Inrasara: Người Cham ăn Tết như thế nào

Cham là dân tộc ham chơi. Trà Vigia viết bỡn: 

“Chàm làm là làm chơi, chơi thì chơi thiệt“. 

Chuẩn không cần chỉnh luôn. Tôi hơi khác, hơn mươi năm trước, ở tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư, tôi viết:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

Chịu chơi cả trong đau khổ.

Câu thơ được một nhà nghiên cứu dùng làm đề từ cho công trình của mình. Vậy ta thử xem Cham chơi Tết như thế nào nhé.

Pangdurangga gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bốn thập niên trước, khi mùa mai vạn thọ vàng rực núi đồi, là chúng tôi biết Tết đến. Cả rừng mai vạn thọ, trải dài hơn ngàn mẫu khoảng rừng thưa vùng Vĩnh Hảo. Lên trên nữa là mai núi. Cũng bạt ngàn. Kể rằng, sẵn trời ban tặng nguồn suối thiên nhiên, khi xưa vua Chế Mân cho trồng hai loại mai để cùng công chúa Huyền Trân du xuân. Ông vua hào hoa này chưa hưởng trọn mùa mai, đã đi biệt, mang theo luôn bí ẩn cuộc tình đẹp đầy éo le vào đêm mờ lịch sử.

Ông đi, rừng mai ở lại. Ở lại suốt bảy thế kỉ cho đến giữa thập niên 1990, khi chương trình triệt phá rừng của ta hoàn tất, thì cây mai cuối cùng cũng làm cuộc chia li không hẹn ngày về.

Ramưwan của Cham Bà-ni. Hình do tác giả cung cấp

Cham có hai cái Tết riêng. Ramưwan được coi là “Tết” của người Cham Bà-ni, còn Katê là “Tết” chung của cộng đồng Cham Ninh Thuận và Bình Thuận. Kêu Katê là tết của Cham Bà-la-môn là trật lất. Lễ Katê, cộng đồng Cham lên tháp cúng tế Nam thần, mà Pô Yang là các vị vua được thần hóa, chớ vua Champa có riêng gì của Bà-la-môn đâu, là của chung đấy chứ.

Trật là vậy. Trật nữa, khi ta coi Ramưwan hay Katê là Tết Cham.

Là sao? Katê nhằm tháng Bảy Cham lịch, còn Ramưwan là tháng Chín lịch Islam. Nó không là tết, mà chính Rija Nưgar lễ đầu năm Cham lịch mới là tết đích thị. Từ ý nghĩa của lễ cho đến thời điểm, nữa – lễ diễn ra khắp palei Cham từ Bà-la-môn cho chí Bà-ni, vào đúng ngày giờ.

Múa roi trong lễ Rija Nưgar. Hình Inrajaya

Dẫu sao, người Cham đụng Tết là… ăn là chơi, dù đó là Katê, Ramưwan hay Rija Nưgar. Ramadan chẳng hạn, là tháng chay tịnh của Islam, về đến đất Pangdurangga, người Cham biến nó thành Ramưwan một dịp lễ cúng ông bà tổ tiên và… nhậu nhẹt, việc chay tịnh cứ để cho các vị chức sắc lo. Thế mới ra Cham!

Nhìn sang việc thờ cúng. Ngay thế kỉ thứ II, người Cham xem Pô Inư Nưgar – Bà Thiên Y Ana là người tạo lập xứ sở. Vị trí thờ phượng luôn được đặt ở hàng đầu. Đến thế kỉ XIV, khi Hồi giáo nhập địa Champa và tạo được thế đứng, vị trí này được nhường lại cho Allah. Bà con coi Ngài là đấng sáng tạo vũ trụ, trong khi Pô Inư Nưgar chỉ được xem là người tạo lập xứ sở. Ai nhất thì tôi thứ nhì…!

Trong các cuộc lễ, người Cham Bà-la-môn giáo mở ngõ cúng bái cả các vị thánh trong kinh Koran. Rồi khi có xung đột ý hệ Hồi giáo – Bà-la-môn giáo trong lịch sử, tổ tiên Cham đã biết hóa giải và hòa giải chúng. Ngoài ra người Cham còn tiếp nhận một hệ phái mới là Mưdwơn, phục vụ cho cả hai phía: Cham Bà-la-môn giáo và cả Cham Bà-ni. Rất ư là hòa đồng.

