Nguyễn Văn Tuấn: Điện thoại thông minh làm cho chúng ta đần độn hơn?
Điện thoại càng thông minh, nó càng làm cho chúng ta ngu đần hơn. Nghịch lí này, có khi còn gọi là hiện tượng ‘Brain Drain’, nói lên rằng điện thoại thông minh là một mối đe doạ đến toàn nhân loại.
Ngày xưa, tôi có thể nhớ mấy chục số điện thoại của bạn bè trong đầu. Chỉ cần hỏi ‘Số của Sáu Lợi là gì’ là tôi có ngay. Bộ não mình như là một cơ sở dữ liệu gọn gàng, nên lấy những con số từ đó ra rất ư là nhanh và đơn giản. Ngày nay, tôi thậm chí còn không nhớ số điện thoại của chính tôi ở Việt Nam! Cứ mỗi lần hỏi số điện thoại của ai, tôi phải lấy cái iPhone ra và bấm bấm vài giây thì mới tìm ra.
Ngày xưa, tôi tính nhẩm rất nhanh. Những bài toán đơn giản hai chữ số (kiểu 15 nhân 31) là bao nhiêu tôi có thể tính trong vòng 5 giây. Những bài toán chia cũng thế. Còn cộng trừ thì tôi có thể cộng một dãy số và chính xác. Vậy mà ngày nay, tôi không tự tin làm một con toán đơn giản nào. Hễ đụng đến tính toán có số lẻ là tôi phải lấy iPhone ra tính. Tôi thật sự đã lệ thuộc vào cái điện thoại thông minh. Tôi chẳng cần động não gì cả.
Ngày xưa, khi lái xe tôi có một cái bản đồ vài trăm trang, và tôi chấm toạ độ, dò đường từ cái bản đồ đó. Tôi còn phải vận dụng trí nhớ mình rằng cái địa chỉ mình sắp tới nằm hướng nào trong thành phố. Ngày nay, tôi chỉ cần mở cái điện thoại thông minh là ‘nó’ hướng dẫn tôi đi tới nơi. Tôi chẳng cần suy nghĩ gì cả.
Nói cách khác, nếu chúng ta để cho cái điện thoại nó nhớ dùm, để cho AI suy nghĩ dùm, để cho AI tìm đường dùm cho chúng ta, thì chắc chắn năng lực cognitive của chúng ta sẽ suy giảm (hay nói cho thẳng ra là chúng ta sẽ trở nên đần độn hơn). Nhìn như thế tôi thấy sự lệ thuộc quá mức vào công nghệ tân tiến như hiện nay là rất nguy hiểm.
Cái điện thoại thông minh là một phương tiện giúp chúng ta kết nối với thế giới chung quanh. Không chỉ giúp, nó còn khuyến khích những hoạt động giải trí. Nói như Steve Job, điện thoại thông minh đặt cả thế giới trên bàn tay chúng ta. Và, ngày nay, nó là cái công cụ gần như lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta.
Nhưng chính vì lúc nào cũng ở bên cạnh, chiếc điện thoại thông minh làm cho não chúng ta bị suy giảm dần, một hiệu ứng có tên là ‘Brain Drain’ [1], tạm dịch là ‘Cạn Kiệt Não’. Giới nghiên cứu tâm lí học đã chỉ ra rằng điện thoại thông minh làm cho não bộ chúng ta bị suy giảm, ít vận dụng trí lực hơn, và có nguy cơ bị chứng mất trí nhớ.
Nhiều nghiên cứu về hiện tượng Cạn Kiệt Não, và kết quả chỉ ra rằng sự hiện diện của chiếc điện thoại, bất kể nó còn hoạt động hay đã tắt đi, nó chiếm lấy tài nguyên dành cho nhận thức, làm cho chúng ta giảm sự tập trung vào các vấn đề khác, và do đó suy giảm năng lực nhận thức. Càng lệ thuộc vào điện thoại thông minh, mức độ suy giảm năng lực nhận thức càng cao.
Thật ra, hiện tượng Cạn Kiệt Não này có lẽ không quá ngạc nhiên. Ai cũng biết rằng cách nhanh nhứt để làm cho một người ngu đần là chẳng cho người đó làm gì cả. Cách huỷ hoại tốt nhứt đối với một người là cứ để cho người đó nhàn rỗi.
Khi bộ não chúng ta nhàn rỗi thì chúng ta trở nên kém nhạy bén là điều không thể tránh khỏi. Nhàn rỗi có thể là một niềm hạnh phúc, nhưng quá nhàn rỗi kiểu lệ thuộc cái điện thoại thông minh là một tai họa.
Trên thế giới có 7.1 tỉ người dùng điện thoại thông minh. Hầu như bất cứ ai dùng loại điện thoại này đều trở nên ‘nô lệ’ chúng. Điều này có nghĩa là chính cái điện thoại này đã và đang khiến cho nhân loại trở nên kém thông minh hơn. Nhìn như vậy sẽ thấy tác hại của điện thoại thông minh là rất đáng báo động cho sự tồn vong của nhân loại.
[1] https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/691462
*Nghiên cứu tâm lí học và thần kinh học chỉ cần cái điện thoại ở bên cạnh, bất kể nó tắt hay mở, cũng dẫn đến tình trạng Brain Drain, tức là Cạn Kiệt Não Bộ.