Jean Pouillon: Thời gian và số phận con người trong tiểu thuyết của William Faulkner, Trần Quí Phiệt giới thiệu và chuyển ngữ
Lời người dịch: Jean Pouillon là một nhà nhân chủng học Pháp và chủ biên tạp chí L’Homme [Con người] từ năm 1961 đến năm 1996. Ông là tác giả Temps et roman [Tiểu thuyết và thời gian] và Le Cru et le su, [Cái tin và cái biết] (nhà xuất bản Editions du Seuil).
Pouillon cũng là một nhà phê bình văn học, đặc biệt là tiểu thuyết William Faulkner. Cũng như giới phê bình Pháp sau khi nước Pháp được quân đội Mỹ giải phóng khỏi Đức quốc xã trong thập niên 1940, Pouillon rất hâm mộ văn chương Mỹ, đặc biệt là Faulkner. Có điều tuy phê bình của ông rất uyên bác và hấp dẫn, nhưng văn ông khá dài dòng và hơi tối nghĩa. Bản dịch của chúng tôi sau đây từ khảo luận “Temps et destinée chez Faulkner” [Thời gian và số phận con người trong Faulkner] trong tác phẩm Temps et roman. Để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi lược dịch nhiều chỗ không cần dài dòng, không cần thiết.
Trần Quí Phiệt
***
Điều làm người đọc chú ý nhất khi đọc The Sound and the Fury [Âm thanh và cuồng nộ] trong ba chương đầu của cuốn sách là sự chồng chéo những diễn biến hiện tại và hoài niệm quá khứ với những tầm quan trọng khác nhau. Trước hết, hiện tượng đang xảy ra là sự khơi dậy quá khứ bằng hiện tại (nhân vật Benjy nghe tiếng nói của các người lượm banh ở sân gôn làm hắn nhớ đến chị Caddie của hắn). Thứ đến, sự tồn tại những cảm giác quá khứ, nhất là những cảm giác thời thơ ấu, theo Faulkner, đã làm hiện tại chúng ta đang sống bị tràn ngập bởi điều chúng ta đã sống trong quá khứ. Đây không phải là sự khơi dậy theo nghĩa thông thường mà là sự đè nặng thường trực của điều đã xảy ra đối với điều đang xảy đến.
Vì lẽ đó, ý thức trước hết là ký ức. Nhưng ký ức về quá khứ của các nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner không phải là sự nhận thức về một hiện tại đã trôi qua nay là một quá khứ được biết nay không còn nữa. Ký ức không được tự coi như là ký ức, không phải là sự nhận biết cái không hiện hữu, mà là cảm nhận điều có thực, và bởi vì ký ức không thể không gì khác hơn là cảm nhận quá khứ, nên phải nói rằng cái gọi là đích thực Faulkner, cái có thực, chính là quá khứ.
Ví dụ tiêu biểu của nhận thức này có thể thấy trong độc thoại của nhân vật Quentin trong Âm thanh và cuồng nộ. Quentin ẩu đả với một sinh viên khác, nhưng chuyện chúng ta đang đọc, chuyện Quentin thấy sống lại đích thực là cuộc ẩu đả giữa Quentin và tình nhân của em gái Caddie của chàng thụt lùi vào nhiều năm sau. Trong tiểu thuyết Nắng tháng tám chương nói về thời thơ ấu của Joe Christmas bắt đầu bằng những giòng viết nổi tiếng sau đây: “Ký ức tin tưởng trước khi nhận thức nhớ lại. Tin tưởng kéo dài lâu hơn hồi ức, lâu hơn hiểu biết những điều kỳ lạ….” (nhấn mạnh của người dịch).
