Truyện ngắn của Nguyễn Đức Tường: Chung Cư
“Hi!” Tôi chào người bạn láng giềng ở tầng ngay dưới tôi trong chung cư khi khoảng cách giữa anh và tôi trong hành lang đã quá nhỏ, không còn tránh nhau được nữa. Anh cũng chào lại, “hi!” nhưng đáng lẽ để câu chào hỏi xã giao lấy lệ chấm dứt ở đó, anh dừng lại chìa tay ra bắt và tự giới thiệu tên anh là John. Câu chuyện trong hành lang kéo dài chừng mươi phút, tôi biết John là dân miền nam Ca Li.
Thật ra John chẳng cần phải nói tôi cũng đoán được phần nào. Nước da mịn rất đẹp, hơi xạm nắng trông thật khỏe mạnh, hẳn là kết quả của một tuổi trẻ tiêu bừa bãi, cưỡi sóng bể – surfing – trên những bãi bể dài dài của miền nam Ca Li. Giọng nói cùng cử chỉ cởi mở, vồn vã của anh hãy còn dấu tích của mấy cậu sinh viên cử nhân UCLA, Đại học California ở Los Angeles. Tôi được biết thêm John sang miền giữa nội địa của nước Mỹ này để học thêm và anh cũng sắp trở về lại Ca Li.
“Bữa nào rỗi anh xuống tôi chơi. Tôi với anh và April, mình sẽ gọi một cái pizza lớn, ngồi nói chuyện chơi hay xem đá bóng,” John mời tôi trước khi ai đi để người nào tiếp tục công việc người ấy.
A, những sinh vật sống chen chúc trong chung cư! Hay đó là những cù lao, tuy đắp lũy xây thành để bảo vệ những thế giới riêng tư, nhưng không quên rình mò, xoi mói một cách tự nhiên, hình như không cần đến cố gắng nào đặc biệt để thu nhặt tin tức, tài liệu phòng khi cần đến. Chỉ những khi có án mạng xẩy ra hay khi chồng hành hung vợ, người ta mới thấy láng giềng có thể cung cấp cho cơ quan hữu trách những chi tiết thật bất ngờ.
Tôi dọn đến chung cư này đã được ba tháng và đến thành phố này cũng đã được chín tháng, vậy mà đấy là lần đầu tiên tôi thực sự nói chuyện với một người khác nhiều hơn một vài câu trao đổi hời hợt.
Phải chờ thêm một tháng nữa tôi mới lại có dịp nói chuyện với một sinh vật khác, một người đàn bà có sắc đẹp vừa phải nhưng có cặp mắt khó quên, hay nói cho đúng hơn gợi lại trong tôi một cặp mắt khó quên. Lần đầu tiên trông thấy cô ở cuối hành lang, cô nhìn tôi, đầu khẽ gật như phác họa một câu chào. Tối hôm sau tôi gặp lại cô ở trong buồng giặt. Khi tôi bỏ quần áo vào máy xấy cô nhanh nhẩu nhắc tôi phải bấm nút cho quần áo bông vì nếu không, máy sẽ không đủ nóng vì đã quá cũ. Câu chuyện bắt đầu, tôi biết cô mới ra trường, đang làm tạm thời dưới phố để chờ một việc khác, tốt và thích hợp hơn. Qua giọng nói, tôi nhận xét cô không phải là người vùng này, cô cười,
“Anh tinh lắm, tôi cứ nghĩ không ai để ý biết giọng nói có chút miền Nam của tôi. Bố mẹ tôi dọn đến đây từ Atlanta năm 1980 khi tôi vừa học xong tiểu học.”
“A, thảo nào! Những trái đào của Georgia!”[1] Tôi tính nhẩm một cách máy móc trong đầu rồi nói tiếp, “và như vậy trái đào này mới có hai mươi sáu tuổi.”
“Hơi sai một chút! Thôi, chào anh!”
Không những cô không tỏ vẻ khó chịu về cách nói soi mói của tôi mà còn nheo mắt nhìn, cười nụ cười đầu tiên chào rồi cắp rổ quần áo đi ra.
