Lafcadio Hearn: Những con mèo trong hình vẽ (“The Boy Who Drew Cats”, Nguyễn Văn Sâm dịch)
Nghệ thuật khi đi tới tuyệt đỉnh thì ảnh hưởng của nó vô cùng, khó lường, khó tưởng tượng được. Câu chuyện cổ tích Nhật Bản nầy được Lafcadio Hearn, nhà văn Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, sống cuối đời ở Nhật, viết bằng một văn phong giản dị nhưng đã có công giới thiệu cái bản sắc đặc thù của văn hóa Nhật với Tây phương (NVS).
Lâu, lâu lắm rồi, trong một ngôi làng bé nhỏ ở Nhật, có một đôi vợ chồng nông dân nghèo khổ. Họ là người tốt nhưng vì quá nhiều con nên không thể nuôi hết được. Đứa lớn nhất khi vừa lên mười bốn đã phải làm việc nặng nhọc giúp cha rồi. Hầu hết mấy đứa con gái ngay từ khi mới biết đi đã phải lo đỡ đần cho mẹ.
Nhưng mà đứa nhỏ nhất,đẹt con, không thể thích hợp với công việc nặng nề. Nó thông tuệ hơn các anh chị, nhưng lại yếu ớt và quá nhỏ bé. Thiên hạ nói nó không thể lớn được. Cha mẹ nó nghĩ rằng lo cho con về sau thành thầy sãi tốt hơn là thành nông dân. Rồi họ dẫn con đến ngôi chùa trong làng, khẩn khoản vị sư trụ trì cho con vào chùa học tập như một chú tiểu.
Vị sự già trụ trì nói năng ngọt dịu nhưng hỏi chú nhỏ những câu hỏi khó. Các câu trả lời đều rất mực thông minh nên chú được chấp nhận ở chùa, làm tiểu, tu tập dưới sự hướng dẫn của vị sư già.
Chú thu thập rất nhanh những gì được dạy dỗ. Vâng hầu hết mọi lời. Nhưng có một điều chú lỗi lầm: thích vẽ mèo trong giờ tu tập. Thích đến nỗi vẽ ngay cả những nơi không thể nào được phép. Mỗi khi ở nơi thanh vắng một mình, chú vẽ mèo. Vẽ trên lề kinh, trên bia đá, trên vách phòng, trên cột chùa. Nhiều lần vị sư già giải thích cho chú biết đó là điều sai trái, nhưng chú vẫn chứng nào tật nấy. Vẽ bởi vì không thể không. Chú có cái tài năng của người nghệ sĩ. Và vì vậy không thích hợp với cuộc sống của một chú tiểu trong chùa, làm tiểu là phải học kinh học kệ.
Một ngày kia sau khi chú vẽ cái hình mèo đẹp đẽ trên giấy phong tường thì vị sư già nghiêm trang nói với chú: “Này con, ta khuyên con nên hãy rời khỏi chùa ngay. Con không thể tu tập để trở thành một vị sư được, nhưng con có thể trở thành một nghệ sĩ kỳ tài. Bây giờ ta cho con lời khuyên cuối cùng, hãy nhớ không được quên: Ban đêm hãy tránh chỗ trống rộng; chọn chỗ nhỏ hẹp!”
Chú không thể hiểu ý thầy mình muốn nói gì khi bảo “Ban đêm hãy tránh chỗ trống rộng; chọn chỗ nhỏ hẹp!”. Trong khi cột tay nải để ra đi, chú suy nghĩ lại mãi nhưng vẫn không thể nào thấu lý câu nói. Chú sợ không dám hỏi gì thêm với thầy ngoài việc nói mấy lời giã từ.
Lòng buồn rười rượi chú rời chùa, tự hỏi không biết mình phải làm gì.Chú biết rằng nếu về nhà thì sẽ bị cha đánh vì không nghe lời thầy. Ngay lúc đó chú nhớ lại là làng bên cạnh, cách đấy mười hai dặm có một ngôi chùa rất to lớn nguy nga. Chú từng nghe rằng ở đây có rất nhiều sư sãi, chú quyết định đến đấy xin học tập làm sãi.
Lúc bấy giờ thì ngôi chùa đó đã đóng cửa rồi nhưng chú tiểu nhỏ không biết điều này. Chuyện là ở đây có một con quái vật làm tinh làm ma khiến các vị sư trong chùa kinh sợ phải bỏ đi. Con quái vật từ ấy ngụ chiếm ngôi chùa. Về sau có vài ba dũng sĩ đến chùa ban đêm định trừ con quái vật, nhưng sau đó không ai thấy họ sống sót trở về.Chú tiểu không được nghe các chuyện nầy cho nên chú đi thẳng vào làng, hy vọng được các vị sư trong chùa tiếp đón tử tế.
