Mặc Lý: Đi
Đi là không còn ở chỗ cũ. Đơn giản thế, nhưng chuyện đi cũng có những điều thú vị.
Đi là một hạnh phúc. Em bé chập chững những bước đi đầu đời lúc nào cũng có nét mặt rạng rỡ, cười không gì tươi hơn. Một nhà văn tiền chiến, hình như là Nguyễn Tuân hay ông thuật lại lời người khác, mong khi ông chết đi, người ta bằng cách nào đó lột da ông và thuộc đi, làm va li. Ra điều ông không còn đi được nữa thì để một phần thân xác ông đi vậy. Thú chơi tem, tôi ngờ là từ những mơ ước đi đến những chân trời mới lạ. Bạn vẫn không tin? Sau những hạn chế đi lại, đóng cửa vì đại dịch, bạn cảm thấy gì khi được đi đến những chốn quen thuộc hay thậm chí xa lạ. Dĩ nhiên cũng có những lúc đi không phải là hạnh phúc mà là khổ nạn, nhất là khi bị buộc phải đi. Đi “đếm lịch” thì chẳng phải là hạnh phúc đâu.
Với nhiều người, đi là để mong đến một chỗ nào đó, để làm một điều gì đó. Cái đích là chỗ đến, cái cứu cánh là việc làm khi đã đi. Họ có thể là người rất nghiêm chỉnh, nhiều khi đi vì cuộc sống đẩy họ đi. Nhưng cũng có nhiều người nghệ sĩ hơn, họ đi chỉ để đi. Ừ, không cần biết đi đâu cả chí cần thoát ra khỏi những nơi chốn thường nhật là hạnh phúc. Đi du lịch, đi xem cảnh xem người, có thể với mục đích nạp lại bình điện năng lực hay vì cái thôi thúc “Đã Đến! đã Làm!” (Been There! Done That!), nhưng nói cho cùng, chính yếu vẫn là đi để mà đi. Và khi đi không mục đích, có thể minh bắt gặp được những bất ngờ. Tôi có anh bạn thân kể lại một lần anh lang thang trong khu Lower Manhattan của thành phố New York vào giờ tan sở. Anh chợt sững người khi nhìn thấy một điều có lẽ đặc trưng cho thành phố New York. Những người đàn ông, ăn mặc lịch sự chỉnh chu, áo vét cổ cà vạt, tay xách cặp táp, bước chân mạnh mẽ trên vỉa hè lát đá. Những người đàn bà, giày cao gót, ví choàng vai hay xách cặp hồ sơ, bước đều đặn, nhanh nhưng không quá vội vã, nét uyển chuyển như khiêu vũ, dáng đi mà ông Doãn Quốc Sỹ gọi là lanh chao. Anh bạn tôi dừng ngay góc đường, không đi nữa mà chỉ ngắm người ta qua lại. Sau này anh gọi đó là “hồn New York”. Nó không ở những cao ốc chọc trời, không ở những công ty trái tim tài chánh thế giới mà ở chính con người New York.
