Nguyễn Tiến Cường: Elon Musk – Tham vọng thống trị thế giới

Hình: Wikipedia

Bài viết này không bàn đến những thành công sáng chói hay những thất bại ban đầu của Elon Musk trong lãnh vực công nghệ.

***

Trong những tuần lễ vận động cuối cùng của cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc giữa 2 ứng viên Kamal Harris, Donald Trump bất chợt có sự tham gia của Elon Musk – tỷ phú giầu nhất thế giới – Nhiều người tự hỏi, tại sao ông Musk không ủng hộ ông Trump từ những ngày đầu mà đến gần giờ chót mới lên tiếng?

Thật ra chẳng có gì khó hiểu. Musk không phải là một chính trị gia có tham vọng lãnh đạo thế giới, Musk chỉ là một người đầu óc cực kỳ thông minh, sáng tạo, nhưng tính khí rất bất thường, lại quá giàu, có quá nhiều tiền để làm những việc…cần rất nhiều tiền. Musk muốn thống trị thế giới, thống trị chứ không lãnh đạo.

Elon Musk không sinh ở Mỹ nên biết rằng không đời nào có thể trở thành Tổng Thống Mỹ, tuy nhiên không ai cấm cản hay ngăn chận được Musk trở thành một người có nhiều ảnh hưởng đến các chính trị gia, từ đó có thể khuynh đảo, lèo lái được các chính sách, kế hoạch của chính phủ theo ý muốn của mình. 

Muốn như vậy, Musk phải tìm ứng cử viên có nhiều triển vọng trở thành tổng thống nhưng phải là người dễ bị khuynh loát, mua chuộc để ủng hộ, yểm trợ – người đó không ai khác hơn là ông Donald Trump, một ứng viên tiềm năng nhất hiện nay của đảng Cộng Hòa dù có quá khứ tồi tệ nhất trong 46 đời Tổng Thống Mỹ. Một hình thức buôn vua như Lã Bất Vi. 

Nếu ông Trump đắc cử, trở thành Tổng Thống 47 của Mỹ, Musk có rất nhiều cơ hội tham gia chính quyền, giữ một vai trò quan trọng trong nội các của ông Trump, như đã được hứa hẹn để thực hiện mục đích của mình. Trump có thể bổ nhiệm Musk vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia như đã làm với con gái Ivanka, con rể Jared Kushner.

Mục đích đó là gì? Đó là chi phối, ảnh hưởng, kiểm soát xã hội, sự ổn định của Mỹ và thế giới bằng công nghệ, thông tin theo những điều kiện mà Musk quy định. Suy nghĩ này nẩy sinh từ đầu óc bất thường, lệch lạc của Musk – trở thành một khuynh hướng độc tài không khác gì Donald Trump.

Quay ngược về quá khứ của Elon Musk trước khi di dân qua Canada sẽ hiểu được phần nào cá tính, bản chất của Musk. Thông minh của Musk bộc lộ từ khi còn rất nhỏ, được gửi vào một trường mẫu giáo tư nhân từ năm 3 tuổi. Khi cha mẹ li dị vào năm 1979, Musk ở với mẹ 2 năm, sau đó về ở với cha. Thời niên thiếu của Musk trong thời gian ở Nam Phi, trong môi trường xã hội đầy bạo lực và sự kỳ thị chủng tộc tạo nên con người bất thường, chao đảo đầy tham vọng của Musk ngày hôm nay. 

Những hình ảnh chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi (Apartheid) của chính quyền da trắng Nam Phi đối xử với người da đen diễn ra hàng ngày trên đường phố đã khiến cho đầu óc thơ dại của Musk bị tổn thương nặng nề. Musk bắt đầu quen dần với sự kỳ thị chủng tộc khi chứng kiến những người dân Nam Phi da đen bị cảnh sát bắt giữ, đánh đập, thậm chí hành quyết ngay trên đường phố.

Hơn thế nữa, trong những năm đi học, Musk đã phải chịu đựng những hình thức bạo lực khác nhau, từng chứng kiến một vụ sát nhân. Cha của Musk – Errol Musk – đã gửi Musk vào một trại huấn luyện khắc nghiệt về Mưu Sinh Thoát Hiểm (Survival Training) để rèn luyện thể chất, tinh thần chịu đựng cho Musk. Chương trình của khóa huấn luyện, theo lời diễn tả của Musk đôi khi dẫn đến những bạo lực quá đáng, có lần dẫn đến cái chết của một học viên.

Những người từng đồng hành với Musk mô tả Musk là một kẻ cứng đầu, khó giao tiếp với xã hội, lập dị vì hay bị đãng trí, thường xúc phạm bạn bè cùng trang lứa. Một biến cố đã gây chấn thương cho tâm thần Musk là Musk bị một nhóm thiếu niên đánh hội đồng tơi tả, bầm dập – đến nỗi ông Errol không còn nhận ra con mình – Musk cũng bị quăng xuống cầu thang bất tỉnh phải nằm bệnh viện vài ngày. Nguyên nhân cuộc bề hội đồng Musk là do Musk nhục mạ một trong những người tấn công rằng cha anh ta đã tự tử là ngu ngốc.

