Ngân Xuyên: IGOR POGLAZOV– Nhà thơ sống đời như một dấu gạch ngang
Lời giới thiệu: (Igor Poglazov sinh ngày 27/12/1966 tại Minsk, Belarus, tự sát ngày 14/12/1980, hai tuần trước khi tròn tuổi 14. Làm thơ hai năm cuối đời, khi cậu mất cha mẹ tìm được trong vở học và sổ ghi chép gần hai trăm bài thơ. Tám năm sau khi qua đời thơ Igor Poglazov chỉ tồn tại ở dạng “tự xuất bản” (samizdat) trước khi được tạp chí “Rạng đông” ở Leningrad chấp nhận đăng. Sau đó các báo ở Belarus và Moskva hưởng ứng, và nhiều nhà thơ, nhà phê bình lấy làm kinh ngạc, khen ngợi. Đến nay đã có ba tập thơ của Igor Poglazov được xuất bản, mới nhất năm 2024 này là tập “Tôi không nuối tiếc điều gì…” ((“Я ни о чём не жалею”). Thơ Igor Poglazov đã được in lại nhiều lần trên các ấn phẩm ở Belarus, Nga và nước ngoài. Đã có hai chương trình phát thanh nói về sáng tác của cậu trên đài Belarus và trên đài New York (Mỹ)…
Ngân Xuyên
***
Bởi cậu sống trên đời chỉ vỏn vẹn 14 năm (1966/1980). Không, chưa đầy 14 tuổi. Khi chỉ hai tuần nữa là đến sinh nhật tuổi 14 của mình, Igor Poglazov đã tự tử. Trong túi quần mặc đến trường của cậu, bố mẹ tìm thấy bài thơ cuối cùng của con mình, trong đó có những câu:
Những đồng cỏ của tôi, những đồng cỏ
Giá được sống thêm, được sống thêm
Từ sự cứu rỗi của chúng ta
Vì đấng Cứu Thế của chúng ta…
KHÔNG PHẢI LÀ THẦN ĐỒNG, NHƯNG…
Igor Poglazov chỉ làm thơ trong hai năm cuối đời. Khi những bài thơ này được in ra sau khi cậu mất, nhiều nhà thơ đã kinh ngạc. Nhưng cậu không phải là thần đồng. Igor Poglazov tuổi nhỏ không khác gì các bạn cùng trang lứa: cũng hay đánh nhau với bọn con trai, cũng đi nhảy nhót, cũng thầm yêu các bạn gái, cũng nghịch ngợm và cãi cọ với các thầy cô. Khác biệt của cậu chỉ là vóc dáng cao, cái nhìn đầy suy tư sâu sắc vượt trước tuổi, một sự độc lập quá mức và hoàn toàn không biết sợ hãi. Cậu phát triển nhanh, nhưng tương xứng giữa tinh thần và thể xác, không có sự bất hoà giữa một tinh thần yếu đuối và một thân xác được đánh thức.
Chỉ có thơ đã đưa Igor Poglazov lớn vượt lên tuổi mình, vượt qua cái khung học sinh, vượt qua tất cả những khuôn khổ và định dạng có thể có, vượt thời của mình và cái mình lúc trước. Những bài thơ của cậu đã mang tính người lớn không thể nào sửa được, dường như cậu đã tạm ứng trước cái tương lai mà cậu biết là sẽ không có ở cậu. Khi tiếp xúc với thơ Igor Poglazov nhà thơ nào cũng nói đến cái sống vượt thời gian, tuổi tác của cậu.
