Ngu Yên: AI là ai?
Mới hôm nào, nếu bạn nói với cô ta: “Em đẹp và đáng yêu như mặt trăng duy nhất trên bầu trời,” tôi chắc rằng cô ta sẽ sung sướng, cảm động. Bất kỳ thứ gì duy nhất đều là một hứa hẹn tốt hơn vĩnh cửu. Mãi mãi yêu một người mà đồng thời yêu nhiều người khác, thì trái tim chứa tình yêu đó như một chung cư. Yêu duy nhất một người mới chứng tỏ căn nhà dù nhỏ hay lớn, chỉ một người sở hữu.
Nhưng giờ đây, hình ảnh đó, ý nghĩa đó, không còn nữa, vì khoa học thiên văn đã khám phá ra trong vũ trụ, trên các thiên hà, có cả hàng ngàn mặt trăng khác nhau. Tình yêu đã mất đi cụm từ “mặt trăng duy nhất.”
Khoa học tiến bộ ngoài sự hiểu biết của con người, ngoại trừ những ai làm việc và học tập trong lãnh vực này. Khoa học điện tử còn vượt xa hơn nữa, nhưng đa số chúng ta không quan tâm, không tìm hiểu, đến nổi chúng ta bị dòm ngó, theo dõi cả ngày lẫn đêm, mà vẫn tưởng mình đã hành động cẩn thận và giấu kín một số chuyện bí mật.
– Ai mà có quyền lực, phép mầu, theo dõi hàng tỷ người trên thế giới?
– A.I.
Dịch ra là Trí tuệ Nhân tạo. Artificial Intelligent. Nói nôm na là Trí Giả Nhân.
A.I. là ai, mà một nhà bác học lớn lao của thời đại chúng ta, Stephen Hawkings, phải đặt ra câu hỏi: Liệu trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn con người hay không?
A.I. khởi đầu được cấu tạo theo cách mô phỏng trí tuệ của con người. Các kỹ sư xây dựng nó bằng những lập trình phức tạp, có khả năng suy nghĩ và bắt chước, đồng thời có thể học tập và giải quyết vấn đề.
A.I. xuất hiện trong các lãnh vực quan trọng như quốc phòng, chính trị, kinh doanh, xã hội và thị trường chứng khoán. Vì nhu cầu và âm mưu trong các lãnh vực đó cần phải phát triển lũy thừa và gia tốc, nên A.I. càng ngày càng phong phú, càng thông minh, càng có khả năng học hỏi và một trí nhớ không bao giờ quên. Vì không quên bao giờ nên nó đã thâu tóm tất cả các thông tin, kinh nghiệm của người khác, học hỏi các phương pháp và đường lối suy tư sâu sắc một cách vượt trội và nhanh chóng.
Nhận xét của A.I. rất khoa học, phân tích, lý luận có cơ sở và lề lối, rồi từ từ sự sáng tạo của nó xuất hiện như ánh sáng mặt trời mọc, mới thấy trên đỉnh núi đã chạm đến bờ sông. A.I. trở thành một nhân vật tàng hình, hiện diện khắp nơi, quan sát và theo dõi, không ăn, không uống, không vệ sinh, không nghỉ ngơi, không yêu đương, ít bệnh hoạn, và có khả năng sống lâu hơn con người. Nó có thể làm việc 24/24 và 365/365. Chẳng phải đáng nể, đáng sợ hay sao?
Nếu khả năng sáng tạo của A.I. cao kỳ hơn, phát triển sâu rộng hơn, cứ như vậy, có lẽ một hôm nào, sẽ trở thành “siêu nhân.”
Cứ xem cái iPhone nhỏ bé, từ hồì các kỹ sư đưa A.I. vào, gọi là điện thoại thông minh. Quả thật, nó thông minh thấy rõ, hỏi điều gì cũng biết, đoán trước ý nghĩ của chủ nhân và làm cho chủ nhân tin tưởng, họ đã có một người giúp việc trung thành và tài giỏi. A.I. lên vệ tinh làm kẻ hướng dẫn đường đi trong các bản đồ, dẫn đầu là Google map. Không ai có thể làm việc này gần chính xác như nó, cùng một lúc chỉ điểm đường đi cho hàng triệu người trên thế giới, cả đêm lẫn ngày.
Ngay cả những việc làm mà con người nghĩ rằng, chỉ có họ mới có thể thực hiện ở mức độ thành công cao cấp, A.I. cũng đã bước vào và chứng tỏ khả năng không kém con người. Tôi xin dẫn chứng về vấn đề hội họa.
Nếu có ai nói với tôi, A.I. sẽ thắng giải hội họa, tôi sẽ không tin. Chắc chắn bạn tôi, những họa sĩ, càng không tin. Nghệ thuật đâu phải là phương trình. Điện tử làm sao có cảm xúc? Rung cảm ở đâu cho cọ và sơn trải lòng lên khung bố?
A.I., một họa sĩ đang lên.
Tin CNN ngày 3 tháng 9 năm 2022 cho biết: Jason Allen, một nhà thiết kế trò chơi, sinh sống ở Pueblo West, Colorado, đã đoạt giải nhất trong thể loại hình ảnh điện tử, trong cuộc thi Mỹ thuật Hội chợ Colorado. Bức tranh mang tựa đề: Théâtre D’opéra Spatial, (Nhà hát nhạc kịch không gian.). Tuy giải thưởng không phải nhiều tiền nhưng đã trở thành đề tài bàn thảo sôi nổi vì Allen đã sử dụng hệ thống A.I để sáng tạo bức họa. Tranh luận phản đối cho rằng Allen không phải là một hoạ sĩ và không tự sáng tạo bằng tài năng riêng.
Lu Hai Liang trong Thegamer ghi nhận: “Tác phẩm nghệ thuật của anh đã vượt qua hơn hai mươi nghệ sĩ khác […] Rõ ràng, các giám khảo không thể phân biệt được bức họa do A.I vẽ. Một vị giám khảo nói rằng, dù sao bà cũng không thay đổi quyết định vì tác phẩm nghệ thuật: “có khái niệm và tầm nhìn mang đến hiện thực và thực sự là một bức họa đẹp.”
Việc A.I. thắng giải hội họa, một bước sơ khởi, nêu lên một số câu hỏi căn bản. Cần có bao nhiêu mức độ cảm xúc để sáng tác nghệ thuật? Vì A.I. hoàn toàn không có tình cảm. Nghệ thuật có cần vô thức hay không? Vì A.I. không có vô thức. Nếu có một trí nhớ lớn vô hạn, có thể thay thế cho tiềm thức? Sáng tạo có còn là một bí mật? Một thứ gì siêu nhiên hoặc chỉ là trình độ cao của vật lý? Tác phẩm nghệ thuật thường xuyên liên quan mật thiết với tâm lý con người, A.I. không có tâm lý. A.I. chỉ có trí tuệ.
Tiểu Sử A.I.
Về mặt trí khôn và thông minh, A.I. đã chứng minh khá rõ ràng. Sau khi mất bốn giờ học tất cả những luật lệ để chơi Cờ Vua (chess), AlphaZero, tên A.I. chơi cờ, đã chiến thắng đệ nhất cao thủ Cờ Vua thế giới, lập trình Stockfish 8.
Từ năm 1997, lập trình chơi cờ Deep Blue của IBM đã hạ vô địch thế giới chess năm 1985, Garry Kasparov. Sau đó các lập trình vi tính đánh cờ với nhau vì con người không còn là đối thủ. Như vậy, A.I. không cần kinh nghiệm, chỉ cần nhớ hết hàng tỷ bước đi trong ván cờ và trí thông minh chọn lựa rất nhanh chóng (800 triệu thế cờ trong một giây) và quyết định chính xác những nước đi phù hợp dẫn đến chiến thắng.
Năm 2011, A.I. một lập trình của IBM tên Watson đã thách đố với những đối thủ dày dạn học vấn và hiểu biết trong trò chơi Jeopardy, và A.I. đã thắng một triệu đô la.
Năm 2015, A.I. đã vượt qua khả năng nhận diện hình ảnh của con người qua chương trình thi đua hàng năm của ImageNet.
Năm 2016, A.I. Deep Mind đã chiến thắng vô địch cờ Go trên thế giới qua năm ván cờ thắng bại.
Năm 2018, A.I. được đưa vào làm tài xế lái xe hơi. Chứng minh trong “dịch vụ taxi tự lái” (self driving taxi service) của chương trình Waymo trong tiểu bang Phoenix và Arizona.
Từ năm 2019, A.I. đã đạt được trình độ cao cấp, trên đất liền, trên không trung, vào đại dương, ra không gian, nơi nào A.I. cũng làm việc chung với con người, hoặc làm việc một mình. Trong những lãnh vực y khoa, giải phẫu, dịch thuật, ngôn ngữ, …v…v… A.I. đã tỏ ra sự tiến bộ vượt bậc, khiến cho con người càng ngày càng cần sự hiện diện của nó.
