Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 6–10)

6.

Đồng Xanh đến quán rượu với chiếc váy đen và đôi giày cao gót, lêu nghêu và mỏng manh. Có vẻ như Đồng Xanh không muốn nhượng bộ tầm thấp của tôi. Anh sẽ luôn phải ngước nhìn, tôi cười bảo. Đồng Xanh im lặng ngồi xuống cạnh tôi. 

Văn nói, cám ơn em đã đến. 

Không biểu hiện gì, Đồng Xanh đốt thuốc. Tôi nói, em làm anh nhớ đến mẹ. Một hình ảnh quen thuộc, người đàn bà uống rượu một mình và hút thuốc trong quán vắng. Mẹ tôi là một bí ẩn của con thuyền mắc cạn. 

Văn cũng nói về mẹ của mình như một người mẹ cô đơn và bà cũng uống rượu hút thuốc. Ông bố Văn có nhiều vợ. Câu chuyện dẫn đến những mối tình chung chạ. Tôi không bị lún trong cát như câu chuyện về cái chết ngày hôm qua với Đồng Xanh. Nhưng tôi giống như kẻ tự xẻ thịt mình và nướng. 

Văn nói, tình yêu tự nó là một chân thật. 

Đồng Xanh bảo, tình yêu chỉ là một phóng tưởng, vì thế nó không chân thật. 

Nhưng sự đau khổ hay hạnh phúc do tình yêu mang đến là có thật, tôi nói.

Tôi nhớ Đồng Cỏ và mối tình lang chạ của nàng. Đồng Cỏ nói, em đang uống rượu, chai rượu anh tặng. Tôi hỏi, em vui hay buồn? Em trống rỗng, Đồng Cỏ nói. Tôi hỏi tiếp, Tấn mới về phải không? Đồng Cỏ bảo anh đừng nói đến chuyện đó nữa, dù sao em cũng là đứa khốn nạn. Trong tận cùng em không muốn yêu ai. Em muốn mình là người vô tính và yêu một điều gì đó lớn lao hơn tình yêu nam nữ. Em khát khao sống mạnh mẽ cô độc, nhưng em vẫn không tránh được bi lụy vì tình. Em không hạnh phúc. Ngay cả với anh trước đây, em vẫn luôn chờ đợi ngày anh không đến nữa. Với Tấn cũng thế, rồi Tấn cũng sẽ bỏ em như những người đàn ông khác. Mặc dù em khát khao được chung thủy, nhưng bản thân em cũng không thể chung thủy. Em không hiểu tại sao lại thế. Phải chăng, nỗi cô đơn của em không thể lấp đầy hay tình yêu của em chỉ là ảo ảnh. 

Tôi hỏi Đồng Xanh, em không tin tình yêu, điều ấy may mắn hay bất hạnh?

Em thoải mái, Đồng Xanh nói. 

Tôi nhìn thấy Đồng Xanh bất cần, khinh bạc. Tôi cũng chợt nhận ra mình nhỏ bé.

Văn nói, tin vào tình yêu hay không thì nó vẫn có thể đến hoặc không đến. Cũng như sẽ không có tình yêu lớn hay nhỏ bởi bản chất của nó là chân thật. 

Tôi đồng ý với Văn. Có thể vì thế tôi vẫn muốn đến ôm Đồng Cỏ cho dù trong đồng cỏ không chỉ có mình tôi. 

Cầm tay Đồng Xanh, tôi nói, những cảm xúc của chúng ta là có thật. Sự có mặt của em, bây giờ và ở đây, có thể làm anh hoang mang, nhưng anh biết, sẽ làm anh nhớ mãi. 

Văn nói, bữa nay uống nhiều hơn một chút, đêm cuối rồi. 

Đồng Xanh hỏi, lỡ say thì sao? 

Tôi bảo, thì về ngủ với anh. 

