Mặc Lý: Anh Sinh viên năm thứ nhất và ông Hiệu trưởng Đại học danh giá

Chủ tịch Đại học Stanford và cựu giám đốc điều hành Genetech Marc Tessier-Lavigne

Tháng trước có một tin nhiều người trong giới giảng dạy và quản trị đại học tại Mỹ chú ý. Ông Marc Tessier-Lavigne, Hiệu trưởng đại học Stanford từ chức trước nhiệm kỳ. Chuyện ra sao?

Đại học Stanford là một đại học tư tại California, nổi tiếng thế giới. Các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục cấp đại học thường xếp đại học này trong 10, thậm chí 5, vị trí đầu bảng của những  đại học có uy tín nhất. Còn ông Marc Tessier-Lavigne là một chuyên viên hàng đầu về Thần kinh học. Ông sinh năm 1959 tại Canada, nhưng sống phần lớn tại Mỹ và Âu châu vì cha là quân nhân trong Quân lực Canada đồn trú ở Âu châu. Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, ông tốt nghiệp Tiến sĩ về Sinh lý học tại University College London năm 1987. Sau đó ông thăng tiến rất nhanh và trở thành một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lãnh vực Sinh lý học và Thần kinh học, tại Đại học UC San Francisco và Stanford. Năm 2003 ông rời môi trường đại học, làm Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách về nghiên cứu dược phẩm cho công ty Công nghệ Sinh học Genetech nổi tiếng. Trong thời gian 8 năm ở Genetech, ông thực hiện nhiều dự án nghiên cứu hoạt động của não bộ để tìm hiểu xem bệnh Alzheimer phát triển như thế nào. Năm 2011, ông rời Genetech, trở về môi trường đại học, làm Hiệu trưởng đại học Rockefeller, giám sát hơn 80 phòng thí nghiệm của đại học này. Rockefeller là một đại học khá đặc biệt tại thành phố New York, tuy chỉ có chưa đến 300 sinh viên bậc Cao học và Tiến sĩ, lại quy tụ nhiều khoa học gia đầu ngành về Y khoa Sinh học. Năm 2016 ông trở thành Hiệu trưởng đại học Stanford với nhiệm kỳ 8 năm, có thể tái nhiệm.

Đại học Stanford có hơn 17,000 sinh viên trong đó hơn 50% là sinh viên bậc Cao học và Tiến sĩ. Chức Hiệu trưởng khá nặng nề chịu trách nhiệm từ giáo vụ cho đến tài chánh, lo việc điều hành hàng ngày lẫn hoạch định bước đi trong tương lai của đại học.  Ở nhiệm vụ này, việc nghiên cứu khoa học chỉ là nhiệm ý không bắt buộc. Nhưng là một khoa học gia hàng đầu, ông có lẽ bị áp lực từ đồng nghiệp trong ngành chuyên môn, phải tiếp tục nghiên cứu. Hơn nữa có thế có cả động cơ tài chánh hay danh vọng cá nhân nữa. Thí dụ năm 2019, ông viết tất cả 7 bài nghiên cứu, nhiều bài có trên 10 đồng tác giả. Việc cộng tác trong nghiên cứu, giữa một nhà khoa học hàng đầu và những người ít nổi tiếng hơn thường khá tế nhị. Thứ tự tên tác giả trên một bài nghiên cứu viết chung có thể là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí kiện tụng. Nhưng quy tắc về đạo đức nghề nghiệp buộc tác giả phải chịu trách nhiệm nếu có sự sai sót hay nghiêm trọng hơn sao chép hay giả mạo dữ kiện, không chỉ trên phần mình viết mà còn trên toàn bộ bài nghiên cứu, nghĩa là trên cả phần của những đồng tác giả khác. Và những tác giả đứng đầu thứ tự hay những tác giả nổi tiếng càng nên có trách nhiệm hơn.