Vì thế, hiện hữu là quá khứ. Quá khứ còn hiện hữu bởi vì quá khứ luôn ở đó. Hay nói khác đi, quá khứ là hiện tại. Thế nghĩa là gi? Cái gọi là con người chính là quá khứ đã tạo ra hắn. Cái hắn làm hôm nay là “hệ quả” những gì hắn đã làm trong quá khứ. Sự quan trọng nhưng mô thức này gắn vào quá khứ không ảnh hưởng gì đến hiện tại. Ngược lại, nếu hiện tại qua đi (giống như trong tiểu thuyết của Faulkner), ảnh hưởng của quá khứ cũng không còn. Muốn một sự việc này ảnh hưởng sự việc khác, cả hai sự việc phải hiện hữu cùng một lần và chúng ta phải trở lại ý tưởng về một sự cần thiết phi thời gian nối kết những khoảnh khắc hiện hữu thật sự. Theo suy luận này, không có định mệnh mà chỉ có hiện hữu cùng một lúc với quá khứ và hiện tại. Hơn thế nữa, chính quá khứ là một khối đè nặng trên hiện tại. Khối nặng này không phải gồm những năm tháng được sắp theo thứ tự biên niên gồm có những chuỗi năm tháng đã qua và hiện tại tương quan. Khối nặng này được coi như phi thời gian (intemporel). Một sự kiện xảy ra trong quá khứ không được xếp như thuộc loại “kỷ niệm thuần túy” theo diễn tiến của năm tháng, ngày giờ. Chúng ta đang đề cập đến những ý tưởng không rõ ràng trong tiểu thuyết của Faulkner. Giải thích những ý kiến này không phải là điều dễ dàng. Quá khứ không phải là loại quá khứ liên quan đến thời gian đã qua rồi và có thể hồi tưởng. Nhưng quá khứ là là cái gì đang còn đó, hiện bây giờ, vừa hiện tại, vừa đă qua theo nghĩa thông thường của nó. Quá khứ này liên hệ với thời gian, đã xảy ra và do đấy là quá khứ theo nghĩa thông thường của nó. Nhưng quá khứ này vẫn tồn tại và như thế nó cũng là hiện tại. Vì lẽ đó nên ta có thể gọi quá khứ này là phi thời gian, Có điều quá khứ phi thời gian này nằm trên một bình diện cao hơn: nó nằm sau mỗi hiện tại thông thường để tự nó tạo ra ý nghĩa và trở lại nắm bắt lấy quá khứ ngay lập tức. Thí dụ như trong tiểu thuyết Sanctuary [Miền đất thánh] hiện tại trở thành quá khứ khi cô gái tên Temple đã bị cưỡng hiếp rồi sau đấy sự việc mới tiết lộ với độc giả. Dĩ nhiên điều chúng ta nói ở đây không báo hiệu lý thuyết văn học của Faulkner, nó chỉ cho ta thấy lối sống của các nhân vật của Fauklner: thời gian không có nghĩa là gì trước khi nhân vật ý thức được thời gian. Do đó, khi chúng ta nói rằng hiện tại là quá khứ và bị quá khứ nắm bắt, chúng ta phải hiểu rằng nhân vật cảm thấy bị đè nặng bởi một quá khứ hắn ta không thể xóa bỏ được. Chính điều này đã làm nẩy sinh ra cái gọi là định mệnh.
Chúng ta vừa đề cập đến những tương quan giữa quá khứ và hiện tại trong tiểu thuyết Faulkner. Sau đây chúng ta sẽ xem Faukner quan niệm như thế nào về vai trò của tương lai. Tương lai hình như không có trong một cuốn truyện như Nắng tháng tám và Miền đất thánh. Trong Nắng tháng tám cái kết cục được nói đến trước nên hầu hết cuốn truyện chỉ khai thác quá khứ. Trong Miền đất thánh ta thấy sự diễn tiến các sự kiện nối tiếp nhau một cách bình thường nhưng ta không bao giờ thấy các nhân vật của truyện có một tương lai thật sự. Họ tiến nhưng lại thụt lùi. Họ không có một cử chỉ nào chứng tỏ có hành động, hay có hành động như người mất hồn, giống như các nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoevsky, vâng theo định mạng đang chờ sẵn. Thí dụ như Joe Christmas tuy mơ hồ cảm thấy anh ta như sắp giết người, nhưng cảm thấy cái giết người là một hành động quá khứ anh ta không biết gì, chuyện xảy ra do đó trở nên khôi hài vì kẻ giết người đã ý thức sự giết người trươc khi hắn ta hành động. Tương lai cảm thấy như hiện tại. Nói hành động định trước bởi quá khứ là không đúng. Bảo một chuyện gì đó sẽ xảy đến cũng không đúng. Cái gì cũng có thể xảy đến. Chỉ có khác là khi xảy đến, sự kiện sẽ mang màu sắc quá khứ không có gì thay đổi, cũng giống như những gì mục sư Hightower thuyết giảng đều mang sắc thái ông nội của ông. Cũng luôn một ý tưởng như thế: quá khứ có nghĩa là không gì thay đổi. Do đó gọi là số mệnh.