Những bài thơ đầu tiên bố mẹ tìm thấy trong phòng con trai còn vụng về kỹ thuật (nhịp không đều, vần lặp), nhưng đã bất ngờ chứa đựng ý nghĩa sâu sắc và hình ảnh mới mẻ xuất phát từ tầng sâu ý thức. Chương trình văn lớp bảy ở Belarus thời xô viết không cung cấp phạm vi đọc rộng như ta bất ngờ thấy trong thơ của Igor Poglazov (Mandelshtam, Pasternak, Tsvetaeva, Dante, Homer, Spinoza…) Khó mà bắt được một đứa trẻ bình thường, hiếu động cầm lấy một cuốn sách ngồi đọc. Nhưng đó không phải là trường hợp Igor Poglazov. Kể từ khi một giọt thơ rơi vào máu cậu, cậu đã bị mắc bệnh đọc thơ và viết thơ. Thời trẻ người ta thường hay cố ý bắt chước người khác hoặc là đọc ngốn ngấu một ai đó, nhất là tác giả mà mình thích. Nhưng thơ Poglazov nhanh chóng trở thành chính mình, dù đôi khi vẫn có thể nhận thấy trong đó dấu vết của Esenin, Mandelshtam hay Tsvetaeva. Người đọc nhận thấy ở thơ cậu một cái nhìn không hề trẻ thơ về tình bạn, tình yêu, Tổ Quốc, thái độ thận trọng đối với tiếng mẹ đẻ, một thứ văn xuôi hoàn toàn phi khuôn phạm đối với học sinh thời ấy. Đọc thơ cậu người ta có thể nói cuộc sống mà các nhà thơ yêu mến và phản ánh không phải bao giờ cũng có liên quan đến họ. “Igor Poglazov là hiện tượng thơ độc nhất. Thông thái và tài nghệ trước tuổi, cậu đã chiếm lĩnh được vốn cổ điển thế giới và biết cách nhìn cuộc sống một cách chín chắn, biết “bắt khoảnh khắc dừng lại”. – nhà thơ Rygor Borodulin đã viết như vậy về Igor.
Còn đây là một bài viết ngắn được đưa lên mạng ngày 2/11/2012 nhan đề “Igor Poglazov – lời sấm truyền không râu”. Nhan đề bài viết lấy theo tên một bài thơ của Igor (Безусое пророчество). Tác giả trên mạng viết: “Trên trái đất có những con người chẳng nằm lọt vào bảng phân loại nào, khuôn khổ nào cả. Những con người không thể mô tả bằng thứ ngôn thứ bàn giấy khô cứng. Những con người có khả năng bằng chính sự tồn tại của mình lật đổ những hình dung quen thuộc về thế giới. Họ không nhất thiết phải là những người làm nghệ thuật. Tôi nghĩ ngay đến Évariste Galois (1811/1832). Người chỉ trong một năm đã đi từ một cậu học trò trung học bình thường đến một nhà toán học tài năng, còn vào mùa xuân thứ hai mươi mốt của đời mình đã đưa ra các khái niệm về nhóm đại số và trường đại số làm cơ sở cho môn đại số học hiện đại. Những con người này có một điểm chung: cuộc đời họ quá ngắn ngủi theo thước đo phàm trần nhưng đồng thời lại hàm súc, cô đọng đến kỳ lạ theo thước đo lịch sử. Nhân vật hôm nay của chúng ta cũng đi vào hàng ngũ lấp lánh đó – Igor Poglazov. “Gượm đã! Cậu ấy mất hai tuần trước khi tròn mười bốn tuổi?! Rồi nữa, Poglazov đã làm được cái gì khác thường ở cái tuổi còn non ấy?!” – có lẽ một bạn đọc nôn nóng sẽ hỏi vậy. Tôi xin trả lời đơn giản: cậu ấy là Nhà Thơ, một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thời mình…”
“TÔI KHÉP NHỮNG CÁNH CỬA MÀ MÌNH KHÔNG MỞ”
Đó là tên tập thơ đầu tiên của Igor Poglazov xuất bản sau khi cậu mất (“Закрываю двери, которые не открыл”, 1991”). Tập thơ gồm khoảng hai trăm bài thơ, hầu hết được viết một lần, do đó là chưa chỉnh sửa, được ông bà và bố mẹ Igor Poglazov tập hợp lại. Trước đó, suốt tám năm thơ cậu chỉ tồn tại ở dạng “tự xuất bản” (samizdat) vì không phá vỡ được sự im lặng của tạp chí “Rạng đông” ở Leningrad. Cho đến khi nhà báo Dmitry Gubin ở tạp chí đó là người đầu tiên chìa tay ra cho Igor. Tiếp sau là các báo ở Belarus và Moskva hưởng ứng. Từ đó thơ Igor Poglazov tiếp tục được in ra: “Thơ” (“Стихотворения”, 1994); “Hãy cho tôi một bàn tay rắn chắc” (“Подайте мне крепкую руку”, 2006); “Tôi không tiếc nuối điều gì…” (“Я ни о чём не жалею”, 2024).
