Cù Mai Công: Những bậc thầy kiến trúc học Pháp, hiểu Mỹ nhưng hiện đại kiểu Sài Gòn, kiểu Việt Nam

Mel Schenck, một kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ với hơn nửa thế kỷ làm nghề thú thật: “Tôi vô cùng ngạc nhiên về quy mô lẫn chất lượng của chúng tại Sài Gòn khi tôi ở đây những năm 1971 – 1972. Tôi cảm thấy như mình đang lạc vào thiên đường của kiến trúc”.

Trụ sở ngân hàng Việt Nam Thương Tín ở đại lộ Hàm Nghi do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế trên báo chí Sài Gòn trước 1975 – Ảnh tư liệu

Điều độc đáo nhất với ông, những gì mà các kiến trúc sư miền Nam làm được trong thời vàng son của kiến trúc hiện đại Việt Nam, khoảng từ 1945 – 1975 là đã vận dụng các đặc điểm kiến trúc Việt xưa vào thời đại mới với những công nghệ, vật liệu mới. Ông ví dụ: “Các ngôi đình, một dạng hội trường cộng đồng ở Việt Nam, đều có hàng hiên ở phía trước, thì chính hàng hiên đã trở thành một chi tiết trong kiến trúc hiện đại Việt Nam nhưng được biến đổi theo nhiều cách khác nhau như ban công hay tường hai lớp cách nhiệt và tránh nắng cho mặt tường trong công trình”.

Tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn), về hình dáng, nó đã gây chú ý với các mảng bông gió khổng lồ bao kín cả tòa nhà. Kiến trúc sư Mỹ Adrian Wilson thiết kế tòa nhà này năm 1967, vừa an ninh vừa che nắng chắn mưa. Liệu nó có bị ảnh hưởng qua lại bởi các thiết kế mảng tường bông gió của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế trước nó: Dinh Độc Lập 1966, Đại học Y Dược 1966 trên đường Hồng Bàng, quận 5…?

Mảng tường bông gió khổng lồ như tấm giại, bức bình phong trước nhà của kiến trúc Việt có lẽ không chỉ dừng lại ở các tòa nhà, dinh thự. Trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, gần nhà tôi hiện nay, một ngôi nhà phố 5x20m cũng có nguyên một mảng tường bông gió bên hông nhà rộng hàng trăm mét vuông, xây dựng từ giữa thập niên 1960. Cũng mát tường phòng phía sau. Tuy nhiên, do diện tích nhà phố không lớn, mảng tường này chỉ có thể nằm bên hông, nhìn ra con hẻm; có vẻ chưa phát huy hết khả năng giảm nắng, chắn mưa của nó. Do mặt hông này nhìn chếch hướng tây nam, khi mưa lớn, mưa tạt ướt một phần hành lang đi lại sau mảng này.

Có lẽ vì vậy, hầu hết các nhà phố ở Sài Gòn – Gia Định và miền Nam trước 1975 chủ yếu sử dụng thiết kế hai lớp với lam đứng, lam ngang mỏng nhẹ ở măt tiền. Và đây là thế mạnh của Văn phòng Kiến trúc ở số 12 Duy Tân (nay là 12 Phạm Ngọc Thạch), cũng như từng thành viên của văn phòng: Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc. Trong đó, hai ông Thâng, Nhạc từng là khoa trưởng (hiệu trưởng) Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – Ảnh gia đình cung cấp

Việc kết hợp với hai vị thầy, giáo sư kiến trúc Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, theo “suy đoán” của ông Nguyễn Duy Tâm, con trai đầu của ông Hoa, “Có thể là ba tôi sau khi đã thực hiện một số dự án lớn với giáo sư Kruze, một số đã hoàn tất và một số còn đang trong quá trình thực hiện, như khách sạn Caravelle, toà nhà BGI, trụ sở BNCI…, ông muốn mở rộng thêm địa bàn hoạt động của văn phòng kiến trúc. Vì vậy ông kết hợp với các kiến trúc sư Thâng và Nhạc để sử dụng những kiến thức chuyên môn của hai người này về thiết kế đô thị, về xây dựng cơ sở giáo dục và khu dân cư, từ đó đa dạng hóa lãnh vực hoạt động của văn phòng kiến trúc. Ngoài ra ba tôi, một người tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Hà Nội, khi kết hợp với hai kiến trúc sư trẻ mới tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris về, có thể là muốn họ đem lại một luồng gió mới và những ý tưởng mới cho văn phòng kiến trúc”.

KTS, GS Nguyễn Quang Nhạc tại Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 1990. Đây là khóa cuối cùng GS Nhạc chấm thi – Ảnh: Gia đình cựu SV Nguyễn Tùng Lâm (SV bảo vệ đồ án)

Bộ ba kiến trúc sư này thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại và am hiểu, thông thạo nhiều lĩnh vực: quy hoạch đô thị, kiến trúc công nghiệp, kiến trúc dân dụng. Ba vị này gắn kết đến mức có những thiết kế hình như đứng tên một người nhưng có thể của cả ba, qua trao đổi công việc. Một thể hiện tính cộng đồng (public) vốn không phải là thế mạnh khi làm việc chung của người Việt

Trước đó, giữa thập niên 1950, kiến trúc sư, giáo sư Trần Văn Tải cũng từng là thành viên của Văn phòng Kiến trúc Kruze – Hoa – Tải. Ông Tải cũng tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris và là tác giả thiết kế tòa nhà Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (6 Alexandre de Rhodes, quận 1) với những hàng cột, lam gió ngang dọc bao các ô cửa sổ từ tầng trệt lên tầng 2, không chỉ giảm nắng trưa, bớt mưa chiều mà còn rút “ngắn” cảm giác chiều dài tòa nhà.

