Nguyễn Quốc Khải: Chụp hình người
KHÁC BIỆT GIỮA CHỤP HÌNH NGƯỜI TỰ NHIÊN VÀ CHỤP HÌNH CHÂN DUNG
Khi nói về chụp hình người, thông thường người ta nghĩ đến chụp chân dung hay chụp hình người mẫu (portrait photography), nhưng bài này sẽ nói về chụp hình người trên đường phố, tại những nơi sinh hoạt cộng đồng, hoặc lễ hội trong môi trường tự nhiên không sắp xếp như trong một photo studio hay chụp hình người mẫu ở ngoài trời. Tiếng Anh gọi là environmental portraiture hay tiếng Việt là chụp hình người tự nhiên.
Nhiếp ảnh gia thu hình những người trong môi trường mà họ sống, làm việc, nghỉ ngơi hoặc vui chơi. Môi trường giúp kể câu chuyện về họ là ai, họ làm gì hoặc đam mê của họ có thể là gì. Nhiếp ảnh gia là những người kể chuyện bằng hình ảnh mà không cần sử dụng từ ngữ. Dùng môi trường của đối tượng để hỗ trợ câu chuyện là chìa khóa để chụp ảnh người tự nhiên. Trong hầu hết các trường hợp, đối tượng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều trong môi trường mà họ biết hoặc yêu thích hơn là trong một studio xa lạ với ánh đèn chiếu vào mặt họ.
Chụp hình là một thú vui cho những lúc rảnh rỗi, nhưng đây cũng là một nghệ thuật. Sở thích thông thường của tôi là chụp hình phong cảnh, thiên nhiên, và thú vật hoang dã, nhưng đôi khi tôi chụp hình người tự nhiên, sinh hoạt trong môi trường thực với những khoảng khắc đáng ghi nhớ. Đây có thể là một bộ môn nằm trong cả hai lãnh vực chụp hình đường phố (street photography) và chụp hình phóng sự (photojournalism). Trong trường hợp như vậy, tôi không cần phải có phòng thu hình, không cần phải thuê người mẫu. Bài này sẽ không bàn sâu về kỹ thuật, mà chủ ý là sẽ kể lại kinh nghiệm về môn nhiếp ảnh chụp hình người trong môi trường tự nhiên.
LUẬT LỆ CHỤP HÌNH NGƯỜI Ở HOA KỲ
Theo luật ở Hoa Kỳ, tôi có thể chụp hình bất cứ cái gì tôi thấy ở nơi công cộng. Tôi còn nhớ hình ảnh George Floyd chết khi một sĩ quan cảnh sát, Derek Chauvin, đè lên cổ Floyd trong gần 9 phút trong khi Floyd bị còng tay và nằm úp mặt xuống đường. Darnella Frazier là người ngoài cuộc đã quay video bằng điện thoại di động toàn vụ giết người. Nhờ vậy với chứng cớ rõ ràng, cả bốn cảnh sát liên lụy đã bị tòa truy tố. Tuy nhiên một điều luật về nhiếp ảnh mà Darnella Frazier đã tôn trọng là không đứng quá gần các đối tượng cô muốn quay video để tránh gây phiền nhiễu cho nhân viên công lực. Nhiều nơi công cộng cấm chụp hình vì lý do an ninh, chúng ta cũng sẽ phải tôn trọng.
Tuy nhiên, theo phép lịch sự, tôi thường xin phép những “người mẫu công cộng” cho chụp hình. Thông thường ít ai từ chối và còn muốn tôi gửi hình cho họ. Do đó, tôi luôn luôn mang theo một số danh thiếp ghi sẵn địa chỉ e-mail để cho họ tự liên lạc. Để họ yên tâm, tôi không bao giờ xin họ địa chỉ hay số điện thoại cả.
Luật lệ chụp hình mỗi nơi, mỗi nước mỗi khác. Bạn phải cẩn thận
MÁY ẢNH LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN NGOẠI GIAO TIỆN LỢI.