Tưởng cũng nên nói thêm tôi sẽ phải ở đây ba tháng nữa. Lẽ ra tôi phải ở đây cho đủ hai năm, nhưng ông chủ biết tôi ghét cái thành phố trời đánh này ông dỗ,
“Thôi chịu khó ở đó một năm rồi tôi sẽ đổi anh đến tỉnh như ý anh. Anh biết hợp đồng này cấp bách và công ty hiện thiếu người, không kiếm được người thích ứng để làm công việc đó.”
Vì vậy tôi vác va-li đến đây. Chung cư tôi ở khang trang, sạch sẽ. Trông ra ngoài cửa sổ, xa xa ở phía bên kia là một tòa nhà đối xứng với tòa nhà tôi ở, ở giữa là sân cỏ nhỏ được cắt xén gọn gàng phân chia con đường cùng chỗ đậu xe bằng bê tông. Sở dĩ tôi để ý tỉ mỉ như vậy là vì chừng ba tháng sau khi tôi đến đây, bạn tôi gửi điện thư đến nói mùa này cây đã bắt đầu thay lá và hỏi lá cây nơi tôi ở đã đổi màu gì. Nhìn qua cửa sổ chỉ thấy toàn bê tông, tôi bèn trả lời “nói ra thì buồn cười, thật tình tôi không biết lá cây ở đây đã đổi màu gì,” nhưng nếu việc lá cây đổi màu đối với cô là điều quan trọng thì tôi sẽ điều tra và trả lời trong một thư sau.
Đối với thành phố, tôi sống như một thứ ký sinh trùng, không biết việc xảy ra ở chung quanh ngoài những gì trực thuộc. Mấy tháng đầu tôi còn đọc báo; tôi biết người ta thỉnh thoảng đâm chém, bắn giết nhau ở phía bên kia thành phố, cách khu tôi ở đến cả mười mấy dặm. Sau đó tôi ngừng mua báo, tôi cũng chẳng có cả máy truyền hình. Để có tin tức hàng ngày tôi đọc tin tức hoặc nghe mấy buổi phát thanh qua Internet.
Thành phố này thật ra không tệ. Vì lý do nào đó tôi có ác cảm với nó, có lẽ vì tự nhiên phải dọn đi khỏi một nơi đang sống thoải mái, thân thuộc. Hay vì những ấn tượng đầu tiên. Vì thói quen, mấy tháng đầu tôi thường đi làm bằng xe buýt. Tôi nhận thấy hành khách xe buýt nhìn tôi bằng con mắt khác lạ như thể tôi đến từ một hành tinh xa xăm nào, nhất là khi thấy tôi xuống xe ở một địa chỉ có uy tín ở dưới phố. Hình như người ta không quen với sự việc này.
“Người ta” đây là những người đàn bà khổng lồ vì đa số hành khách trên xe buýt là đàn bà, mà toàn là những người khổng lồ, mỗi người ngồi chiếm hai ghế trên xe buýt. Thổ sản của vùng này là bắp với những ruộng bắp thẳng cánh cò bay. Có lẽ giữa bắp và phái nữ ở đây có một quan hệ sinh lý rất mật thiết vì hiện tượng “những người đàn bà khổng lồ” này rất tổng quát. Ngay trong công ty tôi làm, cả một tầng lầu có ít là chừng năm chục người, vậy mà từ chỗ tôi ngồi nhìn ra khu lối đi chung tôi thường chỉ thấy những xê dịch bì bạch, nặng nề như của một đàn penguins có mầu sặc sỡ.
Những lý do đó khiến tôi để ý đến cô láng giềng ở buồng giặt. Tôi biết cô ở tầng dưới nhưng không biết trong apartment nào, vì mỗi tầng có đến cả chục apartment. Lần thứ nhì tôi gặp lại cô cũng ở trong buồng giặt. Khi tôi hỏi cô đã có việc mới chưa, cô cho biết cô đã có việc mới tại công ty ABC.
“A ha, vậy mình làm cùng một công ty. Cô làm ở tòa nhà nào, và có ở cùng khu dưới phố không? Nếu cùng ở một khu, thỉnh thoảng cô phải đi ăn trưa với tôi. Cho thay đổi phong cảnh!”
“Được lắm, thỉnh thoảng mình có thể đi ăn trưa. Anh có giọng thật sexist.”
Cô láng giềng hiểu rất chính xác tôi định nói gì với mấy chữ “thay đổi phong cảnh” khi cô nói tôi sexist, rồi cô lại nheo mắt cười với tôi nụ cười bữa trước.
