Bernard Nguyên-Đăng: Sư Minh Tuệ Qua Lăng Kính Kitô Giáo

Nguồn: internet.

Lời vào

Trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, trải bao nhiêu triều đại, thế hệ, thời vua chúa, phong kiến, đến thời thực dân, trong chiến tranh cũng như lúc hoà bình, gian khổ hay thịnh vượng, ít thấy, đúng hơn, chưa từng thấy một sự kiện, nhiều người cho là một “hiện tượng”. Có lẽ, vô số người, hàng ngàn, vạn, nếu không dám nói hàng triệu người đã chú ý, quan tâm, theo dõi; và lắm người cảm thấy như một cơn sốc, cơn lốc, như cơn sóng thần [tsunami] xã hội mạng; hoặc, nhiều người còn có những cảm nghiệm xa hơn, cao vời hơn trong góc độ tâm linh—chính là sự xuất hiện của Sư Minh-Tuệ.

Đã có vô vàn thông tin nơi cộng đồng mạng, hằng hà sa số hình ảnh, video, và nhiều hình thức truyền thông chớp nhoáng khác, hai từ “Minh-Tuệ” đã và đang trở thành sự choáng ngợp trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, nhiều bài viết và phản biện, đủ mọi chiều hướng, không thể sàng lọc hết sứ mệnh, mục đích, hiệu năng và tác động của mọi kênh truyền thông trong xã hội Việt Nam cũng như khắp các nơi hải ngoại.

Với tạp ghi nầy, người viết chỉ cô đọng, nhấn mạnh sự tương đồng, trùng hợp và tương xứng về ý hướng và cung cách sống khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo—nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc từ bỏ những ham muốn vật chất để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, hoặc cứu rỗi, hơn là so sánh những điểm khác biệt giữa hai đức tin tôn giáo, truyền thống—Kitô giáo và Phật giáo. Mục đích của cả hai truyền thống là giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, con người có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự giác ngộ- nên thánh.

Trong khuôn khổ giới hạn bài nầy, người viết chỉ mong chia sẻ một góc nhìn rất hẹp, kiến thức giới hạn, thông tin thưa thớt, bất cập, qua lăng kính Kitô giáo—công giáo, tin lành, chính thống giáo, cơ đốc giáo—các giáo phái tin vào đức Giêsu là “Chúa”. Viết, theo quan điểm, kiến thức và tính chủ quan, cá nhân, không mang danh nghĩa bất cứ một giáo phái, giáo hội, tập thể, cộng đoàn hay bất cứ tổ chức nào. Lăng kính Kitô giáo trong bài nầy lại giới hạn duy nhất trong sự tương đồng, tương quan, trùng hợp giữa đức tin tôn giáo và hành đạo của Sư Minh-Tuệ và Kitô giáo— không khen chê, không đánh giá và tuyệt nhiên không có thẩm quyền định thẩm tinh thần tu thân, triết lý và phương châm hành đạo của Sư Minh-Tuệ, hoặc bất cứ nhân vật nào trong tài liệu được trích dẫn, để chứng minh.

*****

Giám mục, Linh Mục và người Kitô hữu nghĩ gì, nói gì, rao giảng gì…

Sư Minh-Tuệ. không rao giảng, không phô trương kiến thức tôn giáo, bằng cấp hay bất cứ một chức sắc gì trong giáo hội, không là thành viên, không thuộc về giáo hội; nhưng, hình ảnh và phong cách sống chân tu của Sư đã vang đi khắp nơi trên thế giới. Từ trong nước ra đến các lục địa, các quốc gia có người Việt định cư, nhiều giám mục và linh mục đã giảng về Sư Minh-Tuệ—không chỉ chia sẻ qua các kênh cá nhân, nhưng, đặc biệt là ngay trong các thánh lễ, lễ Chủ nhật, đại hội, nơi toà giảng, trên cung thánh (chánh điện). Không phải ai cũng được phép giảng nơi cung thánh, trong giáo đường, và chủ đề giảng thường là dựa vào kinh thánh, điển tích, các bài đọc trích ra từ trong kinh thánh. Nhưng, động lực nào, lý do gì và yếu tố nào thôi thúc các linh mục chọn thời điểm, địa điểm hết sức cung kính, nhiêm trang và trân trọng để đưa sư Minh-Tuệ vào sứ vụ rao giảng cho tín hữu và giới trẻ. Đặc biết nhất là chính đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, ngài cũng đã ca ngợi Sư Minh-Tuệ trong đại hội giới trẻ tại cao nguyên. Tất nhiên không có chỉ thị, hoặc ngăn cấm từ các cấp lãnh đạo cao hơn, như giám mục hoặc hồng y, và sự chọn lựa đưa Sư Minh-Tuệ vào bài giảng là sự tự do, sự thôi thúc và cảm nghiệm riêng của cá nhân, hoàn toàn độc lập. Hiếm, rất hiếm khi người công giáo được nghe giảng trong giáo đường về hạnh của một sư, thầy, tu sĩ Phật giáo, ngay cả Đức La Lạt Ma, hoặc các cao tăng, thiền sư có tiếng trong nước hoặc hoặc ở hải ngoại. Vậy, những gì đã gây ấn tượng mạnh, tác động mạnh vào tâm thức của các nhà lãnh đạo Kitô giáo?

Trong lễ tang, linh mục Phêrô Vũ Khắc Năng chia sẻ, một ai đó hỏi, “Có người xin Sư hiến nội tạng, Sư có cho không?”

Sư Minh-Tuệ đáp, “Cho con 10 ngày”. Người hỏi ngạc nhiên, hỏi, “Sao lại 10 ngày?” Sư Minh-Tuệ đáp, “Để thân xác con được thanh lọc…” [1]

Một sự đối đáp vừa chân thành, vừa khiêm nhu, vừa thánh thiện. Không những Sư sẵn sàng dâng hiến toàn thân, nhưng, lại còn muốn dâng hiến với sự thanh sạch, không tỳ ố, dâng hiến trọn vẹn, trong sự toàn hảo. Sự đối đáp của vị chân tu Minh-Tuệ—vừa thánh thiện, vừa khôn ngoan—không khác gì cung cách hành xử và đối đáp của đức Giêsu khi Ngài bị người đời vặn hỏi, chất vấn.

*

Không phải chiếc áo, không phải con người xác thịt…

Mượn lời của vị chủ tịch tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng, chỉnh sửa, dạy bảo, khuyên răn người cấp dưới về quyết định và hành động không đúng với văn hoá và đạo đức làm người, người Quảng Trị đáng mến: “…người ta đảnh lễ cách tu, nhân phẩm, đạo đức và đức Phật nằm trong người của ông. Các anh không đảnh lễ ông Minh-Tuệ, nhưng đảnh lễ đạo đức và cách tu tập theo Phật của ông…”

Ông còn khuyến cáo hai quan chức xã đến đảnh lễ Sư Minh-Tuệ—không đến bái lạy sư Minh-Tuệ vì xác phàm, vì con người bằng xương bằng thịt; nhưng vì đức độ, sự thánh thiện, chân tu của ông đã toả sáng đến mọi người. Nghe đi, nghe lại—lời răn dạy khoan thai, nhẹ nhàng và thiết tha thật lòng— càng nghe, càng thấy thấm thía, một bài đức dục, bài giảng dạy về giá trị truyền thống, luân thường đạo lý, văn hoá Việt của một cán bộ lãnh đạo, càng thấm lòng.