Khi chú vào tới làng thì trời đã tối, thiên hạ ngủ hết rồi. Chú thấy ở phía cuối con đường chính, trên ngọn đồi, ngôi chùa với ánh đèn thấp thoáng bên trong. Người ta nói rằng con quái vật hằng đêm đốt đèn để dụ khách lỡ đường đến xin trú ngụ. Chú tiểu đi thẳng vào tận chùa, gõ cổng. Bên trong không có tiếng động. Chú gõ đi gõ lại nhiều lần nhưng vẫn không có ai ra mở cổng. Sau cùng chú nhẹ đẩy cánh cửa cổng và rất vui mừng khi thấy cửa không khóa. Rồi chú đi thẳng vào. Đèn đang cháy nhưng không bóng dáng một vị sư nào.
Chú nghĩ rằng không lâu chắc chắn sẽ có một vị sư nào đó đi ra. Chú ngồi xuống đợi. Rồi chú nhận thấy rằng tất cả mọi vật trong chùa đều trắng xám vì bị phủ một lớp bụi dầy. Nhện giăng mắc khắp mọi nơi. Chú nghĩ rằng sư sãi trong chùa sẽ rất thích có một chú tiểu trông coi chuyện lau chùi sạch sẽ mọi thứ. Chú ngạc nhiên không hiểu tại sao mà họ lại để mọi vật đóng bụi như vậy. Tuy nhiên điều làm cho chú thích thú lại là có vài tấm cửa giấy màu trắng, rất thích hợp để vẽ mèo. Dầu rất mệt mỏi, chú cũng đi tìm bút, chú tìm thấy bút và cả mực nữa nên bắt đầu miên man vẽ mèo. Chú vẽ thật nhiều mèo trên giấy dán cửa; rồi thì chú cảm thấy buồn ngủ vô cùng, vừa sắp sửa nằm xuống ngủ bên cạnh một cánh cửa thì thình lình chú nhớ lại lời dặn “Ban đêm hãy tránh chỗ trống rộng; chọn chỗ nhỏ hẹp!”.
Ngôi chùa quá rộng, quá lớn, mà chú thì có mỗi một thân một mình; và trong khi nghĩ đến những lời này – mặc dầu không hiểu thấu đáo – chú bắt đầu lo sợ. Chú giải quyết bằng cách tìm một chỗ nhỏ để ngủ trong đó. Chú tìm thấy một cái tủ có cửa kéo. Chú lách mình vào trong đó, đóng cửa tủ lại. Chú nằm xuống, rồi chìm mau trong giấc điệp.
Đêm khuya, chú giật mình thức dậy vì tiếng động vô cùng khủng khiếp – tiếng của đánh nhau chen lẫn với tiếng của thét gào. Tiếng động đáng sợ đến nỗi chú không dám nhìn qua khe hở của tủ để xem chuyện gì xảy ra, chú nằm yên lặng, nín thở vì sợ hãi.
Ánh đèn trong chùa đã tắt, nhưng tiếng động quái dị vẫn tiếp diễn, và rồi thì cả ngôi chùa rung chuyển dữ dội. Sau đó thật lâu sự yên tĩnh mới trở lại, nhưng chú vẫn sợ không dám nhúc nhích. Chú nằm im lặng trong tủ cho đến khi ánh mặt trời len theo cửa tủ rọi vào trong.
Rồi thì chú cẩn thận ra khỏi chỗ trú ẩn, nhìn khắp chung quanh. Điều chú thấy đầu tiên là tất cả nền chùa đều đẫm máu. Nằm giữa chùa là một con chuột quái tinh – to còn hơn cả con bò!
Nhưng ai đã giết con chuột nầy? Không thấy ai hết, cũng không thấy con vật nào hết. Bất chợt chú thấy miệng những con mèo mình vẽ hồi tối hôm trước đều ướt đẫm máu đỏ. Chú biết ngay là mèo mình vẽ đã trừ khử con chuột tinh kia. Và cũng ngay lúc đó, lần đầu tiên chú hiểu tại sao thầy lại khuyên “Ban đêm hãy tránh chỗ trống rộng; chọn chỗ nhỏ hẹp!”
Từ đấy chú tiểu trở thành một người nghệ sĩ nổi danh. Vài bức tranh mèo do chú vẽ ngày nay vẫn còn được giới thiệu cho du khách thưởng thức khi họ đến Nhật Bản.
(Nguyễn Văn Sâm dịch từ bản tiếng Mỹ)