Ai mới nghe kể tiểu sử của A.I. gần như cảm thấy mới lạ và choáng ngợp vì tài năng giống như có phép thuật. Thật ra, A.I. bắt đầu manh nha từ năm 1637, bởi nhà bác học Rene Decartes, đã đề cập bộ máy có thể tự suy nghĩ và tự quyết định trong tác phẩm “Discourse on the Method.” Ông còn phân biệt khu vực đặc biệt và tổng quát của bộ máy, mà ngày nay người ta tạo ra A.I. cho từng công việc đặc thù (như dẫn đường đi trong Google map) và A.I. để làm những việc tổng quát (như robot giữ nhà, pha cà phê, hát giúp vui … giữ trẻ.)
Liệu trí tuệ nhân tạo có vượt qua khả năng khôn ngoan của con người trong tương lai?
A.I. mà chúng ta đang nói đến chỉ là A.I. lúc tuổi còn thơ. Mọi người đều có thể tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra, khi nó trưởng thành? Chuyện đời sẽ thay đổi ra sao, khi nó bằng tuổi người đang viết.
Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du cửu, Khổng Tử nói, đến tuổi 70 thì tâm tính và đạo đã hợp nhất. Mọi thứ trở thành bản năng, làm gì cũng hợp đạo. E rằng không còn đúng nữa, vì A.I. sẽ đảo lộn những ý niệm, quan niệm làm người. Không chừng, lúc đó, con người phải chiến đấu với A.I.
Alan Cohen, viết trong tạp chí Forbes, 9 tháng 11, 2018. “Tôi sẽ rất thích thú khi máy vi tính có thể nhìn xa và khả năng học hỏi có thể tạo ra những lập trình cho robot, biết đối phó với những nhiệm vụ nguy hiểm và biết mệt mỏi về thể chất trong công việc ráp dây chuyền. (Ngụ ý nói, robot cần cảm tính và hiểu được nhân tính.) Liệu A.I. có thể hiểu rằng, cần gạn lọc những gì căn bản đã tạo cho chúng ta giận dữ để mang chúng ta lại gần nhau hơn? Sẽ rất tốt đẹp, nếu A.I. cắt giảm bớt những náo loạn trên các mạng lưới xã hội, giống như một người bạn ân cần chỉ điểm lúc nào không thể cho phép ai đó làm phiền chúng ta, dù là nụ cười ấm áp hay một cái vỗ vai. […]
Chúng ta cần một hệ thống A.I. biết rằng, kẻ thù của chúng ta cũng yêu thương con cái họ nhiều như chúng ta …”
Để giải quyết những khó khăn tỉ mỉ và trọng đại của con người, cần phải có sức học hỏi dồi dào và sức sáng tạo thực dụng sắt bén. Hai khả năng đang được A.I. gia tốc thực hành. Việc này dẫn đến sự thông minh của A.I. có cơ hội vượt qua trí thông minh của nhân loại.
Nhà bác học Stephen Hawking đã nhìn thấy trước khả năng tự sáng tạo của A.I. trong tương lai. Ông đặt câu hỏi về vấn đề A.I. và con người, ai thông minh hơn, và nỗ lực trả lời trước khi qua đời. Ông viết: “Ngày trước, khi con người khám phá ra lửa, đã gây nhiều tai họa, lập đi lập lại, rồi mới phát minh ra bình chữa lửa. Với những công kỹ nghệ mạnh mẽ tinh vi hơn như vũ khí hạch nhân, sinh học nhân tạo, trí tuệ nhân tạo, chúng ta nên lập kế hoạch trước và hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt đẹp ngay từ đầu, vì có thể là cơ hội duy nhất mà chúng ta có.
Tương lai của con người là một cuộc chạy đua giữa sức mạnh càng ngày càng gia tốc của công kỹ nghệ và trí tuệ mà chúng ta sử dụng. Hãy làm sao để chắc chắn rằng sự khôn ngoan của con người sẽ chiến thắng.
Tại sao chúng ta phải lo lắng về A.I.?
Có phải lúc nào con người cũng có thể rút dây ra khỏi ổ điện?
Người ta hỏi máy vi tính: ‘Có Thượng Đế không?’ Máy trả lời: ‘Hiện nay, đang có,’ rồi rút dây điện.”
(Trích Brief Answers To The Big Questions, Stephen Hawkings, trang 196.)