Cù Mai Công: 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (tt)
Kỳ 6 (tạm là kỳ cuối): SAU ĐẢO CHÍNH 1-11-1963
Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, ai cũng biết là liên tục hơn một chục cuộc đảo chính, phản đảo chính khác của nhiều nhóm sĩ quan. Đó là những ngày Sài Gòn không yên ổn, cho tới khi nền Đệ nhị Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ngày 1-11-1967 được ra mắt – đúng bốn năm sau đảo chính 1-11-1963.
Nhưng dù thể chế nào, ai lãnh đạo, thông tin về cuộc đảo chính vẫn úp mở, không rõ khi các lãnh đạo miền Nam lúc ấy ít nhiều liên quan với đảo chính 1-11, và cả sự ràng buộc, kỵ húy của đề tài này khi các sĩ quan đảo chính vẫn cầm quyền. Sau đó là 30-4-1975, đây cũng vẫn là đề tài “nhạy cảm” với đủ mọi thông tin khác nhau, nhất là từ những quan chức, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài chỏi nhau chan chát cho tới giờ. Thực hư khó xác định. Đó là chưa kể có thông tin không rõ ràng từ chính những “người trong cuộc”, có khi để bào chữa cho mình.
Chẳng hạn cái chết của anh em đại tá Lê Quang Tung – thiếu tá Lê Quang Triệu, thông tin chủ yếu từ nước ngoài, người nói bị đâm, kẻ nói bị bắn; thủ phạm có người nói đại úy Nguyễn Văn Nhung, có vị dẫn lời một tướng nói do một Quân cảnh gác phòng họp bắn… Ai cũng khăng khăng mình đúng.
Những thông tin thật có thể vẫn còn đó trong hồ sơ “mật” của nhà nước lẫn cá nhân. Vậy nên chỉ có thể nói những gì đã được ghi nhận chính thức. Chẳng hạn như tại sao ông cố vấn Ngô Đình Cẩn là dân Công giáo nhiệt thành sau khi bị xử tử lại chôn ở nghĩa trang Bắc Việt của Phật giáo (nay là khu vực chùa Phổ Quang trên đường Phổ Quang; sát bên khu vực Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa – nay là Bộ tư lệnh Quân khu 7)?
Gần đây, có một tập sách viết về bà Ngô Đình Thị Hiệp (chị gái ông Cẩn, mẹ của hồng y Nguyễn Văn Thuận), tác giả là Nguyễn Văn Châu ghi lại từ lời kể của bà Hiệp.
Xin trích đăng:
“Trong một lần đến thăm ông Cẩn trong tù, ông Cẩn đã nói với bà Hiệp: “Chắc chắn họ sẽ kết án tử hình em. Khi em chết, em muốn được chôn trong một đất chùa Phật”.
Bà Hiệp đã thốt lên: “Em sẽ không chết, chính Đức Giáo hoàng đã can thiệp cho em. Đại sứ Cabot Lodge đã hứa với Đức Giáo hoàng rằng mạng sống của em sẽ được tha”.
Ông Cẩn nhìn bà với ánh mắt dịu dàng và nói: “Đừng tin lời đại sứ Lodge, giống như chị đã từng tin lời anh Diệm về sự an toàn của gia đình. Đức Giáo hoàng ở rất xa. Em cần những lời cầu nguyện và phước lành của Ngài nhiều hơn là sự can thiệp của Ngài. Dù sao thì em cũng sẽ chết, trong tù hoặc phải đối mặt với đội xử bắn. Nhưng hãy hứa với em rằng chị sẽ chôn em trong khuôn viên một chùa Phật giáo.”
(…) Bà Hiệp bật khóc nức nở không kìm được. Bà hỏi Cẩn: “Em đã nói chuyện với cha giải tội, cha Thịnh về quyết định này?” Ông Cẩn mỉm cười: “Cha bị sốc lúc đầu, nhưng sau đó ông ấy đã hiểu.” Bà Hiệp hỏi: “Chùa nào sẵn sàng đón tiếp xác em? Chẳng phải tất cả Phật tử đều chống lại em?”