Trong lời tựa cho tập thơ đầu này, Dmitry Gubin viết về việc tự tử của Igor Poglazov: “Có một giới hạn nhất định mà người sống không thể bước qua để phán xét về những người quyết định rời bỏ cuộc sống. Phán xét – hay tán thưởng – cái bước cuối cùng của Tsvetaeva, Esenin, Mayakovski đều là vô đạo đức như nhau, và nếu ai rao giảng một đức tin khác, chúng ta sẽ không hiểu nhau”. Theo ông, sự phát triển quá nhanh của Igor mang một điềm báo tai hoạ, nhưng tai hoạ không phải ở tốc độ phát triển của cậu, mà ở sự không phát triển của xã hội xô viết thời cậu sống, nên người ta đã không hiểu và chấp nhận cậu. Gubin thấy sức mạnh của Poglazov không phải ở tính toàn vẹn của bài thơ, mà ở ý nghĩa mới trong âm thanh của những từ ngữ cũ. Nhà thơ David Samoilov cũng thuộc số những người đầu tiên giới thiệu thơ của Igor nhận định: “Giờ đây bắt đầu hành trình của Igor đến với bạn đọc… Tôi có thể mạnh dạn nói rằng thơ của cậu ấy đã chịu được thử thách đầu tiên của thời gian. Sớm hay muộn tên tuổi cậu ấy sẽ đến với độc giả. Tốt nhất là cứ để nó đến tự nhiên, không phải qua những sự ầm ĩ văn chương. Vả chăng, chẳng có gì làm hỏng được cậu ấy.”
Đọc tập “Tôi khép những cánh cửa mà mình không mở” nhà thơ Andrei Yudchits đã cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Igor lại quyết định rời bỏ mọi người? Tại sao cậu không coi sự tồn tại của mình là cần thiết? Có lẽ, theo A. Yudchits, đấy là vì Igor Poglazov quá dằn vặt vì những suy nghĩ về sự lăng xăng vô nghĩa của cuộc sống, về Chúa, về tình yêu, lòng chung thuỷ và sự phản bội, về phụ nữ. Những suy nghĩ đó khiến cậu không thể khuôn được vào cái thời mình sống. Và khi đọc hết thơ Igor trong tập này, Yudchits đã nói với đất nước mình: “Đất nước ơi, nếu Người không cần những đứa con như thế thì Người có nguy cơ bị tuyệt tự. Và chẳng đi đến đâu cả. Nếu những con người nhỏ bé như thế của chúng ta rời bỏ cuộc sống, thì Người, đất nước ơi, sẽ bị một căn bệnh nặng. Tôi dám nói rằng: Igor Poglazov đã bị tổn thương bởi sự giả dối của Người, cậu ấy đã chống lại để mình không bị ngập vào sự đạo đức giả hoàn toàn đó.” Nhà thơ khuyên mọi người đọc thơ Igor Poglazov. Đọc xong “anh sẽ bước ra khỏi tập thơ như bước ra khỏi nhà thờ sau lúc xưng tội, sau những khoảnh khắc lặng lẽ của ký ức.”
ĐỨA CON-NHÀ THƠ TRONG MẮT NGƯỜI MẸ
Trong những cuộc trò chuyện, trao đổi về Igor Poglazov và thơ của cậu, mọi người bao giờ cũng đặt ra câu hỏi trước hết là “Tại sao?” “Chuyện gì đã xảy ra?” Mẹ cậu, bà Vera Borisovna, đã có bài viết trả lời những câu hỏi này. Bà không nói riêng về con mình mà nói chung về những nhà thơ chân chính.