Đấy, một chứng minh hiếm có, xuất phát từ cái “tâm” chân thành của một nhà lãnh đạo cấp cao trong chính quyền. Vô tình, vị chủ tịch tỉnh nầy đã trở thành, đóng vai một đại sứ văn hoá của không những riêng cho tỉnh Quảng Trị, nhưng cho cả nước, mọi người thấy vinh dự và vui lây. Ông đã nói thay cho bao nhiêu người, không chỉ răn bảo hai ông cán bộ xã, nhưng cho mọi người, không phân biệt tôn giáo. Với địa vị của người có thẩm quyền và trách nhiệm, ông đã thoát ra khỏi cương vị quyền lực để thốt lên những tâm ý chuyển tải giá trị tinh thần mà mọi người tôn kính, khâm phục Sư Minh-Tuệ, dù có muốn thét lên, vẫn không có hấp lực, sức mạnh và tác động mạnh như tâm tình của riêng ông, chỉ trong vòng vài phút nhắn ngủi. Mời mọi người cùng lắng nghe ông…[2]

*

Cung cách chào hỏi và nguyên tắc thưa trình…

Trên mạng xã hội có một “Clip” mang tên “Học tiếng Việt có khó không?” Nhân vật xuất hiện trong clip là một phụ nữ tây phương, nói tiếng Việt khá sành sõi. Cô nói, “Tiếng Việt rất khó. Khó nhất là cách xưng hô.” [3]

Con, cháu, em, anh, chị, ông, ôn, bà, mệ, bác, thầy, chú, cậu, cô, o, dì, bu, dượng, mợ, thím… chưa kể đến…thằng, tôi, tau, mầy, tớ, cái…ôi thôi không biết sao phân định được. Tuỳ đối tượng, quan hệ, bối cảnh, tuỳ vai vế, vùng miền, tuỳ…rất nhiều yếu tố tế nhị khi xưng hô, thưa gửi. Trong cung cách sử dụng từ sao cho thích hợp, người xưng hô nói lên, thể hiện rất nhiều về chính mình, khiêm cung hay cao ngạo, mộc mạc hay khách sáo, đưa đẩy hay chân thành. Riêng trong chủ đề “cung cách chào hỏi và nguyên tắc thưa trình” thôi, cũng đủ để nghiên cứu sâu và biên soạn thành tập, thành sách, và dạy cho nhau cách ứng xử sao cho đẹp lòng người, vui lòng ta, đấy chính là nghệ thuật sống.

Nghe đâu, tiếng Đức rất phức tạp và khó học. Chính người Đức cũng đã xác nhận như vậy. Thế nhưng, không biết cung cách chào hỏi và nguyên tắc thưa trình trong ngôn ngữ Đức có phức tạp và phong phú như tiếng Việt không. Trong cung cách xưng hô, chào hỏi, thưa trình, ắt định vị rất rõ vai vế, quan hệ, và tương quan của từng người, mỗi bên—người với người, với nhóm, tập thể và cộng đoàn xã hội. Cung cách xưng hô còn là một nghệ thuật trong giao tiếp, ngoại giao, quan hệ và xử thế, xử lý và xử sự của một người tinh thông, khôn ngoan.

“Con”, trong cách xưng hô, thưa gửi…nói lên ý nghĩa gì, điều gì, mà khi nghe Sư Minh-Tuệ đối đáp, thưa gửi, mọi người đều ngạc nhiên, thắc mắc.

Sư giải thích, “Đối với mọi người, Con là người nhỏ bé, khiêm tốn, mình như bụi như cát, mình chưa là gì cả…”

Nhiều linh mục công giáo trẻ, trong quan hệ xã hội hoặc ngay khi giảng trong các nghi thức tôn giáo, cũng xưng “Con” với giáo dân. Từ “Con” đó không đồng nghĩa với từ “Con” Sư Minh-Tuệ dùng. Vì, trong một giáo đường, nghi thức tôn giáo, có đủ mọi thành phần, nam phụ lão ấu, ắt hẳn có nhiều người cao tuổi hơn vị linh mục, đáng tuổi cô chú, cha mẹ, ông bà; do đó, linh mục xưng hô “Con” với mọi người, đám đông, cộng đồng dân chúa, không lắm ngạc nhiên. Chính đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh đã xưng con khi ngài giảng trong thánh lễ, có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân trong mọi giai cấp, tầng lớp hiện diện. Nhưng, Sư Minh-Tuệ xưng “Con” với bất cứ ai, giai cấp, tuổi tác, giới tính, cao tuổi hoặc thấp hơn Sư—mọi người dường như chưa nghe quen tai, hoặc muốn trở thành quen tai, vẫn thấy sao sao ấy—khó chịu, áy náy thì không đúng, hài lòng càng lại không được. Vì, một vị chân tu, được tôn kính, có người tôn Sư như Phật đầu thai, thánh nhân…lại xưng “Con” với mọi người, người kính bái, đảnh lễ, và có kẻ sụp toàn thân đảnh lễ—không phải dễ nghe từ “Con” ấy nơi miệng mà người người vái, lạy một cách cung kính, nể trọng.

Sư Minh Tuệ xưng “Con” với mọi người; vậy, chữ Con mang ý nghĩa chi, tác động gì, và ảnh hưởng lan rộng thế nào trong sứ mệnh tu theo hạnh đầu đà, bối cảnh tu hành phật giáo, làm gương và cảnh báo chúng sinh, sống trong bình an, yêu thương và buông bỏ?

Việc sử dụng từ “Con” ở đây không chỉ đơn thuần là cách xưng hô khiêm nhường mà còn có nhiều tác động và ảnh hưởng lan rộng đối với sứ mệnh tu hành và giáo hóa chúng sinh.

Dưới đây là một số khía cạnh quan trọng liên quan đến việc Sư Minh Tuệ xưng “Con”:

  1. Khiêm Nhường và Tôn Kính: Xưng “Con” là biểu hiện của sự khiêm nhường, tôn trọng và tôn kính với tất cả mọi người. Điều này thể hiện sự tôn trọng với mọi chúng sinh, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp—nhắc nhở rằng dù là một người tu hành có địa vị và kiến thức, vẫn luôn giữ lòng khiêm cung và không kiêu ngạo.
  1. Tạo Sự Gần Gũi và Thân Thiện: Việc sử dụng từ “Con” giúp tạo nên sự gần gũi và thân thiện với mọi người. Khi một vị Sư xưng “Con”, người nghe cảm thấy được sự chân thành và dễ dàng tiếp cận, từ đó tạo nên mối quan hệ gần gũi hơn giữa người tu hành và cộng đồng.
  1. Thể Hiện Tâm Từ Bi và Bình Đẳng: Trong Phật giáo, từ bi và bình đẳng là hai giá trị cốt lõi. Việc xưng “Con” giúp nhấn mạnh rằng mọi người đều bình đẳng trong mắt Phật, không có sự phân biệt đối xử. Qua cách xưng hô này, Sư Minh-Tuệ gửi gắm thông điệp từ bi, mong muốn mọi người đều được an lạc và giải thoát khỏi khổ đau.
  1. Sứ Mệnh Tu Theo Hạnh Đầu Đà: Hạnh đầu đà (Dhutanga) là những hạnh nguyện tu khổ hạnh, nhằm rèn luyện tâm và từ bỏ những ràng buộc của thế gian. Xưng “Con” là một phần của sự giản dị, buông bỏ cái “tôi”. Điều này giúp Sư Minh-Tuệ làm gương cho chúng sinh về sự buông bỏ, không chấp trước vào danh lợi, vật chất.
  1. Tác Động và Ảnh Hưởng Lan Rộng
  • Gương Sáng Tu Hành: Sự khiêm nhường và tâm từ bi của Sư Minh-Tuệ tạo ra một hình mẫu lý tưởng về người tu hành đúng nghĩa. Đây là nguồn cảm hứng cho nhiều Phật tử noi theo, không chỉ trong việc tu tập mà còn trong cách sống hàng ngày.
  • Giáo Hóa và Cảnh Báo: Sự giản dị và tôn kính trong cách xưng hô giúp Sư Minh-Tuệ dễ dàng truyền tải thông điệp giáo hóa—cảnh tỉnh cho chúng sinh về sự vô thường của cuộc đời, khuyến khích họ sống trong bình an, yêu thương và buông bỏ những chấp chước không cần thiết.
  • Lan Tỏa Giá Trị Tâm Linh: Trong bối cảnh đạo đức đang bị băng hoại và giá trị tâm linh xuống cấp, đặc biệt là với giới trẻ, sự khiêm nhường và chân thành của Sư Minh-Tuệ là một làn gió mới—giúp khơi dậy những giá trị tốt đẹp, hướng dẫn giới trẻ tìm lại hướng đi đúng đắn trong cuộc sống.

Thường, xưng “Con” cũng không hẳn là khiêm nhu, khiêm nhường, hoặc khiêm tốn. Nhưng, chữ “Con” ấy xuất phát từ đôi bờ môi, toả ra từ hơi thở, được thể hiện trên khuôn mặt chân thành và thánh thiện của một vị chân tu—chữ “Con” đó thánh thoát ngân vang (resonate), toả ra một hoà khí, sự thánh thiện và khiêm nhu rất mực của một thánh nhân.

Chữ “Con”, nghe như đơn giản; nhưng, đã có bao nhiêu người chân tâm thưa gửi bằng “Con” với mọi người? Vì chữ “Con” với ba mẫu tự đơn sơ ấy, đã nói lên không phải sự thấp hèn, hạ cấp, nhưng, biểu lộ sự cung kính, tôn trọng và khiêm nhu trước mặt người khác. Chữ “Con” đó, qua tâm tình chân chất và triết lý chân tu buông bỏ của Sư Minh-Tuệ, chuyển tải sự thanh tịnh vô vi, không còn trọng lượng, không chức quyền, không mang, không chất chứa, không chuyển tải một trọng lượng nào của cái “tôi” mà mọi người thường muốn bảo vệ, đề cao và đánh bóng.

Thực hành cung cách chào hỏi và thưa trình bằng tiếng “Con” hôm nay, không còn phải là một sự hạ mình, hạ cấp, hay hạ giới; nhưng, đã trở thành một danh xưng với thương hiệu, danh hiệu của trường phái tu “Minh-Tuệ”. Mỗi khi xưng “con” một cách khiêm nhu và chân thành, nhắc nhớ chúng ta về hình ảnh một vị chân tu, đáng noi gương, theo gót, làm theo. Xưng con trong vinh dự, xưng con trong hãnh diện, xưng con trong sự can đảm, và xưng con như một lời công bố…cái “tôi” trong ta đã dần dần mờ nhạt đi…

Nhiều, còn nhiều ý nghĩa của từ “Con” đơn sơ và khiêm tốn, đủ để những nhà thức giả nghiên cứu, đánh giá và biên soạn thành chương, thành tập, thành sách và thực hành sự khiêm tốn, sống buông bỏ cái tôi tràn đầy sân si thèm khát.

*

Cuộc sống rao giảng, răn dạy của Đức Giêsu về sự khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo.

Có lẽ, dù muốn hay không, người theo Kitô giáo, thiên chúa giáo cũng biết, cũng nghe, hoặc xem khá nhiều video, hình ảnh, thông tin về Sư Minh-Tuệ qua các trang mạng đang ngày đêm tràn ngập làn sóng trong nước cũng như tại hải ngoại.

Người Kitô giáo nghĩ gì, sống ra sao? Đức Giêsu, trong suốt cuộc sống rao giảng và răn dạy, đã nhiều lần đề cập đến giá trị của sự khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo. Những lời dạy, giới răn của ngài không chỉ dành cho các bậc chân tu, nhưng cho tất cả mọi người, bất kể tín ngưỡng nào.

Một số ví dụ cụ thể từ Kinh Thánh (Bible) Kitô giáo-Với những người ngoài Kitô giáo, hoặc những ai không biết, không nghe, không đọc, không học về giáo lý kinh thánh, ắt cảm thấy xa lạ nhiều về nội dung và giá trị của kinh thánh. Vì, gần một tỷ rưỡi người đã truyên xưng, công bố, khai rằng họ là giáo dân Kitô giáo; tuy nhiên, tìm đâu ra những người am hiểu, trân quý và sống theo các hạnh của đức Giêsu đã rao giảng, truyền dạy, khuyên răn, đã cô đọng lại trong các sách, các thư của các môn đệ ngài.

Giáo lý Yêu kẻ thù-Love your enemies-Buông Bỏ:

Có người hỏi Sư Minh-Tuệ, “Sư nghĩ gì về những người ghét Sư?” Sư vui vẻ trả lời, “Con sẽ cầu nguyện cho họ.” Há chẳng phải chính Sư đã sống và chứng tá của lời của lời đức Giêsu răn dạy sao, “Hãy yêu thương kẻ thù và nguyện cầu cho kẻ bách hại anh em-Love your enemies and pray for those who persecute you.” (Mat 5:44; Luc 6:27-36)

Sư Minh-Tuệ đã xuất gia và quyết tâm tu tập cho đến cuối đời, và đón nhận mọi người băng qua đời Sư như chính cha mẹ và anh em của ngài. Lúc đức Giêsu đang nói với đám đông, có người báo mẹ và các anh em đang chờ bên ngoài muốn gặp ngài. Nhìn mọi người chung quanh, ngài đáp, “Đây chính là mẹ và anh em của ta-Here are my mother and my brothers!” (Mat 12:46-49) Ngài từ bỏ, buông bỏ cho đến thế là cùng.