Rượu thêm. Giấc mơ sẽ dài hơn. Tôi chênh vênh trên đỉnh núi. Bóng tôi đổ xuống trong ly rượu. Đồng xanh mênh mông hơn. Tôi không muốn nghĩ đến ngày mai. 

Tình yêu không tình dục hay tình dục không tình yêu đều là những tình huống bi đát, tôi nói. 

Cũng chả sao, Văn nói, vẫn còn hơn không có gì.

Tôi hỏi Đồng Xanh, em có “chả sao” không? 

Có một chút bối rối, nhưng Đồng Xanh nói dứt khoát, với em thì hoặc không có gì, hoặc có tất cả. 

Văn bảo, một chủ nghĩa hiện thực khắc kỷ. Nhưng thật ra cũng thiếu thực tế. 

Đồng Xanh nói, thực tế hay không thì đó vẫn là điều có thể chọn lựa.

Tôi cười bảo, chính xác thì đây chỉ là vấn đề của các ngôn từ. Và ngôn từ làm mất dấu sự thật. Hoặc nó bộc lộ sự thật ở một góc độ khác. 

Đồng Xanh nói, nó cũng là cách để chúng ta tự làm khó mình. 

Cuối cùng, nếu chúng ta đẩy ngôn từ lên mức một nghệ thuật, tôi nói, xét cho cùng cũng là một thứ giải trí. 

Văn cười ha ha… liệu thế có là bi kịch không?

Đồng Xanh bảo, nghe cứ như là trò lừa mị ấy nhỉ. 

Đúng như thế, tôi nói, văn chương nghệ thuật lừa mị sự cả tin ngây thơ của con người.

Đồng Xanh cười cười hỏi tôi, giống như cách anh tỏ tình phải không?

Tôi cũng cười. Quả thật, viết với anh là một cách tỏ tình. Vì thế, nó cần một đối tượng cụ thể để bày tỏ. 

Đồng Xanh bảo, nhưng em cảm nhận được phía sau nó là hư vô. Sự hủy hoại và nỗi nghi hoặc về chính việc viết của anh. 

Tôi muốn chết. Và hãy chôn cùng tôi một người đàn bà. Tôi muốn nói điều ấy, nhưng tôi không muốn lại phải tranh luận về tính ích kỷ, phong kiến của mình. Thay vì thế, tôi nói, nằm chết giữa đồng xanh hay đồng cỏ như một con sâu sẽ là điều đẹp đẽ nhất mà tôi ao ước. Trời đất khoan dung sẽ không phụ bạc tôi. Trong vòng tay ôm của đồng cỏ cũng như đồng xanh, tôi được bôi xóa. 

Chia tay nhau, không biết bao giờ gặp lại. Trên xe đưa Đồng Xanh về nhà, nàng nói, hai ngày qua nhanh thật. Tôi hỏi, về ngủ với anh không? Không được, Đồng Xanh nói, em phải về với con. 

Tôi không ưa chó. 

7.

Tôi cũng không ưa mèo. 

Đồng Cỏ nói, em muốn nuôi một con mèo. Em sẽ dành riêng cho nó một căn phòng. Chỉ nghĩ tới việc trang trí cho nó thôi, em cũng đã thấy hạnh phúc. Hồi còn ở Mỹ em cũng nuôi một con, khi về Việt Nam phải bỏ lại nhờ người bạn nuôi giùm, em đã khóc mất bao nhiêu ngày. Chắc bây giờ nó cũng đã tám tuổi và vẫn sống với bạn em. Bạn em cũng đã mang nó về Việt Nam. Em đòi lại mà bạn không trả. 

Mặc dù không thích, nhưng tôi cũng nói, nếu em thích thì cứ nuôi. 

Anh không thích sao? Đồng Cỏ hỏi.

Tôi nói, em là Mèo Em của anh rồi.

Còn anh là gì của em?

Anh là Mèo Anh của em.