Như thế quá khứ không những có nghĩa là viêc đã xảy đến, đang xảy đến và sẽ xảy đến. Với nghĩa đó, ta có thể nói rằng thời gian là sự diễn tiến của số mệnh. Nhưng có hai điều quan trọng ở đây: sự diễn tiến của số mệnh trở nên không cần thiết và mơ hồ. Điều sẽ xảy đến không quan trọng vì số mệnh kiểu Faulkner không phải cái người ta đang trông đợi. Nó chỉ có tính cách ngẫu nhiên, vô thường. Cái gì cũng có thể xảy đến. Dù sự trôi chảy của thời gian bị phủ nhận, nó chẳng thay đổi chút nào, và đấy là điều căn bản. Trước sau ý tưởng này vẫn không thay đổi. Sự trôi chảy của thời gian hơi dư thừa. Ở đây ta không thấy liên hệ gì với một số mệnh theo định nghĩa tự biểu lộ trong một diễn tiến mang kịch tính ta không thể thêm bớt mà không thay đổi tất cả mọi sự. Cũng như khi ta nói rằng một người bảo đó không chu toàn số mệnh của mình vì chết quá sớm. Với quan niệm này, số mệnh được chu toàn ở cuối cuộc đời. Đó là điều tất yếu. Đối với Faulkner, số mệnh luôn có nguồn gốc, luôn thuộc về quá khứ, không sao thay đổi được, như Malraux đã nhận định trong bài tựa về Miền đất thánh.
Muốn hiểu rõ quan niệm của Faulkner về quá khứ và định mệnh, chúng ta sẽ so sánh Faulkner và Proust. Đối với Proust, quá khứ là một thực thể hiện tại và cốt yếu của thời gian. Tựa đề của cuốn tiểu thuyết trường thiên Đi tìm thời gian đã mất cho thấy hiện tại là cái bấp bênh, sẽ mất đi, thực sự không phải là hiện tại, chỉ có thực trong quá khứ cần phải phục hồi. Sau cùng cá nhân, ngay cả Proust, không phải ở trong bình diện trí thức như Quentin trong Âm thanh và cuồng nộ, một người chỉ sống với quá khứ hay sao? Để hiểu điều này, ta chỉ cần nhớ đến hai thí dụ nổi tiếng, miếng bánh ngọt madeleine và mấy bậc thềm không bằng phẳng ở ngôi nhà công tước Guernantes, hay tốt hơn nữa, lịch sử quyết định chuyện viết tác phẩm Tìm lại thời gian của Proust.
Nhưng có rất nhiều khác biệt giữa hai thế giới không thể nói hết của hai tác giả. Trước hết quá khứ trong hai trường hợp không giống nhau. Với Proust, đó là một quá khứ tuyệt đối cá nhân và cuộc phiêu lưu với chiếc bánh madeleine chỉ liên hệ với Proust. Đó là một quá khứ của tập quán, của tình cảm cá nhân. Với Faulkner, không phải quá khứ của tôi đến từ một hiện tại bên ngoài vừa tốt vừa xấu (xấu nhiều hơn tốt đối với Proust). Đó là một thế giới giống thế giới của tôi, một thế giới chỉ có thật trong quá khứ. Do đó, một nhân vật của Faulkner không nghĩ đến quá khứ của mình, giản dị là chỉ sống với quá khứ ấy mà thôi. Muốn nghĩ đến quá khứ cần phải ra khỏi một hiện tại đích thực và đó là điều đang xảy ra ở Proust. Do đó, có thể nói rằng Proust sống lại (revit) với kỷ niệm còn Christmas sống với (vit) kỷ niệm. Chính vì thế, đối với Proust thời gian theo lối biên niên là thật và ông phải cắt nghĩa những trạng thái bất thường làm hủy hoại loại thời gian này. Ngược lại, đối với Faulkner quá khứ luôn tồn tại ở đấy và biên niên của thời gian (chronologie) không là gì cả. Proust sống trong hai loại thời gian: thời gian biên niên và thời gian được tìm lại. Proust đưa ra sự phân tích tương phản của hai thứ thời gian này, đặc biệt là thực tế khách quan va chủ quan của thời gian, trong khi Faulkner sống trong một thực tại thuần túy chủ quan có sức thu hút tất cả mọi thứ gọi là định mệnh.
Kỹ thuật kể chuyện của Faulkner.
Sự vắng mặt của thời hiện tại và tương lai làm lợi cho thời quá khứ tạo ra sự đảo lộn thời gian khiến cho độc giả hụt hẫng khi đọc Faulkner. Các tác giả khác thường để cho các nhân vật của mình có một đời sống ý thức độc lập không bị sự chi phối của tác giả. Hãy lấy Joseph Conrad làm thí dụ. Mục đích Conrad xen kẽ các câu chuyện là tường thuật một cuộc đời diễn tiến thứ tự của nhân vật. Trái lại, Faulkner không báo hiệu cho độc giả biết diễn tiến hay tình tiết của đời sống nhân vật. Theo Faulkner, đời sống nằm ngoài diễn tiến của thời gian cho nên việc xử dụng độc thoại trong lúc kể chuyện là thích hợp hơn cả.
Như đã nói trên, lối kể chuyện theo thứ tự thời gian làm hỏng cách dùng quá khứ nội tại bằng cách đặt vào đấy những quá khứ, hiện tại, tương lai không có thực. Quá khứ mà các nhân vật Faulkner cảm thấy đè nặng trên người là một quá khứ to lớn mất hẳn tính chất thời gian. Vì hiện tại bị tan vỡ, không được sống thực nên chỉ còn tồn tại một khối quá khứ rắn chắc, bất biến. Lao mình vào khối quá khứ ấy để tìm hiểu, chúng ta thấy trật tự của quá khứ ấy được xác định bởi sự xuất hiện của các nhân vật chỉ sống bên ngoài câu chuyện, chỉ biết câu chuyện bằng cách nghe người ta thuật lại mà thôi. Trong Nắng tháng tám độc giả chỉ biết đứa bé Christmas đã ra đời qua vợ chồng Doc Hines. Trong Vùng đất thánh chỉ khi Miss Reba tiếp bạn bè sau đám tang chúng ta lần đầu tiên mới nghe người ta nói Popeye bị chứng bất lực. Chính quan niệm về thời gian khiến Faulkner đã kể chuyện như thế.
Chúng ta có thể phê bình lối xây dựng tiểu thuyết của Faulkner là giả tạo. Tùy theo quan niệm của mỗi cá nhân, sự việc xảy ra theo một trật tự nào đấy và trật tự này là có thực đối với cá nhân nhận biết những sự việc ấy. Cần phải phân biệt hai khía cạnh: khía cạnh ý thức thuần túy (pure conscience) và khía cạnh tri thức (connaissance). Faulkner chỉ khai thác khía cạnh thứ nhất. Các nhân vật của Faulkner cảm thấy một cách mơ hồ, không sao lý giải được, bị nghiền nát bởi một khối quá khứ vô hình nặng nề, không có chút liên hệ gì đến hiện tại và tương lai. Khối quá khứ này có thể nói là phi thời gian vì không theo trật tự, không trôi chảy như thời gian lịch sử. Thời gian lịch sử theo lối biên niên là một giải thoát tinh thần các nhân vật của Faulkner thường chối bỏ vì không liên hệ gì đến định mệnh mà họ chịu đựng. Loại thời gian này phân định rõ ràng quá khứ tuy không còn nữa nhưng các nhân vật của Faulkner vẫn còn cảm thấy sự đè nặng của quá khứ trên hiện tại của họ.
Hậu quả thứ hai của quan niệm về thời gian là lịch sử luôn được tường thuật bằng hai thể thời quá khứ là imparfait and passé simple**. Ở đây không cần nói đến việc dùng quá khứ để mô tả một hành động xảy ra ở hiện tại. Tuy nhiên, đôi khi có lúc một tấn tuồng, một cuộc đối thoại được diễn tả bằng những cử chỉ. Nhưng một khi tấn tuồng xảy ra, chúng ta nghe hay thấy trước cuộc đối thoại và những cử chỉ của các nhân vật. Nhưng sau khi xảy ra, sự việc tan biến nhanh hoàn toàn, không lưu lại cái gì trong hiện tại, giống như một cái gì xảy ra không quan trọng khiến ta không chú y đến nữa. Faulkner dùng kỹ thuật kể chuyện này trong Miền đất thánh. Sự việc chỉ có hình thức sau khi đã thành quá khứ. Sau đây là mô tả cái chết của Tommy:
Popeye rút tay ra khỏi túi áo veston.
