Ngô Nguyên Dũng: Tháng Chạp về thăm
Sau khi dọn xong bữa ăn tối, cô tiếp viên hàng không đẩy xe thức uống tới cạnh. Tôi gọi một ly nước suối, lấy viên thuốc an thần bỏ vào miệng, ực cạn ly nước. Lòng phi cơ hắt ánh sáng xanh dịu. Tôi bấm nút, khép mắt và ngã người ra lưng ghế.
Tiếng máy điều hòa không khí thầm thì. Với hai mắt nhắm, tôi lắng nghe nhịp thở mình thấp thỏm dưới lớp vải khẩu trang. Thỉnh thoảng một tiếng chuông vang lên khô khan. Đèn báo bật sáng. Giọng người phi công rè rè qua máy phát âm, phi cơ sắp sửa bay ngang vùng áp thấp, hành khách vui lòng cài dây an toàn… Tôi hình dung cảnh tượng đêm đen bên dưới. Trên màn hình phác họa tuyến đường bay, thấy phi cơ đang băng ngang vịnh Ấn Độ dương, chốc lát lại lắc lư răng rắc, như thể phản đối tính khí sỗ sàng của thời tiết. Rồi tôi thiếp vào giấc ngủ chập chờn những hình ảnh quá khứ…
“Chỉ có mình tôi lang thang nơi bãi tắm vùng biển quen. Dường như là Vũng Tàu. Tay tôi cầm chiếc nón nồi ngộ nghĩnh, lâu lâu lại đội lên. Có lúc tôi thấy mình lạc chân vào một quán ăn ven biển, đi ngang bàn có người đàn ông ngồi ngủ, nón rơm úp trên mặt, nhón tay lấy mà không hỏi bao nhựa đựng hồ sơ có dán ảnh, ghi tên một người đàn ông Tây phương và vài viên thuốc. Tôi đi dọc theo hồ tắm của quán, thấy đông đúc trẻ con. Một bé gái đang đùa chơi trên thanh gỗ bắc trên nước, giọng cười trong trẻo như pha lê vỡ. Tôi tìm lối dẫn ra biển, thỉnh thoảng đắn đo nghĩ ngợi về bao nhựa đựng giấy tờ của người đàn ông lạ. Tôi lấy mấy viên thuốc ra ngắm nghía, xem có giống những viên thuốc tôi phải uống mỗi ngày. Ngước mặt, thấy mình đang đứng trước hai lối xuyên qua cồn cát dẫn ra biển, do dự không biết nên đi lối nào. Lại thấy một hồ nơi, nước đóng rêu xanh rì, thầm hỏi, không biết hồ cạn hay sâu? Để rồi cuối cùng, tôi chọn lối bên phải…”
…Đèn chầm chậm sáng. Hành khách tỉnh giấc, sửa lại ghế ngồi, thầm thì chuyện vãn. Tiếng trẻ con bật khóc và giọng đàn bà vỗ về. Tôi ngước nhìn những thông tin về chuyến phi hành hiện trên màn ảnh. Còn một tiếng nữa, phi cơ sẽ hạ cánh. Đêm vẫn chập chùng bên ngoài. Chiêu đãi viên dọn bữa ăn nhẹ lần cuối cùng. Tôi hỏi xin một tách cà-phê ít đường nhiều sữa, ngồi hớp ngụm nhỏ, tưởng lại giấc chiêm bao còn đọng hơi ấm. Những chi tiết và hình ảnh còn rõ ràng trong trí như ý thức tôi đang lần giở từng trang lưu ảnh. Và nhớ lại lần về thăm nhà cách đây mười hai năm, cùng một người bạn. Khi phi cơ liệng vòng trên không phận thành phố hoa niên, từ từ giảm tốc độ và hạ thấp. Tôi nhoài người, ngắm nhìn quang cảnh ngoài ô kính. Bên dưới là Sài Gòn. Những chấm sáng loe lóe ngang dọc, từ từ rõ dần. Những ngã đường đèn vàng và xe gắn máy ngược xuôi bên dưới. Bạn tìm tay tôi, khóa ngón. Lệ tôi ứa đầy hai mắt. Lần trở lại năm ấy vỏn vẹn mười ngày… Mười năm sau, bạn tôi qua đời.
Kể từ đó, hành trình tôi đi về lẻ loi …
*
Lần này, một ngoại lệ, tôi về thăm nhà giữa tháng chạp. Chỉ vài tuần trước tết. Ra đón tôi tại phi trường đông đến nỗi, tôi không biết phải chào hỏi ai trước. Tôi bối rối trước một chuỗi những lời chào và hỏi han vồn vã, hòa cùng những thanh âm sống động, ngôn ngữ quen tai tại cửa đón phi trường một đêm cuối năm.
“Đi đường có mệt không em?”
“Con chào cậu. Cậu để con kéo va-li giùm cho!”
“Chú cởi áo khoác cho mát. Đưa con cầm cho!”
Tôi vội vã nắm lấy những bàn tay giơ trước mặt. Khuôn mặt người thân lố nhố, mờ nhòe vì hai mắt tôi đã hoen lệ từ bao giờ.