Mọi giới răn của đức Giêsu, không khác mấy với những gì nơi phật pháp mà Sư Minh-Tuệ đã chia sẻ thường xuyên với mọi người: “Chớ giết người. Chớ ngoại tình. Chớ trộm cắp. Chớ làm chứng dối. Thảo kính cha mẹ, và yêu thương mọi người như chính bản thân mình. You shall not murder. You shall not commit adultery. You shall not steal. You shall not bear false witness. Honor your father and mother, and you shall love your neighbor as yourself.” (Mat 19:18-19) “You shall love your neighbor as yourself.” (Mat 22:39)

Chúng ta đang chứng kiến những hệ luỵ, tàn lụi của những ai tự kiêu, tự đại, dựa vào hư danh, vật chất hão huyền để lôi cuốn, tô điểm, trục lợi cho riêng mình và hãy học lấy hạnh chân tu của Sư Minh-Tuệ, như đức Giêsu đã rao giảng: “Ai [tự] nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên. Whoever exalts himself will be humble, and whoever humbles himself will be exalted.” (Mat 23:12; Luc 14:11) Há mọi người chẳng đang thực hiện những gì đức Giêsu dạy sao? Không ai đã buông bỏ, thực hành sống khổ hạnh và chứng minh cho nhân loại biết ý nghĩa và gí trị đích thật của nghiệp “tu” như Sư Minh-Tuệ. Nhân đó, ngài đã được nhấc cao, cao vút lên, vượt cao hơn cả hàng con người, lên bậc thánh nhân, Phật sống. Ngược lại, những ai tự phong cho mình có tước vị, bảng vị, địa vị và nhiều cái vị…khác, được đánh bóng bởi tiền của, vật chất, danh vọng phù hoa, đang chuốc lấy sự “hạ xuống” —không hạ xuống êm đềm, nhẹ nhàng và trong yên lặng—nhưng, ngay trước mắt mọi người trong xã hội Việt Nam và thế giới, đang bị quăng, bị vật xuống cái “hạ” tận cùng trong rầm rang, huyên náo như cơn sốt đang sôi sục trên mạng xã hội.

Đức Giêsu nâng cao công đức của người giàu lòng bác ái, độ lượng, nhân hậu: “Khi ta đói, anh đã cho ta ăn. Lúc ta khát, anh đã cho ta uống. Lúc lạc loài bơ vơ, anh đã đón tiếp ta. Thuở ta trần truồng, anh đã cho ta mặc. Ngày ta bệnh hoạn, anh đã viếng thăm. Khi bị giam cầm nơi tù ngục, anh đã đến với ta. For I was hungry, and you gave me food. I was thirsty and you gave me drink. I was stranger and you welcomed me. I was naked and you clothed me. I was sick and you visited me. I was in prison, and you came to me.” (Mat 26:35-36) Ngài kết, “Ta bảo thật, khi anh em làm cho người bé mọn nhất trong các người anh em của ta, anh em đã làm cho chính ta vậy. Truly, I say to you, as you did it to one of the least of these my brothers, you did it to me.” (Mat 26:40)

Còn lời tâm tình, nhắn nhủ, khuyên lơn, dạy bảo nào thấm thía và thiết tha hơn. Ngẫm lại xem, ai trong chúng ta đã và đang thực hiện, sống theo, sống được như lời trầm tình của đức Giêsu—bất luận người phật tử hay Kitô hữu—khó không? Không khó. Dễ không? Không dễ.

Đơn cử như, theo sách của Gioan (Giăng/John) trong kinh thánh, khẳng định rằng, “Chúa là Tình Yêu-God is Love.” (1 John 4:7-21); hoặc “Hãy yêu thương nhau.” (1 John 3:11-16), nhưng không hiểu, hay chưa am hiểu một cách cụ thể “tình yêu” ấy ra sao. Khi đọc thư của Phaolô (Paul) gửi giáo đoàn Korinthos (Corinth), đã khai triển, rộng mở và lý giải tường tận “yêu là gì”: (1 Cor. 13, 4-7)

“Yêu là kiên nhẫn và tử tế; yêu không có ghen tuông hay kiêu hãnh; không ta đây hay thô lỗ; không cố chấp; không cau có hay ganh tị; không vui mừng về những khiếm khuyết-lỗi lầm, nhưng mừng vui với sự thật. Tình yêu gánh chịu tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ tàn lụi…Thế nên, đức tin, hy vọng và tình yêu, trong cả ba, cao vời nhất chính là ‘Tình-Yêu’.”

Ai cũng biết yêu, muốn yêu, và thiết tha được yêu. Nhưng, yêu như Phaolô đã lý giải; quả thật, không phải dễ yêu như vậy đâu. “Yêu” như Phaolô, dường như phải buông bỏ, buông bỏ tất cả. Việc buông bỏ khó nhất, không phải chỉ là của cải vật chất, địa vị hay danh vọng, quyền lợi, nhu cầu, lợi ích riêng tư, nhưng, chính là cái “TÔI” tổ tướng đang thống trị con người mình.

Mong sao, định nghĩa rất đơn sơ, mộc mạc của Phaolô và mọi người, mọi giới đều có thể hiểu, có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, ai trong chúng ta có can đảm tuyên xưng, công bố rằng mình đã sống và đã đạt được giá trị của tình yêu trong cuộc sống đúng theo tinh thần “Yêu” của Phaolô. Riêng Sư Minh-Tuệ, ngài đã và đang chứng minh cho chúng ta thấy rõ nét ỹ nghĩa của “tình yêu” đích thực là gì, qua từng ngày sống, hơi thở và nhịp tim của ngài.

Những gì đức Giêsu đã rao giảng và chứng minh bằng chính từng ngày sống khổ hạnh của ngài, sau đây, xin trích một số câu, đoạn từ trong kinh thánh, để rồi, ta xem Sư Minh-Tuệ có phải là người đã và đang minh chứng, không phải chỉ chấp nhận được, khá giống như, nhưng, tuyệt đối sống như những gì đức Giêsu răn dạy. Sư Minh-Tuệ không những là mẫu mực cho sự khổ hạnh và khiêm nhu, buông bỏ theo hạnh của đức Giêsu, nhưng Sư còn đi xa hơn nữa—xa, rất xa, vượt quá khả năng tự nhiên của con người—đầu trần, không một cọng tóc che nắng—chân đạp đất, bước thoăn thắt trên mặt đường nóng bỏng đôi bàn chân, như một siêu nhân, không bị yếu tố sinh học tự nhiên cản trở.

Sư không chỉ đi một giờ, một ngày, một tháng, hay một năm…nhưng hơn sáu năm ròng rã. Sư không đi khoan thai như người đang chiêm niệm, trầm tư, thiền định; nhưng không mấy ai đã có thể đi khất thực nhưng nhanh như Sư. Sư đi nhanh, không phải vì nóng bỏng chân mà đi nhanh; không phải vì mưa tuôn xối xả để rồi đi nhanh; nhưng, phải chăng, Sư không đi vì đôi chân, bàn chân, thân xác; nhưng, Sư đi vì cái đầu, tâm thức tu và nội lực chân tu. Sư đi, không có điểm đến. Sư đi, không có chỗ dừng. Dường như, Sư đã và đang đi về cõi vô tận, không ràng buộc bởi không gian hay thời gian.

Nguồn: internet.