*
Trong giấc ngủ, đôi mắt của cô láng giềng đem tôi về lại với Claudine.
Sau khi ra trường tôi cũng có ý định đi làm kiếm tiền như các bạn tôi, nhiều người kiếm cả “tấn” tiền. Nhưng khi ngỏ lời với bạn tôi về chuyện này, tôi thấy bạn tôi lúng túng. Một người ngắm nhìn tôi một lúc, rồi lắc đầu nói,
“Toa không có tướng làm tiền. Tại sao toa không đi ngoại quốc?”
Tuy nói vậy, nhưng anh cũng kiếm cho tôi một việc nhàng nhàng, đủ sống. Sau vài tháng kiếm ăn, và sau khi đi ăn cưới làm phù rể cho bạn tôi (ôi, những đám cưới của con nhà danh gia như thế này, có lẽ đó mới là điều bí mật mà tôi thường mong ước) tôi đi ngoại quốc như bạn tôi khuyên. Và đêm nay, tôi ngồi đây với Claudine, trên bãi cát vắng vẻ của mũi bể Eilat, Israel dang tay với rộng ra ta có thể chạm hai nước láng giềng Jordan và Ai Cập, xa hơn một chút là Saudi Arabia.
Mới tháng trước, khi du lịch chưa thịnh hành như bây giờ, tôi hãy còn lang thang đi từ miền Bắc xuống miền Nam nước Ý, quê hương của nhà văn Giovannino Guareschi mà tôi yêu thích. Ở Thế giới Bé nhỏ – Piccolo Mondo của Guareschi, nắng chiếu chói chan khiến cho đầu người ta cứng như gang thép mà theo nhà văn, ở đây người ta có thể cầm gậy phang vào đầu nhau mà không hề có ác ý. Có như vậy thì ông Cha Xứ incorrigible Don Camillo mới có thể trị nổi tên cộng sản cũng incorrigible ngang ngửa là chủ tịch làng Peppone chứ!
Rồi tôi đến đảo Capri. “Hãy đến Capri rồi chết,” ai đã nói như vậy? Les amants de Capri. Claudine cười khích khích khi cô phải ngửa người cho đầu khỏi chạm thành cửa đá trong lúc thuyền chui vào Blue Grotto. Ánh đèn xanh phản chiếu từ sóng nước, từ vách của động đá lung linh trên ngực, trên mặt Claudine mờ mờ huyền ảo. Tôi chỉ cảm phục vừa vừa; tôi bảo nếu Claudine ngoan, một ngày nào đó tôi sẽ dẫn Claudine về Việt Nam đi chơi Chùa Hương và Vịnh Hạ Long. Tôi biết cũng như những lần khác, mỗi khi nghe chữ lạ tai cô sẽ hỏi lại, “thế nào là ngoan?”
Trăng đầu tháng trên nền trời cao trong của mũi bể Eilat, thỉnh thoảng một đám mây đơn lẻ bay qua che khuất, khi tỏ khi mờ, Claudine chậm chạp bước lên từ dưới nước như trong bức tranh Sự Ra Đời của Venus – The Birth of Venus – của Botticelli, vết chân và nước rỏ dài làm thành một chuỗi sao in trên nền cát. Cô gái mặc dầu ít tuổi đã có những hiểu biết hiếm thấy. Nàng có thể nói cho tôi nghe về hội họa. Nàng sẽ chỉ cho tôi nghe bản nhạc Bolero của Ravel.
Nàng bảo, này nhé, anh hãy tưởng tượng một trưa hè Tây Ban Nha lười biếng, oi ả và nóng nực. Tuyệt đối im lặng, rồi có một chút xao động gợi ý một cái gì nghiêm trọng sắp xẩy ra. Những âm thanh khẩn trương, cấp bách mỗi lúc một to. Một chấm nhỏ lớn dần, lớn dần. Đó là một con thú hung hãn chân đập trên mặt cát đang xầm xập chạy đến, dũng mãnh, rạo rực. Nó đã đến nơi. Anh đấu bò đang đứng chờ nó, tư thế thanh lịch, áo choàng đỏ bay tròn một bên. Tiếng chũm chọe vang lừng bao chùm không gian, choán hết chỗ của tất cả những thanh âm khác.
Ô hay, sao nốt ruồi son đỏ xinh xinh giữa triền ngực bên trái của Claudine mà có thể trông như áo choàng đỏ của người matador!
