Phúc Lai G.B: Sự khác biệt giữa “Afghanistan của Liên Xô” với “Ukraine của Nga” và những chuyện khác

Sự giống nhau lớn nhất của hai cuộc chiến cho đến nay – SA LẦY, lần trước là sa lầy của Liên Xô và bây giờ là sa lầy của Nga. Về thời gian, cuộc chiến tranh ở Afghanistan của Liên Xô kéo dài đến 10 năm nhưng lại có thiệt hại nhỏ hơn nhiều so với cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin lần này ở Ukraine.

Trên thực tế, hai cuộc chiến chỉ hơi giống nhau một chút ở giai đoạn đầu, khoảng 3 tháng sau ngày 24 tháng Hai năm 2022 – đó là thời gian quân đội Nga rất mạnh, tấn công thọc sâu vào trung tâm đất nước Ukraine, khiến quân đội Ukraine vừa yếu về trang bị vừa ít về quân số, phải tiến hành chiến tranh du kích. Chuyện này giống ở Afghanistan trong suốt cuộc chiến 10 năm của Liên Xô: họ phải chiến đấu với những đội quân nhỏ kiểu du kích, nếu cần thì thi hành chiến tranh phá hoại, dạng nổi loạn… từ những bộ lạc không phải lúc nào cũng liên kết với nhau thành một quân đội quy ước lớn.

Còn từ khi Nga tiến hành giai đoạn mới của cuộc chiến, hay ta vẫn gọi là #The_Battle_of_Donbas thì tình thế hai bên dần dần cân bằng hơn. Tôi nhớ có lần tôi viết về khả năng “khoanh vùng được chiến tranh” chính là chuyện hình thành tình thế này. Hồi đó, tôi không hình dung ra được sự phát triển của công nghệ chiến tranh về mặt kỹ thuật, nên cho rằng theo truyền thống cũ thì nên dựa trên những giới tuyến tự nhiên, chẳng hạn sông Dnipro. Nhưng thực tiễn cuộc chiến cho đến nay cho thấy, đã có những sự thay đổi rất lớn và có những lý thuyết vẫn giữ nguyên giá trị. Những phòng tuyến tự nhiên như sông Dnipro, một con sông lớn vẫn là một trở ngại khó vượt qua cho cả hai bên (nếu vượt sông thì buộc phải chấp nhận cái giá phải trả cực kỳ cao về nhân mạng, điều này vẫn không có gì thay đổi sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trong lịch sử, Chiến dịch Nizhni Dnieprovsk (còn gọi là Chiến dịch Hạ Dniepr) là hoạt động quân sự lớn do Phương diện quân Ukraina 4 (Liên Xô) tiến hành chống lại Tập đoàn quân 6 (tái lập) và một phần Tập đoàn quân 17 của quân đội Đức Quốc xã, diễn ra từ ngày 26 tháng 9 đến ngày 20 tháng 12 tại khu vực hạ lưu sông Dniepr trên chính diện Zaporizhia qua Melitopol đến hồ Molochnoye sát biển Azov; chiều sâu chiến dịch đạt đến tuyến Zhaporizhia – Gornostaevka – Kakhovka – Kherson, dọc theo tả ngạn đoạn hạ lưu sông Dniepr. Kết quả sau 3 tháng, Hồng quân Liên Xô thu hồi được khu vực tả ngạn sông Dnipro và quan trọng nhất là thiết lập được 4 bàn đạp, chính xác là 4 căn cứ bên hữu ngạn của con sông, làm tiền đề cho Chiến dịch Hữu ngạn tiến tới giải phóng Ukraine sau đó.

Nhưng tổn thất của Liên Xô cũng rất lớn – chiến dịch này đã làm hơn 754.000 binh lính Hồng quân thương vong, trong đó số thiệt mạng (cũng không cứu chữa được) lên tới gần 600.000 người. Điều đáng nói là người ta thống kê không thể đầy đủ được, nhưng ước tính số lính Hồng quân thiệt mạng khi vượt sông để thiết lập các căn cứ bàn đạp bên hữu ngạn sông, có thể đạt hàng chục nghìn đến cả trăm nghìn người. Nôm na là một dạng lấp sông bằng xác lính. 

