Đỗ Duy Ngọc: Nỗi nhớ chiều mưa
Chiều nay Sài Gòn chợt đổ cơn mưa lớn, mưa trắng trời, nước tuôn ào ạt. Đến sáu giờ thì rả rích đến đêm. Những giọt mưa tí tách sau cơn cuồng nộ trước đó cũng khiến cho lòng người nhiều cảm xúc. Cơn mưa lắng xuống, lòng người lắng xuống khiến tôi nhớ và thèm một bữa cơm gia đình của ngày xưa, xưa lắm rồi, hơn nửa thế kỷ rồi, biết bao dâu bể tang thương, biết bao chia lìa tan tác rồi. Nhưng vẫn nhớ, nhớ như in, nhớ như chuyện vừa xảy ra hôm trước vậy. Nhớ bữa cơm sum họp còn Ba, còn Mạ, còn đủ mặt anh em và tôi lại chỉ nhớ và thèm có hai món ăn bình thường, dân dã mà mỗi khi mùa mưa miền Trung, Mạ hay nấu cho ăn.
Cũng cơn mưa rả rích thế này, chỉ thiếu không khí se lạnh của mùa đông miền Trung. Cả nhà ngồi quanh bàn với những món ăn Mạ nấu, trong đó có món tép rang khế. Có người gọi nó là con tép, con ruốc nhưng Mạ tôi gọi nó là con khuyết. Bởi nó cong như vầng trăng khuyết. Đây là món ăn đơn giản, dễ làm, lại làm mau. Cứ đến mùa ruốc khoảng tháng 6, tháng bảy, Mạ tôi mua loại ruốc đỏ, về đãi sạch cát, sạn, phơi khô vài nắng trên cái trẹt đan bằng tre rồi gói kỹ trong túi. Con ruốc khô nấu được nhiều món, có thể nấu canh với khế, có thể xào với dưa chua nhưng tôi thích nhất vẫn là con ruốc khô xào với khế rồi tưới nước mắm ớt tỏi. Món này làm nhanh, ruốc làm sạch bụi bẩn, cũng có thể rửa bằng nước cho cát lắng xuống, vớt ra để cho ráo. Cho dầu vào chảo, phi tỏi hành sả cho thơm rồi cho ruốc vào, nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Cũng còn có cách là vẫn giữ con ruốc thật khô, bắt chảo cho nóng, đổ ruốc vào, ruốc nóng bốc lên mùi thơm như mực nướng, hạ chảo, cho vào vài lát khế với vài cọng rau thơm rồi chế chén nước mắm ớt tỏi vào. Ăn kiểu này con ruốc dòn trong miệng bùi bùi lẫn với miếng khế chua trộn với nước mắm mằn mặn, cay cay, ngon quá là ngon.
Ruốc khô là món ăn rẻ tiền nhưng lạ mà ngon miệng. Rời nhà đi năm châu bốn bể vẫn thèm dĩa ruốc khô, nhất là những buổi chiều mưa như thế này. Sau này, lớn rồi già, thích nghiên cứu về thực phẩm mới biết thêm rằng ruốc biển khô là thực phẩm rất có sẵn ở Việt Nam nhưng chưa được nhiều người quan tâm. Trong khi đó, ở các nước Châu Á khác, đây lại là món ăn được trọng dụng vì nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây chính là một món ăn tuyệt vời giúp bổ sung một số chất dinh dưỡng cần thiết và quan trọng cho cơ thể. Đối với trẻ em đang phát triển, quá trình trao đổi chất của cơ thể đang hoạt động mạnh, việc bổ sung canxi là điều không thể thiếu. Lúc này, cần cho bé nhiều ruốc khô hơn. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…, ruốc biển khô được xem là một trong những món không thể thiếu trong bếp của mỗi gia đình vì tính hữu dụng và giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của nó… Ruốc biển khô có vị ngọt, mềm, thơm ngon, rất giàu canxi, là chất bổ sung canxi hiếm có cho trẻ em trong thời kỳ đang lớn.
Theo nghiên cứu, ruốc khô có tác dụng khai thông dạ dày, tiêu đờm viêm, hàm lượng canxi rất cao, hương vị đặc trưng, chứa chất béo động vật, mỗi 100 gram chứa 738 Mg cholesterol tốt, cao gấp khoảng 10 lần so với lợn, bò và cừu. Ruốc khô rất giàu magiê, magiê đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của tim, có thể bảo vệ hệ thống tim mạch, làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch, tăng huyết áp và có vai trò nhất định trong việc phòng ngừa chứng nhồi máu cơ tim. Chắc ngày mai ra chợ Bà Hoa mua vài lạng ruốc khô về làm một dĩa cho đỡ nhớ. Để tìm lại cái hương vị cũ, để tìm lại bóng dáng của ngày xưa đã đi qua mất rồi.
