Trần Quý Phiệt: Tại sao tôi viết

Lời giới thiệu: GS Trần Quí Phiệt trước đây là Giáo sư Danh dự (Emeritus Professor) bộ môn văn chương Anh Mỹ ở Schreiner University, Kerrville, Texas, đồng thời ông cũng có nhiều bài khảo luận về văn chương Việt hải ngoại đăng trên các tạp chí văn học Mỹ.

Sau khi nghỉ hưu ông đã hoàn thành tập HỒI KÝ (bản tiếng Việt và tiếng Anh). “Tại sao tôi viết” là chương sau cùng trong cuốn sách, bản tiếng Việt.

DĐTK

***

Con người có thể sống còn trước tai ương khủng khiếp và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi mất ý chí muốn sống khi Huế bị bộ đội cộng sản tiến chiếm và gia đình tôi bặt tin trong lúc chạy loạn. Một chuyện xảy ra sau đó khiến cuộc đời tôi thay đổi. Tôi thoát chết trong gang tấc trên đường phố Guadalupe khi được lôi ra khỏi dòng xe cộ đông đúc trong lúc đầu óc tôi còn chưa tỉnh hẳn. Người phụ nữ tốt bụng cứu mạng tôi có thể đã thấy tôi nhào xuống đường khi đèn dành cho bộ hành đã chuyển sang màu đỏ.    

Kể từ lúc toan tìm cái chết không thành, tôi cảm thấy sự quan trọng phải ra khỏi mùa đông dài tối tăm để sống cho gia đình hơn bao giờ hết. Thay vì sống như con người bình thường, tôi chìm mình trong quá khứ. Nhưng đó là một quá khứ khác thường. Nó không phải thiên đường của tuổi thơ tôi đã khêu gợi ở Dalat lúc tôi là một chàng tuổi trẻ đến viếng thăm, thiên đường hiện thân bằng những “khoảnh khắc tuyệt vời hạnh phúc” (moments bienheureux), như Proust đã nhận định. Quá khứ đó cũng không phải là thời gian lý tưởng trong đó tôi làm việc cật lực vì tương lai của tôi và những người tôi thương yêu mãi cho đến ngày 26 tháng 3 năm 1975 lúc Huế bị thất thủ. Giai đoạn tôi xem là hiện tại nối dài đầy hạnh phúc với những thoáng tương lai đầy hứa hẹn bỗng nhiên trở thành một quá khứ đầy những kỷ niệm đau buồn. Cố rút ngắn thời gian học  tôi không nghĩ đến quá khứ. Bây giờ thì ngược lai. Chỉ sực nhớ một điều gì cũng làm tuôn ra trong lòng tôi như dòng nước lũ những hoài niệm đau thương và những ý nghĩ chán đời. Vì gia đình, tôi muốn sống bình thường, nhưng những ý nghĩ đen tối vẫn cứ len lỏi vào trong tâm trí tôi. Hiện tượng này xảy ra khi một người ở giữa biên giới sống và chết. Trong rối loạn của suy nghĩ vô thức tôi chọn sống thay vì chết.

Đó là nguồn gốc cuốn sách của tôi. Khi tuyệt vọng đến cùng cực, mọi sự trở nên vô nghĩa và những ý nghĩ không còn muốn sống lại đến trong đầu, tôi tìm đến văn chương. Tôi làm làm bạn với những nhân vật như Arthur Dimmesdale của Hawthorne, Quentin Compson của Faulkner và những ý nghĩ đen tối của tôi. Tôi tìm đến đó để được an ủi vì cảm thấy gần gũi và vì lòng tôi tan nát bởi đau khổ, buồn rầu, ân hận.