Nhưng với những con sông như sông Oskil thì vẫn còn gây khó khăn được cho hoạt động vượt sông, còn những sông như Siverskyi Donets thì không ăn thua, bây giờ các quân đội hiện đại người ta vượt tốt. Chúng ta đã chứng kiến trận vượt sông mà vượt đi vượt lại của quân đội Nga qua con sông này, cùng một chỗ mà bị tập kích mấy lần, để lại hàng chục xác xe tăng, nhưng cuối cùng thì cũng vượt qua được. Vì trước sau quân đội hiện đại cũng sẽ vượt được sông, nên Nga thì xây dựng phòng tuyến Surovikin. Ukraine thì trước nay vẫn là bên yếu thế, họ xây dựng những hệ thống phòng thủ cũng rất chắc chắn. Chính vì điều này mà cuộc chiến ở đông Ukraine đi vào thế bế tắc, không bên nào đủ sức phá hệ thống phòng thủ của bên nào.

Quay lại với cuộc chiến tranh của Nga ở Afghanistan – chính xác hồi đó có toàn bộ 16 nước cộng hòa của Liên Xô bao gồm cả phần quan trọng nhất: Ukraine, cung cấp lực lượng quân đội thiện chiến và là nơi sản xuất vũ khí, thiết bị chính. 

Trong hơn chín năm chiến tranh ở Afghanistan, Liên Xô tuyên bố chính thức có 15.000 binh lính thiệt mạng, nhưng thực tế có thể đạt con số 26.000 người chết và 54.000 người bị thương. Họ cũng mất 147 xe tăng, 1314 xe chiến đấu bộ binh/xe bọc thép chở quân. Trong cả cuộc chiến, họ chỉ mất có 433 khẩu pháo, 118 máy bay, và đặc biệt mất đến 333 cái trực thăng.

Trong tương quan này, với cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, người Nga vốn chỉ có quy mô dân số già nửa so với Liên Xô trước đây – 140 triệu so với 230 triệu dân, nhưng tổn thất thì đặc biệt lớn – như chúng ta tính toán đến thời điểm ngày 5/11 con số thiệt mạng của quân đội Nga có thể đạt 700.000 (chóng cả mặt!). Không thể so sánh với tổn thất của quân đội Xô-viết trong chiến tranh thế giới 2 được, vì lúc đó là thời Stalin có quyền thúc đẩy toàn bộ đất nước lao vào một cuộc chiến tranh có tính chính nghĩa cao hơn nhiều, bây giờ thì dù có bôi nhọ Ukraine đến mấy, cũng khó có thể làm cho toàn bộ dân chúng và dư luận thế giới tin rằng có một “bọn” nào đó là “phát-xít Kyiv” được cả. May ra chỉ có Trinh Thi Hoa, Tran Thi Sánh… tin vào những điều đó mà thôi.

Nhưng cần phải nói thật rằng, để người dân Nga vùng lên lật đổ Putin thì còn lâu. Lý do là sau khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều gia đình và cá nhân Nga đã phải trải qua một số thời kỳ rất khó khăn dưới thời Yeltsin. Mặc dù ai cũng hiểu rằng cái sự khó khăn đó là hậu quả của những chính sách sai lầm của thời Liên Xô để lại, nhưng giai đoạn Yeltsin cầm quyền cũng là giai đoạn đất nước này bị tàn phá hết sạch, bao nhiêu của nả rơi hết vào tay những kẻ cơ hội. Thời kỳ này đã kết thúc thông qua sự lãnh đạo của Putin. Putin chỉ tạo ra một thời kỳ mới với những kẻ cơ hội mới, những nhóm lợi ích mới… trên cơ sở “nhả” bớt quyền lợi ra cho xã hội dưới dạng phúc lợi. Với dân chúng, như thế là đủ. Rất nhiều người Nga cảm thấy hàm ơn Putin ở điều đó.