Theo bà, toàn bộ loài người có thể tạm chia thành bốn loại: 1) loại không yêu, không cảm được thơ, xem cuộc sống, thế giới, thực tế vây quanh như một cái bánh nướng ngon và mình phải là người đầu tiên được hưởng miếng ngon nhất của cái bánh đó; 2) loại đến một lúc nào đó trong đời tự đóng vào óc mình một cái đinh, tự nhủ “mình không hiểu, không thích, chẳng việc gì phải nhọc đầu”, và họ cứ sống như thế với “cái đinh”, không hề cố gắng tìm hiểu, nhận thức cái gì; 3) loại có yêu thơ nhưng chỉ có thể hiểu nó bằng một góc trái tim, “tôi chỉ thích Esenin, hoặc chỉ thích Simonov, còn lại là không, trần của tôi chỉ ông ấy thôi.”; 4) loại yêu thơ bằng cả tâm hồn, Pushkin, Lermontov, Blok, Esenin, Tsvetaeva, Pasternak, Mandelshtam… Bà viết: “Tôi cảm thấy không thể nói về thơ tách rời cá nhân nhà thơ, nhưng khi nói về cá nhân nhà thơ cần nên nhớ rằng, tâm hồn, cuộc sống của nhà thơ đích thực là nằm trong thơ của ông ta. Ông ta cảm nhận tất cả những gì diễn ra xung quanh mình trong cuộc sống phức tạp của chúng ta thông qua một lăng kính mà những người bên ngoài sống cạnh ông ta trong đời thực có thể, có khả năng đoán ra được chỉ sau khi ông ta không còn nữa. Nhưng không phải ai cũng có khả năng này, mà chỉ những người nào có được “tài năng nhạy cảm”. Những người không hiểu thơ thì không bao giờ chạm đến được cá nhân, cuộc sống, hành vi cử chỉ của những Nhà Thơ đích thực. Dù cuộc đời, số phận của nhà thơ có thế nào, nếu ông ta là Nhà Thơ đích thực, thì sớm hay muộn nhân dân sẽ nghe thấy tiếng nói của ông ta, sẽ tiếp nhận ông ta bằng trái tim nhạy cảm, sẽ cẩn thận truyền lại cho các thế hệ mai sau thơ của ông ta – thơ của Nhà Thơ.”
Trong tập thơ mới nhất của Igor Poglazov “Tôi không tiếc nuối điều gì” (2024) bà Vera Borisovna đã tự mình viết tiểu sử của con trai. Ở đây không có sự cố sức tô vẽ cho đứa con thần đồng, bởi vì cậu không phải là người như thế. Chỉ có những sự kiện mang dấu ấn thời gian và không gian, chỉ có câu chuyện về đứa con yêu thương, một thiếu niên Minsk bình thường, không biết sợ gì và không biết khóc. Nhà phê bình văn học Olga Vasilevskaya khi viết về tập thơ này đã nhận xét: “Thơ đã thành nước mắt của cậu, thành lời trách câm lặng những ai không muốn thấy trong cái bình thường là cả một thế giới. Còn Igor đã sống hết cuộc đời ngắn ngủi của mình như một dấu gạch ngang, mà không tiếc nuối điều gì. Bởi mơ ước đã thành sự thực. Ngay cả nếu không phải là ngay lập tức.”
NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý
– Ngày 15/1/2015 một bức thư gửi đi từ ngày 8/9/1982 đã được chuyển đến ngôi nhà Igor Poglazov từng sống và từ đó ra đi. Đó là bức thư “Hãy giữ lấy tâm hồn cậu ấy!” của nhà thơ Andrei Voznesenski mà chẳng hiểu sao sau 33 năm vẫn đến được địa chỉ người nhận ở Minsk.
– Igor Poglazov đã xuất hiện qua lời kể của người mẹ trong tác phẩm “Thời second hand” (Время секонд хэнд, 2013) của Svetlana Aleksievich, nhà văn Belarus được giải Nobel văn chương 2015.
– Thơ Igor Poglazov đã được in lại nhiều lần trên các ấn phẩm ở Belarus, Nga và nước ngoài. Đã có hai chương trình phát thanh nói về sáng tác của cậu trên đài Belarus và trên đài New York (Mỹ).
