Thơ Hoàng Hưng: Đường về đất Phật

20 năm trước (2004) một cơ duyên cho tôi chuyến hành hương đầu tiên về Tứ thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal: Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật giác ngộ chánh pháp, Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Đức Phật đản sanh, Vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi lần đầu tiên Đức Phật thuyết pháp, Câu Thi Na (Kushinagar) nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, cùng một số địa điểm khác ghi dấu chân Phật tổ.

Những trải nghiệm có thật trên đường hành hương, từ những hỗn mang, nghịch lý, đối chiếu xưa-nay, những câu hỏi không dễ giải đáp về thế sự và trong tâm trí, cho đến khi có được những giây phút yên bình khi vụt ngộ lẽ “sắc-không”, đã được ghi lại trong những vần thơ mà tôi xin chia sẻ cùng quí bạn. 

Hoàng Hưng 

***

Ở đầu đường tới đất Phật: Bangkok! Ngổn ngang sự đời!

MƯA BANGKOK

Mưa Bangkok nhơm nhớp

Mùi sầu riêng

Áp lực màng tang một cái chợ vỉa hè

Thèm trận mưa Sài Gòn trắng trời trắng đất.

Chiều nay Hoàng Cung đóng cửa

Cô “gai” [1] gốc Hoa dỗ tôi vào trung tâm mỹ nghệ cắt cổ

Anh tuk – tuk mặt đen toét cười chìa tờ rơi đầy hình gái mat-xa béo núc

Pát poong Pát poong [2]

Nghe như tiếng rao bánh bao ngon

Tôi không hiểu nổi

Làm sao trên cái đống bầy hầy hai chân tôi đang dính

Lại mọc lên những cao ốc tráng lệ kia

Lại phóng đi xa lộ trên không vút tới cổng trời

Tôi làm sao hiểu nổi

Thành-phố-thiên-thần [3] toàn những người bán lẻ niềm vui trần thế

Thailand-mỉm-cười [4] 

Thigh Land-đùi-dài [5] 

Lớp lớp thiếp vàng trên mình Phật nằm Phật đứng

Một trăm lẻ tám quả chuông rộn rã lối vào chùa

Tôi ngẩn ngơ theo gót chân trần dưới lớp y vàng rực

Đi trong bùn đi trong mưa.

Mình hành khất gì đây hành khất một niềm tin bên trên lý lẽ?

Hành khất nụ cười phi-du-lịch của em?

Chỉ còn hơn một giờ bay là về đến Sài Gòn

Vẫn không hiểu mình tìm gì ở Bangkok?

[1] Guide: hướng dẫn viên du lịch.

[2] Tên khu ăn chơi nổi tiếng nhất Bangkok

[3] Bangkok tên tiếng Thái là Krongthep, nghĩa là “Thành phố của các thiên thần”

[4] Khẩu hiệu của ngành du lịch Thái Lan (Smiling Thailand)

[5] Những người công kích công nghiệp du lịch tính dục của Thái Lan sử dụng cách chơi chữ đồng âm khác nghĩa: Thigh Land,  có nghĩa là “Xứ sở của bắp đùi ”, phát âm giống Thailand (Xứ sở của người Thái)

***

NGHE QUẠ KÊU Ở CALCUTTA

Người phu xe ngồi khâu áo

Chiếc áo rách từ thuở chưa có cội bồ đề

Giữa tiếng quạ kêu

Người phu xe chăm chú đường kim mũi chỉ

Quên mất mình đang đợi khách 

Quạ kêu quạ kêu lẫn dàn kèn xe buýt inh ỏi

Hai viên Xá Lợi lấp lánh trong nhà bảo tàng

Thần Tara vặn mình theo nhịp vũ trụ

Quạ kêu quạ kêu ở Calcutta

Người bán trà sữa mang họ Barua vốn dòng Thích Ca

Dòng Thích Ca bị người đời truy sát

Người bán trà sữa ngồi xếp bằng rót một vòng trà cho bọn du khách hiếu kỳ

Món trà sữa từ thời Đức Phật

Quạ kêu quạ kêu lẫn tiếng rùng rùng những toa xe điện vừa chạy vừa long ra

Hai bên hè phố 

Người chờ việc ngồi bẻ ngón tay trong nắng

Lòng đường mấp mô đen bóng những viên gạch trăm năm

Quạ kêu quạ kêu trưa nắng

Chạy túa ra

Bày taxi – bọ cánh cứng màu vàng

Cả thành phố người xe lúc nhúc

Hăng nồng hương liệu nghìn năm

Xa lắc rồi 

Cõi buồn vui hờn giận của chúng mình

Cõi lo toan vặt vãnh của chúng mình

Anh cầm tay em

Buông mình vào cõi khác

Giữa tiếng quạ kêu ở Calcutta

Calcutta
Calcutta

***

SÔNG HẰNG

Mặt trời lên sông Hằng

Còn lại bóng đêm xác con trâu mộng

Những dàn thiêu nổi lửa ven bờ

Ánh bình minh trên vòm đá cổ

Tràn xuống sông bày người ngũ sắc

Xin nước sông rửa sạch tội tình 

Lão du-già sát đầy mình tro tử thi vừa nguội

Uớp xác phàm bằng hương liệu sắc-không

Sông Hằng sông Hằng cho tôi một gịot nước thiêng

Một giọt nước thôi

Giọt nước nào tẩy hết ưu phiền

Sông Hằng sông Hằng cho tôi chết giữa dòng để tái sinh làm nhà thơ hay thiền sư lang bạt

