Hải Di Nguyễn: Báo cáo Liên Hiệp Quốc: Các đường dây buôn người và lừa đảo trực tuyến Đông Nam Á
Ngày 29/8/2023 vừa qua, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đưa ra báo cáo về các đường dây buôn người và cưỡng ép vào các hoạt động lừa đảo ở Đông Nam Á [1]
Họ cũng khuyến nghị chính phủ các quốc gia nên có cách tiếp cận dựa trên nhân quyền.
Các đường dây lừa đảo nằm ở đâu?
Theo báo cáo, ở khu vực Đông Nam Á, các đường dây lừa đảo thường hoạt động ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, và Philippines (dù không giới hạn chỉ ở những quốc gia này).
Chẳng hạn ở Campuchia, thường ở Phnom Penh, Kandal, Pursat, Koh Kong, Bavet, Preah Sihanouk, Oddar Meanchey, Svay Rieng, bao gồm một số nơi thuộc đặc khu kinh tế Dara Sakor và Henge Thmorda.
Ở Miến Điện, thường ở Shwe Kokko, hoặc Myawaddy ở biên giới Thái Lan.
Ở Lào, thường xung quanh đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, ở phía tây bắc của Lào.
Ở Philippines, thường ở các đặc khu kinh tế hoặc các công ty cờ bạc của Philippines cho nước ngoài.
Cao ủy Nhân quyền trích một báo cáo nói rằng các hoạt động lừa đảo toàn cầu có doanh thu đến hàng tỷ USD một năm.
Nạn nhân là ai?
Theo Cao ủy Nhân quyền, ở đây có hai nhóm nạn nhân: một là nạn nhân bị lừa đảo, và hai là nạn nhân buôn người, bị cưỡng bức làm việc cho các công ty lừa đảo, bị bóc lột và đối xử vô nhân đạo.
Nạn nhân buôn người thông thường là người ít học và làm việc lương thấp. Tuy nhiên các nạn nhân bị lừa và ép làm việc cho các đường dây lừa đảo lại khác: họ thường có học vấn, có bằng cấp, biết ngoại ngữ, và biết dùng máy tính.
Nạn nhân tới từ các nước Đông Nam Á khác (như Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam), Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Đài Loan, và cũng có thể tới từ Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan), Đông Phi (Ethiopia, Kenya, Tanzania), thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và Brazil.
Đa phần nạn nhân là nam giới, nhưng cũng có nữ, và đôi khi có trẻ vị thành niên.
Bản thân tôi đã phỏng vấn và viết cho BBC News Tiếng Việt và Diễn Đàn Thế Kỷ về ba nạn nhân Việt Nam bị lừa vào các công ty lừa đảo ở Campuchia: trong đó có hai người là nữ, và nạn nhân nam là trẻ vị thành niên (15 tuổi).
Các vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra ở đâu?
Các công ty lừa đảo thường đăng quảng cáo việc làm giả trên mạng xã hội để lừa nạn nhân. Các vụ lừa đảo diễn ra trên các mạng xã hội hoặc ứng dụng như Boo, Facebook, Grindr, Hinge, Instagram, Lazada, Line, LinkedIn, Meet Me, Muslima, OkCupid, Omi, Shopee, Skout, Telegram, TikTok, Tinder, WeChat, WhatsApp, và Wink, rồi từ đó đẩy sang Meta Trader, Binance, Coinbase, và Trust Wallet.
Hoạt động lừa đảo ở Đông Nam Á là nơi buôn bán người
Cao ủy Nhân quyền phân tích để cho thấy những người bị ép vào làm cho các công ty lừa đảo là nạn nhân buôn người: họ bị lừa về công việc và bị đưa lậu sang nước khác; bị bóc lột, đe dọa, đánh đập, chích điện, không được trả lương, thậm chí bị cưỡng hiếp; phải trả tiền chuộc để được tự do; và bị cưỡng ép tham gia các hoạt động tội phạm như lừa tiền, lừa tình.
Như đã viết trong một bài báo đăng vào tháng 1/2023 trên Diễn Đàn Thế Kỷ [2], H Nguôt Êban (sinh năm 2000) bị lừa và bắt cóc sang Campuchia vào tháng 10/2022.
H Nguôt Êban cho biết mình bị phạt hít đất vài trăm cái vì không lừa được ai, và luôn bị chửi mắng, hăm dọa.
Cô càng hoảng sợ và liên tục gặp ác mộng khi nhìn thấy một người khác, cũng bị lừa sang Campuchia và tìm cách bỏ trốn, bị người quản lý đánh và đập vào đầu đến hộc máu miệng.
Nạn nhân buôn người không được xem là nạn nhân
Cao ủy Nhân quyền nói ở nhiều quốc gia, công an, bộ đội biên phòng, hay thanh tra lao động không được đào tạo và không có khả năng xác định ai là nạn nhân buôn người khi các nạn nhân trở về hoặc được giải cứu từ các công ty lừa đảo.
Các nạn nhân vì thế bị xem là tội phạm vì tham gia hoạt động lừa đảo, hoặc bị coi là vi phạm luật xuất nhập cảnh.
Như tôi đã viết trên BBC News Tiếng Việt vào tháng 1/2023 [3], H Nit Niê (sinh năm 1998) và Y Oi Niê (sinh năm 2007) bị lừa sang Campuchia vào tháng 6/2022 và phải nhờ gia đình bán nhà bán đất để chuộc mình về, nhưng khi về đến cửa khẩu Mộc Bài thì lại bị phạt 6 triệu đồng vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.”
Cao ủy Nhân quyền cũng nói nạn nhân khi trở về đôi khi cũng bị chính quyền địa phương sách nhiễu, bêu danh và làm xấu hổ, tước đi tự do đi lại và quyền riêng tư.
Các chính phủ cần có cách tiếp cận dựa theo nhân quyền
Cao ủy Nhân quyền khuyến nghị rằng chính phủ các quốc gia cần có cách tiếp cận dựa trên căn bản nhân quyền: đặt nạn nhân ở trung tâm; có hệ thống thanh lọc để nhận diện nạn nhân buôn người; đào tạo nhân viên ở sứ quán và biên giới; không trừng phạt và khiến nạn nhân tiếp tục là nạn nhân; có biện pháp giúp đỡ và hỗ trợ khi họ trở về, giúp tái hòa nhập cộng đồng, v.v…
Ngoài ra, cần phải trừng phạt những kẻ buôn người; có các hoạt động để bảo đảm mạng xã hội không có quảng cáo việc làm giả và trở thành công cụ buôn người, tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia nguồn gốc của nạn nhân và các quốc gia diễn ra các hoạt động bóc lột và lừa đảo, v.v…
Nói tóm lại, các đường dây lừa đảo ở khu vực Đông Nam Á đã có hàng trăm ngàn nạn nhân, và hình thức buôn người mới này trở thành thách thức với cách hiểu truyền thống ở Đông Nam Á về khái niệm buôn người.
Vì vậy, Cao ủy Nhân quyền cho rằng các chính phủ cần có cái nhìn đúng hơn về vấn nạn này, và có cách tiếp cận dựa trên căn bản về nhân quyền.
Hải Di Nguyễn
[2] Hải Di Nguyễn: Người Việt bị bắt cóc sang Campuchia kể lại những ngày tháng bị đọa đày
[3] Người Việt bị lừa sang Campuchia: Công an “không làm gì hết”