Đi bao xa? Mẹ tôi, một phụ nữ gốc Bắc, trước năm 1945 hầu như đi xa nhất là đến chợ huyện, còn kỳ dư quanh năm chỉ ở trong làng, thậm chí một năm ba trăm sáu mười lăm ngày thì chắc có hơn ba trăm ngày chỉ đi trong nhà, ngoài vườn. Nhưng thế hệ trẻ trung của thế kỷ 21, họ không chịu thế đâu. Một cô gái ở tuổi 9X, Huyền Chíp, viết cuốn Ba Lô Lên Vai Và Đi tả những chuyến đi của mình, được nhiều độc giả thích thú khen ngợi. Cô thường bắt đầu những chuyến đi chu du thế giới của mình với rất ít tiền, thường chỉ đủ tiền cho chặng đường kế tiếp thôi. Anh Terry Fox, một thanh niên Canada mới ngoài hai mươi, một chân bị cưa vì ung thư, chạy chứ không đi, trên con đường dài hơn 5000Km xuyên Canada. Anh đã gợi hứng cho nhiều thế hệ người Canada và cả thế giới. Một người bạn facebook của tôi vừa mới hoàn tất việc đặt chân lên cả 50 tiểu bang nước Mỹ và thăm hết những cảnh quan đặc trưng của mỗi tiểu bang. Một người bạn khác thì có kế hoạch đi tới 100 nước trên thế giới. Kể cũng nhiều đấy nhưng cũng còn dễ thực hiện. Nhiều chỗ còn khó đến được hơn, dù muốn đi. Bạn muốn chinh phục đỉnh núi Everest ư? Bạn phải có kế hoạch, phải tập luyện sức khoẻ, phải chọn người hướng dẫn đường đi và giúp đỡ bạn, nhất là cơ hội thực hiện chuyến đi chỉ xảy ra độ mươi ngày trong một năm, ở cả hai sườn núi, phía Nepal cùng như phía Trung Quốc. Dù vậy tai nạn vẫn xảy ra hầu như hàng năm. Hay những chuyến đi chinh phục Bắc Cực, Nam Cực. Bạn yêu nước, thích có cảm giác đi trên nước, thì cũng có ngay. Các chuyến đi du lịch bằng du thuyền thương mại lớn, khởi từ Bắc Mỹ, ngắn thì 2, 3 ngày, nhưng thường thì một tuần, bắt đầu từ một nơi nào đó ở New Jersey, Florida hay California, sẽ đưa bạn đi một vòng các quần đảo vùng Caribbean và trả bạn về nơi xuất phát một tuần sau đó. Cũng có những chuyên đi trên du thuyền dài ngày hơn. Một bạn đồng nghiệp của tôi đã đi trên du thuyền như vậy, vượt múi giờ GMT đúng đầu năm 2000, gởi điện thư cho hay là quả đất vẫn quay, thế giới vẫn như vậy không bị con bọ 2000 tàn phá. Bên Âu Châu cũng có những chuyến du hành trên sông, những con sông nổi tiếng, đi qua những đô thành có lịch sử còn dài hơn lịch sử nước Mỹ. Bạn thích đi xe lửa ư? Ở Mỹ bạn có thể mua vé Amtrak, tính toán để thích hợp với lộ trình của bạn. Ở Canada thì có VIA, có loại toa giường nằm mà nếu thích bạn có thể ngắm sao trời hàng đêm. Hay có những toa mà bạn có thể lên ngắm cảnh bốn phía, chưa kể phía trên đầu. Xe lửa chạy dọc theo nước Canada, hơn gấp ba lần đường bộ Sài Gòn Hà Nội, cảnh vật bao la, có những đoạn bạn ngồi trên xe lửa cả mấy giờ mà vẫn thấy cánh đồng lúa mì ngút ngàn.
Bạn muốn đi xa hơn? Thì cũng có cách. Chỉ công phu nhiều hơn và tốn tiền nhiều hơn. Một chuyến du hành ra ngoài vũ trụ trên phi thuyền không gian, bay vài giờ sẽ làm túi tiền của bạn ít đi vài chục triệu, nếu bạn có tiền. Mà bạn phải có sức khoẻ gần như phi hành gia đấy.
Với những người đi chỉ là để đi thì đi nhanh hay chậm có thể không cần thiết. Nhưng khi nghiêm chỉnh, đi là đến một đích nào đó để làm gì đó thì tốc độ có sự hấp dẫn và lợi thế. Tôi vẫn nể phục các cụ mình hơn trăm năm trước, cơm nắm muối vừng đi bộ từ ngoài Bắc vào Huế thi, trong 1, 2 tháng. Bạn nào chắc cũng nhớ lần đầu tiên đi được xe đạp. Đó là niềm vui khi tốc độ di chuyển của mình từ 4, 5 cây số một giờ lên gấp ba gấp bốn. Và khi đi được xe gắn máy hay xe hơi thì chắc là thích hơn. Những đoạn đường trước kia ít người đi bộ trọn được, nay với xe hơi chỉ mất vài giờ. Rồi đến xe lửa viên đạn (bullet train), vun vút với tốc độ gấp ba lần xe hơi, bây giờ trở thành một phần của đời sống dân Nhật, Hàn, Tàu.