*

Đức Giêsu-Khổ hạnh, khiêm nhu, buông bỏ và quên mình…

Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn cho thân thể, lấy gì mà mặc.” (Mt.6,24-34) Đức Giêsu giảng dạy vậy đấy—lắm kẻ biết, muôn vạn triệu người nghe; nhưng, được bao nhiêu người đã hoặc đang sống như vậy.

Đức Giêsu thốt lên: “Chim có tổ, chồn có hang, con Người không nơi gối đầu.” Không phải đến hôm nay chúng ta mới thấy chứng nhân của kiếp người buông bỏ như Sư Minh-Tuệ; nhưng, từ ngàn xưa, chính đức Giêsu đã thốt lên như vậy, và ngài đã sống lang thang không nhà—sống cùng, sống với giới thấp cổ bé miệng, giới bị khinh rẻ, ruồng bỏ, sống bên lề xã hội, minh chứng cho những gì ngài giảng dạy.

“Marginal Jew”, tạm dịch: “Người Do Thái Bên Lề”, một bộ bốn tác phẩm dày gần cả mấy ngàn trang, tác giả là một học giả kinh thánh nổi tiếng tại Hoa Kỳ, John P. Meier, biên khảo vô cùng uyên bác, công phu, về con người lịch sử của đức Giêsu, minh chứng rất rõ nét con người bằng xương bằng thịt, đã một lần sống trên mặt đất, cũng đầu đội trời, chân đạp đất, thực hiện một cuộc cách mạng tâm linh—cũng từ bỏ cha mẹ, anh em, họ hàng, của cải vật chất, tiện nghi, sống hoàn toàn buông bỏ, dấn thân, sống thanh bần, bác ái, và “mình vì mọi người.”

Khi đi, anh em chớ mặc hai áo…” Không những chính đức Giêsu đã sống một đời thanh bần, khó nghèo và khổ hạnh; nhưng, ngài muốn môn đệ của ngài đều thực hiện, sống với những triết lý sống ngài đã thể hiện trước mắt các ông.

Có lắm người nguỵ biện để thực hiện một nếp sống xa hoa, vương giã, bèn lý luận: Chúa đâu có dạy chúng ta nghèo, sống trong thiếu thốn, cơ hàn; nên chi, họ đưa ra những chiêu bài để sống trong nhung lụa; vô tình hay chủ tâm, hoàn toàn trái nghịch với giáo huấn của đức Giêsu.

Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã dạy về hạnh phúc đích thực không đến từ của cải vật chất mà đến từ sự thanh bần, khiêm nhường và yêu thương. Ngài phán: “Phước cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phước cho ai hiền lành, vì họ sẽ được thừa hưởng thiên đàng. Phước cho ai bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước Trời là của họ.” (Mt 5:6-10) Phải chăng, đấy cũng là những cái “phước” người ta nghe nhan nhản nơi môi miệng người tin theo phật pháp, và hằng mong mỏi, ước mơ được “phước” như vậy. Những phần “phước” đức Giêsu đạy, đâu phải mua chuộc được bằng tiền của, cúng dường hay bằng vật chất trên đời.

Đức Giêsu kể câu chuyện về một người phú hộ giàu có không thể vào thiên đàng vì anh ta quá gắn bó với tài sản của mình. Ngài dạy rằng: “Dễ dàng cho một con lạc đà chui qua lỗ kim, hơn là một người giàu có vào thiên đàng.” (Mc 10:25)

Đức Giêsu dạy: “Ai [tự] nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn những ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.” (Mat 23:12; Luc 14:11) Có tốn kém chi, mất thời gian, tiền của và nỗ lực gì để đạt đến sự khiêm tốn, khiêm nhu, khiêm nhường?

Nghe rất dễ, nhưng, cái “tôi” khổng lồ trong tôi không cho phép, không nhượng bộ, không còn một khoảng trống, khoảng thừa nào trong tâm thức, trong lương tâm con người để sự khiêm tốn được khai sinh, triển nở và tồn đọng. Sự khiêm nhường không chỉ đơn thuần là hạ thấp bản thân, mà còn là sự nhận thức đúng đắn về bản thân, biết rằng mình là con người yếu đuối và cần sự giúp đỡ của ơn trên, trời phật. Khiêm nhu cũng là thái độ sẵn sàng phục vụ người khác và đặt nhu cầu của tha nhân lên trên nhu cầu của bản thân.

Noi gương đức Giêsu, đức Phật và Sư Minh-Tuệ—học hỏi không những từ giáo điều, giáo lý, giáo pháp, nhưng ngay chính trong kiếp người, kiếp tu, sống khiêm nhu và khổ hạnh, buông bỏ, chúng ta có thể phát triển tính khiêm nhường và nhẫn nhục trong cuộc sống, mang lại bình an cho chính mình và toả lan sự bình an đến với mọi người.

Chung quanh Sư Minh-Tuệ, có khá nhiều người cũng thiết tha, cũng dấn thân vào đường tu, tu trên đường, tu trong hoang sơ. Có lẽ, họ đã chọn, tuyên xưng Sư Minh-Tuệ là “sư phụ”; nhưng, chưa ai nghe Sư Minh-Tuệ công bố rằng Sư đã có đệ tử. Nếu có, ắt hẳn, Sư Minh-Tuệ cũng không ra bất cứ điều kiện gì. Loáng thoáng, nghe văng vẳng lời Sư khuyên nhủ…“Hãy về xuất gia”—không phải là điều Sư muốn, yêu cầu—nhưng, chính là giới răn của phật giáo. Có người muốn tòng theo, Sư không khước từ, và cũng không dám mời gọi nhập môn, nhập tràng, nhập đoàn như nhiều sư đã và đang bám sát theo Sư, như có một hấp lực thiêng liêng, vô hình, bất khả kháng, bất khả phân ly.

Thế nhưng, khi đức Giêsu kêu gọi môn đệ, ngài ra điều kiện, yêu cầu các môn đệ từ bỏ mọi thứ, bao gồm cả gia đình và tài sản, để theo Ngài. Ngài phán: “Ai yêu cha mẹ, con cái, anh chị em, nhà cửa, đất đai hơn Ta thì không xứng đáng với Ta.” (Mt 10:37-38)

Đấy, không phải là một lời khuyên, nhưng là một mệnh lệnh. Thế, có mấy người có thể thực hành những gì đức Giêsu đã dạy. Vậy, sống, nhưng không dám buông bỏ, không can đảm từ khước mọi thèm khát, còn cố chiếm hữu mọi thứ trên đời—tiện nghi, tiền của, danh vọng, địa vị, chức quyền, thế lực—có xứng đáng như đức Giêsu mong muốn không?