Đối với Temple đang ngồi giữa đám bông gòn và những thân cây bắp, sự việc xảy ra giống như tiếng quẹt của cây diêm, một tiếng vang ngắn ngủi, đứt nghẹn, khép kín lại trên tấn tuống đã diễn xong, trên khoảnh khắc đã qua, hoàn toàn tách rời, tách rời hẳn phần còn lại của thời gian (nhấn mạnh của Coindreau).
Thí dụ trên đây rất đơn giản và ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp như thế trong tiểu thuyết của Faulkner xảy ra ngắn như phát súng nổ. Kỹ thuật này không có gì giả tạo trong tiểu thuyết của Faulkner và ngoài đời. Một sự việc xảy ra nhanh đến nỗi trở thành quá khứ ngay lập tức và trở thành một hoài niệm mặc dù được kể theo lối trực tiếp.
Do đó có thể nói rằng chúng ta không bao giờ thấy những biến cố quan trọng. Đó là triết lý cũng như quan niệm về thời gian của Faulkner. Ở đâu cũng chỉ thấy quá khứ. Chúng ta có thể so sánh với những vở bi kịch cổ điển trong văn chương Pháp trong đó mọi sự đều được tường thuật. Bi kịch là chuyện đã xảy ra và có thể được nhận thấy một cách trực tiếp. Đó là điều phổ thông trong những vở bi kịch của Racine và tiểu thuyết của Faulkner.
Ý nghĩa về số phận trong Faulkner.
Số phận con người hiểu theo nghĩa thông thường khi quá khứ tạo thành một khối, hiện tại không có phần nào ở đây, sự hiện diện của quá khứ vô hiệu công dụng của hiện tại. Loại quá khứ này triệt tiêu hay đảo lộn những liên hệ của thời gian vật lý. Tác động của số phận hoàn toàn tâm lý. Quá khứ hiện hữu trong ý thức hiện tại của nhân vật, chứ không phải bên ngoài. Nhân vật Christmas trong Nắng tháng tám bị tác động bởi quá khứ của anh ta, anh ta chính là quá khứ của anh ta, và chính trong quá khứ ấy ta phải tìm hiểu lý do tại sao anh ta cảm thấy bị sai khiến của một định mệnh. Chúng ta không đồng ý với dịch giả Coindreau khi ông cho rằng các nhân vật của Nắng tháng tám chỉ là “những con bù nhìn đui mù của định mệnh” hay như nhận xét cúa Malraux đối với Miền đất thánh “đó là một thế giới ở đó con người bị nghiền nát.” Thực ra con người bị nghiền nát từ bên trong, không phải từ bên ngoài. Điều ghê gớm là con người tự hủy hoại mình.
Nếu định mệnh đến từ bên trong thay vì bên ngoài, nếu nhân vật bị chi phối bởi chính những gì anh ta làm, sự xác định này không phải ngẫu nhiên và nhân vật tự mình cảm thấy cái định mệnh ấy.
Chúng ta thử phân tích tính nội tại của định mệnh biểu hiện rất rõ trong việc chạy trốn của Christmas. “Có quá nhiều sự việc cùng chạy với anh ta, cùng một tốc độ, cùng một bước chân. Không ai đuổi anh ta cả, chỉ mình anh ta tự đuổi mình: đó là những năm tháng, những hành động, những sự việc bỏ đi và phạm phải, chạy đuổi theo anh ta từng bước một.” Chúng ta phải nhớ rằng trong Nắng tháng tám, các nhân vật của Faulkner tự đặt mình trên bình diện ý thức trực tiếp về bản thể của mình chứ không phải trên bình diện hiểu biết sự vật. Có thể nói rằng tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của Faulkner cảm thấy có trách nhiệm về số phận của họ, hay ít ra luôn có linh tính về chuyện sắp xảy ra cho họ, và điều này có nghĩa là định mệnh hiện hữu vì họ và trong chính bản thân họ. Thí dụ trong Nắng tháng tám Mac Eachern chợt bắt gặp Christmas trong một buổi khiêu vũ mặc dù không biết buổi khiêu vũ diễn ra lúc nào, chỉ biết vì sự thúc đẩy từ bên trong. Faulkner cũng chỉ nói đến tính cách nội tại và tâm lý ấy một cách tự nhiên chứ chẳng cần định nghĩa làm gì. Thêm nữa, nếu Faulkner muốn định nghĩa, ông ta cần phải đi trên bình diện tri thức mà ông ta tự không cho phép mình làm. Cái ý thức chứ không phải tri thức về định mệnh khiến cho các nhân vật biết sắp xảy ra, tuy không cần biết rõ ràng. Các nhân vật này không ngạc nhiên khi thấy những gì đang xảy ra, bởi vì họ biết rằng không có tương lai nào có thể đem họ ra khỏi quá khứ của họ. Nói cách khác, các nhân vật của Faulkner hành động nhưng không biết biết gì sẽ xảy ra.