Một số người thích đi một mình, tha hồ quyết định đi đâu, đi bằng gì, đi nhanh hay chậm. Độc hành là một cái thú, với họ. Nhưng đa số cảm thấy vui hơn khi có người đi cùng, nhất là được đi với người tri kỷ, còn không thì người thân nhưng có khi đơn giản hơn, đi với người cùng thị hiếu. Thời đại mạng xã hội này, nếu không học cách tự chụp hình thì có người đi cùng chụp cho mình cũng tiện chứ.
Có một lối đi trừu tượng: đi bằng sách báo. Lối đi nay không phải là đi theo nghĩa vật lý, là chuyển động đôi chân hay dùng những phương tiện cơ giới giúp thay đổi không gian chung quanh. Đọc một cuốn sách, ta có thể cùng theo bước chân của nhân vật đi đến những nơi xa lạ. Một người chưa bao giờ đến Paris vẫn có thể trải mình trong thảm lá thu vàng ở vườn Luxembourg, nghe những câu chuyện rôm rả ở những quán café ngoài trời khu Montmartre, ngắm nhìn những họa phẩm vài trăm năm cũ ở bảo tàng viện Louvre hay bước vào vùng huyền ảo nhung nhớ của ga Lyon đèn vàng. Chưa vào giờ đến London nhưng người ta vẫn có thể cảm thông với người đi trong đêm mù sương, giữa lòng phố thị hay thấy những khách uống rượu, bù khú trong những quán rượu có lịch sử cả trăm năm. Đi theo nghĩa này có thể qua một chiều thứ tư là thời gian. Nhìn một bức ảnh cổ thành Rome, ta có thể nghe đâu đây tiếng hò reo của khán giả những trận giác đấu mà chết sống trong một vung tay. Xem một đoạn phim về Vạn Lý Trường Thành, người ta có thể hình dung ra cảnh cả vạn dân phu đang co người ngủ giữa những ngày khuân đá cực nhọc hay tiếng cung tên xé gió của những kỵ binh Khất Đan dưới chân thành. Đọc tiểu thuyết Bí Mật Đại Kim Tự Tháp của Edgar Jacobs, theo chân nhân vật Philip Mortimer, người ta có thể áp tai vào những tảng đá sa mạc, nghe tiếng thì thầm từ những xác ướp ngàn năm trước. Và người ta cũng có thể đi vào thế giới trăm năm sau, khi xem những truyện khoa học giả tưởng. Văn hào Jules Verne đã dẫn độc giả trong thế kỷ 19 và sau này nữa, đến những đáy biển sâu thẳm hay vào trong lòng đất, lên tận sao Hoả.
Còn một đường đi nữa chắc ai cũng từng trải qua hay mong muốn nhưng có lẽ ít người đến đích, đó là đi vào lòng người. Bạn đã xem phim hay đọc cuốn sách L’Amant (Người Tình) của Marguerite Duras chưa? Điều gì khiến những chi tiết của cuộc gặp gỡ chàng trai hơn năm mươi năm trước vẫn còn đậm nét trong lòng tác giả? Phải chăng là chàng trai đã đi vào lòng bà và ở mãi đó? Đi vào lòng người không nhất thiết phải đi vào ngăn trái tim dành cho tình yêu nam nữ. Chắc chắn hầu hết mọi người đều có những hình ảnh trong tim cho những thần tượng mình mến mộ hay đơn giản hơn, những người thân cùng chia sẻ một quãng đường đời.
Và khi không còn đi được nữa? Tưởng tượng đau khổ của những người như anh bạn tôi, nằm một chỗ, hơn sáu năm nay không đi được sau một cơn bạo bệnh. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng không sao. Không đi thì bạn đã đến như lời thơ:
Hành trình không khoảng cách
Ta đến khi ngừng đi
(Bắc Phong)
Cuộc đời là những chuyến đi. Người nào cũng sẽ có lúc đến ga cuối của mình. Và cũng phải nhường chỗ trên con tàu cuộc đời cho những người khác tiếp tục đi.
Mặc Lý
(01/2023)