Và hãy đọc bài thơ ngắn này để biết cậu thiếu niên Igor Poglazov 12 tuổi đã ý thức về thơ thế nào khi bắt đầu viết thơ.
LẶP LẠI? ĐỂ LÀM GÌ?
Lặp lại? Để làm gì? Không cần điều ngốc ấy.
Đó là thói tật xưa chưa tẩy hết trong ta.
Lời khuyên của tôi: hãy cẩn thận những từ lặp lại
Chủ của chúng còn đây, chưa phải đã rời xa.
(Повторяться? Зачем? Это глупо. Не нужно.
Это старый порок, не изжитый досель.
Мой совет: повторяйте слова осторожно.
Их хозяева рядом. Не ушли насовсем.)
BỨC TRANH NHỎ MÙA THU
Igor Poglazov
Tôi đọc thơ Igor Poglazov tự nhiên bị cuốn vào và quyết định dịch thành một tập. Nhân trời thu Hà Nội đang đẹp, tôi đưa lên bài thơ này ” Картинка осени” của nhà thơ mãi mãi tuổi 14 để mọi người cùng đọc.)
***
Ngày mỗi ngày. Trong những ngôi sao xanh cay đắng và mỏng manh, như những cột ăng ten rađa.
Gió.
Đôi tay tôi đâu?
Hàng cây. Cành cây là những ngón tay. Lá cây là mái tóc. Đèn đường xuyên vào não tôi. Đường nhựa ướt, lấp lánh dưới ánh đèn huỳnh quang.
Sự thật? Sự thật ở đâu? Sự thật “ở chân con mèo con bị chiếc ô tô màu đen của anh đè nát”. Sự thật ở đám lá năm ngoái đang chầm chậm bốc khói trên những đống lửa do người quét đường đốt lên. Chẳng phải là chúng đã đem lại mùa thu sắc vàng cho bạn thích thú và vui sướng đó sao? Chẳng phải là đến một lúc nào đó bạn cũng sẽ giống như chúng sao? Khi trở về già, thành người năm ngoái, bạn sẽ bước đi theo con đường bẩn thỉu giữa hai hàng cây và chầm chậm bốc cháy khi gặp người phụ nữ trước đây của mình. Cô ấy sẽ nhún vai và thản nhiên bước qua.
Nhìn kìa. Những đốm nắng nhảy nhót trong tóc như con tàu lắc lư, mỏng như tơ nhện ngày hè rớt và dày như bạch dương, toả mùi biển cả, mùi chanh, mùi nước mát trên những chiếc lá linh lan. Tôi thích biển. Tôi thích những con chó mắt nhìn buồn bã. Tôi thích chiếc áo len dài tay. Tôi thích úp mặt vào tấm mạng nhện chăng giữa hai cây phong khi chạy chơi trong rừng. Tôi thích.
Âm nhạc. Trên tay, trên những ngón tay, trong mắt, trên da thịt mịn như vỏ cây bạch dương – trong tất cả mọi vật. Con mèo đốm trông như con hổ. Nó đang đau khổ, nó đang khóc nhớ người họ hàng hoang dã của mình. Ôi, giá chi nó biết vẫy đuôi, biết trốn nấp trong rừng rậm, biết nhuộm thân mình bằng máu của con hươu săn được lúc bình minh, nhưng giờ nó đang ngồi lên đầu gối ông chủ trên chiếc ghế bành và gừ gừ bài ca ấm áp trong nhà, còn tính hổ chỉ còn ẩn kín rất sâu trong cơ thể.
Mùa thu? Vâng, nói chung đó là mùa thu, đó là đôi mắt của nó hiện ra qua hai chiếc lá tần bì. Trời mới biết được khi nào nó lại đến, cái mùa thu này. Vì phải đi qua mùa Đông, mùa Xuân và mùa Hạ mới đến được nó. Phải trải qua giá băng, sưởi ấm, bắt lửa và cháy trở lại trên vòm trời vàng, vàng như chú thỏ mặt trời. Dù sao tôi sẽ đợi nó. Tôi đợi vì tôi yêu. Tôi Tin Tưởng và Hy Vọng.
(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
Hà Nội, 9/2024