Đồng Cỏ áp má vào má tôi như một sở thích đặc biệt mỗi khi chúng tôi nằm ôm nhau. Từ đó, chúng tôi biến thành mèo. Và cách Đồng Cỏ xoa đầu tôi giống như nàng nựng một con mèo nhỏ. 

Không nuôi được mèo vì thường xuyên phải vắng nhà, Đồng Cỏ thường tìm kiếm trên mạng hình ảnh những con mèo đẹp và gởi cho tôi xem. Nàng sẽ hỏi, con này giống em không? Hoặc, con này y chang anh nè. Không thích mèo, nhưng tôi cũng thấy vui. Đồng Cỏ khoan thai kiêu kỳ như mèo. Đồng Cỏ cũng hay quạu gầm ghè như mèo. Nàng thông minh và hay bắt bẻ. Nàng cũng dịu ngọt chiều chuộng và luôn lo lắng cho tôi. 

Đồng Cỏ nói, em là một loại “cẩm chướng” di truyền. Má bỏ ba cũng vì ba quá “cẩm chướng”. 

Nhiều lúc mệt mỏi, tôi muốn chấm dứt mối tình gập ghềnh khúc khuỷu này. Nhưng tôi không thể. Mùi của Đồng Cỏ dị thường mê hoặc. Thân thể của Đồng Cỏ gợi cảm quyến rũ. Tình yêu của Đồng Cỏ đồng bóng, hư ảo và thật thà. Tuy nhiên, vẫn còn điều gì đó lớn lao hơn, tôi không hiểu đã trói tôi vào nàng. Có thể, với đồng cỏ, trong đồng cỏ, tôi mới là tôi. Một cánh bướm của hoang dã nghìn trùng bay tìm sự bất tận.  

Tôi không biết khi nào Đồng Cỏ là một đứa con nít hồn nhiên, khi nào là một phụ nữ truân chuyên độ lượng. 

Thế giới của Đồng Cỏ không chỉ là những con mèo xinh, làm tình và rong chơi. Trong thế giới ấy, tôi được chia sẻ những bận tâm của mình về thế sự, những kiến giải về lẽ sống, hạnh phúc và đau khổ, ý nghĩa và vô nghĩa của cuộc tồn sinh nghi hoặc. Chúng tôi cũng hay nói về các khuynh hướng chính trị và các trào lưu xã hội. Chán ghét bọn khuynh tả hay cực hữu. Ghê tởm những kẻ hai mặt. Khinh bỉ bọn xu phụ và kiêu căng. Chúng tôi cũng san sẻ với nhau mọi vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày. Táo bón hay tiêu chảy. Nhức đầu hay mỏi mông. Chậm kinh hay lười biếng. Thèm ăn hay muốn đụ. 

Đôi khi chúng tôi như vợ chồng chăm sóc nhau. Đôi khi chúng tôi như những con mèo hoang đơn độc gào trong đêm vắng. Tôi biết khi nào Đồng Cỏ tủi thân khóc thầm. Tôi biết khi nào Đồng Cỏ phóng đãng thứ tình một đêm với trai lạ. Tôi biết Đồng Cỏ như biết tôi, nhưng tôi vẫn cứ cay đắng dập vùi trong đồng cỏ. Và tôi mất ngủ mỗi khi Mèo Em đi hoang. Tình yêu tôi không đủ canh giữ Đồng Cỏ. Tuy nàng vẫn bảo, anh là chỗ em nương dựa. Cũng có thể, tôi là chỗ để mèo hoang quay về. Tôi là nơi an nghỉ cuối cùng của đồng cỏ. Và tôi là sự an nghỉ không nhắm mắt. 

Khi chúng ta nhìn lên trời xanh, Văn nói, sự xanh thẳm của nó có làm chúng ta xao xuyến? 