Claudine lấy khăn tắm lau bớt nước rồi cuộn lên người để sửa soạn đi vào. Đêm nay cô sẽ phải đi ngủ sớm để còn lấy sức qua sa mạc Negev sớm ngày hôm sau, trước khi mặt trời mọc.
Ngày cuối cùng chúng tôi ở vùng Biển Chết. Con đường hẹp đầy đá dăm chênh vênh đi lên đỉnh Masada[2] không phải dành cho những người yếu tim. Không gian nặng trĩu lịch sử, phảng phất một chút gì ma quái, chết chóc. Núi này có tên là Núi Nguyền Rủa – As-Sabba (The Accursed). Đó là một núi đá cao hơn bốn trăm thước, đỉnh phẳng rộng vài chục mẫu. Những sự việc xẩy ra ở đây giúp định nghĩa những quan niệm hiện đại như quốc gia, dân tộc. Nhìn cho kỹ, chúng cũng giúp định nghĩa sự điên rồ. Bởi vì đây là nơi ở giữa không nơi nào – in the middle of nowhere – mà cách đây chừng hai nghìn năm hơn một nghìn người zealots, kể cả đàn bà và trẻ con, kéo nhau đến lợi dụng địa dư của nơi chốn để chống lại mười lăm ngàn quân La Mã. Và những người La Mã ấy, trong hai năm trời, dùng kỹ thuật tân tiến nhất của thời đại bao vây núi nhằm tiêu diệt những người zealots. Cuối cùng quân La Mã thành công, những người zealots tự tử chết, chỉ còn hai người đàn bà và năm đứa trẻ sống sót để kể lại câu chuyện.
Đi xuống suối Ein Gedi từ Masada là một thay đổi thoải mái. Nếu theo tiêu chuẩn bình thường thì đó chỉ là một “ngọn suối chẳng thông dòng”. Nhưng thôi, ở đây tầm vóc nhỏ bé, ta sung sướng chấp nhận những gì ta có. Tôi đến từ một nơi mà hàng ngày đàn ông thì cạo râu còn đàn bà thì cạo… lông chân. Ở đây, có thú vị bất ngờ khác. Vì lông chân không cạo nên da thịt mượt mà mát dịu sờ vào không như chạm phải giấy ráp số 2!
Đàn bà ở đây cũng không cạo cả lông nách. Khi chúng tôi chui vào chỗ suối Ein Gedi này thì đã có mấy người ở đó. Đứng ở trên cao bên cạnh suối, một tay chống ngang sườn, một tay giơ cao tư thế của người chiến thắng, là một thiếu nữ mặc bikini trông như Brigitte Bardot, chân đi ủng, đầu đội mũ cói cao bồi Texas đang cười rất tươi. Mấy người chụp ảnh, tôi cũng chụp ảnh. Cô nán lại thêm vài phút mặc dầu bạn cô giục đi. Một cột nắng nhỏ chiếu vào nách cô, cô cũng vừa đi xuống từ đỉnh Masada, mấy giọt mồ hôi nho nhỏ rung rinh, phản chiếu lại ánh nắng…
“Chắc chắn là không mong manh như tơ trời!”
Tôi nói tiếng Việt một mình mỗi khi gặp khó khăn với ngoại ngữ, Claudine nhìn chờ tôi cắt nghĩa. Tôi nghĩ đó là câu mấy nhà văn Việt tả một sợi tơ nhện đơn côi, đeo nặng vài giọt sương buổi sáng lóng lánh trong nắng mai, đang lung lay trước gió. Mong manh và tơ trời là những ý tưởng đến về sau vì nếu không có mấy giọt sương chắc không thể nhìn thấy tơ nhện. Trong khi tôi nói Claudine mải nghe, không để ý, nhưng sau đó nàng nhận ra tôi đã luồn tay dưới áo từ lúc nào, đang nghịch với đám lông nách rất dầy, rất mượt ướt đẫm mồ hôi, Claudine kêu rú lên và đẩy tôi suýt nữa đâm đầu xuống suối,
“Tân, anh là một tên mọi rợ!”
Rồi nàng đứng cười, đôi mắt nhỏ lại long lanh. Ngắm nhìn cô cười, một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu tôi buột miệng kêu,
“Ối chao, trông mắt Claudine ‘đĩ ‘ quá!”
