Lý Đợi: La Famille dans le Jardin” của Lê Phổ tái xuất

Bức “La Famille dans le jardin” của họa sĩ Lê Phổ. Hình do Sotheby’s cung cấp cho tác giả.

Từng xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Singapore ngày 28/3/1999, nay “La famille dans le jardin” (Gia đình ở ngoài vườn, mực và bột mực [gouache] trên lụa, 91,3cm x 61,5cm, 1938) của Lê Phổ lại tái xuất hiện.

Dù phần giá ước định để chế độ “theo yêu cầu” (Estimate: Upon Request), nhưng có thể dự đoán bức này khi lên sàn sẽ sớm vượt ngưỡng 1 triệu USD. Bất chấp kinh tế đang suy vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực xa xỉ phẩm như đấu giá.

TẠI SAO VẬY?

THỨ NHẤT, đây là bức tranh lụa được sáng tác trong giai đoạn thứ hai của Lê Phổ – giai đoạn quan trọng nhất của đời ông. Năm 1937, ông trở lại Pháp, rồi định cư cho đến khi qua đời năm 2001 tại Paris, mà chưa một lần quay trở về quê hương. 

Đây là giai đoạn hoài cố hương, với bao nhiêu nỗi niềm không thể nói thành lời, chỉ gửi gắm vào tranh vẽ.

Giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông là khi còn ở Hà Nội, từ những năm cuối học ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khoảng 1929-1930) cho tới khoảng 1935-1936. 

Đây là những năm tháng (1925-1940) của tinh thần quốc gia-dân tộc vừa nở rộ, vài tôn giáo, vài đảng phái vừa xuất hiện, nhiều phong trào vừa manh nha ra đời, trong đó có Thơ mới, Tự lực văn đoàn, áo dài, cải lương, phở…

Giai đoạn thứ ba (từ đầu những năm 1950), khi ông bước vào thời kỳ lãng mạn với tranh sơn dầu, làm việc có tính độc quyền với phòng tranh tại Pháp, rồi đặc biệt tại Mỹ.

THỨ HAI, với một bức tranh lụa to hết khổ (91,3cm x 61,5cm, nếu xét theo kỹ thuật khung cửi và dệt thời bấy giờ), kỹ thuật và bút pháp đặc trưng, được bảo quản với tình trạng tốt, chủ đề phổ quát, có áo quần xưa và áo dài tân thời (áo dài Lê Phổ), giàu nữ tính, nhiều nữ quyền… thì dễ được nhiều người yêu thích.

(Phụ chú: Cho đến đầu những năm 1930, thợ dệt lụa Quảng Nam vẫn còn sử dụng khung cửi dệt khổ hẹp, chỉ rộng 40cm. Khung cửi Cửu Diễn của xứ Quảng đã làm cuộc cách mạng từ những năm 1935-1936, tăng năng suất cao gấp 3-4 lần, khổ vải rộng đến 90m-100cm. 

Nếu bức này của Lê Phổ mà được vẽ trên lụa Mã Châu (Quảng Nam), thì càng là cực phẩm; phải xem trực tiếp sớ lụa sau lưng tranh mới dám khẳng định.

Ủng hộ tinh thần duy tân và quốc gia-dân tộc mà Nhất Linh (Tự lực văn đoàn) khởi xướng, hiện diện qua các tờ báo như Phong hóa, Ngày nay…, lụa Hà Đông (Vạn Phúc), lụa Mã Châu (Quảng Nam) đã được nhiều họa sĩ thời bấy giờ chọn làm vật liệu, thay thế một phần nhập khẩu từ Trung Quốc, Nam Vang (Campuchia)… 

THỨ BA, bức “La famille dans le jardin” xuất hiện tại phiên đấu quan trọng của nhà Sotheby’s Hong Kong, kỷ niệm 50 năm, đó là 50th Anniversary Modern Evening Auction, từ lúc 17h30 (giờ Hong Kong) ngày 5/4/2023.

Bức “La famille dans le jardin” treo tại nhà đấu giá Sotheby’s tại Hong Kong. Hình do Sotheby’s cung cấp cho tác giả.

 Phiên đấu giá tinh tuyển này có sự xuất hiện của những tên tuổi gần như đồng đại, đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Á châu. 