Chưa hết, Putin với trò diễn kịch của mình, chỗ thì đe dọa, chỗ thì tấn công quân sự bằng những mưu hèn kế bẩn dựa trên sự tàn bạo phi nhân tính (những lần ném bom hủy diện Grozny, Aleppo…) nhưng lại được che đậy bằng những hình ảnh đẹp đẽ lôi từ thời Chiến tranh Vệ quốc ra, hắn khéo léo thổi bùng lên lòng tự hào – có lẽ là lòng tự hào duy nhất của người Nga vào một đất nước hùng cường về… quân sự. Với một bộ phận không nhỏ dân chúng, như thế là đủ. Rất nhiều người Nga cảm thấy hàm ơn Putin ở điều đó.

Trước đây tôi đã viết, việc “Putin phục hồi nước nước Nga” chỉ tập trung vào cái vỏ với hai “thành phố trong tủ kính” là Mạc-tư-khoa và Saint Peter, còn lại những vùng khác của đất nước – về mặt địa lý và những lĩnh vực khác về hạ tầng xã hội như giao thông, y tế và giáo dục để xuống cấp và đến một thời điểm nào đó, hắn sẽ cần một chiến công vĩ đại, chói lọi… về quân sự để khỏa lấp. Với dân chúng Nga, như thế là đủ, họ cần cái thứ thuốc phiện chiến thắng đó.

Cho đến cuộc chiến này, nhiều người trên thế giới coi Putin là “Người thông minh nhất trong số các lãnh đạo.” Người ta có xu hướng tin rằng hắn ta nắm bắt được xu hướng và chính trị quốc tế một cách đáng kinh ngạc và có thể thao túng chính trị thế giới theo ý muốn. Người ta tin rằng hắn ta đã và chỉ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt mang lại lợi ích to lớn cho Nga. Nhưng cuộc chiến tranh ở Ukraine đã chứng minh được các mệnh đề trên là sai, thậm chí sai nghiêm trọng. Hắn ta không chỉ KHÔNG phải là người thông minh nhất mà thực ra, ngu ngốc một cách bất ngờ. Thật ra, hắn không ngu đến cỡ đó, mà từ trước đến nay vì ngồi trên đống vũ khí khổng lồ nhất là kho vũ khí hạt nhân, hắn quen làm người ta run sợ, chính cái sự run sợ đó biến các lãnh đạo khác của thế giới thành lũ ngốc. 

Xem ra, người Ukraine thật là “ác” khi không chấp nhận ách nô dịch của Nga Putin định áp đặt lên mình một lần nữa. Với tinh thần tự do và sự kiên cường của mình, họ đã cho toàn thế giới thấy “quân đội thứ hai thế giới” hầu hết là rác rưởi về mặt thực chất, nhưng để dọn hết cái đống rác to như dãy Himalaya ấy thì cũng phải có thời gian và tốn nhiều công sức. Cuộc chiến tranh ở Ukraine làm cho những nạn tham nhũng, hối lộ, trộm cắp của Nga đã bị phơi bày trước toàn thế giới. 

**

Hôm qua, báo chí xứ Tây Phi có bài “Nga vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới” – kinh chưa! Chưa hết, nếu lên các diễn đàn của người Tây Phi tại Nga, nhiều người còn rất vênh váo về một cuộc sống “bình thường”. Vậy chính xác thì, cái nền kinh tế đó có là bình thường hay không?

Một người Nga ở Mạc-tư-khoa tự hào: “Tôi đang sống ở Mạc-tư-khoa, cuộc sống vẫn tốt như trước. Tôi vẫn có thể gọi xe Mercedes hoặc Maybach vì giá taxi có thể tăng thêm 50 đô la Mỹ nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tôi vì hầu hết các công ty Nga đều tăng lương cho nhân viên! Tôi vẫn có thể mua McDonald hoặc KFC phiên bản Nga với giá tương tự. Tôi vẫn có thể mua iPhone 14 chỉ cần thêm 200 đô la Mỹ vào giá và “Mátxcơva không bao giờ băn khoăn về điều này với 200 đô la Mỹ.”

Với những hạng người như thế này, 700.000 hay 7 triệu đồng bào của họ, những người vì nghèo khổ và nợ nần hàng ngày biến thành phân bón cho hướng dương ở Ukraine, không ảnh hưởng gì cả. Còn những người Tây Phi đang kiếm tiền bên đó thì càng như vậy. Nếu chúng ta phân tích về những điều khó nghe, khó đọc về nước Nga của họ, họ sẽ khó chịu và coi chúng ta là kẻ thù. 