Quá khứ đầy ác mộng nói trên và nỗi đau buồn của kiếp sống lưu vong tiếp theo có lẽ đã trở thành đề tài khác trong cuốn sách tương lai của tôi nếu một việc không xảy ra làm thay đổi mục đích viết văn của tôi. Năm 1995 sau khi có bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước, tôi về Việt Nam để thăm viếng phần mộ cha tôi và tổ tiên tôi. Khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon tôi cảm thấy một cảm giác rất mạnh mẽ về một cái gì quen thuộc. Những hình ảnh thân quen trào lên như thủy triều trong lòng tôi hết lớp này đến lớp khác, tiếp theo là một cảm giác về một cái gì tôi đã từng biết, một cái gì hết sức thanh bình và đầy thích thú. Tôi biết rằng đây là quá khứ đích thực tôi về quê hương để đi tìm. Tôi mất hai mươi năm để thực hiện điều mơ ước tự đáy lòng. Bây giờ cuộc đi tìm quá khứ đã bắt đầu thật sư, tôi muốn có một cái nhìn cân bằng về quá khứ. Tôi muốn hồi phục những khoảnh khắc hạnh phúc của thời thơ ấu như Marcel, nhân vật chính của Proust, trong tác phẩm À la recherche du temps perdu. Nền văn chương lớn, nhất là tác phẩm của Faulkner và Proust, đã ảnh hưởng đến đời sống và suy nghĩ của tôi. Đọc Faulkner làm tăng thêm nỗi cô đơn, đau buồn và chán chường của tôi nhưng đồng thời đem đến niềm an ủi vì tôi cảm thấy đồng cảnh ngộ với các nhân vật “tối tăm” (dark) của Faulkner. Nghiền ngẫm về tác phẩm của Proust và tìm hiểu ý nghĩa những suy luận của Proust về về thời gian đã mất không những làm vơi đi nỗi buồn ghê gớm của kiếp sống lưu vong mà còn đem lại cho tôi niềm vui, niềm vui của đau khổ. Nếu không đọc Proust, tôi đã không tìm được niềm vui sướng, mặc dù ngắn ngủi, thoáng thấy Thiên đường. Khi dấn thân vào cuộc đi tìm quá khứ, tôi có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của khổ đau trong hiện tại, cũng như hạnh phúc của những năm đầu thời thơ ấu tôi đã xem thường vì bé thơ khờ dại.

Bây giờ cuộc đi tìm quá khứ đã chấm dứt và tôi đã trở lại Hoa Kỳ, tôi muốn khởi sự viết cuốn sách của tôi. Bởi vì quá khứ của tôi chìm sâu vào cõi vô thức tối tăm, viết về quá khứ như mò mẫm trong mê lộ không có gì hướng dẫn ngoài trừ một chút ý thức yếu ớt nặng chĩu đau buồn, tiếc nuối. Bởi vì thế giới đã mất của tôi rất quan trọng với tôi và viết là cách duy nhất làm thế giới ấy sống lại nên bằng mọi cách tôi phải viết về nó. Chỉ có viết tôi mới có thể sắp đặt lại những ý tưởng rời rạc và tạo ra một mô thức trật tự cho quá khứ mới được phục hồi của tôi. Với những hàng chữ phơi bày trên những trang giấy của cuốn sách chúng ta có thể tâm sự với quá khứ, nghe tiếng vang của nó, thấy những đặc tính của nó, biết được sự hiện hữu của nó, tất cả tùy theo nhu cầu và sở thích của ta.

Cái mầu nhiệm của chữ viết được chứng minh trong cuốn tiểu thuyết của Proust. Trong một thời gian dài cuốn tiểu thuyết này đem lại sự an ủi và bình yên cho tâm hồn tôi. Đọc Proust giúp tôi nghe trong ký ức sâu thẳm—và trong tưởng tượng và giấc mơ của tôi—từ miền đất và thời gian xa mờ của tôi những giọt mưa rơi tí tách trên cửa sổ vào một đêm đông ở nhà tôi ở Quảng Bình; những giọt mưa ấy dường như nói với tôi, làm tôi đau đớn, làm tôi nhớ quê nhà quay quắt, nhưng cũng làm tôi trở nên khôn ngoan hơn. Đọc Proust giúp tôi hiểu tại sao những sự vật trông vô nghĩa như thế lại mang một sự huyền bí và một linh hồn với một cơ cấu toàn vẹn về cấu trúc, nhạc tính và cảm xúc tinh. Nghe tiếng mưa, như Proust đã nói, giống như nghe một bản giao hưởng. Giống như cơn mưa tôi nghe trong quá khứ, mọi thứ ở trong đời thuộc về tôi có một ý nghĩa quan trọng, một đời sống, một mục đích, rất đầy đủ, rất phong phú, nhưng rất khó nắm bắt.