Tôi nói, tôi gọi bầu trời trong không một gợn mây ấy là đồng xanh hay đồng cỏ của con trâu ngu ngơ trên mặt đất. Ngưỡng vọng là một cách sống. Và sự bi tráng của nó là một giấc mơ không có thật. 

Tôi yêu mối tình của mình và tôi muốn gìn giữ nó.

8.

Tôi bảo Văn về Sài Gòn trước. Tôi quyết định ở lại Đà Lạt và thuê một khách sạn khác, gần chỗ Đồng Xanh ở. Chỉ một ngày sau tôi mới báo cho Đồng Xanh biết tôi chưa về Sài Gòn. Đồng Xanh ngạc nhiên hỏi, sao vậy? Tôi nói tôi ở lại để tìm một giấc mơ thất lạc. Đồng Xanh cười, anh vẫn còn lãng mạn được thì cũng lạ. Cũng bình thường thôi, tôi nói, tối nay em đi uống sữa đậu nành với anh nhé. Dạ, Đồng Xanh bảo, em cũng rảnh và thích đậu nành.

Sự bình dị của sữa đậu nành, chỗ ngồi và người đi cùng là một niềm vui. Đồng Xanh kể, em đã nhìn thấy ở người đàn ông bán sữa đậu nành này một mẫu đàn ông chân chính. Tôi hỏi, đó là gì? Anh ta biết cách tỏ tình một cách tinh tế và lịch lãm, Đồng Xanh nói. Cũng thú vị đấy chứ, tôi nói. Nhưng sau đó thì em không đến đây nữa, Đồng Xanh bảo, đó là cách em tôn trọng anh ấy. Tôi quan sát người đàn ông bán sữa đậu nành, anh ta đậm người, dù lam lũ nhưng vẫn toát ra vẻ một người bản lĩnh, tôi nghĩ, lại một người bất phùng thời. Tôi gật đầu chào và cám ơn người bán sữa đậu nành khi anh ta mang thức uống đến. Anh ta cũng lịch sự, mời anh chị. Đồng Xanh hỏi thăm anh ta. Người bán sữa đậu nành cám ơn và nói tôi vẫn bình thường. Dường như chỉ có tôi là không bình thường. Tôi đang leo dốc để đến núi Sọ. Tôi thọ nạn cho những không tưởng của mình. 

Đồng Xanh và tôi thả bộ dọc theo bờ hồ. Trời đủ lạnh để việc đi bộ trở nên thi vị. Không có gì để nói nhiều. Cảm giác có Đồng Xanh bên cạnh giống như cảm giác về sự thái hòa của trời đất, êm đềm và ngọt ngào. Đồng Xanh nói với tôi về chiêm tinh học. Tôi ngước nhìn trời đêm. Không có gì. Tôi không ngạc nhiên về sự tin tưởng của con người trong mối quan hệ với các vì sao. Tôi chỉ ngạc nhiên, tại sao chúng ta vẫn tồn tại được giữa sự bao la cô quạnh này. Đồng Xanh bảo, đây là thời gian sao thủy nghịch hành. Vì thế, sẽ có những bất ổn trong vấn đề giao tiếp. Tôi cười, à ra thế, anh thất tình là phải rồi. Đồng Xanh cũng cười, tại trời chứ không phải tại anh dở đâu. Tôi nói, tại trời không cho anh giỏi. Đồng Xanh bảo, giỏi hay dở cũng không có giá trị quyết định. Tôi đùa, tại mấy ông nhà Phật bày ra chữ duyên làm khổ anh. Đồng Xanh nói, cũng vớ vẩn thật. Tôi, ừ. 