Nhưng câu chuyện trên bình diện toàn đất nước thì không hoàn toàn “bình thường” như vậy.

Tôi không có chuyên môn về kinh tế nhưng cũng hiểu như chúng ta làm ra tiền, nghĩa là phải bán được cái gì đó cho người khác, và nếu cái gì đó là kết quả của sự lao động tạo ra sản phẩm mới có kết tinh của các yếu tố như công nghệ, sáng tạo… thì đó là hoạt động tạo ra giá trị. Đào xúc múc… để bán, như Nga bán dầu và khí đốt, chẳng mấy giá trị gì nhưng ít ra vẫn là BÁN, và có tiền thu về.

Hồi năm 2014, trong cái tàn dư của “chiến dịch huy hoàng” chiếm Crimea của Putin  – như một số người Tây Phi pro-Pooteen vẫn xưng tụng, tôi viết bài dài 2 phần: “Sự trả giá của nền kinh tế khai thác” – chuyện là về Liên Xô trước đây, nhưng ẩn í chính là nói về nước Nga ngay thời điểm hiện tại.

Phần 1, bài trên Tuần Việt Nam:

Yếu tố nhạy cảm của nước Nga

bài gốc trên blog, chưa cắt xén:

Sự trả giá của nền kinh tế khai thác (phần 1)

Phần 2, bài trên Tuần Việt Nam:

Vũ khí dầu mỏ của Nga, vũ khí bí mật của Mỹ

bài gốc trên blog, chưa cắt xén:

Sự trả giá của nền kinh tế khai thác (phần 2)

Hồi đó, tôi đã dẫn các dẫn chứng để chứng minh rằng, vũ khí dầu – khí của Putin đã giảm dần hiệu lực, ví dụ như các đòn giảm giá dầu của Mỹ có thể ảnh hưởng đến ngân sách Nga như thế nào. Đến khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ năm 2022, thì tình hình được “bồi” thêm bằng các lệnh cấm vận cùng quá trình “cai” dầu khí của các khách hàng truyền thống của Nga, đã làm cho tình hình đổi khác.

Xuất khẩu của Nga về hầu hết các sản phẩm nói chung bị đình trệ. Nghiêm trọng hơn nữa các sản phẩm mũi nhọn số lượng nhỏ hơn nhưng có hàm lượng công nghệ cao (công nghệ vũ trụ chẳng hạn) và đặc biệt là vũ khí, thiết bị quân sự… đã bị đình trệ vì nước này bị ngăn cản tiếp cận với những vật liệu, chi tiết, phụ tùng nhập khẩu từ các nước có nền công nghệ tiên tiến hơn. Xuất khẩu của Nga và thu nhập sau đó từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ thì khỏi phải nói: giảm mạnh. Châu Âu trước đây, con nghiện khí đốt, ĐÃ TỪNG phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng chỉ sau một năm chuyện đó không còn nữa. Và như các chuyên gia nhận xét, khi họ đã “cai” được thì sẽ không bao giờ tái nghiện nữa.

Như vậy, thực chất nền kinh tế Nga không phải là nền kinh tế bình thường mà là “nền kinh tế chiến tranh.” Khi số lượng tiền rất lớn (từ kho dự trữ) được đổ vào nền kinh tế rồi nó lại hoạt động phục vụ chiến tranh, thì sẽ đem lại những hình ảnh của hoạt động sôi động và những con số đáng kinh ngạc. Nhưng các chuyên gia chắc chắn sẽ hiểu, đó là một nền kinh tế đang được nâng đỡ một cách giả tạo vì đang diễn ra một quá trình chi tiêu cho chiến tranh. Quá trình này chỉ có thể được duy trì trong một thời gian nhất định, trong khi chiến tranh đang diễn ra. Khi tiền bắt đầu cạn đến mức nào đó, sẽ dẫn đến các yếu tố đặt yêu cầu kết thúc chiến tranh. Câu chuyện hậu chiến mới là nghiêm trọng: đó là lúc mà nền kinh tế sẽ sụp đổ. 