Vào năm ngoái, tôi tham dự một chuyến đi thuyền để chụp hình chim brown pelican ở Chesapeake Bay, gần Smith Island, Maryland. Trên tầu có khoảng 30 người, đa số là dân đi ngắm chim, khoảng năm người chụp hình, và một cặp vợ chồng người Đức. Bà vợ làm phóng sự về chuyến đi, phỏng vấn một vài người trên tầu và chụp hình chim. Chuyến đi dài tám giờ đầy thú vị cho khách nhìn thấy tận mắt hàng ngàn chim pelican sinh sống trên các hòn đảo nhỏ. Trước khi chia tay, bà ngỏ ý muốn xin hình của tôi cho bài báo. Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời. Khi tôi nhận được e-mail cám ơn, tôi mới biết bà là chủ nhiệm tạp chí Der Spiegel, một cơ quan truyền thông uy tín nhất của nước Đức. Dễ gì được báo lớn trưng hình của mình. Thỉnh thoảng tôi viết bài về nhiếp ảnh cho PSA Journal, tạp chí của Photographic Society of America.
Cách đây không lâu, tôi đến thăm Viện Bảo Tàng Harriet Tubman về thời nô lệ tại Cambridge, Maryland và gặp một gia đình người Mỹ gốc Phi Châu. Theo lời yêu cầu của họ, tôi đã chụp nhiều tấm hình cho cả gia đình và vài ngày hôm sau họ đã nhận được hình và gửi thư cám ơn. Họ là những người từng đổ máu để thoát cảnh nô lệ và tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc ở đất nước này hơn một thế kỷ để cho tôi là người tới sau được hưởng. Tôi phải cám ơn họ mới đúng. Máy ảnh giúp tôi làm quen rất dễ dàng với người trên đường phố.
Tôi đến Lancaster, Pennsylvania nhiều lần để tìm hiểu về văn hóa người Amish. Tôi gặp một số người đàn ông lớn tuổi rất đẹp lão, để râu quai nón theo tục lệ của người Amish đã có gia đình, nhưng tôi không được phép chụp hình vì như vậy là chống lại tập quán của người Amish, mặc dù không trái với luật của tiểu bang hay liên bang. Các cô con gái Amish đẹp như thiên thần không thiếu. Một vài lần tôi toan tính xin phép chụp hình nhưng may mắn tôi đã kiềm chế được vì họ có thể bị phiền nhiễu, và thông thường họ sẽ lịch sử trả lời không. Người Amish và người Mennonite có đức tin giống nhau, văn hóa tương tự nhưng luật lệ của người Mennonnite không khắt khe như người Amish.
Chụp hình người đôi khi cũng gặp rắc rối. Ngày nay với máy điện thoại di động, hết thẩy mọi người trở thành nhiếp ảnh gia. Thông thường ai cũng vui vẻ được chụp hình nhưng bạn nên nhớ lâu lâu cũng có một hai người không thích ống kính nhắm vào họ. Vì chụp hình ở nơi công cộng thường là hợp pháp, những người này vẫn có thể phản đối bằng cách quay mặt đi hoặc đứng chặn trước đối tượng không cho bạn chụp như tôi bị một lần tại Renaissance Festival tại Annapolis, Maryland. Trường hợp này rất hiếm xẩy ra, nhưng từ chối là quyền của họ.
Tôi đi công tác ở Yemen nhiều lần. Mấy ngày đầu thường rảnh rỗi, tôi hay vác máy hình đi quanh quẩn trong thành phố Sana’a. Một lần tôi chụp một đám học sinh con gái đi học về. Tôi không biết luật Yemen cấm chụp hình đàn bà, nên gặp lôi thôi. Một đứa con trai lẽo nhẽo theo tôi từng bước. Nhờ một người ngoài đường thông dịch mới biết nó là anh của một đứa trong nhóm học trò. Tôi thoát thân được bằng cách nhờ một xe taxi chạy về khách sạn.
Trường hợp thứ hai xẩy ra ở thành phố Rabat, thủ đô của Marocco. Vào một buổi trưa, tôi chụp hình một cậu thanh niên trẻ ngồi ngủ miên man trong một chiếc ghế mây trước cửa một tiệm bán đồ đạc. Khoảng năm mười phút sau, chắc có người báo động, hắn tỉnh dậy và đi theo than phiền. Tôi phân vân chưa biết trả lời ra sao, may quá anh dẫn đường la thanh niên này. Lập tức nó bỏ đi. Hỏi ra mới biết anh hướng dẫn nói rằng tôi chụp hình mấy chiếc ghế chứ không chụp nó. Vì vậy tôi đã thoát nạn.