Ông Cẩn nhìn bà Hiệp một lúc lâu mới trả lời: “Có nhiều Phật tử hơn chị tưởng, những người hiểu được anh Diệm. Giờ đây họ im lặng trước sự hận thù xung quanh. Nhưng chúng ta sẽ tìm thấy trong số đó có những con người dũng cảm. Họ cũng muốn làm gì đó để chuộc lỗi vì sự căm ghét khủng khiếp này. Chị sẽ tìm thấy nhiều tu sĩ Phật giáo ở Sài Gòn, những người sẽ vui lòng chôn cất hài cốt của em một cách đàng hoàng sau khi em chết”.
Ngày 8 tháng 5 năm 1964, ông Cẩn bị bắn ngay trước một nhóm nhỏ người, trong đó có một vị trụ trì Phật giáo và một linh mục người Việt. Vị linh mục này là con đỡ đầu của ông Cẩn.
(… Sau khi xử tử xong) bà Hiệp quay sang hỏi vị trụ trì Phật giáo: “Thưa thầy, thầy đã làm tất cả những sự chuẩn bị cần thiết chưa?”. Vị trụ trì gật đầu: “Thưa bà, chúng tôi rất vinh dự được làm một lễ chôn cất đàng hoàng nhất cho ông Cố Vấn. Ông sẽ tìm thấy sự bình yên trên khuôn viên chùa của chúng tôi, theo mong muốn của ông ấy”. Vì vậy, cùng ngày hôm đó, hòa thượng đã mang di thể ông Cẩn trở về chùa trong một quan tài đơn sơ và chôn cất ông trong khuôn viên của chùa Mutuality pagoda”.
Mutuality pagoda tức chùa Phổ Quang trong nghĩa trang Bắc Việt. Nghĩa trang này có từ ít nhất đầu thập niên 1920. Từ nhà tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), đi thẳng lên đầu đường, băng qua khu đất hoang nay là công viên Hoàng Văn Thụ hơn trăm thước là tới khu nghĩa trang này. Thi thể ông Cẩn nằm đây. Cho tới giữa thập niên 1980, khi nhiều nghĩa địa, nghĩa trang ở Sài Gòn phải giải tỏa thì cải táng, chuyển sang nghĩa trang Lái Thiêu cùng với di cốt hai anh Diệm – Nhu của mình cũng cải táng từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám).
Tập sách không ghi vị hòa thượng là ai. Lúc đó, trụ trì chùa Phổ Quang là hòa thượng Thích Trí Dũng. Từ năm 1959, hòa thượng đã nuôi dưỡng các cán bộ chiến sĩ Biệt động thành; năm 1960 bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam giữ ba tháng tại bót Hàng Keo vì bị tình nghi hoạt động Cách mạng. Sau 1975, hòa thượng được Nhà nước trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 2-11-1971, sau tám năm lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lần đầu tiên cho phép tổ chức tưởng niệm, lễ giỗ Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu công khai tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Sáng hôm ấy, đại tá Bùi Dzinh được cựu trung tá Trần Thanh Chiêu trong ban tổ chức tưởng niệm thông báo trước đã lái xe chở theo con trai là Bùi Dzũng đến dự buổi lễ này.
Trung tá Trần Thanh Chiêu, nhà A6 cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) – vùng Ông Tạ; nguyên tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, năm 1960, Quân Giải phóng xâm nhập và lấy đi một số vũ khí tại căn cứ Trảng Sụp do một trung đoàn thuộc Sư đoàn 21, đóng ở đây. Ông bị Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức tư lệnh sư đoàn, thay bằng đại tá Trần Thiện Khiêm. Ông Chiêu dân Quảng Nam, tánh tình cương trực và khí phách, nhận lỗi, không phàn nàn, oán trách một lời. Sau được tổng thống Diệm tín nhiệm trở lại, giao làm chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo an và Dân vệ – tiền thân binh chủng Địa phương quân và Nghĩa quân. Thời Đệ nhị Cộng hòa, sau khi giải ngũ, gia đình trung tá Trần Thanh Chiêu dọn nhà về khu ngã tư Bảy Hiền cạnh nghĩa địa Quân đội Pháp, gần trường Quốc gia nghĩa tử – nay là Trường cao đẳng Lý Tự Trọng), thuộc vùng phụ cận Ông Tạ.