Mặt trời lên

Loé cười hàm răng anh bán cá

Suốt buổi sáng anh nhẫn nại đeo bám du thuyền

Để bán cho bằng được một giỏ cá tươi

Nụ cười sông Hằng

Trên mình con cá em phóng sinh

Trên chiếc nhẫn ngón tay em đuổi theo làn cá

Nụ cười sông Hằng

Triệu triệu năm sông nhẫn nại chở Hi Mã Lạp Sơn về xuôi

Nước sông đỏ tươi

Bao giờ mòn hết núi…

Sông Hằng

***

CHÓ RỪNG

Suốt đêm nghe chó rừng hú quanh đồng cỏ

Chúng vừa hú vừa chạy nhanh như gió

Có khi rỡn đùa như trẻ chạy chơi

Bọn trẻ Tây Tạng không biết mình sinh ra trên đất khách quê người 

Có khi than khóc như trẻ đói ăn

Những đứa trẻ trong làng Nepal mắt đen viền sâu hoắm

Có khi tiếng tù và tiếng niệm chú rền rĩ trong Đại Tháp Hoa Sen

Làm bè trầm cho hợp ca chó rừng lanh lảnh

Suốt đêm thao thức hồ nghi

Tiếng chó rừng có thật không có thật?

Tiếng vô minh

Hú lên lừa mị trên đường ta đi tìm sự thật?

Gần sáng khoác áo ra rừng

Bắt chước tiếng hú gọi chó về

Bỗng mắt mắt mắt mắt

Chi chít mắt xanh

Nhìn ta trong bóng đêm

Im lìm

***

LỰA CHỌN

Gửi Ngô Mai Phong

Những con chó nằm say ngủ trên lối vào Bồ Đề Đạo Tràng [6]

Cho ngon mộng chó, khách hành hương nhễ nhại  

Đi vòng sang bên

Vừa đi vừa tụng bồ đề dạ bồ đà dạ [7]

Vừa khi chiếc lá trên cây ngàn năm

Rụng xuống

Vừa khi đám hành khất ùa đến

Lời than van lẵng nhẵng gáy anh

Phút giây ấy

Anh móc túi tìm đồng bạc lẻ

Hay giơ tay đón chiếc lá

Hay chụp bắt sự an lạc của bày chó

Vào camera con mắt thứ ba?

Bodh Gaya hay Bodhgaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng

[6] Thánh địa Phật giáo, nơi Đức Thích Ca thành đạo dưới cây bồ đề

[7] Lời trong Chú Đại Bi của Phật giáo

***

MÙA KHÔ

Mênh mông lòng Ni- Liên- Kiền [8] gió chạy cát bay 

Bày chó đói chạy nhông theo chân người đi bãi

Bìa làng bóng xari [9] cúi xuống bãi phân bò bốc khói

Năm xưa Người giã từ hang núi xuống làng này 

Và thành đạo dưới cội cây.

[8] Con sông mà Thái tử Tất Đạt Đa đã lội qua để đến ngồi thiền và giác ngộ dưới cây bồ đề. 

[9] Trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn

***

BÊN MÁI CHÙA

Trống không giữa xanh um

Cây tùng năm xưa sét đánh bật gốc

Núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas)

NGHE

Lặng mà nghe

Tuyết tan đỉnh núi

Nghe trẻ hát đường non

Ngỡ lối về nhà

Nghe hạc gọi 

Trong sương dày

Lội sương đi tìm

Thấy sườn tháp trắng

Nghe nắng trưa

Vỡ trên cành

Nghe nhịp mõ

Từ lòng đất

Nghe rừng xêxan [10] nở

Trên đầu sừng nilgai [11]   

 Nilgai

[10] Loài cây rất phổ biến ở vùng Bengal Ấn Độ và Nepal.

[11] Loài thú rừng phổ biến ở Lumbini, đầu giống hươu, có bờm như ngựa.

***

Rừng Xêxan

TRONG RỪNG XÊXAN

Giữa cánh rừng xêxan

Tôi bắt gặp lũ trẻ trong làng

Đùa vui trên đống rác thải du lịch

Những tràng hoa phoi bào trên tóc 

Trên mình gấm vóc giấy màu

Chúng nhảy nhót hò reo 

Như chưa từng đói khát  

Các em hãy tới bên ta

Nhảy múa trên những ưu phiền của ta

Trên mình ta rác rưởi phù hoa

Hãy rửa sạch ta bằng tiếng cười

Trong vắt

Hoàng Hưng