KỸ THUẬT CHỤP HÌNH NGƯỜI TỰ NHIÊN
Khi chụp hình người đôi ba lần, tôi nhận biết ra rằng mỗi người là một thế giới riêng biệt. Cũng hai mắt, hai tai, một mũi, một miệng nhưng không ai giống ai, chưa nói đến sắc diện, giọng nói, cách đi đứng. Chụp được tấm hình đặc biệt, biểu tượng cho một khoảng khắc nhanh chóng là cả một công trình đáng ghi nhớ. Tất cả đến với người chụp một cách tình cờ. May mắn là máy ảnh ngày nay tân tiến giúp nhiếp ảnh gia chụp được nhiều tấm hình chỉ trong một giây. Vấn đề đặt ra là mắt của tôi có bắt được hình ảnh đó không để ngón tay chỏ của tôi kịp bấm vào nút bấm màn trập (shutter button). Thành ra, người chụp hình thường phải tự luyện cho mình đôi mắt quan sát tinh vi có lẽ không thua gì mấy sĩ quan cận vệ cho các vĩ nhân, để nhận biết những gì xẩy ra xung quanh.
Khi người đời thấy bạn ăn mặc sạch sẽ, đeo máy ảnh gồ ghề, họ đã nể bạn rồi. Chưa hết, với thẻ báo chí, tôi có thể luồn lọt tới gần các vĩ nhân. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, khi chụp người, đứng xa và dùng ống kính zoom là tiện lợi nhất vì không làm đối tượng chú ý và giữ được vẻ tự nhiên. Ống kính 28mm – 300mm tương đối là thích hợp vì tôi có thể zoom ống kính thật xa đến 200mm – 300mm để chụp 1-2 người hay thu lại để chụp một đám đông hay một phong cảnh. Khi chụp thú vật hoang dã, tôi thường mang hai ống kính dài ngắn khác nhau để thay đổi, nhưng chụp hình người linh động trong sinh hoạt ngoài trời tôi sẽ không có thời giờ để thay ống kính. Đó là lý do tại sao tôi thấy một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mang hai máy ảnh khác nhau.Môi trường xung quanh là một phần quan trọng của tấm hình người chụp trong bối cảnh tự nhiên, nhưng người cầm máy vẫn phải tránh không để hậu cảnh lấn lướt chủ thể. Muốn làm như vậy tôi thường chỉ mở rộng ống kính đủ để làm chủ thể rõ và làm mờ phía sau, như chọn khẩu độ ở giữa F6.3 – F11. Photoshop cũng có thể giúp tôi tách chủ thể và hậu cảnh sang hai lớp ảnh (layer) riêng rẽ. Bằng cách thay đổi độ sáng (brightness) và độ tương phản (contrast) của mỗi lớp ảnh, tôi có thể làm cho chủ thể rõ hơn.Trong trường hợp chụp ảnh chân dung trong studio người ta thường dùng hậu cảnh nhân tạo không có chiều sâu. Trái lại, hậu cảnh đối với môn chụp hình người trong môi trường tự nhiên là một phần không thể thiếu của ảnh. Nếu người chụp muốn có hậu cảnh rõ, khẩu độ nhỏ giữa F11 – F16 thường được sử dụng cho mục tiêu này.Hậu cảnh đã làm tôi mất nhiều ảnh đẹp. Đối với tôi, rất khó kiểm soát được hậu cảnh khi chụp hình ngoài đường phố. Đôi khi tôi phải xin người mà tôi muốn chụp di chuyển qua một vị trí khác có hậu cảnh bớt rối hơn chẳng hạn. Nhưng theo tôi biết, những nhiếp gia chuyên nghiệp không được phép dàn dựng cảnh. Thực tế như thế nào, họ phải trình bầy y như vậy. Tất cả những hình đi kèm với bài viết này đều chụp tự nhiên, duy nhất chỉ có một tấm hình “Mount Vernon” là sắp xếp cho ba phụ nữ ngồi trên thảm cỏ để lấy nhà của Tổng Thống George Washington làm hậu cảnh.
Hầu hết mọi người đều căng thẳng khi chờ đợi người chụp hình đưa máy ảnh lên ngang mắt để chụp hình. Một số người thậm chí có thể vô tình nhắm mắt lại vì chờ đợi một tia chớp. Do đó, tôi thường dùng chế độ nhắm trực tiếp (live view). Đối tượng của tôi sẽ nhìn tôi chứ không nhìn máy ảnh và sẽ không đoán trước được khi nào tôi nhấn nút chụp. Tôi cũng thường chụp vài tấm ảnh một lúc để tránh những trường hợp đối tượng nhắm mắt hoặc có những cử động bất thường.
Nguyễn Quốc Khải
26-2-2023