Phần Sư Minh-Tuệ, ngài đã sống, như một siêu nhân, vượt qua tất cả những gì đức Giêsu đã nêu ra: Từ bỏ cha mẹ, anh em, người mình thương, mình yêu, của cải vật chất, chức quyền, và mọi lạc thú vây phủ chung quanh. Sư buông bỏ tuyệt đối—buông bỏ cả chính cái “tôi” —Sư không còn là Sư, là thầy, là ông, là anh, là tôi, là ta…nhưng, đã trở thành… “Con”, con của mọi người—“Con” làm cho mọi người cảm thấy ngại ngùng, dường như nghịch lý, nghịch cảnh, nghịch thói quen nghe…Chính vì sự buông bỏ phi thường đó, Sư Minh-Tuệ không những đã và đang trở thành một hiện tượng, một hiện tượng lạ, nhưng còn là một chứng nhân rất hiếm có trong kiếp người, trong xã hội Việt Nam, xưa cũng như nay; nhưng, Sư đã vực vút lên đỉnh cao giá trị tu thân, tích đức và tịnh độ…

*

Giá trị tinh thần, đức tin và hành đạo:

Lời dạy của Đức Giêsu và Sư Minh-Tuệ về hạnh đầu đà đều có giá trị tinh thần to lớn. Chúng có thể giúp con người phát triển lòng tin, kỷ luật và lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là những lời dạy này không phải là những quy tắc cứng nhắc, mà là những hướng dẫn để giúp con người đạt được mục tiêu chung là đạt được hạnh phúc đích thực, sống một cuộc sống có ý nghĩa và tự do tuyệt đối.

Cả Công giáo và Phật giáo đều có những cách thức hành đạo khác nhau, nhưng cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện, thiền định và phục vụ, giúp đỡ người khác, tha nhân. Phaolô, tông đồ của đức Giêsu đã nhắn nhủ: “Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau, như thế, anh em sẽ chu toàn luật đức Kitô” Bear one another’s burdens, and so fulfill the law of Christ. (Gal 6:2) Vác đỡ gánh nặng cho nhau, không còn là sự tình nguyện, chọn lựa; nhưng theo Phaolô, đó chính là luật của Thiên Chúa. Ai trong chúng ta đã biết quy luật nầy, và đã hoặc đang áp dụng trong đời sống thường nhật của mình? Bằng cách thực hành những điều nầy, con người có thể phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Chúa, đức Giêsu, hoặc Phật và sống một cuộc sống phù hợp với các giá trị của đức tin của họ.

Đức Giêsu sống và dạy môn đệ về sống khó nghèo, khổ hạnh và buông bỏ:

Sống không nơi cố định: Trong thời gian thi hành sứ vụ, đức Giêsu thường không có chỗ ở cố định, ngài đi khắp nơi để rao giảng và làm việc thiện. Ngài nói, “Chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” (Mat 8:20)

Phật dạy buông bỏ, chính đức Giêsu cũng dạy buông bỏ, các sư, thầy, ni, các linh mục, mục sư, tu sĩ, giáo dân mãi mãi nghe, biết và lặp lại, rao giảng hàng bao nhiêu thế kỷ—muốn “buông bỏ” lắm; nhưng, buông bỏ sao được vì tiện nghi đòi hỏi, vì phương tiện sống cùng nhu cầu công việc, cho riêng bản thân cũng như trong công tác phục vụ tha nhân, buông không ra, bỏ lại càng không được. Tuy vẫn biết những gì đức Giêsu đã truyền dạy: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên thiên đàng. Rồi hãy đến theo ta.'” (Mat 19:21) Theo thì theo, dấn thân vẫn dấn thân, nhưng, buông đã khó, bỏ lại càng khó hơn bội phần.

Để tìm sự tương đồng về hạnh tu của sư Minh Tuệ trong Phật giáo và cuộc đời, giáo lý, giảng dạy và hành đạo của Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài trong Kitô giáo, chúng ta sẽ xem xét các yếu tố chính: cuộc đời khổ hạnh, giáo lý, phương pháp giảng dạy và hành đạo. Cả hai tôn giáo đều cung cấp những giá trị sâu sắc và có thể hướng dẫn nội tâm cho những ai đang tìm kiếm trong thời điểm đạo đức băng hoại và giá trị tâm linh xuống cấp.

*

Tương quan cuộc đời đức Giêsu và Sư Minh-Tuệ

Đức Giêsu và Sư Minh-Tuệ đều là những vị chân tu nổi bậc, trỗi vượt với cuộc sống khổ hạnh, khó nghèo, tinh thần buông bỏ và sứ mệnh cao cả trong việc cải hóa bản thân và mang đến hy vọng, bình an và yêu thương cho mọi người.

Điểm tương đồng:

Cuộc sống khổ hạnh, khó nghèo: Cả sư Minh-Tuệ và đức Giêsu đều chọn cho mình lối sống giản dị, thanh bần. Sư Minh-Tuệ không sống trong chùa, ăn chay thanh đạm, dành thời gian tu tập và giúp các người đồng tu, đồng hành. Đức Giêsu cũng sống đơn giản, không nơi nương tựa, đi truyền giáo và sống từng ngày sống thanh bần.

Tinh thần buông bỏ: Cả hai đều từ bỏ những cám dỗ vật chất, danh lợi để tập trung vào con đường tu hành và mục đích cao cả của mình. Sư Minh-Tuệ buông bỏ gia đình, cuộc sống thế tục để trở thành vị chân tu. Đức Giêsu từ bỏ cha mẹ, anh em, họ hàng và mọi quan hệ cá nhân, xã hội.

Sứ mệnh cải hóa bản thân: Cả Sư Minh-Tuệ và đức Giêsu đều hướng đến mục tiêu hoàn thiện bản thân và truyền bá chân lý, phật pháp, thức tỉnh con người. Sư Minh-Tuệ dạy về lòng từ bi, bác ái, hướng con người đến cuộc sống thanh tịnh, giác ngộ. Đức Giêsu mang đến thông điệp yêu thương, cứu rỗi, hướng con người đến Nước Trời.

Hoạt động trong bối cảnh đạo đức xã hội suy đồi: Cả hai đều xuất hiện khi xã hội đang trong giai đoạn đạo đức xuống dốc. Sư Minh-Tuệ sống vào thời đạo đức con người suy đồi, mạt pháp. Đức Giêsu ra đời khi xã hội Do Thái bị áp bức, luật lệ hà khắc, con người đánh mất niềm tin, khát khao mong chờ đấng cứu tinh.

Ảnh hưởng: Phật giáo do Sư Minh-Tuệ truyền bá qua phương châm sống khổ hạnh, buông bỏ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa tôn giáo và đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay. 

Kitô giáo do đức Giêsu sáng lập trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới.

Đức Giêsu, qua thư của Phaolô, không hề dạy bảo, kêu gọi, hoặc khuyến cáo xây dựng giáo đường, đại giáo đường (vương cung thánh đường “Basilica”), nhà thờ lộng lẫy, nguy nga, đồ sộ; nhưng, đền thờ của Thiên Chúa không nơi nào khác chính là trong ta, trong linh hồn của mỗi người. Phaolô nhắn gửi giáo đoàn Corinth, “Anh em chẳng biết chính anh em là đền thờ của Thiên Chúa và thánh thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền thờ Thiên Chúa là thánh, và chính anh em là đền thờ đó.” Do you not know that you are God’s temple and that God’s Spirit dwells in you? For God’s temple is holy, and you are that temple. (1 Cor, 3:16-17)

*

Bài học xem đánh cờ tướng.