Mặc những khó khăn như thế, tôi vẫn phải viết cuốn sách của tôi về cuộc đi tìm này. Tôi không thể cưỡng lại ý muốn ấy nổi. Tôi cần phải đem ra từ cõi tiềm thức của tôi cái tôi đã chôn chặt trong đáy lòng một quãng thời gian quá dài—những mộng tưởng không thành, những nỗi buồn bã và ân hận. Nhà phê bình Susan Sontag nói rằng viết là một sự ám ảnh, “một sự thôi thúc không nguôi,” nhưng tôi nghĩ còn hơn thế nữa. Tôi phải viết ra hết vì đó là sự giải thoát cho chính tôi, vì nỗi khắc khoải bị dồn nén phải được nói nên lời và phải được lắng nghe. Viết cũng sẽ giúp tôi khỏi quên những người chết và những kẻ vắng mặt bằng cách nhắc nhở tôi rằng họ vần còn sống và quan trọng đối với tôi. Viết bảo vệ những người của tôi khỏi bị lãng quên, chống lại sự tàn bạo của thời gian đe dọa nhận chìm họ vào chốn hư vô, vào chỗ diệt vong. Những người chết muôn đời sẽ không được tưởng nhớ nếu chúng ta không kể chuyện về họ. Như những ngôi sao trên bầu trời, tuy riêng biệt nhưng không tách rời, chúng tôi quyện vào nhau. Cũng như Proust nói đến sự liện hệ mật thiết giữa thời gian và không gian khi ông viết “tôi có thể nghe được tiếng vọng của những không gian mênh mông đã vượt qua,” tôi cảm thấy sự liên hệ không tách rời giữa cuộc đời tổ tiên tôi và cuộc đời tôi ngay ở đây và bây giờ. Viết đối với tôi là một cách biểu lộ (mặc dù hơi phức tạp) với các ngài lòng biết ơn, mặc cảm tội lỗi và đau buồn của tôi. Nó không phải chỉ đơn giản nhớ thương khuôn mặt buồn rầu của cha tôi vào một ngày u ám cuối tháng tám năm 1972 khi tôi từ giã Cha (và thấy Cha lần sau cùng) để lên đường sang Mỹ du học, nhưng còn liên quan đến nhiều chuyện khác, giống như dệt một câu chuyện nhiều lớp về cuộc đời của Cha—phấn đấu nuôi tôi và hai em tôi, nỗi đau khổ và buồn rầu không sao nói được chỉ được biểu lộ trong những bài thơ buồn Cha ngâm để ru chúng tôi ngủ, những bài viết súc tích nhưng đầy đau thương về mẹ của Cha (bà nội của chúng tôi), một góa phụ trẻ cái chết sớm của bà khiến cha tôi và chú tôi thành cô nhi quá sớm trong đời. Chuyện của cha tôi cũng ảnh hưởng đến tuổi thơ, tráng niên và cao niên của tôi. Tôi nghe cha ngâm Đường thi khi nằm trong lòng Cha, và bây giờ vẫn còn nghe mãi với nỗi u buồn khôn nguôi của tôi. Cũng như thế, hôm nay ở Dalat, nơi tôi sinh ra, năm mươi năm sau từ khi Như Cẩm qua đời em bỗng sống dậy trong tôi. Thời gian ngừng lại, và tôi là cậu bé bảy tuổi chơi đùa với đứa em gái hai tuổi của cậu. Rồi nhẹ nhàng cảnh tuổi thơ chuyển sang Đồng Hới lúc tôi đến tìm Trang từ giã nàng để vào Nam. Tôi thấy sự xúc động trong mắt Trang. Hình bóng ám ảnh của nàng theo tôi vào Huế. Có nhiều người khác từ quê nhà đã chết  hay vắng mặt tôi đã mang theo với tôi trong cõi sâu thẳm cõi vô thức của tôi từ lúc tôi trở thành kẻ lưu vong, nay bỗng nhiên hiện lên bể mặt cõi hữu thức của tôi, tham dự vào đời tôi, đòi hỏi sự quan tâm của tôi. Chúng ta không thể nhớ họ bằng cách chỉ nói về họ. Chúng ta phải viết về họ. Chúng ta và họ không thể tìm dược bình yên cho đến khi chúng ta giải nghĩa họ sống, đau khổ và chết cho chúng ta như thế nào.

