Vũ Đức Khanh: Tô Lâm và Cuộc Chiến Quyền Lực – Tương Lai của Việt Nam trong Bối Cảnh Chính Trị Phức Tạp

Từ trái: Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tình hình chính trị Việt Nam đang ngày càng phức tạp với những chuyển động lớn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là sau sự kiện Tô Lâm phải nhường ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường vào hôm 21 tháng 10. Điều đáng lưu ý là dù mất chức Chủ tịch nước, Tô Lâm vẫn giữ cương vị Tổng Bí thư, vị trí quyền lực nhất Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Sự kiện này đã không chỉ đánh dấu sự phân chia quyền lực trong nội bộ Đảng mà còn hé lộ một cuộc chiến quyền lực ngầm giữa các lãnh đạo cấp cao nhằm chiếm ưu thế trước thềm Đại hội 14.

Bài viết này sẽ phân tích ba sự kiện nổi bật liên quan đến các đối thủ chính trị của Tô Lâm để làm rõ bức tranh chính trị hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Lương Cường – Cú Đẩy Từ Bắc Kinh và Thách Thức Ngoại Giao

Việc Tô Lâm nhường ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường không chỉ thay đổi cục diện chính trị trong nước mà còn tạo ra tác động trên trường quốc tế. Thay vì Tô Lâm đại diện Việt Nam tại hội nghị APEC và các chuyến công du tới Chile và Peru, Lương Cường – người được cho là có quan hệ thân cận với Bắc Kinh – đã nhận trọng trách này. Động thái này dấy lên nghi ngờ liệu Bắc Kinh có liên quan đến việc thúc đẩy Lương Cường lên vị trí Chủ tịch nước để giảm bớt ảnh hưởng của một lãnh đạo quyền lực như Tô Lâm, người có thể không hoàn toàn tuân theo các chỉ đạo từ phía Trung Quốc.

Việc một cận vệ của Lương Cường bị bắt ở Chile với cáo buộc tấn công tình dục ngay trong chuyến công du đầu tiên của ông cũng tạo cơ hội cho những “thuyết âm mưu” nảy sinh, chẳng hạn, phải chăng đây là một âm mưu từ đối thủ chính trị nhằm làm mất uy tín của Lương Cường, hay chỉ là một sự cố ngẫu nhiên? Bất kể lý do, sự kiện này đã làm suy giảm hình ảnh của Lương Cường trên trường quốc tế và tạo ra một cơ hội để Tô Lâm tái củng cố vị thế của mình.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Phạm Minh Chính – Bàn Tay Gián Tiếp Từ Bộ Công An

Bên cạnh Lương Cường, Phạm Minh Chính – Thủ tướng đương nhiệm – là một đối thủ đáng gờm khác của Tô Lâm. Vụ truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc AIC, với cáo buộc tham nhũng đã làm dấy lên nghi vấn về mối liên hệ giữa bà Nhàn và Phạm Minh Chính. Nhiều nguồn tin cho rằng có thể Chính đã tạo điều kiện cho bà Nhàn trong các phi vụ làm ăn của AIC, đặt ra khả năng rằng ông cũng dính líu tới các hoạt động tham nhũng.

Tô Lâm, với quyền lực tối cao tại Bộ Công an, dường như đang xử dụng vụ án của bà Nhàn như một công cụ để đẩy Phạm Minh Chính vào thế khó. Việc này cho thấy chiến lược của Tô Lâm: thay vì trực tiếp tấn công, Tô Lâm gián tiếp làm suy yếu vị thế của Phạm Minh Chính bằng cách tập trung vào những người thân cận hoặc có liên hệ với ông ta. Nếu vụ án này phát triển theo hướng bất lợi cho Chính, nó có thể là bước đệm quan trọng giúp Tô Lâm loại bỏ một đối thủ quyền lực, tiến tới củng cố vị thế trong nội bộ ĐCSVN.

Nguyễn Xuân Phúc – “Vật Tế Thần” trong Cuộc Chiến Quyền Lực

Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước, đã mất chức vào đầu năm 2023 và nay lại tiếp tục đối mặt với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng từ thời ông còn đương nhiệm. Gần đây, Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời Phúc làm Thủ tướng – đã bị truy tố và khai rằng “cấp trên” của ông đã chỉ đạo làm sai trong một vụ án tham nhũng. Nếu thực sự Nguyễn Xuân Phúc bị truy tố, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN, một lãnh đạo cấp cao nằm trong “tứ trụ” bị truy tố về các cáo buộc tham nhũng.

Động thái này có thể được hiểu như một lời cảnh cáo từ Tô Lâm đến các đối thủ trong Đảng. Việc loại bỏ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ là một cách để Tô Lâm củng cố quyền lực, mà còn là tín hiệu rõ ràng cho các lãnh đạo khác như Lương Cường và Phạm Minh Chính: Tô Lâm sẵn sàng “trảm” bất cứ ai dám cản đường. Chính trường Việt Nam vốn có truyền thống “bảo vệ tứ trụ”, nhưng nếu Phúc bị truy tố, điều này cho thấy ĐCSVN đang đứng trước một bước chuyển lớn – một giai đoạn mà ngay cả những lãnh đạo cấp cao nhất cũng không còn “bất khả xâm phạm”.

Chiến Thuật Của Tô Lâm: Loại Bỏ Đối Thủ và Triệt Tiêu Đối Lập

Trong khi đấu tranh quyền lực nội bộ, Tô Lâm không ngừng vận động dưới danh nghĩa cải cách, hay cái mà ông gọi là “kỷ nguyên mới”. Với chiêu bài này, ông vừa tranh thủ lực lượng bảo thủ để làm suy yếu phong trào đối lập dân chủ bên ngoài, vừa dùng đối lập như một “con bài” chống lại những đối thủ trong Đảng. Điều này mang lại cho ông hai lợi ích: đầu tiên, bảo vệ được sự ổn định chính trị trước những lời kêu gọi dân chủ hóa; sau đó, khi mọi đối thủ trong nội bộ đã bị triệt tiêu, ông sẽ dễ dàng dồn toàn bộ sức lực vào việc bóp nghẹt các lực lượng đối lập bên ngoài.

Chiến thuật này không chỉ giúp Tô Lâm củng cố vị thế mà còn làm cho các phe phái đối lập bên ngoài không thể lớn mạnh. Ông tận dụng được sự ủng hộ của những thành phần bảo thủ trong Đảng, từ đó ngăn chặn khả năng đối lập dân chủ có thể trở thành một mối đe dọa thực sự. Đây là nước cờ khôn ngoan của Tô Lâm, nhưng đồng thời cũng là sự cảnh tỉnh cho tất cả những ai muốn thấy một Việt Nam dân chủ hơn.

Tương Lai Đại Hội 14 và Viễn Cảnh Chính Trị Việt Nam

Đại hội 14 của ĐCSVN, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026, sẽ là cơ hội lớn nhất để những phe phái trong Đảng định đoạt tương lai của Việt Nam. Với tình hình hiện tại, các lãnh đạo cấp cao trong “tứ trụ” đều sẽ đến tuổi phải về hưu, trừ Trần Thanh Mẫn. Dù vậy, nếu Tô Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ như Lương Cường và Phạm Minh Chính, ông có thể sẽ tạo ra áp lực để phá bỏ “truyền thống” về hưu, nhằm tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. Ngược lại, nếu ông không thể triệt tiêu hoàn toàn đối thủ trong Đảng, Đại hội 14 có thể sẽ là cơ hội cho một cuộc thay đổi quyền lực lớn chưa từng có, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phe phái.

Người dân Việt Nam không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc.

Cuộc đấu tranh quyền lực trong ĐCSVN không chỉ đơn thuần là cuộc tranh giành giữa các cá nhân, mà còn là sự phản ánh của một hệ thống chính trị không còn đại diện cho lợi ích của nhân dân. Sự bất công, tình trạng tham nhũng và các chiêu trò quyền lực ngầm của Tô Lâm và các phe phái khác đang làm mất đi niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Trong bối cảnh đó, người dân Việt Nam không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc. Cuộc chiến giành lại quyền tự quyết không thể do một nhóm nhỏ lãnh đạo quyết định; nó phải xuất phát từ toàn thể nhân dân Việt Nam, từ các phong trào dân chủ đối lập và tất cả những người mong muốn một Việt Nam công bằng, dân chủ. Chúng ta không thể để quyền lực trong tay những kẻ chỉ biết tranh giành lợi ích cá nhân và coi nhẹ quyền lợi của đất nước.

Đây là thời điểm để tất cả các lực lượng đối lập đoàn kết, hướng tới một Việt Nam tự do, dân chủ, và thịnh vượng nơi mà mỗi người dân đều có quyền lên tiếng, quyền được lắng nghe và quyền được sống trong một xã hội công bằng và phồn vinh.

Vũ Đức Khanh