hệ quả là chúng ta, từ bên trong, bất quá chỉ là một đám làm dáng, đua đòi, còn nếu đi ra ngoài, cùng lắm chỉ được chú ý, theo dõi như một thứ “đặc sản”.
Ngôn ngữ của chúng ta có tính cụ tượng và suy nghĩ chúng ta cũng nặng dấu ấn của đặc tính này. Nhận diện kẻ thù, chúng ta chỉ chú ý đến sự khác biệt bên ngoài, như Nguyễn Đình Chiểu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan
Ngày xem ống khói chạy đen sì toan ra cắn cổ;
rồi đánh đuổi kẻ thù, chúng ta cũng nhìn sự độc lập – tự chủ của mình như là sự tự chủ ở cái bề ngoài, như Quang Trung trong Hịch đánh Thanh:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chính luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
nên khi hấp thụ những giá trị bên ngoài, chúng ta chỉ sính những thứ cụ thể, nhỏ nhỏ. Theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong cuốn Văn học thời toàn cầu hóa, thì thực ra thì chúng ta cũng thích hướng ngoại nhưng, đa số, chỉ thích cái gì nhỏ nhỏ mà đố kỵ với những gì có tính hệ thống, từ tận gốc rễ. Thích những gì nhỏ nhỏ, phơn phớt bề ngoài nên chúng ta khiếp hãi và báo động khi có cảm giác choáng ngợp trước những giá trị ngoại lại, như “dư luận xôn xao” ở miền Nam vào thập niên 1970 trước “hiện tượng sách dịch”, khi số lượng sách dịch qua mặt sách Việt. [1]
Có lẽ chính vì thế nên, cho đến bây giờ, ngã đường “tiến ra biển lớn” vẫn tiếp tục là khẩu hiệu chỉ để hô và cái “biển lớn” mang ra hay mang về chỉ là những gì phơn phớt, có tính trình diễn, như một thứ mì ăn liền.
Kể ra thì, gần một thế kỷ trước, đã có một thế hệ chấp nhận đổ máu để mang về một thứ “biển lớn” thật sự, có danh xưng rất oách là “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Đầu tiên là âm thầm, bí mật, sau đó là ồ ạt với sự bảo kê của bạo lực nhưng, như có thể thấy với hậu quả nhãn tiền, nó chỉ mang lại tác dụng duy nhất là tự đày đọa dân tộc mình, tự làm chậm chân đi của đất nước mình. Một thứ “biển lớn” mà cả nơi đã khai sinh ra nó và cả nơi đầu tiên áp dụng đã cho vào hàng phế thải. Còn trên đất nước chúng ta thì, có thể nói, đã chết lâm sàng và chỉ có thể tồn tại với cuộc sống thực vật qua những nghi lễ tế tự gượng gạo, hoàn toàn trái ngược với thực tế lịch sử.
Và cái đám cầy lỏn đực tồn tại theo những nghi lễ tế tự giả tạo kia. Càng yếu sinh lý như những hậu duệ đang sa sút và suy kiệt vì tập tục “nội hôn”, chúng càng bất an trước những khác lạ, dồi dào sinh lực hơn mình. Càng đau đớn làm tình với bóng ma của quá khứ như những con đực bị bệnh bất lực, chúng càng dữ dội trong sự ghen tuông bấy nhiêu. Chúng cảnh giác rình mò. Chúng khăng khăng kháng cự và chúng gầm gừ cắn xé.
Tra cứu thêm từ các tài liệu phổ thông tôi được biết thêm rằng, trong những tình thế khẩn cấp, cầy lỏn có thể dũng cảm chiến đấu chống lại cả sư tử, thậm chí từng có việc một con cầy lỏn dũng cảm đối phó trong vòng vây của bốn con sư tử. Vượt qua những giấy phút khiếp hãi ban đầu, con cầy đã trấn tỉnh để lắt léo tránh né nanh vuốt của đối thủ, có khi bất thình lình nhảy ra đối đầu, cắn vào mũi của kẻ thù rồi tẩu thoát. Mà để có thể chống trả kiên cường như thế thì, đầu tiên, con cầy lỏn tinh quái này phải có sức khỏe và phải kiên cường trong ý chí sinh tồn nên, do đó, khó mà tin rằng đó là một sản phẩm “nội hôn”.
Để sinh tồn, tổ tiên chúng ta đã từng đối đầu với con sư tử láng giềng như thế. Láng giềng này, vào đời Tống, đã đạt đến sức mạnh cực đại như một siêu cường của thế giới nhưng đã bị Lý Thường Kiệt đánh cho tan tành và, nhà Lý, vào thời điểm đó, là triều đại đã thực sự mang về cả một “biển lớn” khi công nhận Phật giáo là quốc giáo.
Còn cái bầy cầy chỉ có thể tồn tại theo những nghi lễ giả tạo và vờ vịt thống khoái khi khổ sở làm tình với quá khứ kia. Cứ nhìn cảnh chúng mệt mỏi, máy móc và suy kiệt khi đối đầu với sư tử, ai mà không nhận rằng đó chỉ là thứ sản phẩm nội hôn, sự giao phối nội bộ của những giá trị bảo thủ đã mang về đất nước gần một thế kỷ trước?
Cái tham vọng “tiến thẳng” lên một xã hội lý tưởng chỉ có trên lý thuyết đã thất bại ê chề. Và cái tham vọng “tiến thẳng ra biển lớn” nhất định cũng sẽ thất bại tương tự bởi, nếu chỉ vùng vẫy trong cái ao nhà chật hẹp, làm sao có thể, trong thoáng chốc, tự tin giữa sóng gió của đại dương?
Bởi thế cái chính không phải là vật vã giao hợp với quá khứ hay hò hét những khẩu hiệu giả tạo như một thứ viagara tinh thần. Vấn đề là học theo những con cầy mẹ kia, là thật sự mở cửa về tinh thần, là giao phối với những giá trị tinh hoa và phổ quát của nhân loại một cách có hệ thống, tận gốc rễ, đừng có nông cạn và sốc nổi như thể đám trẻ trâu học đòi.
Mà, thực tình, đất nước đã tiến đến đâu rồi mà con người phải đi học con cầy?
Nguyễn Hoàng Văn
——————-
Chú thích:
- Năm 1970 là năm mà số lượng đầu sách dịch qua mặt đầu sách Việt tại thị trường sách báo miền Nam và gây nên mối lo âu về “hiện tượng sách dịch”. Tháng 8/1973 tạp chí Văn đã ra số đặc biệt về hiện tượng này, trong đó Mặc Đỗ đã thẳng thừng bài bác, cho rằng sự lo âu này là vô căn cứ.
Văn là bán nguyệt san và trong 11 năm tồn tại đã dành ra 90 số, tức gần 1/3 tổng số phát hành, cho những chủ đề về các tác giả hay tác phẩm ngoại quốc.
Theo Võ Phiến thì một trong những lý do làm nên hiện tượng sách dịch là sự phát triển của các đại học, giúp nâng cao trình độ dân trí. Dân trí cao hơn nhưng do các đại học dạy bằng tiếng Việt, không dạy bằng tiếng Pháp như thời thuộc địa nên trình độ ngoại ngữ của giới tốt nghiệp đại học không cao tương xứng. Dân trí cao hơn mà năng lực ngoại ngữ không tương xứng thì dẫn đến nhu cầu đọc sách dịch. Võ Phiến (1986), Văn Học Miền Nam – tổng quan, Văn Nghệ, California, trang 240-243.