Với ý nghĩ trên tôi đã tìm ra lý do cho cuộc đi tìm và bình yên cho linh hồn tôi. Điều giản dị chỉ là khai quật quá khứ để thương và nhớ. Giống như người kể chuyện của Proust, tôi ý thức được rằng quá khứ hay Thiên đường trong tôi. Sau hơn ba ngàn trang sách trong đó Marcel nói về sự đi tìm của mình, chàng khám phá rằng “tất cả quá khứ trãi dài vô tận . . . tôi đã mang trong người tôi” và “khoảnh khắc xa xôi ấy vẫn còn bám vào tôi và tôi có thể bắt nó, trở về với nó bằng cách chỉ cần xuống sâu trong người tôi” (nhấn mạnh thêm vào). Đây là điều tôi đã trải qua và đã đạt được trong sự đi tìm của tôi. Một sự thật hiện ra trong đầu tôi. Bởi vì quá khứ của tôi tồn tại trong tôi (Faukner nói rằng “quá khứ không bao giờ chết. Ngay cả quá khứ cũng không trôi qua”), điều đó không có nghĩa rằng quá khứ chỉ có thể phục sinh ở Việt Nam, nhưng tôi có thể sống lại với quá khứ ngay ở miền đất tôi lưu vong. Tôi nhớ khi sống ở Mỹ tôi cảm thấy nao nao một nỗi buồn rầu khi vô tình chạm phải một cái gì quen thuộc nhưng gợi nhớ một cách đau đớn. Một hồi sấm từ xa vang dội qua bầu trời sẽ nhanh chóng đưa tôi về làng quê của tổ tiên tôi ở Quảng Bình. Tự nhiên và ngay tức thì tôi sống lại sự hãi hùng ám ảnh tôi về một trận lụt đã cướp đi sinh mạng người anh của cha tôi (bác ruột của tôi) và khiến cho làng quê của Cha trở nên hoang tàn. Tiếng chuông đổ từ một nhà thờ quận hạt tôi nghe trong một buổi chiều ở Fairfax, bang Virginia khi tôi trên đường về nhà sau buổi dạy ở Đại học George Mason tôi cũng đã nghe quen trong một quá khứ xa xăm ở Dalat, Đồng Hới và những nơi khác ở Việt Nam. Ở Hoa Kỳ tôi thích nhất cảm giác khi tỉnh dậy trong tiếng mưa rơi trong một đêm hè. Mặc dù mưa từ trên trời rơi xuống, nhưng tôi nghe như dâng lên từ cõi sâu thẳm của lòng tôi. Tiếng mưa êm dịu như tiếng mưa thuở nào trong quá khứ thật xa xăm. Như vậy, có thể nói rằng chắc chắn tôi đã mang theo tôi những thứ đó cùng với hình ảnh và âm thanh của đất nước tôi khi tôi sang xứ Mỹ. Do đó, mang niềm đau của cái gọi là lưu vong là vì tôi chưa, như Proust khuyến cáo, xuống sâu trong tôi để nghe lại những âm thanh và thấy lại những hình ảnh của tuổi thơ ở quê nhá. Tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu tại sao những âm thanh và hình ảnh đó sao quen thuộc với tôi đến thế và tại sao chúng làm ngân lên, dù ngắn ngũi, một tiếng kêu gợi nhớ trong tim tôi. Chỉ khi cuộc đi tìm chấm dứt tôi mới ý thức được rằng quá khứ hóa thân trong hiện tại, bởi vì nếu quá khứ không hiện hữu trong tôi tại sao quá khứ trông sao quen thuộc và sống động khi xuất hiện trên bề mặt cõi hữu thức của tôi?

Chắc chắn rằng tôi đã mang trong lòng tôi quá khứ ấy với những âm thanh và hình ảnh cùng với những sắc thái tế nhị của nó từ khi ý thức của tôi được hình thành. Proust viết rằng người kể chuyện Marcel “đang hiện hữu” khi chàng nghe lại tiếng chuông nhà thờ vang lên ở làng Combray, quê hương của chàng. Hiện hữu là quá khứ hồi sinh. Loại thời gian này ở trong tôi, diễn tiến qua những giai đoạn khác nhau của đời tôi, lại còn đi xa vào những năm dài không nhớ được trong một tiền kiếp mơ hồ nào đó. Đi tìm Thiên đường rất hấp dẫn và không bao giờ chấm dứt. Với lòng tin  mới tìm thấy tôi trở lại Hoa Kỳ sống trọn kiếp lưu đày tiếp tục cuộc hành trình đi tìm quá khứ dang dở của tôi.

Trần Quí Phiệt