Còn Theo Baker là ai? Anh sinh năm 2004 (hay 2005) tại Washington DC. Ông Peter Baker và bà Susan Glasser, cha mẹ anh đều là ký giả nổi tiếng, làm việc cho các truyền thông lớn như The Washington Post, The New York Times, The New Yorker, MSNBC … Lúc trẻ anh không dự tính học ngành Báo chí, nhưng ông của anh chứ không phải cha mẹ anh, đã thuyết phục anh về những hấp dẫn của nghề ký giả. Anh nộp đơn theo học đại học Stanford ngành Báo chí. Trong học kỳ đầu tiên, anh xin được việc làm trong tờ báo The Stanford Daily, một nhật báo do sinh viên Stanford điều hành. Trước đây, nhật báo này trực thuộc Đại học Stanford nhưng kể từ năm 1973, The Stanford Daily trở thành một tờ báo sinh viên độc lập. Ban Quản trị và ban Biên tập của tờ báo đều là sinh viên đang theo học Stanford. Báo có phiên bản kỹ thuật số khá sớm.

Khi làm việc tại báo, Theo Baker được cử làm ký giả điều tra. Qua những lời đồn đãi, anh chú ý đến một trang mạng là PubPeer, với những thông tin liên quan tới một tác giả là ông Marc Tessier-Lavigne, đương kim Viện trưởng đại học. PubPeer là là một trang mạng chuyên bàn luận về những bài nghiên cứu đã xuất bản. Đây là một loại diễn đàn khoa học cho những người “tuýt còi”, có thể nêu lên những bất thường, nghi vấn về giả mạo dữ liệu hay bình luận về kết quả. Trang mạng này cho phép người viết được giấu tên, khác với các trang mạng tương tự. Điều này cũng là yếu tố tạo thành công cho trang mạng. Nhiều bài nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí khoa học phải bị thu hồi hay phải sửa chữa, nhờ trang mạng này. Tuy nhiên vài vụ kiên tụng đã xảy ra nên trang mạng này buộc người tham gia chỉ được đưa ra những điều có thể kiểm chứng được đúng sai. Không những thế, có nhiều lúc, hoặc người viết trang mạng này gửi trực tiếp đến các tạp chí đăng tải bài nghiên cứu đang nói tới hoặc ban biên tập các tạp chí tự tìm hiểu trang mạng này, họ có thể gửi cảnh báo tới những người đăng tải bài trên tạp chí của họ, yêu cầu xem xét lại. Kết quả có thể là người nghiên cứu phải viết bài đính chính hay thậm chí cả bài nghiên cứu phải bị rút xuống.

Từ trang PubPeer, Theo tìm đến các chuyên viên về Sinh học và Thần kinh học để hiểu thêm vấn đề, và nói chuyện với 3 người, trong đó có Elisabeth Bik. Bà này là một phụ nữ người Hà Lan, lúc đó khoảng 56 tuổi, sang Mỹ làm việc từ năm 2001. Bà có bằng Tiến sĩ về Vi Sinh học tại Hà Lan, khi sang Mỹ có thời gian làm ở đại học Stanford nhưng từ 2018, dành toàn thời gian cho việc tìm ra những điều khuất lấp trong khoa học, không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nước khác. Năm 2020, tạp chí nổi tiếng Science cho biết là bà đã khám phá trên 400 bài nghiên cứu ở Trung Quốc lại xuất phát từ cùng một “lò ấp bài nghiên cứu”. Hai chuyên viên kia đồng ý với những gì Elisabeth nói, nhưng họ không chịu công khai danh tánh như bà. Sau khi nói chuyện, Theo đã đăng bài đầu tiên trong loạt bài về những điều khuất lấp trong 4 bài nghiên cứu mà Marc là đồng tác giả. Thoạt tiên là việc bài nghiên cứu trên tạp chí của Tổ chức Sinh học Phân tử Âu châu (EMBOJ) đang bị xem lại, sau đó là các bài nghiên cứu trên hai tạp chí liên ngành nổi tiếng Science (Khoa học) và Nature (Thiên nhiên). Cộng đồng Stanford chấn động với những tin này. Một nhà khoa học tầm vóc thế giới và là hiệu trưởng Stanford thì sự chính trực trong khoa học là tối quan trọng. Ngay sau đó, Ban Quản trị Đại học Stanford loan báo sẽ thành lập một điều tra độc lập để xem xét những điếu cáo buộc này. Còn ông hiệu trưởng Marc, qua luật sư, cho biết những lời cáo buộc là hoàn toàn sai và hàm ý đe doạ sẽ mang tờ báo sinh viên ra toà. Tháng trước 07/2023, cuộc điều tra đi đến kết luận là mặc dù Marc không cố ý che dấu việc đưa những dữ liệu sai lạc vào bài nghiên cứu của những đồng tác giả, ông đã không theo đúng những tiêu chuẩn thông thường về quy trình hợp tác và tính nghiêm nhặt trong khoa học dưới vai trò một nhà khoa học hàng đầu và vai trò điều hành tại Genetech, vì các bài nghiên cứu liên quan phần lớn được viết trong thời gian ông làm ở Genetech. Với kết luận này, Marc có thể phải rút lại hay viết đính chính cho khoảng 4, 5 bài nghiên cứu cũ trên những tạp chí khoa học nổi tiếng như Cell, Science và Nature. Về phần Marc, ông tuyên bố từ chức Hiệu trưởng cuối tháng 08/2023.