“Con ơi, má nhớ con quá…”, một giọng nói thân quen cất lên. Rồi, từ đám đông, một bà cụ nhỏ thó, ốm yếu lách người bước ra.
Tôi xoe mắt nhìn gương mặt xương xương, và hai lõm mắt đục sâu. Tia mắt bà nhìn tôi không chớp. Tôi chỉ kịp thốt lên một tiếng “má”, rồi cổ họng nghẹn lại. Hai dòng lệ thản nhiên lăn xuống má. Tôi bước lại, ôm chầm lấy má, gục đầu xuống đầu tóc bới thưa sợi bạc. Tóc tôi bây giờ cũng bạc trắng. “…Ai biết mẹ buồn vui. Khi mẹ kêu tôi tới gần, biểu tôi ngồi, mẹ nhổ tóc sâu. Hai mẹ con tóc bạc như nhau…” (1) Khứu giác tôi thoảng mùi da thịt mẹ. Hương thơm tình mẫu tử khắng khít, của thức ăn quen ấp ủ trong mồ hôi, của nắng nhiệt đới những năm dài ngóng đợi.
Và, suốt đoạn đường từ phi trường về nhà, ngồi cạnh tôi trong tắc-xi, lâu lâu má lại cầm tay tôi, áp môi lên lưng tay trắng hồng, thầm thì:
“Bàn tay con hồng hào, mập ú, thấy thương quá!”
“Ba khỏe không má?”, tôi cất giọng hỏi.
“Khỏe, con! Nhưng hai mắt ổng yếu, không đi theo được.” Rồi giọng bà nô nức: “Tết năm nay má sẽ biểu chị Ba của con nấu những món ăn hồi nhỏ con ưa thích. Vịt gà tiềm theo thông lệ hằng năm. Thịt kho trứng. Dưa hấu tráng miệng. Bà ngoại dưới quê có gởi lên chục đòn bánh tét. Sáng mồng một con dậy ăn sáng bánh tét với dưa món.”
“Dạ, rồi khoanh tay mừng tuổi ba má để được lì xì… Như lúc con còn nhỏ…”
Nói xong, tôi mới sực nhớ ra, giờ đây mọi chuyện đã khác. Người ở quê nhà trông đợi người ở xa về lì xì… Nhưng lặng thinh, chỉ thỉnh thoảng day qua nhìn má. Đèn điện bảng hiệu hàng quán dọc đường lập lòe lên khuôn mặt bà thứ ánh sáng chỉ thấy trong phim ảnh hoặc trong những giấc chiêm bao. Bấy giờ, tôi mới nhận ra vài nét lạ thường trên khuôn mặt má. Tái xanh, như thể cạn kiệt sức sống. Đôi lúc có tia sáng nhợt nhạt rớt lên lớp da mặt má héo úa, quạnh quẽ như miễu thờ lạnh lẽo đèn nhang… Tôi chạnh nhớ lời em gái tôi qua điện thoại, má đã tám mươi sáu rồi anh!
“Em còn nhớ đường từ phi trường về nhà không Dũng?”, tiếng anh tôi cất lên từ băng ghế trước.
“Không, anh à!”, tôi đáp và chặc lưỡi. “Đường phố thay đổi nhiều quá, không như trước kia.”
“Tới nhà rồi em sẽ thấy, mọi thứ vẫn y như cũ…”, anh nói nhỏ, giọng buồn buồn như dư âm một tiếng hát cũ.
Xe ngừng trước cổng sắt sơn xanh lá. Tàn cây trứng cá xõa bóng lướt thướt. Đèn đường vàng vọt đêm vắng. Tôi xuống xe, lặng người giây lát, nhìn quanh quất cảnh nhà thời hoa niên. Tiếng người lao xao. Tiếng chó sủa rộn ràng, nghe như reo mừng. Đèn hiên nhà bật sáng. Ngôi nhà rực lên. Không gian cũng rực lên như màu sắc những trang sách cổ tích. Nơi đó, trong vùng sáng huyễn hoặc, tôi thấy một cụ ông râu tóc trắng phau, chống gậy, quần áo ngủ nâu sẫm, đang đứng chờ… Tôi dừng chân, sửng mắt. Cụ già nhoẻn cười nhìn tôi, nụ cười thân quen thuở nào. Chỉ không nghe tiếng… Ba tôi. Tôi chạy lại, ôm lấy ông, khóc mùi mẫn.
“Con mau… mau… lớn quá!”, giọng ba run run âm vang ấm vành tai tôi.
“Dạ, thưa ba, con mới về”, tôi chào ba như những ngày xưa đi học về.
“Cái thằng, không biết giống ai, ưa khóc”, tiếng ai thốt lên, nghe như lời trách yêu.
“Nó vậy đó! Hồi nhỏ bị đòn, chưa lãnh roi nào, đã khóc um sùm rồi”, giọng má tôi xen vô.
