Đỗ Trung Quân: Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…

Chỉ cần 3 Huyền sử ca “Hòn vọng phu” là nhạc sĩ Lê Thương đủ trở thành bất hủ nhưng cụ chưa chịu dừng sự bất hủ ở đấy. “thằng Cuội” ra đời, Lê Thương kể một câu chuyện cổ tích bằng âm nhạc pha thêm chút hài hước của tuổi thơ trong trẻo “các em thích cười muốn lên cung trăng …cứ hỏi ông trời…cho mượn cái thang …” thằng Cuội ấy đi qua bao nhiêu thế hệ, những đứa trẻ từng nghe hát câu chuyện ấy thay nhau trở thành ông già bà lão, còn vầng trăng tuổi thơ vẫn mãi vằng vặc.

Phạm Duy không chịu ngồi yên, ông là nhạc sĩ có máu “cạnh tranh” vào bậc hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Văn Cao có “Thiên Thai” thì Phạm Duy có “Tiếng sáo Thiên Thai” , Văn Cao có “Trương Chi” thì Phạm Duy có “Khối tình Trương Chi”. Lê Thương có “Thằng Cuội” thì Phạm Duy có “Chú Cuội” mà cô Hằng trong ca khúc không ai khác chính là Thái Hằng người vợ của ông. Nhiều năm sau nữa Phạm Duy dấn thêm một bước đi vào đề tài bất hủ Đồng dao tuổi thơ “Ông Trăng xuống chơi”: 

ông Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo

ông Trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút

ông Trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa

ông Trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính…

ông Trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa

ông Trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái… 

Cụ Phạm tinh quái lẫn tinh tế lắm. Bài “ông trăng xuống chơi … ” toàn bộ là từ “xuống chơi ” nhưng tới câu “gái đẹp ” thì Phạm Duy đổi “ông trăng xuống CÔ GÁI ĐẸP . Và ông trăng xuống ANH ĐÀN ÔNG …”

Duy 2 câu ấy cụ đổi động từ “chơi” thật hay, giữ nguyên vẹn tính chất ngây ngô, hồn nhiên của Đồng dao.

Ai có gì Phạm Duy có nấy không hề thua kém. Cuộc cạnh tranh công khai nhưng lành mạnh ấy mang lại cho âm nhạc những ca khúc trứ danh mà người thưởng thức âm nhạc Việt Nam được thừa hưởng.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy.

2006 – nhân chuyến đi cùng ông lên Lạng Sơn thực hiện bộ phim tài liệu về con đường âm nhạc của Phạm Duy. Buổi chiều nghỉ chân trên đèo Sài Hồ trò chuyện cùng ông bên bờ cỏ ven đường, hoa xuyến chi lấm tấm, cùng nhìn xuống thung lũng sâu nơi có con suối và bóng dáng những cô người Mường, Tày …áo chàm vác mai từ nương rẫy ra suối rửa cuốc thuổng, chân tay. Sườn núi thấp thoáng những mái nhà sàn nhả khói lam chiều. Ca khúc “Nương chiều” của Phạm Duy lại hiện ra mồn một: 

“Chiều ơi! lúc chiều về là lúc yên vui

trâu bò về giục mõ xa xôi…ới chiều!

Chiều ơi! mái nhà sàn thở khói âm u

Cô nàng về để suối tương tư…ới chiều!…”

Một nét cười nhếch tinh quái rất nhanh thoáng qua khóe miệng của cụ Phạm:

“Anh có biết cô nàng về để suối tương tư…nghĩa là gì không?

“Thưa không!”. Phạm Duy nhích gần thêm chút nói vừa đủ nghe “anh nhìn xem, các cô Tày kéo váy tới đùi lội xuống suối rửa chân chỉ có con suối, duy nhất con suối nhìn ngược lên nó thấy cái ta không thể thấy…

Phạm Duy quả nhiên danh bất hư truyền, câu chuyện có vẻ dung tục nhưng ca từ ấy lại là một lời hát thượng thừa .

Sẵn trớn Phạm Duy háy mắt, “Anh có biết vì sao trên cung trăng lại có con Ngọc Thố ? ” vẫn nét cười tinh quái: “Khi chú Cuội chưa lên, chị Hằng ở một mình, lỡ trồng cà rốt trên cung trăng, để tránh dị nghị chị ấy nuôi một con Thỏ, tại sao cung trăng lại có một con Thỏ hiểu chưa!”. Tôi cười sặc xin vái cụ ba vái!

Lê Thương, Phạm Duy giờ đã “xin mượn cái thang…” của ông Trời đi cả rồi …

Chỉ còn chú Cuội, chị Hằng hàng năm vẫn nương vầng trăng sáng kể một câu chuyện Trung Thu.

Thế hệ khác sẽ kể lại câu chuyện này bằng hình ảnh, cảm thức khác…

Thằng nhóc ngày nào…

… giờ cũng thành ông lão lụ khụ ngồi gõ những dòng này

và hát nhỏ “bóng trăng trắng ngà có cây đa to…có thằng Cuội già …ôm một mối mơ…”

Đỗ Trung Quân.

Nguồn: Văn học Nghê thuật 

***

Một vài bức tranh chủ đề Trung Thu của họa sĩ-nhà thơ Đỗ Trung Quân: