Nguyễn Hoàng Văn: Tố Hữu dở và Nguyễn Phú Trọng hay: nước mắt và nước miếng

“Khởi thủy là lời”, Kinh Thánh viết vậy. [1] Mà khởi thủy của vị tổng bí thư vừa nằm xuống cũng vậy, cũng chính là “lời”, cấu thành từ cái dở của một nhà chính trị làm thơ với cái hay của một sinh viên khoa Văn làm chính trị.

Trước hết là Tố Hữu, kẻ chưa bao giờ thực sự là… Tố Hữu, trong tư thế nhà thơ. Thơ Tố Hữu, có dở, thì như vè mà, nếu hay, lại là thứ mà Nguyễn Du hay ca dao đã… hay. Một nhà thơ mà từ câu dở nhất đến câu hay đều không có sắc thái riêng của mình thì khó mà gọi là nhà thơ độc đáo, khoan nói là nhà thơ lớn.

Hẳn nhiên là, ít hay nhiều, ngòi bút nào cũng bộc lộ những ảnh hưởng nào đó từ những tài năng đi trước nhưng vấn đề là, càng trưởng thành trong nghiệp văn chương, họ càng phải vượt qua, càng chế ngự những dấu ấn không phải là mình. Nếu Bùi Giáng được xem là một trong những tên tuổi lớn của nền thi ca miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 thì tầm vóc này xây dựng trên sự độc sáng khi nhà thơ vượt qua những dấu chân đậm nhạt mà Nguyễn Du hay Huy Cận đã để lại trong thơ mình vào thuở ban đầu để, càng về sau, càng cực kỳ… Bùi Giáng. Tố Hữu thì chưa bao giờ được vậy mà, thậm chí, càng về sau, càng ghét cay ghét đắng những nhà thơ khao khát cái sự làm mới để là chính mình. Tố Hữu khó chịu khi Nguyễn Đình Thi cố làm một Nguyễn Đình Thi thực mới, khi Hoàng Cầm muốn làm Hoàng Cầm, rồi một danh sách dài với những Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Việt Phương v.v. Với một đội ngũ phê bình lý luận và thậm chí cả công an và nhà tù trong tay, Tố Hữu cưỡng ép nền thi ca phải thuận theo cái khuôn thẩm mỹ của mình và thẳng tay trừng trị những kẻ phá giới. Để yên thân thì phải đầu hàng, bỏ cuộc chơi như Nguyễn Đình Thi. Còn như cứng đầu trong tư cách của nhà thơ trăn trở với sự độc sáng thì khó mà được sống tử tế, như những con người. [2]

Nếu Tố Hữu dở trong thơ thì Nguyễn Phú Trọng, từ lúc còn là một sinh viên khoa Văn, lại… hay trong chính trị, biết nương theo cái dở đó để chui sâu vào bộ máy cầm quyền.

Nhìn lại sự đăng quang của những lãnh tụ cộng sản thì có thể nhận ra một mẫu số chung là họ, đa số, đều trông dựa vào sự đỡ đầu của một “quý nhân” nào đó, trên cao. Trong thế “quần ngư tranh thực” của trò sát phạt quyền lực thâm cung cực kỳ ác liệt thì, ngoài năng lực và thủ đoạn chính trị, cái việc lọt mắt xanh lãnh tụ tối cao mới là yếu tố then chốt. 

Như Hồ Cẩm Đào. Dù đã chứng tỏ phẩm chất một nhà lãnh đạo cộng sản khi “bình định” Tây Tạng bằng máu và bằng chính sách Hán hóa về kinh tế, như một sự cưỡng hiếp văn hóa và lịch sử, viên Bí thư Khu ủy này cũng khó mà nên danh nếu không lọt vào mắt Đặng Tiểu Bình. Lọt mắt Đặng, Hồ đã cho lãnh tụ tối cao trong hậu trường này nhìn ở mình như một “hảo đồng chí”, một “truyền nhân” vừa có đầu óc thực tiễn về kinh tế, vừa có sự cứng rắn cần thiết trong chính trị và chính điều này mới trở thành cái neo an toàn cho tương lai của Hồ. Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm của Hồ, thì nhắm Tăng Khánh Hồng, tay chân tín cẩn thuộc vây cánh Thượng Hải, nhưng Đặng đã chấm Hồ rồi thì Giang cũng bó tay.