Chúng tôi dừng lại dưới chân một cột đèn và ngồi bệt xuống đất. Tôi cởi giày Đồng Xanh và bóp chân cho nàng. Bàn chân hơi ốm, nhưng vẫn thuôn đẹp. Tôi bảo, đây là thơ. Đồng Xanh nói, em không thích các mỹ từ, bởi các mỹ từ sẽ làm cho sự thật trở nên ít thật hơn. Nhưng em cũng không thích sự trần trụi của ngôn từ, nó làm sự thật mất đi cái đẹp của nó. Tôi mắc nghẹn giữa một cơn gió lạnh. Rồi tôi im lặng cởi khăn quàng cổ quấn hai chân nàng vào với nhau. Đồng Xanh cũng không nói gì nữa xem tôi làm gì. Tôi ôm cả hai chân nàng vào lòng. 

Đêm là một đồng xanh. Đêm cũng là một đồng cỏ. Tôi như con sâu gặm nhấm từng niềm vui nhỏ. Và tôi cũng như đêm mơ màng được ôm hết thanh xuân của cánh đồng. 

Đồng Xanh nói, em sẽ bận mất vài ngày vì có hẹn với mẹ. 

Không sao, tôi nói, anh có bạn ở đây. 

Đưa Đồng Xanh về đến đầu ngõ, tôi chào tạm biệt nàng bằng một cái ôm. Nhưng nàng dửng dưng. 

9.  

Hẹn Thảo ở một quán café có cái tên ngồ ngộ bằng tiếng Pháp, Les carottes dansantes, chúng tôi sống lại những ngày vui cũ. 

Khi ấy Thảo còn ở Sài Gòn, trẻ và sống một mình. Không phải người yêu hay người tình, nhưng chúng tôi thân và thương nhau. Tuần nào cũng gặp nhau ba bốn lần, không nhậu thì café. Có khi tôi ngủ lại nhà Thảo, như một kẻ lười biếng. Thảo nấu ăn ngon và cũng thích nấu ăn. Vì thế, không chỉ tôi mà đám bạn chung cũng thường đến nhà Thảo ăn nhậu. Cả bọn chúng tôi gần như cùng đứng về một phía trong các vấn đề chính trị cũng như quan điểm văn nghệ. Chúng tôi là những kẻ ngồi bên lề, rất trái và chúng tôi tự do, khác biệt và hoang đàng. Chúng tôi không có chiếu. Chúng tôi cũng không có mền. Và chúng tôi không đội mũ. Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu, nhưng chúng tôi vẫn còn những chiến tuyến của tư tưởng. Vì thế, chúng tôi vẫn gặp những rắc rối, khó khăn để sống như là mình. 

Giờ, Thảo là một bà mẹ đơn thân của thằng con trai kháu khỉnh. Thảo mang thằng con theo đến quán café và để nó chạy chơi một mình, sau khi dỗ dành nó một ly kem. 

Tôi cười hỏi, em sắp thành đại địa chủ rồi phải không? 

Không giỏi thế, Thảo nói, từ vô sản bần cố nông trở thành tiểu tư sản thành thị cũng đã là may lắm rồi. Em đang định làm một cái homestay ở đây.

Chúc mừng bà chủ trước, tôi bảo, anh cũng có thể tự chúc mừng tấm thân trôi dạt của mình sẽ có một góc bếp để sưởi ấm, phải không?

OK, đừng leo lên phòng khách làm ông chủ là được.  

Tôi cười, cũng chả dại. 

Làm ông chủ hay đầy tớ đều không phải là điều tôi muốn. Tôi không thích bất cứ một mối quan hệ ràng buộc nào. Tôi không thích có con. Đồng Xanh và Đồng Cỏ cũng đều không thích có con. Tôi không muốn phải chịu trách nhiệm về một điều bất khả. 

Thảo hỏi, lúc này anh yêu ai? 

Gần như lúc nào anh cũng yêu một ai đó. 

Nhưng quan trọng là họ có yêu anh không? Thảo nói.

Điều đó với anh lại không quan trọng. Có một người để hướng tới hay nghĩ về, tự nó cũng đủ ý nghĩa. 

Thảo nói, anh vẫn chưa trả lời em là yêu ai nè. 