Trong lễ lớn là Ramưwan (tháng Chín chay tịnh), hình ảnh thoáng mở đẹp nhất của tôn giáo-tín ngưỡng Cham là khi từng đoàn cô gái Cham Bà-la-môn giáo đội ciêt [giỏ đan bằng lát] bánh trái cúng dường Sang Mưgik Bà-ni. Thành kính và trang trọng. Rồi sau Rija Nưgar, bà con Cham bên Bà-la-môn giáo thỉnh mời các vị thầy Acar về tận nhà hành lễ. Lạ!

Lạ mà đẹp.

Rước Y trang Thần trong lễ Katê – Hình Nguyễn Á.

Katê chả khác. Ngày đầu là lễ đón Y trang vua thần, ngày thứ hai lên tháp, ngày thứ ba là Katê làng và gia đình. Sau đó nguyên cả tháng Cham ăn chơi, hát múa. Tôi hay nói đùa, một ông Cham không biết hát thì còn nghi ngờ, chớ một nữ Cham mà không biết múa, dứt khoát không là Cham xịn.   

Múa trên tháp ngày Katê, hình Inrajaya

Không dừng tại đó, gặp Nguyên đán Cham cũng ăn tết luôn.

Hơn hai thế kỉ sống xen cư với người Việt, bà con Cham coi như Tết của mình. Đây chỉ là hành xử tự phát, một tự phát có nguồn gốc từ ý thức hay vô thức cộng đồng, tồn tại mãi đến hôm nay. 

Tết, mấy bà mẹ Cham đội giạ nếp, xách cặp gà qua ăn Tết Việt cùng hay khác làng có quan hệ quen biết hoặc làm ăn buôn bán. Ăn Tết đã đời rồi còn có quà bánh mang về nữa. Nhất là sắp trẻ, cũng háo hức đón Tết. Mừng dựng nêu, đốt pháo – xưa; hoặc đạp xe xuống phố, qua khu vui chơi giải trí – nay. Tết như có thêm ngày hội. Còn với người lớn, mùa Tết nhằm ngày vụ vừa xong nên con người cũng không tiếc nhau lời chúc, quà tặng.

Chúng tôi nói đùa nhau Cham hân hạnh đón đến bốn cái Tết mỗi năm là vậy: Katê (nhằm tháng Bảy lịch Cham) chung cho cộng đồng Cham, không phân biệt tín ngưỡng-tôn giáo, Ramưwan Tết của Cham Bà-ni vào tháng Chín Hồi lịch, Tết Tây, và sau cùng là Tết Ta. Thế hệ trẻ chúng tôi vui hưởng tinh thần mở ấy.

Tinh thần mở ấy có lẽ được người Cham thể hiện rất đẹp qua ứng xử hàng ngày, lộ bày rõ nhất trong các dịp lễ, tết của đồng bào khác tộc, khác tôn giáo – tín ngưỡng.

Nó chính là một nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đấy là nói Tết nhà quê, chứ Tết thành phố thì khác.

Ba mươi năm sau, tôi cơ hội ăn Tết người bạn văn thân tại Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn mâm cỗ đầy, hấp dẫn ra phết, tuy nhiên chủ nhà chỉ dọn lên mà không mời khách. Kỳ thế chứ! Năm trước, anh bạn văn ở Bình Thạnh “ăn Tết” cũng hệt vậy. Vài ly rượu, lại là rượu Tây với ít bánh mứt, thêm lời chúc năm mới nữa. Ngoài ra: không gì hơn, không gì khác! Tôi đèo bà xã về mà bụng đói meo. 

Hay Tết ở thành phố nó thế? Hèn gì, Tết là mọi người đổ xô về quê.

Cứ nhớ cái Tết nhà quê. Có dựng nêu, có ngồi canh nồi bánh tét… Và nhất là, có rất nhiều màu áo mới đưa hồn mình trôi lang thang về cõi bé thơ.

Inrasara