Trong nhà, dưới mái hiên, hay ngoài công viên, chúng ta thường thấy người ta chơi cờ tướng. Nghệ thuật và khoa học đánh cờ tướng chính là sự im lặng. Không một ai đứng chung quanh, say ngắm đường binh, bước tiến của cờ mà châu mồm vào nói. Dầu có lắm lời nhiều chuyện đi chăng nữa, tuyệt nhiên, không ai dám lên tiếng, góp ý, hoặc bày vẽ đường binh cho người đang chủ động ván cờ. Vì, trong thinh lặng, tĩnh lặng, nhưng, người chơi cờ vận dụng sự chú ý rất cao độ, vận dụng trí não cùng cực để tiên liệu đường binh, tiến quân, vật đối thủ, trong âm thầm, với đôi mắt chiếu chằm chập vào từng con cờ như cặp tia lazer. Họ ngồi như hai pho tượng bất động.

Sư Minh-Tuệ cũng không khác người chơi cờ tướng trong hành trình tu tập. Sư sống trong sự yên lặng giữa thiên nhiên, đường đời, dọc xuôi nam bắc. Sư ít nói, không cần nói, và có lẽ cũng không muốn nói, cũng chẳng thích ai chất vấn hoặc thử thách thang tầng trí tuệ, kiến thức phật pháp và giáo lý của Sư. Nhưng, hãy nhìn vào hành động của Sư. Chính hành động phi thường đó, đã và đang trở thành tiếng chuông vang dội đi muôn phương, đi vào lòng người và lay chuyển xã hội. Phải chăng, tất cả những người ái mộ, yêu mến và tôn kính Sư, hãy là những người xem cờ tướng, biết ranh giới của mình, tự trọng, tôn trọng, và dành cho Sư khoảng không gian cần thiết trong từng ngày sống, tu thân, tu tập theo sở nguyện.

Mong rằng, mỗi người trong chúng ta học được cung cách hành xử như người chơi cờ tướng, sống cờ tướng—hành động thay lời nói. Hành động có giá trị, ý nghĩa và tác động mạnh, ảnh hưởng cao hơn lời nói. Mẹ Terexa (Calcuta) đã nhắn nhủ: “Tình yêu nhưng thiếu hành động“Yêu”, chính là tình yêu chết.” Mẹ cũng còn nói, “Đừng làm việc to tát—hãy làm các việc bác ái thật nhỏ, nhưng với tình yêu thương bao la.

Chúng ta đã chứng kiến hàng trăm, ngàn xe chở lương thực, gạo mắm và quà từ các nơi tuôn về Gialai, không phải cho Sư, biếu thân phụ của Sư Minh-Tuệ, nhưng, đã chia sẻ với bao nhiêu đồng bào nghèo khó, thiếu thốn, bị xã hội bỏ rơi—người cho, cho đi trong hân hoan và chân thành—người nhận, nhận lấy trong ngỡ ngàng, ngạc nhiên, trân trọng, trân quý và vui mừng. Đấy, không phải là tình yêu đích thực sao. Giá trị của tình yêu thương là “cho đi”—không cần biết người nhận là ai, và chẳng mong người nhận biết ai đã có lòng quảng đại mang đến mình.

Có một video clip, người con gái đến xin tiền Mẹ già, Bà đưa tiền cho người con gái và nói, “Mẹ chả giúp được gì trong tuổi già, với khả năng nhỏ bé của Mẹ, cho đồng bào đỡ khổ.” Người con cầm tiền mà nước mắt chảy dài trên má, cô đáp, “Số tiền nầy con sẽ mua nước cho đồng bào mình dưới miệt đồng bằng sông Cửu Long, họ khốn khó quá.” Chứng kiến tấm lòng người Mẹ già và cô con rộng lòng, bác ái, thật chạnh lòng. Đây, chính là tình yêu—yêu bằng hành động.

Người viết tất bật với công việc, không thể nào xem hết hàng vạn video clip đăng tải từng giờ, từng phút trên mạng xã hội, nói lên nhiều tấm lòng bao dung, hy sinh và quảng đại của biết bao nhiêu dân ta xứ mình, đặc biệt là trong mùa dịch Covid, lắm khi, thấy mà không cầm được nước mắt. Nhiều quán áo quần không đồng, cơm không đồng, nước uống không đồng…nói lên rất nhiều văn hoá cho đi, tình người và thể hiện giá trị nội tâm, đức tin tôn giáo và sống đạo của đại đa số người dân mình.

Sống đạo, không phải bỏ năm ba ngàn đô để đi hành hương đất phật, đất thánh mới là sống đạo có ý nghĩa, hành đạo mới có phước cao. Sống đạo, cũng không phải uyên bác giáo lý, đắc thủ kiến thức sâu rộng, am tường triết học, thần học, phật học, hoặc có bằng cấp và địa vị cao trong giáo hội, nói hay, giảng giỏi, lắm người tin, nghe theo; nhưng, như chính Sư Minh-Tuệ đã nói, “Hãy chu toàn vai trò, bổ phận của mình.” Cha mẹ ra cha mẹ, con ra con, anh em ra anh em, trong mọi quan hệ con người, sống sao không phụ lòng người—sống sao, đừng dửng dưng trước những bất công và thống khổ của người khác, của tha nhân, của những người cần đến mình—lắm khi, không bằng vật chất, không cần tiền bạc, nhưng, chỉ là một sự im lặng biết lắng nghe, lắng nghe thật lòng, hay lời ủi an chân thành, lời động viên cần thiết, một ý kiến xây dựng.

*

Lời cuối

Đức Giêsu là một mẫu mực về sự khổ hạnh, thanh bần và buông bỏ. Ngài đã sống một cuộc đời giản dị, từ bỏ mọi tiện nghi vật chất, để hoàn toàn dấn thân vào sứ vụ rao giảng tin mừng. Những lời dạy của Ngài nhấn mạnh tình yêu thương, lòng thương xót, tha thứ, bác ái, sự từ bỏ và khiêm nhu. Những điều này không chỉ là kim chỉ nam cho các môn đệ thời bấy giờ mà còn là di sản tinh thần vô giá cho mọi thế hệ tín hữu Kitô giáo sau này.

Lối sống khó nghèo, khổ hạnh và buông bỏ mà đức Giêsu dạy dỗ không phải là một gánh nặng, mà là một con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc đích thực. Khi chúng ta từ bỏ những thứ thuộc về thế gian này, chúng ta có thể tìm thấy kho báu đích thực và trải nghiệm tình yêu thương viên mãn. Ngài dạy, “Của cải anh em ở đâu, lòng trí anh em ở đó.” (Luc 12:34). Có mấy ai đã làm được những việc như Sư Minh-Tuệ?

Cuộc đời khổ hạnh và buông bỏ của Đức Giêsu và Sư Minh-Tuệ đều mang lại những bài học quý giá về tình yêu, sự tha thứ, và lòng từ bi—vun xới giá trị tinh thần to lớn và có thể giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực—sống có ý nghĩa. “Sống vô nghĩa-không đáng sống.” Socrates nói.