Một người đang sống ở đây, tôi nói.

Anh lên đây vì cô ấy? Thảo hỏi.

Ừ. 

Thảo và tôi xưa nay không giấu nhau điều gì. 

Tới đâu rồi? Thảo tò mò.

Chẳng tới đâu cả, tôi nói. 

Cũng lạ đấy, Thảo bảo, không tới được thì lùi đi chớ. 

Anh chợt khám phá ra, một mối tình không tới được mà cũng không lùi được, tôi nói, có khi lại hay. Nó sẽ là một mối tình mãi mãi dang dở. 

Tự làm khổ mình chi vậy, Thảo trách. 

Tôi lập lại cái ý vừa nói, có một người để hướng tới hay nghĩ về, tự nó cũng đủ ý nghĩa. Nhìn ở chiều ngược lại, nó cũng là điều vô nghĩa. Vô nghĩa hay ý nghĩa, thật ra, cũng chỉ là cái để nói. Anh cần lấp đầy khoảng trống trong và ngoài mình. 

Thảo nói, chứ không phải nó càng trống rỗng hơn à?

Tôi bỗng cảm thấy mình ngớ ngẩn, vụng về. Tôi bị làm sao vậy? Tôi chạy đuổi theo cái gì vậy? 

Thảo nói, tội nghiệp anh và nàng ôm tôi. Tôi không khóc nhưng lòng ngậm ngùi khôn tả. Có phải tôi đang trốn chạy một đồng cỏ nhiễm độc để lạc vào chông gai của một đồng xanh hư ảo. Tôi đi từ chỗ không bờ đến nơi không bến. Tôi không trông đợi một chỗ quay về như Thảo. Cuộc lữ của tôi đơn độc. Vả lại, cuộc lữ nào chẳng đơn độc. 

Đi ăn trưa với hai mẹ con Thảo, tình cờ tôi gặp Đồng Xanh cũng dẫn mẹ đi ăn ở một nhà hàng nhỏ trên cái lầu xinh xắn chuyên bán thực phẩm hữu cơ tự sản xuất. 

Tôi thảng thốt trước người đàn bà mà Đồng Xanh có chút phảng phất, u buồn nhưng phiêu bạt. Nhìn bà, tôi nghĩ tới một bầu trời xanh thẳm không một chút mây như Văn nói, nỗi chết và cái chết của những con thiêu thân liều mình. 

Lòng tôi vốn không yên, giờ càng thêm vọng động. 

Tôi nói nhỏ với Thảo, em nhìn thấy hai mẹ con bà kia không?

Thảo hỏi, sao anh biết là hai mẹ con? 

Biết, tôi nói, giấc mơ mù sương của anh đó. 

Mẹ hay con? Thảo hỏi. 

Anh cũng không biết, tôi đùa. 

Thảo chì chiết, giống đực mất nết. 

Tôi không biện giải cho sự kính ngưỡng tuyệt đối của mình với cái đẹp u buồn. Vừa ăn, tôi vừa thỉnh thoảng nhìn sang phía bàn của Đồng Xanh. Người đàn bà từ tốn nhưng vẫn ăn uống như một tận hưởng. Trong suy nghĩ của tôi, biết tận hưởng ăn uống thì cũng biết tận hưởng cuộc đời, vui và buồn. Biết sống và chết cho tình yêu. 

Thảo nhìn tôi, phân tâm rồi hả? 

Tôi nói, kiểu này thì chắc cũng đến xôi hỏng bỏng không mất. 

Ừ, Thảo bảo, tham thì thâm. 

Nếu Đồng Xanh biết tôi đang nghĩ gì, chắc chắn nàng sẽ không gặp tôi nữa. 

Tôi và Thảo cố ý ngồi lâu hơn, chờ cho mẹ con Đồng Xanh về trước. Tôi muốn nhìn thấy họ bước đi. Tôi muốn chiêm ngắm dáng dấp của họ. Và tôi thấy vui. 