Đó là Léonard Tsuguharu Foujita, Sanyu (常玉 | Thường Ngọc), Cheong Soo Pieng (鍾泗濱 | Chung Tứ Tân), Vũ Cao Đàm, Wu Guanzhong (吳冠中 | Ngô Quan Trung), Liu Kuo-Sung (劉國松 | Lưu Quốc Tùng), Fernando Zóbel, Chu Teh-Chun (朱德群 | Chu Đức Quần), Zao Wou-Ki (趙無極 | Triệu Vô Cực), Georges Mathieu, Georgette Chen (張荔英 | Trương Lệ Anh), Ju Ming (朱銘 | Chu Minh), Affandi, Mai Trung Thứ… 

Và một số danh họa thế giới như Joan Miró, Marc Chagall, Pablo Picasso…

Lê Phổ là họa sĩ Việt đầu tiên đưa tranh Việt vượt ngưỡng 1 triệu USD trên thị trường công khai, với bức Family Life (Đời sống gia đình), do nhà Sotheby’s ở Hong Kong bán với giá gần 1,2 triệu USD hồi 2/4/2017. Hơn 5 năm qua, Lê Phổ cũng là họa sĩ Việt có nhiều tranh vượt ngưỡng triệu USD nhất, với các bức như Thiếu nữ choàng khăn (1,1 triệu USD), Thé et Sympathie (Trà và sự đồng điệu, 1,3 triệu USD), Khỏa thân (1,4 triệu USD), Dáng hình trong vườn (2,3 triệu USD)…

Việc nhà đấu giá Sotheby’s kỷ niệm 50 năm, bằng phiên đấu có nhiều tác phẩm của Lê Phổ và vài danh họa khác của Việt Nam là việc có ý nghĩa lịch sử. Bởi chính Lê Phổ cũng thuộc nhóm các họa sĩ Việt đầu tiên xuất hiện trên thị trường đấu giá công khai từ khoảng 50 năm qua. Nếu chỉ phải kể một cái tên có gắn bó sâu sát, được các nhà đấu giá quốc tế biết đến nhiều nhất, thì không có ai qua được Lê Phổ. Hơn nữa, trước đây, trong một cách nhìn còn hạn hẹp, “bộ tứ Paris” này bị trong nước đánh giá khá thấp, nhiều quy chụp, bây giờ thì được săn đón nồng nhiệt, nhiều nơi lấy làm hãnh diện khi sở hữu tác phẩm.

Hình ảnh bức “La famille dans le Jardin” của họa sĩ Lê Phổ trên trang web của nhà đấu giá Sotheby’s nhân dịp Kỷ niệm 50 năm hoạt động tại Châu Á sẽ diễn ra từ ngày từ ngày 4 đến 8/4/2023: 

https://www.sothebys.com/en/buy/auction/2023/modern-evening-auction-2/le-pho-li-pu-la-famille-dans-le-jardin-hua-yuan-li?fbclid=IwAR0CiKUt8wYH5h9UXUZNdLh_Xxa1YEGIDcx7sgu5tBExmnYmssqvKmPwdec

Nhân dịp này, Sotheby’s sẽ tổ chức rất nhiều sự kiện thuộc tất cả các hạng mục, từ đấu giá tranh với những người khổng lồ của nghệ thuật hiện đại và đương đại, cho đến những thứ xa xỉ được săn đón nhiều nhất. Ngoài ra còn có một số tranh khác của họa sĩ Lê Phổ, chẳng hạn bức “Two ladies” (chữ Hán: 兩位仕女 = Lưỡng vị sĩ nữ, mực và bột mực nước [gouache] trên lụa, 55cm x 46cm), sẽ xuất hiện trong phiên Modern Day Aution (6/4). Dù bức này có giá bán ước lượng 3.500.000 – 5.500.000 HKD, tương đương 445.000 – 700.000 USD, nhưng vài người dự đoán sẽ đấu lên đến mức 8.500.000 HKD, tương đương 1.000.000 USD.

Bức “Two ladies” (chữ Hán: 兩位仕女 = Lưỡng vị sĩ nữ, mực và bột mực nước [gouache] trên lụa, 55cm x 46cm). Xuất hiện tại phiên đấu Modern Day Auction, từ lúc 13h30 (giờ Hong Kong) ngày 6/4/2023, nhà đấu giá Sotheby’s.