Cả hai truyền thống—Phật và Kitô giáo—đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc từ bỏ những ham muốn vật chất, tiền tài, danh vọng và quyền lực; và tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống—như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự tha thứ và giác ngộ. Cả hai tôn giáo đều cung cấp những giá trị tâm linh sâu sắc, có thể giúp đỡ những người đang tìm kiếm hướng đi nội tâm trong thời đại đạo đức băng hoại và giá trị tâm linh xuống cấp, đặc biệt là giới trẻ đang mất phương hướng, hoang mang trong cuộc sống. Phật giáo và Kitô giáo đều khuyến khích con người sống đời sống giản dị, yêu thương, và tu tập để đạt đến sự giác ngộ và bình an nội tâm. Chẳng phải đức Giêsu luôn mong chúng ta được an bình và hạnh phúc sao. Không ai có thể không biết, hoặc quên lời nhắn nhủ và chúc lành của Ngài vang vọng mãi trong kinh thánh, “Bình an cho anh em!”

Phần chúng ta, nhân chứng của sự sống, song hành cùng hành trình tu thân của Sư Minh-Tuệ, những gì đã đánh động lòng, dấy động tâm thức chúng ta? Hãy nhìn sự xuất hiện của Sư như tấm kiếng soi rõ nội tâm và cuộc sống tâm linh của riêng mình. Như phật dạy, “không ai giải thoát mình ngoài chính mình”. Giải thoát bằng cách nào? Không phải thụ động, nhắm mắt để người khác xỏ mũi dắt đi; nhưng, phải làm chủ đời sống mình trong tư duy, trong lời nói và hành động. Lương tâm là quan toà không hề sai lầm giữa thiện và ác (Pascal); thế thì, chúng ta sống thế nào để lương tâm không dày xéo, hành hạ và chồng chất khổ đau—đừng chờ kiếp sau, đời sau—hãy sống với phút giây nầy, khi con tim còn rừng rực quyện lưu, hơi thở đang còn hoà nhịp cùng nhân loại.

-Sống, như chưa bao giờ sống;

-Sống, như ngày cuối trong đời;

-Sống, với nhựa sống và đam mê như đang được hưởng phước tràn lan trong kiếp người.

-Sống, với tư duy lạc quan—không còn ám khí, bi quan, lo âu, sầu não.

-Sống, với lời nói không làm buồn lòng tha nhân, nhưng biết động viên và khích lệ.

-Sống, với hành động không gây tổn thương, tổn hại người khác—từ danh dự, thể diện và quyền làm người (human rights), quyền công dân (constitutional rights), quyền riêng tư (privacy).

Bài học 4 chữ “C” trong tiếng Anh, rất đơn giản; hãy áp dụng vào đời sống của mỗi người, sẽ tìm thấy an bình và giải thoát:

-Don’t Compare,

-Don’t Complain,

-Don’t Criticize, và

-Don’t Condemn.

Đức Giêsu dạy: “Chớ xét đoán, anh em sẽ khỏi bị đoán xét-Judge not, that you be not judged” (Mat 7:1); “Judge not, and you will not be judged. Condemn not, and you will not be condemned. Hãy cho đi, anh em sẽ được ban lại ân phúc-Give, and you will be given.” (Luc 6:37)

Dịch nôm na: Chớ so sánh; Chớ cằn nhằn cau cú; Chớ chỉ trích người, và sau cùng, Chớ xét đoán luận tội tha nhân.

Đức giáo hoàng Phaxicô (Francis) đã nói, “Tôi là chi mà xét đoán anh em!”

Bernard Nguyên-Đăng 

***********

Tham khảo- Reference: 

  • Mat-Viết tắc chữ Matthêu, sách thứ nhất trong kinh thánh tân ước (New Testament/ Bible).
  • Mc-(Marco), tác gỉa sách thứ hai trong kinh thánh tân uước.
  • Luc-Viết tắc chữ Luca, (Luke) sách thứ ba trong kinh thánh tân ước.
  • Gioan-Tác giả sách thứ tư trong kinh thánh tân ước (John trong tiếng Anh)
  • Phaolô (Paul)-Tác giả của nhiều thư trong kinh thánh tân ước, thiết lập nền tảng thần học Kitô trong thời hình thành Kitô giáo, và còn tác động mạnh trong Kitô giáo hoàn vũ ngày nay.
  • Nhiều trích dẫn trong sách Matthêu cũng có trong các sách của Luca và Maco, vì trùng hợp, nên không cần phải trích cả ba sách.
  • Thư của Phaolô cũng nhiều và không thể trích hết, vì giới hạn của bài viết; hơn nữa, chỉ tập trung vào những điểm then chốt liên quan đến đức Giêsu, hơn là toàn bộ kinh thánh tân ước, đủ để chứng minh các điểm tương đồng của Sư Minh-Tuệ và giáo lý nguyên thuỷ từ cuộc sống và sứ mệnh rao giảng của đức Giêsu.
  • Những video clip được phát tán trên mạng xã hội đã được chọn, cắt hoặc hoạ lại, cần nhiều thời gian để kiểm định, đách giá và trích đúng cách, sẽ được bổ sung thêm sau. Hơn nữa, sự kiện liên quan đến Sư Minh-Tuệ và sự liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đang được xã hội mạng và chính quyền chuyển tải đi hẳng ngày, hằng giờ, khó có thể cập nhật và trích dẫn đầy đủ.

Ghi chú:

Như đã thưa trình, người viết không thể nghe, xem, đọc tất cả thông tin, gom góp đủ dữ liệu và nguồn chứng cứ từng ngày, từng giờ để có thể kiểm chứng, so sánh hầu trích dẫn một cách phong phú, chính xác và khoa học—tất nhiên, không có tham vọng cập nhật đầy đủ, phân tích, đánh giá hoặc xét đoán gì—nhưng, chỉ vội ghi lại những chút tư duy vụt thoáng qua trong ý thức, âm ỉ trong tiềm thức, mong góp phần, chia sẻ với mọi người, những ai quan tâm về sự xuất hiện, hiện tượng Sư Minh-Tuệ—dành một thoáng chiêm niệm về đức tin tôn giáo và truyền thống sống đạo của riêng mình. Tôn giáo là gì? Đức tin là Chi? Tại sao tôi đã tin—tin hết linh hồn, tin hết trí khôn; và hành đạo, sống đạo mỗi ngày, mỗi phút giây trong đời sống?

Mong quý bậc thức giả đóng góp thêm, viết thêm, khai triển, phân tích và đánh giá một cách nghiêm túc, chuẩn mực về hiện tượng Sư Minh-Tuệ và các chủ đề liên quan; để rồi, mọi người thiết tha với đời sống tâm linh, nội tâm và giá trị văn hoá của dân ta xứ mình được mang một sắc thái đáng trân quý, đáng vun xới và duy trì mãi cho thế hệ mai sau.

Ai thấy sai, xin sửa. Ai thấy thiếu, xin đóng góp—không xin cúng dường đâu. Xin đừng khen hoặc chê, chỉ mong đóng góp với tinh thần xây dựng, để mọi người cùng vui lây, đáng công bỏ thì giờ ra đọc—đọc đi, đọc lại, đọc hoài, đọc mãi—đọc những thứ không mang lại cơm gạo áo tiền, chẳng qua, chỉ để lại một thoáng suy tư…Mong Thay.