Hay như Tập Cận Bình, kẻ được Giang chiếu cố để xây dựng thế lực nhằm sau này nối gót Hồ. Tập từng là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang mà Giang thì “nghiện” phong cảnh Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh này. Giang thích đến địa danh đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới này nghỉ mát, tiệc tùng và Tập – như là ông “thổ địa” đất này – có lọt vào mắt xanh cũng là điều dễ hiểu. Vân vân, biết bao nhiêu lãnh tụ như thế, kể cả Mikhail Gorbachev, lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô: Gorbachev cũng khó nên danh nếu, trong một kỳ nghỉ hè, không lọt vào mắt xanh Yuri Andropov, trùm KGB sau trở thành Tổng bí thư.

Nhưng thực ra thì Tố Hữu không chấm Nguyễn Phú Trọng mà, ngược lại, chính Nguyễn Phú Trọng đã “chấm” Tố Hữu và đây mới là điều “hay”. Cái hay là việc “chấm” này đã giúp Nguyễn Phú Trọng được… chấm, như một người rất được việc trong con mắt những nịnh thần luôn luôn muốn làm đẹp lòng Tố Hữu.

Nguyễn Phú Trọng là sinh viên khoa Văn tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội khoá 1963- 1967 và, ngay từ năm cuối, đã tỏ ra “hay” về chính trị khi chọn đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” làm luận văn tốt nghiệp. Tố Hữu đang là ông trùm văn nghệ mà chế độ thì đòi hỏi văn nghệ phải có “tính đại chúng” hay, nói cách khác, tính “dân gian”. Với đề tài này thì, xem ra, Nguyễn Phú Trọng đã “bấm” đúng huyệt và, sau khi được Giáo sư Đinh Gia Khánh hướng dẫn tận tình, đã được chấm thủ khoa.

Nguyễn Phú Trọng được khoa Văn giữ lại làm “cán bộ giảng dạy” nhưng nước cờ hay trên còn đẩy ông ta đi xa hơn khi được tạp chí lý luận Học Tập chấm. [2] Học Tập trực thuộc Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, đóng vai trò định hướng văn hóa – tư tưởng, là nơi xuất phát những bài báo viết mang tính “chỉ đạo” để khơi mào các phong trào đấu tố chính trị và văn nghệ như “chống xét lại”, chống Nhân Văn – Giai Phẩm, hay chống “văn hoá nô dịch miền Nam”: lọt vào đây mới là lọt sâu vào bộ máy cầm quyền. 

Nhưng đầu tiên thì phải thử thách và Nguyễn Phú Trọng đã thú nhận rằng ông ta thực sự nản lòng với “công tác tư liệu” cực kỳ nhàm chán trong giai đoạn tập sự. Giữa những ngày như thế, Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục… hay qua việc trau chuốt luận văn tốt nghiệp thành bài phê bình “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu”, gởi đăng trên tạp chí Văn Học, thuộc Viện Văn Học. 

Vớ lấy bài ca tụng Tố Hữu như thể vớ được vàng, Viện Văn Học xin chuyển tác giả về với mình và, cứ tưởng là giữa lúc nản lòng thì Nguyễn Phú Trọng sẽ chộp ngay cơ hội nhưng, một lần nữa, ông ta lại chứng tỏ cái “hay” về chính trị. Học Tập cao hơn hẳn Văn Học bởi trực thuộc Ban Bí thư và, đồng thời, Nguyễn Phú Trọng còn tính đến chuyện sẽ bị đánh giá “không yên tâm công tác”. Chính nhờ … hay như thế nên Nguyễn Phú Trọng vững chãi đi lên, trở thành biên tập viên đặc trách “Xây dựng đảng” và năm 1969 còn được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ “chấp bút” cho nguyên Bí thư trung ương Đoàn là Vũ Quang. Sau đó thì, qua nhiều vị trí khác nhau, Nguyễn Phú Trọng được đưa sang Liên Xô nghiên cứu, sau ba năm, năm 1983 trở về với bằng phó tiến sĩ… xây dựng đảng. Chuyện đời này được Nguyễn Phú Trọng kể lại trong hồi ức “Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”. [3] 

Như bao nhiêu người khác, bên cạnh cái hay, Nguyễn Phú Trọng cũng có những cái dở khác. Tốt nghiệp khoa Văn nhưng tiếng Việt của ông ta lại kém và, không nói đâu xa, ngay ở nhan đề của hồi ức kể trên, “Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, là một câu rất vụng nếu không nói là một câu tối nghĩa. Tiếng Việt của Nguyễn Phú Trọng dở đến nổi năm 2004, nhà thơ Trần Mạnh Hảo tuyên bố chỉ đáng cho “hai điểm”. Trong bài “Góp ý với bản ‘Dự thảo báo cáo chính trị đại hội 10”: Khi đảng còn độc quyền chân lý thì mọi sự góp ý đều hoá trò đùa, vô ích!”, nhà thơ này viết:

“Tôi nghe nói, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội, chủ tịch Hội Đồng Lý luận trung ương, người từng tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp Văn (là người chấp bút bản dự thảo) đã chỉ huy hơn 70 giáo sư tiến sĩ, nghĩa là tập trung đỉnh cao trí tuệ toàn đảng để làm ra siêu văn bản này, mà kỳ lạ thay, “Bản Dự thảo Báo cáo chính trị Đại Hội X” còn rất nhiều câu văn viết sai tiếng Việt ! […] Nếu Trần Mạnh Hảo là thầy dạy môn Tiếng Việt, sẽ hạ bút cho văn bản này của ông Nguyễn Phú Trọng điểm hai !” [4]

Thì, có thể là dở tiếng Việt nhưng Nguyễn Phú Trọng lại “hay” trong những bậc thang chính trị đầu tiên và, nếu thế, khi đã đạt đến đỉnh cao trong tư thế một nhà lãnh đạo, ông ta sẽ hay hơn rất nhiều?

Như là con người hành động, Nguyễn Phú Trọng đã gây tiếng vang như là người đốt lò, ném chuột kiêm… giữ lọ quý thế nhưng, qua những gì đã thấy, chúng ta hoàn toàn ngơ ngác, không biết là ông ta thành công hay thất bại. Chúng ta phân vân thế bởi ai có thể đoan chắc rằng những Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng v.v. thực sự là giống “chuột” phải ném đã đục khoét quá nhiều hay là những cái lọ quý mà ông ta không thể nào bảo vệ? Rồi, như một nhà lý luận, ông ta kiên định con đường xã hội chủ nghĩa nhưng lòng thì băn khoăn, không biết một thế kỷ sau xã hội đó có thành tựu hay không và, do đó, ông ta lại khiến chúng ta ngơ ngác, không hiểu ông là loại lý luận gia kiểu gì.

Nhưng đó chỉ là sự ngơ ngác của lúc tàm tạm bình yên. Trong những thời khắc cấp bách nhất, như thể chiến tranh, loạn lạc, Nguyễn Phú Trọng lại giúp chúng ta dứt khoát, rõ ràng trong cách hiểu và đánh giá nói trên. Nhìn cách ông ta ứng xử trong lúc đất nước lâm nguy, chúng ta nhận ra ngay một lãnh tụ lúng túng, né tránh như thể con đà điểu chui đầu xuống cát nếu không nói là đào ngũ và, thậm chí, phản bội!

Đầu tiên là vụ dàn khoan Hải Dương 918 vào năm 2014, kéo dài hơn hai tháng. Đầu tháng Năm, hải quân Trung Quốc đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam tại quần đảo Trường Sa rồi ra lệnh cấm tàu thuyền Việt Nam đến gần, sử dụng phương pháp “thủ công” để tấn công tàu của cảnh sát biển Việt Nam đang cố bảo vệ chủ quyền và, cùng lúc, cho dân quân húc chìm hàng chục tàu đánh cá Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa. 

Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn nấp kín, vẫn hoàn toàn im lặng và, thậm chí, sau đó còn tệ hơn, như hề. Ngày 9/5/2014 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo tại Bắc Kinh, xác nhận đã sử dụng súng phun nước tấn công tàu Việt Nam sau khi đổ lỗi là do Việt Nam khiêu khích. Cũng ngày này, ở Hà Nội, khi cả nước đang sôi sục, Nguyễn Phú Trọng lại điềm nhiên đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9.

Lẽ thường, khi đối mặt với một tình hình khẩn cấp thì nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng tạm gác những hoạt động bình thường để tập trung vào việc đối đầu với khủng hoảng và, quan trọng không kém, còn ra mặt trấn an công chúng, kêu gọi sự đoàn kết để, tạm gác những xung khắc bè phái qua một bên, đối đầu với kẻ thù chung. Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn vậy và “Trung ương” vẫn vậy. Hội nghị vẫn diễn ra bình thường như thể không có gì xảy ra và, thậm chí, ông ta còn thảnh thơi bình giảng những chuyện thừa thãi, đâu đâu: “Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”. [5]

Khó mà vô duyên hơn! Văn hoá thì phải bao hàm bản sắc, bản sắc cũng là một phần của văn hoá và đó là điều hiển nhiên, như hai với hai là bốn. Có nhà lãnh đạo kiêm nhà lý luận nào mà ngây ngô như thế, nghiêm túc với một đề tài thừa thãi như thế, ngay trong tình thế khẩn thiết như thế? 