Bởi vì các nhân vật của Faulkner cảm thấy một ý thức mơ hồ nhưng sống động của định mệnh đè nặng trên họ nên Faulkner dùng kỹ thuật độc thoại nội tại (monologue intérieur) và tự “đặt mình” vào vai trò của các nhân vật. Giữa sự xác quyết của số phận, quan niệm của Faulkner về thời gian và các nhân vật có một mối liên hệ mật thiết cần phải xác định bởi vì nhờ đấy ta mới hiểu được ý nghĩa tâm lý của định mệnh. Trước hết, phân tích nhân vật theo kiểu Dos Passos không thích hợp với Faulkner vì tác giả và độc gỉả tự đặt mình trên nhân vật, hiểu biết hơn nhân vật. Những nhân vật quan niệm như lối này cảm thấy mình chỉ là trò chơi của định mệnh. Lý thuyết về định mệnh của Faulkner không phảỉ như thế. Faulkner chỉ muốn cho độc giả thấy cảm tưởng nhân vật bị đè nặng bởi một định mệnh. Muốn hiểu thời gian và định mệnh trong Faulkmer có lẽ chúng ta nên so sánh ông với Proust. Đối với Faulkner định mệnh là một cảm giác tâm lý mơ hồ nhưng đè nặng trên nhân vật. Proust cũng muốn đề cập đến định mệnh nhưng chỉ để tìm hiểu vì lòng ưa thích quá khứ của Proust là một thú vui tinh thần. Tìm lại thời gian đối với Proust là để tìm hiểu và sống lại với thời gian. Do đó, thời gian đã mất khi sống lại sẽ không còn nguyên thủy khi bị phân tích. Tình cảm biến thành những nguyên do trong một biến thái có nhiều thể dạng. Thờì gian mất đi định mệnh huyền bí và thí dụ về Proust chứng minh điều chúng ta đã nói: tìm hiểu định mệnh tức là triệt tiêu định mệnh.
Còn lại bây giờ là xem cái gì làm cho các nhân vật của Faulkner cảm thấy bị “nghiền nát.” Tâm lý của Faulkner đi theo ba chiều. Trước hết, tâm lý của sự ngu dốt từ một con người như Temple (Vùng đất thánh ) đến nhân vật đần độn Bengy (Âm thanh và cuồng nộ). Temple là một cô gái luôn ngây thơ, không có trách nhiệm gì về việc xảy ra cho cô, hành động như là hậu quả của một định mệnh vô hình. Faulkner mô tả Benjy hay bà Hines (Nắng tháng tám) tuy ít bị tâm thần nhưng không có khả năng sống trong hiện tại và thích ứng với hiện tại. Thứ hai, đó là loại tâm lý đầy si mê quay cuồng đến chóng mặt bộc lộ trong những độc thoại như Quentin Compson (Âm thanh và cuồng nộ) hay những lối giải thích dài dòng về hành vi của Christmas (Nắng tháng tám) trong đó quá khứ đối với Christmas như một hố sâu khổng lồ cuốn hút Christmas. Chính vào giai đoạn này Christmas nhận thức được số phận của mình, nghĩa là con người của anh ta là một chuỗi những trường hợp ngoại tại chết người. Sau cùng, có một loại tâm lý thân xác, bao lâu chính thân xác tôi chứa đựng những thói quen của tôi, có nghĩa là hiện tại của tôi tiềm ẩn quá khứ của tôi. Một lần nữa, đây chính là đề tài của Nắng tháng tám trong sự tranh đấu thoát khỏi tình trạng lai giống trong con người của Christmas.