Thảo nói, tối nay sẽ đãi anh một chầu vui hơn. 

10.

Khi tôi đến thì đã có năm sáu người quây quần dưới nền nhà. Tất cả với tôi đều lạ. Mồi và rượu đã bày sẵn. Một người đàn ông đang gảy đàn. Thảo giới thiệu tôi với mọi người, trong đó chỉ có một cô gái. Minh, cô ấy dạy học và làm thơ. Cũng may, Minh ngổ ngáo nhưng khá xinh với mái tóc xù bất cần. 

Nhậu và ca hát không phải là thứ tôi thích, nhưng ở một mình cái xứ lạnh lẽo này tôi biết làm gì cho hết ngày. Ăn tục và nói phét vốn là đặc tính của những người bất tài, nhậu với các ông bà nghệ sĩ thì sức chịu đựng của phàm nhân như tôi khó mà không bỏ về. Tuy nhiên, tôi lại chẳng có lý do gì để bỏ lỡ một cơ hội gặp gỡ với một người duyên dáng như Minh. Vì thế, tôi chỉ góp chuyện ở mức độ lịch sự, phần còn lại của tôi dành cho Minh. Tôi chưa đọc thơ Minh, nhưng cách biểu đạt cũng như sự diễu cợt của cô cho phép tôi tin thơ của cô hay. 

Tôi nói nhỏ với Minh, nếu không có em hôm nay, Đà Lạt không có gì. 

Minh cười, nếu không có em, anh không lên Đà Lạt làm gì, đúng không?

Đúng vậy, tôi bảo, anh không biết lên Đà Lạt làm gì cho đến khi gặp em. 

Minh cầm ly rượu, chào ông anh đáng yêu một ly.

Tôi cầm ly bia, chào em gái dễ thương nhất Đà Lạt. 

Thảo chen vào, chào hai anh chị xạo ke vui vẻ. 

Ông cầm đàn lên tiếng, đứa nào không xạo là ngu. 

Một ông khác nghiêm trang nói, trong số những kẻ xạo xược được người ta ngưỡng mộ nhất, có lẽ không ai khác hơn là những lãnh tụ chính trị và bọn nhà văn nhà báo xu phụ, khi họ cấu kết với nhau để tạo nên những đại tự sự.

Tôi nhìn người vừa nói, anh ta để râu và đeo kính cận, không biểu cảm. 

Câu chuyện đùa cợt bỗng trở nên bi phẫn và sôi động. Niềm tin và xương máu con người được trao cho những kẻ bất nhân. Họ nói và chửi thề. 

Tôi cũng bị cuốn theo dòng thời sự. Lịch sử bị thao túng và con người mãi mãi đóng vai tốt thí cho những tham vọng quyền lực. 

Thảo cầm ly rượu lên. Thôi nào, hỡi đồng bào không cần đứng sau lưng tôi nhưng hãy uống cạn chén đắng này cho trọn kiếp chó mèo…dzô…

Tôi không dzô nổi. Cầm cái ly lắc lắc, tôi nói với Minh, thơ mãi mãi là một cái đẹp chân thật nâng con người lên với trời cao. 

Đôi mắt Minh long lanh không chỉ vì rượu mà còn rạng ngời bởi một niềm hạnh phúc bất chợt. Tôi muốn hôn khuôn mặt tràn đầy phấn khích ấy. Rồi tôi đã ôm Minh và hôn khuôn mặt chất chứa nỗi hiến dâng giữa đất trời, trước khi nàng lên xe về. 

Quay vào nhà Thảo, tôi ngã người trên salon.  

(còn nữa)

Nguyễn Viện (Trích CÕI NGƯỜI Ở LẠI, NXB Nhân Ảnh 2024)

*Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những con mèo lang chạ giữa lưng chừng ngọn gió (Chương 1–5)