Bài báo trên đây – “Nga vượt Nhật Bản!” – ra đời trong bối cảnh sau hội nghị BRICK (tôi cố tình viết thế đấy nhé!). Tôi theo dõi nó, nhưng ngay từ đầu tạm không muốn viết gì về nó, chỉ để ý số lần tổ chức trong tất cả 16 cái summits:

Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brasil, mỗi ông 3 lần. Riêng Nga ngoại hạng, 4 lần. Theo một người Nga đáng kính muốn giấu tên đánh giá, cái trò khỉ này là của Nga đầu têu, sau đó được Trung Quốc ủng hộ; thực chất mỗi ông trong cái khối đó đều có những quan hệ riêng, có thị trường riêng… và thằng cần nhất chẳng phải ai khác, là Nga. Vì vậy, quan hệ trong cái khối này rất bất bình đẳng với vai trò luôn phải đi chèo kéo các thành viên khác, là Nga; còn những ông kễnh kia là miễn cưỡng, có cũng được mà không có thì… càng khỏe. Điểm nổi bật nhất là việc cố lôi cho bằng được hai ông kễnh trùm kèn cựa với nhau là Ấn Độ và Trung Quốc – đây cũng là một điểm làm cho cái khối này không bao giờ có thể trở thành một liên minh về chính trị được cả, do đó càng không bao giờ trở thành một liên minh về quân sự và an ninh.

Đáng nhẽ cái BRICK này nó tan tành từ lần summit thứ 14 ngày 23/6/2022, khi cuộc chiến tranh của Putin được 4 tháng – và nó được tổ chức nhạt nhẽo và thực sự là, nhục nhã cho Putin chưa từng thấy vì ngoài việc họp online, nó chỉ diễn ra có một ngày. Gần như là một sự chiếu cố, chiếu lệ của họ Tập. Đến summit lần thứ 15 ở Nam Phi, tình hình có vẻ được cải thiện nhờ những nỗ lực của Putin: chiếm Bakhmut, rồi chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine được cho là thất bại. Putin được thể huênh hoang về khả năng kết thúc chiến tranh sớm trước mùa đông năm đó của quân đội hắn, và chèo kéo được Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngồi vào những cái ghế… dự bị. Nhưng đến cuối năm thì hai ông quan trọng là Argentina và Saudi, ông thôi luôn ông chưa chấp thuận. Như vậy chỉ còn có mấy ông: Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là trở thành những thành viên từ 1/1/2024.

Đến summit lần này, Putin lại cố đăng cai tổ chức cho bằng được và lôi kéo thêm hàng loạt nước nước nhỏ hơn nữa, tranh thủ thời điểm hiện tại – Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng thừa và thực sự cần thị trường Nga như một khu vực tiêu thụ quan trọng. Những thành viên còn lại chẳng thể hiện được mong mỏi cũng như tiềm năng gì đáng giá.

Điều quan trọng của câu chuyện, là nỗ lực của Putin muốn lên án chủ nghĩa đế quốc trong kinh tế, và đề nghị “cô lập lại” Mỹ và phương Tây, không thành công. Thiển nghĩ không cần dẫn những số liệu về thặng dư thương mại của từng nước không trong BRICK trong quan hệ buôn bán với Mỹ, châu Âu so với mấy ông BRICK này, và ngay cả từng ông BRICK này với phương Tây, thử xem có ông nào dám hoắng quay lưng lại với những thị trường quan trọng đó chăng?

Ngay như cái xứ phía Đông nước Lào cũng vậy, bố bảo cũng chẳng dám to tiếng với bộ thương mại Hoa Kỳ. Đến như họ Tập, Mỹ họ ho một cái thì cũng như con gián.

Còn các Vua Tin Vịt thì tung tin: ngoài quan hệ kinh tế, BRICK lần này sẽ xây dựng được một khối với quan hệ về an ninh và chính trị. Xin lỗi đi ạ, Putin cứ phát biểu đi, rồi ông nào gật gù nghe theo bị ghi sổ cả đấy. Ra vẻ ta đây không bị cô lập thôi, chứ chờ đấy Putin lôi kéo được bọn họ từ bỏ mối lợi của mình.

Dự đoán: khối này sẽ họp được thêm 2 cái summit nữa thì đi theo chị Tuất.

Phúc Lai GB


Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Trung tâm triển lãm Kazan, Nga vào ngày 23 tháng 10 năm 2024.