Nhờ loạt bài của Theo, tờ báo sinh viên The Stanford Daily đã được giải thưởng báo chí George Polk Award, và anh là ký giả trẻ tuổi nhất viết bài đoạt giải như vậy. Khi bắt đầu cuộc điều tra, dù cha mẹ là ký giả đầy kinh nghiệm, anh cũng không hỏi ý kiến cha mẹ có nên điều tra việc này hay không. Sau này anh tâm sư: “Là một sinh viên tôi không muốn dính líu tới những chuyện này nhưng là một ký giả, tôi lại thấy sự quan trọng khi viết về những việc như thế”.

Việc mờ ám, thiếu thẳng thắn trong học thuật tại Việt Nam thì chúng ta đã biết. Mua bằng cấp giả hay từ những đại học “ma” nước ngoài, sao chép tràn lan công trình của người khác, chúng ta đã biết. Với việc ông Marc Tessier-Lavigne phải từ chức Hiệu trưởng trước khi nhiệm kỳ kết thúc liên quan đến trách nhiệm trong học thuật, một số người bênh vực nhà cầm quyền Việt Nam hay đánh đồng: “Này nhé, cái mờ ám trong học thuật ở Việt Nam có thì ỏ Mỹ cũng có”. Đúng vậy, sự thật là thế, nhưng sụ thật này chỉ là sự thật của cái chân voi khi đi xem con voi. Sự thật lớn hơn, đáng chú ý hơn, cần rút ra bài học hơn là: tại một xứ tự do như Hoa Kỳ, một cá nhân hay truyền thông dù nhỏ vẫn có thể cất lên những tiếng nói độc lập, cho quần chúng thấy sự thật về những nhân vật quyền uy. Độc lập ở đây là không cần bất cứ ai bật đèn xanh, so với một xứ như Việt Nam mà 800 tờ báo chính thức đều hát chung một bản đồng ca.

Cuộc đối đầu Mỹ Trung càng ngày càng gay gắt. Mỗi nước có một số điểm yếu và điểm mạnh. Phần còn lại của thế giới, tuỳ theo chế độ và người dân, có thể ngả về Mỹ hay ngả về Trung Quốc. Nhưng hệ thống chính trị ở Mỹ là hệ thống mở, có thể tự điều chỉnh qua tam quyền phân lập, hà nước pháp trị và tự do dân chủ. Chúng ta, những người Việt Nam hay những người gốc Việt, muốn đi theo một chế độ mà những người thấp cổ bé miệng nhất vẫn có thể cất tiếng nói hay đi theo một chế độ mà mọi quyết định đều được ban phát từ trên xuống?

Mặc Lý

(08/2023)