“Anh nói gì?”
Đó không phải là chữ của tôi. Người nhà tôi bảo, “lớn lên mà cứ cười tít mắt như vậy thì khi mở mắt ra gái nó chạy hết!” Còn bạn tôi bảo, “moa còn nhớ mỗi khi toa cười, trông mắt toa ‘đĩ ‘ quá.” Những nhận xét đó không hẳn là những câu chê, nhưng từ đó tôi chú ý mở mắt mỗi khi cười thành ra cũng chẳng hiểu mắt tôi đĩ như thế nào. Cho đến hôm ấy tôi nhìn Claudine đứng cười, đầu hơi nghiêng một bên, gò má hồng đỏ, trán và mũi lấm tấm những giọt mồ hôi… một sắc đẹp thô sơ nguyên thủy, và câu nói đi ra trước khi tôi kịp nghĩ. Claudine đi sát vào tôi, khuỷu tay khẽ hích,
“Mắt em có đĩ thật không? – Cảm ơn nghìn lần.”
Ôi, Claudine, liệu có còn tuổi nào cho em? Không, không còn tuổi nào cho em nữa. Bởi vì nụ cười, đôi mắt của Claudine, cũng như không khí nóng bỏng của sa mạc đã bay lên thành tầng thành lớp, để rồi thăng hoa biến thành những hư ảnh.
*
Lần thứ nhì và cũng là lần sau cùng tôi gặp John khi anh mời tôi xuống ăn pizza. Một chiều thứ sáu đi làm về tôi thấy có tờ thư nhỏ dán trên cửa hẹn tôi xuống chơi, ăn pizza chiều hôm sau. Tôi bèn ra đầu phố mua hai lít kem về để dành trước khi xuống.
“Đây là April, và đây là Tân,” John giới thiệu khi tôi bước vào trong phòng.
“Ô…” tôi ngạc nhiên kêu vì April chính là cô gái tôi đã gặp trong buồng giặt.
“Chúng tôi đã có gặp,” April đưa tay ra bắt, rồi cười nói tiếp, “Tân là người đàn ông đầu tiên tôi biết, và có lẽ cũng là người đàn ông cuối cùng rủ tôi đi ăn trưa mà không hề hỏi tên tôi…”
Tôi lúng búng nói nếu tôi biết April là bạn gái của John thì tôi đã không sỗ sàng đến như vậy. John cười xua tay,
“Không, không sao, April là bạn tôi và cũng là bạn anh, và là một cô gái, thế thôi! Tôi nghe nói April và anh bây giờ làm cùng một công ty.”
Chúng tôi ngồi ăn pizza, nói chuyện dông dài về những ngày hãy còn phiêu bạt. Chuyện của John quanh quẩn ở miền tây, những phiêu lưu trên bãi bể và bãi bể, thỉnh thoảng có điểm một trận đấu bóng ở Rose Bowl khó quên. Còn chuyện của tôi thuộc miền đông được tô điểm thêm chút rồng phượng; tôi kể chuyện lái xe trên những giải đất dọc bờ biển từ Nam Carolina lên Cape Cod, nhiều lúc phải đi phà, khi đào trai nấu cháo, khi ra biển câu cá.
Chỉ còn April ở giữa nội địa là chưa đi đâu. Tôi đề nghị,
“Hay là thế này, vùng này đầy hang động của những nhân vật của Marc Twain: Tom Sawyer, Huck Finn… Hôm nào cuối tuần mình đi thăm mấy hang động đó; nếu John chịu khó cố phơi nắng thêm một chút, ta có thể cho John làm Joe Da Đỏ!”
“Rất tiếc, không có tôi. Anh hãy hỏi April!” John lắc đầu nói. Thấy vẻ mặt thắc mắc không hiểu của tôi, John cắt nghĩa,
“Trong vòng hai hay ba tuần lễ nữa tôi sẽ dọn về lại Ca Li.”
“Nhưng nhà không có vẻ gì là sắp dọn cả?” Tôi hỏi, nhìn quanh phòng thấy đồ đạc bầy biện vẫn trang nhã, gọn ghẽ.
