Nguyễn Hưng Quốc: Những suy nghĩ rời

VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ

Xin đừng lãnh đạo

Về phương diện văn hóa, nếu chính quyền Việt Nam thành tâm muốn làm điều gì có lợi cho đất nước, tôi chỉ có một lời khuyên: Đừng làm gì cả. Văn hóa là lãnh vực càng ít lãnh đạo chừng nào càng tốt chừng ấy. Cai trị thì tuyệt đối không nên. Tất cả các văn nghệ sĩ và trí thức đều biết rõ những gì họ nên làm và cần làm. Điều duy nhất chính phủ có thể giúp họ là để cho họ được tự do. Vậy thôi.

Rượu và phê bình

Không ai có thể chứng minh được cái ngon của rượu với một người không biết gì về rượu. Trong văn chương cũng vậy. Phê bình bao giờ cũng chỉ là một cách đối thoại với một số người. Chỉ một số người.

Đoàn kết và phân hóa

Trong chính trị, người ta cần đoàn kết: Chỉ có đoàn kết mới là sức mạnh; trong văn học, người ta cần phân hóa: Chỉ có phân hóa văn học mới thực sự đa dạng và khởi sắc. Ở Việt Nam, chính quyền làm ngược lại: Trong chính trị, người ta tìm cách phân hóa để không ai được mạnh và trong văn học, người ta cố tạo nên những sự đoàn kết nhất trí giả để không có người nào thực sự có bản sắc riêng cả.

Ngôn ngữ: nạn nhân đầu tiên của độc tài

Không có thời đại nào các nhà văn và nhà thơ lại quan trọng và cần thiết như khi sống dưới các chế độ độc tài. Dưới các chế độ độc tài, nạn nhân đầu tiên bao giờ cũng là ngôn ngữ: được sử dụng để tuyên truyền, ngôn ngữ dần dần bị hút sạch nội dung và nhựa sống để chỉ còn những xác chữ ngớ ngẩn vô nghĩa. Chỉ có những cây bút độc lập và tài hoa mới giúp ngôn ngữ được hồi sinh và hồi xuân.

NHỮNG TÀI NĂNG LỚN

Đám đông và cá nhân

Trong chính trị, đừng nhìn vào cá nhân; hãy nhìn vào đám đông: Chính đám đông mới là sức mạnh. Trong văn học, đừng nhìn vào đám đông: Đám đông vô nghĩa. Văn học là công việc của từng cá nhân. Một phong trào văn học rộng lớn đến mấy cũng đều vô nghĩa cho đến lúc nó trình diện được một tài năng thật lớn. Có một đỉnh cao, dù chỉ một mà thôi, phong trào ấy hiện hữu. Không có đỉnh cao, tất cả chỉ là đồng bằng. Nhưng văn học lại không cần đồng bằng. Đồng bằng là hư không.

Văn chương và thời đại

Lịch sử một thời đại đều do các cây bút lớn tạo ra. Khi chưa có các cây bút lớn ấy, không có một thời đại nào thực sự hiện hữu; hoặc nếu có, chỉ hiện hữu như một cái xác.

LỊCH SỬ

Không có lịch sử nào là khách quan cả. Lịch sử không phải là hiện thực. Lịch sử chỉ là hiện thực được viết lại và được diễn dịch từ một lập trường và một quan điểm nhất định. Đối diện với sự thật ấy, dưới các chế độ dân chủ, người ta để cho mọi người được tự do viết lại và diễn dịch lại lịch sử, cuối cùng, mọi người sẽ có vô số những bức tranh khác nhau tha hồ chọn lựa hoặc tổng hợp; dưới các chế độ độc tài, ngược lại, giới cầm quyền bao giờ cũng giành độc quyền viết lại và diễn dịch lại lịch sử theo cách có lợi nhất cho họ. Có thể nói, dưới mọi chế độ độc tài, nạn nhân bị cưỡng hiếp đầu tiên bao giờ cũng là lịch sử. Khi cưỡng hiếp quá khứ, họ hy vọng sẽ đẻ ra được những đứa con mù trong hiện tại và cả trong tương lai.

Nguyễn Hưng Quốc