Musk đánh giá những cuộc xung đột dai dẳng với bạn học cùng lứa là sự quấy rối nhưng cũng đồng thời sỉ nhục họ là đần độn, dẫn đến việc Musk phải chuyển đến trường trung học nam sinh Pretoria Boys Highschool – nơi Musk thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Để có thể tự bảo vệ, chứng tỏ nam tính, Musk ghi danh học nhu đạo, karate, đấu vật. Quan hệ tình cảm giữa Musk với cha – Errol Musk, người mà 2 em của Musk tố cáo là thường xuyên bạo lực tâm lý với con – cũng rất căng thẳng. Elon Musk thường cảm thấy rất khó chịu, bực bội vì những điều giảng dậy dai dẳng cũng như những lời sỉ nhục, chửi bới của cha mình.

Năm 1988, Musk và 2 em được nhận quốc tịch Canada theo quốc tịch mẹ, tránh không phải nhập ngũ cho quân đội Nam Phi. Nhờ quốc tịch này Musk thực hiện được ước mơ của mình từ hồi còn bé – di dân qua Mỹ.

Những trận đòn bị bạn học đánh hội đồng, bị xô xuống cầu thang thời trung học để lại trong lòng Musk những vết thương, những uất hận khó quên khiến đầu óc Musk trở nên bất thường – nẩy sinh tâm lý muốn trả thù, không những chỉ những người từng tham gia hành hạ, đánh đập, chế diễu mình mà ngay cả xã hội – Trump không phải là một ngoại lệ, đối với Musk, Trump chỉ là một kẻ mà Musk có thể sử dụng để đạt được mục đích của mình.

Có một số việc chứng minh bản chất độc tài của Musk không khác gì Trump như:

–Mua lại mạng xã hội Twitter với giá 44 tỉ $, đổi tên thành X, sa thải 80% nhân viên, lên án chính phủ Biden làm suy yếu quyền tự do ngôn luận, kiểm soát tiếng nói bảo thủ và thiên vị trong đối xử với truyền thông cánh tả. X (Twitter) trở thành một công ty riêng của Musk, không còn lệ thuộc hay bị chi phối bởi bất cứ cổ đông (shareholder) nào (2).

–Đe dọa sa thải công nhân đình công, tuyên bố muốn giải tán công đoàn, hủy bỏ quyền đình công của công nhân ô–tô Mỹ (3).

–Musk đe dọa cấm nhân viên sử dụng điện thoại của Apple nơi làm việc sau khi Apple thông báo đưa kỹ thuật AI (Artificial Intelligence) vào hệ điều hành của họ (4).

Thêm một điều để chính phủ Mỹ và người dân Mỹ nên quan tâm, đó là cũng giống như Trump, Musk có mối quan hệ cá nhân với Putin. Mới đây, tờ Wall Street Journal tiết lộ Elon Musk có những cuộc trò chuyện bí mật với Vladimir Putin, theo tờ này Musk đã liên lạc thường xuyên với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ cuối năm 2022, các chủ đề nói chuyện giữa hai người bao gồm địa chính trị, kinh doanh và các vấn đề cá nhân, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh. Cũng theo WSJ, các cuộc trò chuyện của Musk với Putin và các quan chức Điện Kremlin cho thấy khuynh hướng ngày càng tăng của Musk trong việc mở rộng ra ngoài phạm vi kinh doanh và vào địa chính trị…(5)

Trong khi những cuộc trò chuyện bí mật giữa Putin và Musk diễn ra thì quan điểm của Musk về cuộc chiến Ukraine cũng thay đổi khi Musk bắt đầu tăng cường chỉ trích viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và tham gia vào chiến dịch tranh cử của Trump. 

Những tuyên bố có xu hướng phát xít của Trump gần đây cho thấy, nếu Trump thắng cử, trở lại Tòa Bạch Ốc đầu năm 2025, nước Mỹ nói riêng, cả thế giới nói chung chắc chắn sẽ hỗn loạn. Trump và Musk sẽ tìm đủ cách để kiểm soát, lèo lái xã hội theo chiều hướng độc tài. Musk sẽ dùng tiển để mua quyền lực, thao túng công nghệ, thông tin, truyền thông bằng mạng xã hội, Trump sẽ lạm dụng quyền lực, có thể bắt giữ các đối thủ chính trị hoặc dùng quân đội để bịt miệng những ai chống đối, gây trở ngại cho sự cai trị độc tài của mình. 

Nguyễn Tiến Cường 

——————

Tham khảo: 

(1) https://de.wikipedia.org/wiki/Elon_Musk 

(2) https://www.businessinsider.com/elon-musk-twitter

(3) https://www.forbes.com/sites/brianbushard/2024/08/13/auto–workers–union–files–labor–charges–against–trump–and–musk–after–x–interview/ 

(4) https://www.cbsnews.com/news/elon–musk–apple–openai–device–ban–ai/ 

(5) https://www.wsj.com/world/russia/musk-putin-secret-conversations-37e1c187

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.