“Không, chỉ mình tôi đi. Đồ đạc này của April.” Rồi John nói thêm, tôi không biết anh đùa cợt hay đứng đắn, “April đang cần có roommate để chia bớt tiền nhà, anh dọn xuống đây ở có khi April sẽ bằng lòng lắm. April nấu ăn rất giỏi, anh chỉ phải rửa bát và đổ rác. Rất lợi!”
“Ô… Một đề nghị rất hấp dẫn ta sẽ phải xét đến, rửa bát là nghề của tôi.” Tôi trả lời nửa đùa nửa thật, nhìn April chỉ thấy nàng cười, “trong khi chờ đợi, tạm thời tôi đề nghị mời April đi thăm Joe Da Đỏ một cuối tuần nào đó!”
Khi tôi ra về John hẹn sẽ gọi điện thoại để nói từ biệt trước khi đi. Còn tôi, tôi bảo nếu John cần giúp gì cứ nói cho tôi biết.
Có thể kể đó là tóm tắt về chiều sâu trong việc giao tế của những người sống ở chung cư; trong trường hợp của chúng tôi, tương đối thâm hậu hơn bình thường. Tôi cũng để ý thấy một hôm có ai để ở trước cửa apartment, cho họ một lọ hoa muguets trắng nhỏ rất đẹp. Rồi thôi! Bẵng đi gần một tháng tôi chẳng thấy điện thoại mà cũng chẳng thấy John hay April.
Rồi tôi được đổi đi thành phố khác. Tôi quyết định xuống gõ cửa nói chuyện, báo tin cho họ hay. Sau vài phút đứng chờ, Hank, người láng giềng của John và April, đi về trông thấy; anh cho tôi biết John bị tai nạn xe hơi đã chết gần bốn tuần nay, còn April vẫn phải nằm nhà thương. Đấy là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Hank.
Vào nhà thương vừa để thăm vừa để từ biệt April, tôi phải chờ nhiều phút vì bác sĩ và y tá đang săn sóc cho nàng. Một cô y tá kể cho tôi nghe đấy là một tai nạn kinh hoàng. John, mới có hai mươi chín tuổi, chết tại chỗ. Những người lính cứu hỏa cần nhiều tiếng đồng hồ mới lấy được anh ra. Còn April, nàng bị nội thương nặng, chân và xương sống bị gẫy. Bác sĩ nói nàng sẽ sống nhưng sẽ vĩnh viễn suốt đời phải ngồi xe lăn của người tàn tật.
April nằm trên giường trông như củ khoai tây khổng lồ mới nhập cảng từ đảo Hoàng Tử Edward, tua tủa mọc mầm với những ống plastic, một chân treo cao. Mắt nàng lim dim như đang ngủ. Tôi khẽ gọi,
“April!”
April mở mắt nhìn tôi, lộ vẻ mừng rỡ.
“Tôi rất tiếc chỉ đến tối hôm qua tôi mới được biết tin John và April bị tai nạn, và John đã chết. April có còn đau nhiều không?”
Câu hỏi có lẽ thừa. April nhìn tôi không nói, hay không thể nói. Tìm được bàn tay của nàng, tôi ủ bàn tay giá lạnh trong lòng hai bàn tay, cố truyền một chút hơi ấm, đầu óc mung lung nghĩ đến những bất hạnh có thể xẩy ra, đến sự lẻ loi cô độc của một số người sống ở chung cư. Tôi nghĩ đến tương lai đen tối của người đàn bà tuổi chưa đầy ba mươi này, đến cái chết tức tưởi của người thanh niên, ai may mắn hơn ai? Tôi nghĩ đến dự định chưa thành hình về việc April và tôi sẽ đi thăm viếng những hang động của Marc Twain. Rồi còn cái nghi vấn về câu chuyện roommate!
“April, tôi đến thăm và cũng để chào April, ngày mai tôi sẽ dọn lên miền bắc.”
Nghe tôi chào từ biệt, mắt April thoáng vẻ hốt hoảng bất an. Nàng đã nằm đây nhiều tuần lễ và sẽ còn phải nằm đây thêm nhiều tuần lễ nữa. Những viếng thăm này là những niềm vui nhỏ nhoi độc nhất cuối cùng. Chúng sẽ thưa dần.
April nhắm mắt lại. Chỉ còn đôi mắt để chứng minh sự sống của April; đôi mắt hiền lành và dịu dàng. Đã mờ đi, và không còn đĩ nữa.
Nguyễn Đức Tường