Hai cha con ông Bùi Dzinh đậu xe gần salon ôtô Trường Can (chủ là thiếu tá Trương Định) trên đường Hiền Vương, đi bộ đến trước cổng chính nghĩa trang. Nơi đây, từ chín giờ sáng đã có hàng ngàn người tụ tập, phần lớn là bà con Bắc 54 các nơi: Ông Tạ, Trung Chánh (Hóc Môn), Gia Kiệm, Dốc Mơ, Hố Nai… đến bằng xe đò, xe Lam.
Vì số người quá đông nên lính gác và cảnh sát không cho phép vào bên trong nghĩa trang thăm viếng, cầu nguyện. Có lẽ đã tính trước, ban tổ chức đã cho dựng ngay một bàn thờ lộ thiên phía trong, sát cổng chính vào nghĩa trang. Thánh lễ cầu hồn được tổ chức theo nghi thức đọc kinh của đạo Công giáo do một linh mục chủ tế và mọi người thầm lặng cầu nguyện. Anh Bùi Dzũng cho biết nhìn thấy có những dòng nước mắt rơi.
Buổi lễ kết thúc xế trưa. Các ông đại tá Bùi Dzinh, Đỗ Văn Diễn, Trương Văn Chương… vốn là những chiến hữu cùng tham gia vụ chính biến (bất thành) ngày 19–2–1965 nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh đã cùng ăn trưa ở nhà hàng L’Admiral, phía sau trụ sở Quốc Hội (nay là Nhà hát lớn).
Cùng lúc đó, trước mắt tôi, một thằng nhỏ chín tuổi, nhiều xe hoa diễu hành, phát loa dọc các con đường ở khu Ông Tạ như Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)… suy tôn và đòi phục hồi sự thật, danh dự cho ông Diệm…
Năm 1973, mười năm sau đảo chính 1-11, một số sách viết về cuộc đảo chính hé mở một phần được xuất bản ở Sài Gòn: “Nhật ký Đỗ Thọ” (sĩ quan tùy viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm), “Làm thế nào để giết một tổng thống”… Bán rất chạy. Hè 1973, bác ruột tôi năm đó từ Nouméa, Calédonie (thuộc địa Pháp) về Sài Gòn thăm em (tức ba tôi) và gia đình em đã kêu tôi đi mua cho ông những tập sách này. Mua về, tôi cũng đọc ké.
Khi vào học lớp Sáu P1 niên khóa 1973 – 1974 Trường trung học Tân Bình/Nguyễn Thượng Hiền, ngồi cạnh tôi là Đặng Duy Đạo Đặng Đạo, nhà ở Tân Việt trên ngã tư Bảy Hiền. Trong không khí chính trị đòi phục hồi danh dự cho Tổng thống Diệm lúc ấy, Đạo rủ tôi lên nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thăm mộ hai anh em ông Diệm – Nhu. Nếu tôi nhớ không lầm, mộ hai ông gần cuối một con đường trong nghĩa trang, bên phải. Hai ngôi mộ thấp, chỉ cao hơn mặt đất chừng hai, ba tấc; không bia mộ; chỉ ghi “ông Huynh”, “ông Đệ”.
Những ngày lễ của Tam nhật Các thánh ấy, trong mắt tôi, một thằng con nít vùng Ông Tạ, đầy oan khiên, máu và nước mắt.
Cù Mai Công
—————