Chưa đầy hai năm sau đó thì đất nước rúng động với vụ Formosa. Đầu tháng Tư năm 2016 tin tức về vụ ô nhiễm nhiễm nặng nề tại vùng biển Hà Tĩnh loan ra mà thủ phạm là công ty Formosa của Đài Loan ở Vũng Áng. Trong khi người Việt trong và ngoài nước đang sục sôi phẫn nộ thì Nguyễn Phú Trọng vẫn không một lời, như thóc. Tệ hơn, ngày 22/4/2016 ông ta điềm nhiên “đến thăm một số công trình, nhà máy thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu” của Formosa ở Hà Tĩnh mà không hề có một lời nào về vụ ô nhiễm mang tầm quốc gia này. [6] 

Như thế, nếu trong vụ Hải Dương – 981 Nguyễn Phú Trọng hành động như một tên đào ngũ thì, trong vụ Formosa, ông ta lại tỏ thái độ bảo vệ cho thủ phạm và, do đó, đã lộ nguyên hình của một tên phản bội. 

Nếu đào ngũ và phản bội thuộc về nhân cách thì cái giá phải trả về chủ quyền và môi sinh là di sản để lại. Như là kẻ từ đầu đến cuối chỉ được huấn luyện để “xây dựng đảng”, việc ông ta không để lại một di sản “kinh bang tế thế” nào hay lưu lại dấu ấn nào của một nhà lãnh đạo nhạy bén và sáng chói trong tình thế khẩn cấp thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc ông ta, như một nhà lý luận, tỏ ra thiếu sự tự tin vào cái mô hình xã hội mà ông ta luôn kiên định, lại khiến ông ta trở nên ngây ngô như một nhà lãnh đạo đầy quyết tâm mà không có tầm nhìn. 

Tôi vào quê hương bằng một gánh hát quê

Đả đảo hoan hô tôi đứng lên làm hề

Lũ trẻ ngù ngờ cười phun nước miếng

Tôi bất chợt nghĩ đến hoạt cảnh này khi một con người với nhân cách, di sản và tầm nhìn như thế được cử hành “quốc tang”: cái “gánh hát quê” trong “Đi vào quê hương”, cái ca khúc nhức nhối tim gan mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ “Trò chơi của người chưa lớn” của Hoa Đất Nắng [8]

Thì gánh hát đó có thể khiến “lũ trẻ ngù ngờ” cười phun nước miếng nhưng, với tôi, và rất nhiều người khác, như những con người đã qua bước tuổi trẻ và đã hết ngù ngờ, tôi tin thế, còn phun cả… nước mắt. Và, trong ý nghĩ đó, tôi lại đau đớn tự hỏi mình là, bao giờ, đến bao giờ thì đất nước gian nan của chúng ta mới hết cam chịu cái thứ “quốc tang” cực kỳ tốn kém nhưng cứ như thể những gánh hát quê, khiến chúng ta phun cả nước mắt và nước miếng? 

31.7.2024

Nguyễn Hoàng Văn 

—————

Tham khảo, chú thích:

  1. In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God. He was with God in the beginning. (John 1:1)
  2. https://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9662&rb=08
  1. Đầu năm 1977 đổi tên thành Tạp chí Cộng Sản.
  2. Nguyễn Phú Trọng, “Đôi điều tâm sự về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, trong Thời gian và Nhân chứng III, Hà Minh Đức biên tập 

(2001). NXB Chính trị Quốc gia, trang 568 – 595.

  1. Bài này hiện không trên mạng Internet, tôi tra cứu trong hồ sơ tư liệu riêng. Đây là chuyện đấu đá, giành giật quyền lực nội bộ khi chuẩn bị cho Đại hội đảng thứ 10 (4/2006). 
  2. https://www.procontra.asia/?p=4323
  1. https://www.voatiengviet.com/a/ong-nguyen-phu-trong-khong-nhac-toi-vu-ca-chet-o-ha-tinh/3299768.html
  2. https://phudoanlagi.blogspot.com/2018/11/thi-si-hoa-at-nang-la-ai-o-hung.html

Tên thật là Huỳnh Hữu Võ, quê ở Bình Thuận, còn có các bút danh khác Thy Vũ Hà Như; Thanh Vũ. Trong nguyên tác, khổ thơ này là:

Tôi vào quê hương theo đoàn cải lương

Đứng lên làm hề đả đảo hoan hô

Lũ trẻ ngu ngơ cười phun nước bọt

Trên mặt mày tôi, dưới yếm, trên đầu