Món thứ hai chiều nay tôi nhớ và thèm là món canh mít non. Đúng ra món này thường ăn vào mùa hè. Canh mít non là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người dân miền Trung. Trong những trưa hè nóng bức, bát canh với hương thơm thoang thoảng của lá lốt, cái bùi của mít non cùng vị ngọt tự nhiên trong nước dùng đem đến cho bạn cảm giác thơm ngon lạ miệng. Nấu canh mít non thì phải có ruốc Huế. Ruốc ở đây cũng là con ruốc ta vừa làm món ruốc xào ở trên. Thế nhưng, ruốc này đã được giã mịn lúc còn tươi mua ở chợ về. Xong trộn với muối theo một lượng muối ruốc nhất định, cho vào hũ hay keo, phơi nắng cho đến khi ruốc chín đổi màu là ăn được. Lúc ruốc chín sẽ rỉ ra một chất nước tựa nước mắm, người ta gọi là nước mắm ruốc nhỉ. Nước mắm này mà xáy với mấy trái ớt xanh ăn với bánh bột lọc nữa thì ngon không chê vào đâu được. Người Trung đặc biệt là từ Đà Nẵng trở ra ngày xưa chỉ dùng ruốc này để nêm nếm chứ chẳng ai dùng bột ngọt, bột nêm.
Mít non, lá lốt, tôm tươi là những nguyên liệu chính của món canh ngon miệng này. Phải lựa những trái gai mịn đều, da nhẵn thì mít vừa có thịt lại không quá nhiều xơ. Bổ ra thành nhiều phần nhỏ, gọt vỏ, bỏ cùi, ngâm vào nước lạnh để ra bớt mủ và không bị thâm vì gió. Thông thường, mít non bán ở chợ đã được thái sẵn, chỉ cần mua về nhặt rửa lại là được. Tôm thì nên mua những con tôm bé bằng ngón tay út, nếu có tôm đất là ngon nhất vì tôm chắc và ngọt thịt. Tôm mua về cắt bỏ đầu, bóc vỏ, giã hơi dập, ướp với một ít gia vị. Lá lốt nên chọn mua loại lá còn non, có màu xanh tươi, đừng chọn loại lá dày, màu xanh đậm vì khi lá lốt già khi nấu có vị đắng làm canh không ngon. Lá lốt rửa sạch, thái thành sợi nhỏ. Cho nồi lên bếp, phi thơm hành, tỏi, cho tôm đã giã vào xào sơ qua. Đổ nước vào nấu sôi, cho mít vào nấu chín, nêm lại gia vị, nêm ít ruốc Huế cho vừa ăn. Tắt bếp, cho lá lốt vào, múc ra và ta đã có một tô canh nít non ngào ngạt.
Cách nêm ruốc cũng có nhiều cách khác nhau. Có người cho ruốc vào chén nước âm ấm, gạn bớt cát sạn nếu có sau đó dùng nước ruốc đó cho vào nồi canh khi chưa sôi. Theo kiểu này, tô canh không nặng nùi ruốc mà chỉ thoang thoảng. Cách khác là cho ruốc vào trực tiếp nồi canh, cách này đậm đà hơn nhưng mùi ruốc rất nặng. Ở miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Nam, người ta thường nấu canh mít non với cá chuồn. Riêng tôi, tôi thích canh mít non Mạ tôi nấu với tôm đất tươi giã dập hơn. Còn cá chuồn để mổ bụng nhét nghệ với hột nén vào chiên dòn lên ăn ngon hơn nhiều.
Mưa vẫn còn ở ngoài hiên, những giọt mưa vẫn tí tách trên sân nhà, ký ức của tôi về lại những năm xưa qua hai món ăn dân dã. Món ăn hiện trên những con chữ và tôi khóc. Nước mắt của lão già bảy mươi chảy xuống không cầm được. Nỗi nhớ cồn cào vì món ăn thật ra xét cho cùng cũng chỉ là cái cớ. Cái cớ để nhớ về những gì đã không còn nữa, nhớ về những người đã về với cát bụi. Giọt nước mắt đã úa màu với thời gian. Ba ơi! Mạ ơi! Anh ơi! Vợ ơi! Cả nhà ơi! Nhớ lắm.
Đỗ Duy Ngọc