Giáo sư Trần Văn Tải là giám đốc đầu tiên của trường Kiến trúc Sài Gòn (1955-1967). Hai thành viên sau của văn phòng này là kiến trúc sư Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc cũng lần lượt là khoa trưởng Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn cho đến 1975.

Kiến trúc sư, giáo sư khoa Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn Huỳnh Kim Mãng, tác giả thiết kế Trường Lasan Taberd (nay là Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa) cũng có lúc là thành viên của văn phòng này; lúc đó, mang tên Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng.

KTS, GS Huỳnh Văn Mãng giảng bài cho sinh viên kiến trúc năm cuối – Ảnh tư liệu

Năm 1971, ông Mãng đoạt giải nhất cuộc thi “Đồ án chợ Sài Gòn (tức chợ Bến Thành – CMC chú thích) trong tương lai” với giải nhất 1,5 triệu đồng (tương đương 60 lượng vàng – giá vàng năm 1971 khoảng 24.000 đồng/lượng). Cuộc thi này không có giải nhì; chỉ có hai giải ba, mỗi giải 400.000 đồng và ba giải khuyến khích, 200.000 đồng/giải). Đồ án dự tính kinh phí 1,5 tỉ đồng (khoảng 60.000 lượng vàng lúc ấy) này không thực hiện được năm 1972 do dư luận chung vẫn luyến tiếc ngôi chợ cũ và chiến sự năm 1972 bùng nổ.

Phối cảnh mô hình đồ án chợ Bến Thành dự tính xây mới của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng năm 1971 – Ảnh tư liệu

Đầu thập niên 1960, ông Hoa là một trong những kiến trúc sư miền Nam được dư luận và truyền thông biết đến nhiều nhất lúc đó. Năm 1961, thông qua ông Arthur Gardiner, bạn thân của gia đình ông, giám đốc USOM (nhiệm vụ hoạt động của Hoa Kỳ, tiền thân của USAID – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ), chính phủ Mỹ mời ông sang Hoa Kỳ khảo sát nhiều kiến trúc Mỹ tiêu biểu từ bờ tây sang bờ đông Mỹ; từ San Francisco, Los Angeles, Grand Canyon, Chicago đến New York và Washington DC. Dịp này, ông cũng đã đến thành phố Mexico, Rio de Janeiro và Brasilia để có cái nhìn đầu tiên về các công trình của kiến trúc sư Brazil nổi tiếng Oscar Niemeyer.

Năm 1962, theo tác giả Lê Văn Tâm & Dalatarchi, “kiến trúc sư Hoa – Thâng – Nhạc nằm trong danh sách mười ba kiến trúc sư nổi tiếng Việt Nam (tức miền Nam trước 1975 – CMC chú thích) được Văn phòng Tổng thống Phủ mời góp ý kiến về việc vẽ lại mặt tiền Dinh Độc Lập đối với phương án ban đầu của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ”.

Ông Duy Tâm cũng theo nghề cha; tốt nghiệp Trường Quốc gia Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris), ngành Kiến trúc năm 1966, tốt nghiệp Học viện Đô thị học thuộc Viện Đại học Paris năm 1968 và từng là kiến trúc sư ở Paris (Pháp), Mỹ.

Nếu đúng như “suy đoán” của ông Tâm, đây cũng thể hiện một tính cách phóng khoáng, sẵn sàng cộng tác, dung nạp của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, một người con Nam bộ, Sài Gòn. Và rất may mắn, các kiến trúc sư thành viên của văn phòng đều là dân Nam bộ, dân Sài Gòn. Thiết kế của họ đều mang đậm nét rộng rãi, thoáng đãng của nhà cửa và con người miền Tây, thiết kế nên những công trình, từ chung cư, cao ốc đến biệt thự đều thanh thoát về dáng vẻ.

Theo ông Nguyễn Duy Tâm, “Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc hoạt động như bao văn phòng kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ khác. Ba tôi dĩ nhiên là đối tác chính, nhưng mỗi thành viên có khách riêng, có dự án riêng của mình. Họ hoạt động hòa hợp với nhau và phong cách mỗi người không khác mấy so với những người kia. Ba tôi bỏ ra rất nhiều thời giờ trên bàn vẽ, một mình trong phòng làm việc hay cùng với các họa viên trong phòng vẽ lớn. Ông thích bàn bạc mọi chi tiết về xây cất, vì ba tôi tính rất cẩn thận, một người thích hoàn thiện”.

Trụ sở Hội Việt Mỹ, Sài Gòn trước 1975 do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế – Ảnh tư liệu

Có thể nói thiết kế hiện đại của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa rất táo bạo, mạnh mẽ: lam đứng, lam ngang thẳng tắp, khối nét đơn giản dựa trên những tỉ lệ vàng trong kiến trúc đã được khẳng định qua thời gian. Tính cách Nam bộ của ông cũng như các thành viên trong văn phòng còn là bỏ qua những trang trí rườm rà, phức tạp trong các kiến trúc trước đó.

Và đây cũng là nét kiến trúc nhà dân phổ biến ở miền Nam trước 1975 mà tới giờ chúng ta vẫn còn dễ dàng thấy trên mọi đường phố Sài Gòn – Gia Định.

Cù Mai Công

Cù Mai Công: Văn phòng kiến trúc Hoa-Thâng-Nhạc thời hoàng kim kiến trúc hiện đại miền Nam