Nhiều tiếng cười khúc khích. Tôi cắp tay cha vào phòng. Căn phòng này, trước kia, có khung cửa sổ lá sách mở ra một góc vườn con trước nhà. Những đêm trăng sáng, tôi trẻ thơ mộng mị giữa khuya, hé mắt thấy những chiếc bóng chập chờn đỉnh mùng. Tôi hãi hùng, nhắm mắt, siết chặt gối ôm vào lòng, cầu mong cho trời mau sáng.
Đêm cuối năm âm lịch, bóng tối tịch mịch tràn lan căn phòng gây gấy mùi mồ hôi, thuốc tây và dầu khuynh diệp. Tôi thay quần áo ngủ, bước tới mở bung hai cánh cửa sổ. Đêm quê nhà thơm ngào ngạt. Không còn thấy cây ổi lão, thay vào đó là bụi dạ lý tỏa hương nồng nàn. “Đêm thơm như một dòng sữa. Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà. Hiu hiu hương tự ngàn xa. Bỗng quay về dạt dào trên hè ngoài trời khuya…” (2)
Ba tôi muốn có tôi ngủ cạnh ông trong chiếc giường đôi. Lúc ông đã chìm vào giấc ngủ sâu, tôi vẫn thao thức với hai mắt nhắm. Đêm trong căn nhà thuở hoa niên, tôi nằm trăn trở. Mùi nệm gối và mồ hôi lạ. Giờ giấc đông tây cách biệt. Trong cơn chập chờn những hình ảnh chiêm bao, tôi chợt thức, khi ba quay sang, ôm lấy tôi. Ngoài kia, ánh sáng đầu ngày rực rỡ từ bao giờ.
“Ba nhớ… nhớ… con lắm!”, ông thủ thỉ.
Tôi khép mắt, ngăn lệ trào, úp một tay lên lưng tay cha, siết lại.
“Con ngủ ngon không?”
“Dạ, khó ngủ vì trái giờ, ba à! Còn ba?”
“Ngon, thẳng giấc tới sáng, vì có con nằm cạnh.”
“Trong giấc ngủ ngắn, mộng mị vá víu, con chiêm bao thấy những chuyện quàng xiên…”, tôi cất giọng chậm rãi.
“Con mơ thấy, đi đâu không biết, qua những con đường ngập nước, và gặp một người bạn thời đi học. Bạn hỏi, năm nay định đi nghỉ hè nơi đâu? Con lưỡng lự rồi đáp, sẽ về Việt Nam… Trở về, ôm chồng dĩa hát bốn mươi lăm vòng trong tay, con gặp má. Má dẫn con tới một căn nhà trống, gặp dì Phấn lúc trước đi chợ nấu cơm cho nhà mình. Con định nhờ dì giữ giùm con mấy cái dĩa hát. Con toan đặt chúng dưới đất, cạnh mấy cái hỏa lò, thì dì nói, để dì đem cất trong tủ giùm cho. Khi con bước ra những ngã đường lênh láng nước, con dáo dác tìm lối khô ráo để đi. Tới ngã tư, lúc con tìm cách băng qua đường, tránh hai lối đi đặt hai chiếc ghế bành có hai bộ xương người ngồi chễm chệ. Qua bên kia đường, loay hoay làm sao không biết, con té ngửa ra đất, vắt vẻo nửa người dưới nước, mà sao vẫn không cảm thấy ướt… Bộ hành qua lại, ngó thấy, bật cười trước cảnh tượng khôi hài…”
Kể xong, tôi bước xuống giường, cầm khăn và quần áo, xuống nhà dưới đi tắm và làm vệ sinh sáng. Đi ngang gian bếp thơm lừng hương cà-phê, tôi thấy chị đang ngồi sửa soạn bữa điểm tâm. Thoáng chốc, tôi có cảm tưởng như mình vừa bước qua lằn biên chia đôi hai vùng không gian và thời gian của đời sống. Quá khứ và hiện tại. Như thể lần trở lại này của tôi là một chuyến du hành ngược thời quá vãng.
Chị ngẩng mặt nhìn tôi qua khung cửa mở toang, miệng cười tươi tắn.
“Em đi tắm rồi uống cà-phê ăn sáng. Bánh mì trứng chiên”, giọng chị nghe như có âm vang. “Rồi sau đó cả nhà tới chùa cho em thắp nhang chào ba má!”
Tôi khựng chân sững sờ, buông tay, khăn tắm và áo quần rớt xuống đất. Tôi tất tả chạy vào phòng ngủ. Có vệt sáng đầu ngày len qua khung của mở, soi lên mặt giường còn bừa bãi chăn gối. Trống trải. Không một ai. Tôi ngẩng mặt, hét lên một tiếng thất thanh…
Tôi nẩy người thức giấc. Có tiếng gõ cửa rụt rè. Tiếp theo là giọng anh tôi văng vẳng sau cánh cửa khóa trái.
“Dũng ơi! Dũng ơi! Dậy đi ăn sáng em ơi, trễ rồi!”
(10.2022)__________
(1) Dựa theo ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, Bắc Sơn. (2) Trích ca khúc “Dạ lai hương”, Phạm Duy.