Kết luận. Tất cả những gì chúng ta nói trên đây giúp chúng ta đưa ra hai nhận định bổ túc nhau: không phải cơ cấu của thời gian khiến Faulkner có quan niệm về định mệnh, mà do tâm lý của các nhân vật. Chúng ta không nên tìm trong tác phẩm của Faulkner một nhận định triết lý về thời gian vì Faulkner chỉ mô tả một tình cảm thực sự tồn tại trong ý thức của các nhân vật.
Trước hết, nhân vật thấy không sao thoát được gọng kìm của quá khứ nên không muốn suy nghĩ về quá khứ nữa. Christmas cảm thấy không có hy vọng gì thoát khỏi quá khứ và chỉ muốn chết như một người da đen. Điều này cho thấy thực tế này của qua khứ là hiệu quả của một thái độ đối với Christmas, một thái độ chỉ có thể có trong hiện tại. Thêm nữa, độc giả biết được quá khứ của Christmas qua hiện tại của anh ta. Anh ta bị ném vào quá khứ nhưng quá khứ không giống như thứ quá khứ trong văn chương cổ điển. Christmas sống trong quá khứ, nhưng chúng ta chỉ thấy anh sống trong một hiện tại đưa đến anh ta một cách ngẫu nhiên.
Thứ hai, sự ngẫu nhiên ở đây rất rõ ràng. Ta hãy xem ví dụ về việc Christmas giết cô Burden: quá khứ cắt nghĩa hành vi của Christmas rất rõ ràng không hứa hẹn một tương lai gì có thể khiến cho Faulkner tiết lộ thêm nữa. Cái chết của cô Burden không thay đổi gì. Hành dộng của Christmas không có gì quan trọng. Một khi được nhân vật thực hiện xong tác giả không cần nói gì mới thêm. Độc giả thấy hành động của Christmas như do mê ngủ, Tóm lại, đối với Christmas giết ai chết không quan trọng mấy đối với anh ta. Điều anh ta thực hiện không liên hệ đến tương lai hay quá khứ. Sự góp phần vào quá khứ làm cho quá khứ dày thêm nhưng vẫn không thay đổi quá khứ. Có điều, bất kỳ cái gì thực sự góp phần vào việc thực hiện vai trò này cũng không mấy quan trọng vì tất cả luôn mang hình thức của quá khứ. Còn tương lai cùng lúc đó cũng được giảỉ phóng khỏi bất cứ việc gì sắp xảy ra. Đó là định nghĩa của sự ngẫu nhiên,
Ta cũng có thể hỏi Faulkner có chấp nhận ý niệm ngẫu nhiên của sự việc. Thí dụ trong Nắng tháng tám tất cả đều dựa vào tin tưởng của Christmas rằng anh ta mang dòng máu da đen. Có thật vậy không? Điều này không quan trọng. Ngược lại, điều ấy có ý nghĩa là quá khứ tác động định mệnh, là một quá khứ huyền thoại, thuần túy chủ quan, bởi vì điều này chứng minh rằng quá khứ là tác phẩm của hiện tại và rằng định mệnh là kết quả của lòng tin, không phải là hậu quả của một định luật bên ngoài cá nhân con người.
Không gì đáng làm chúng ta ngạc nhiên về sự liên hệ giữa định mệnh và sự ngẫu nhiên. Sự liên hệ này có vẻ bình thường nếu chúng ta nghĩ rằng số mệnh cần đến sự ngẫu nhiên để biểu lộ sức mạnh của nó. Thực vậy, trước biến cố ngẫu nhiên ta chẳng làm được gì. Thật khó tưởng tượng một điều gì khác hơn, bởi vì điều khác hơn này cũng mang tính cách ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên có một cần iết ghê gớm nhất: sự cần thiết của sự kiện. Sự hiện diện này là phi lý và nếu không phi lý cũng là phi lý luôn. Sự hiện diện này nghiền nát chúng ta (hay tôn vinh chúng ta) bởi vì điều ấy mặc dù không liên quan gì đến cái đến trước hay đến sau. Chính từ cái nhận thức về sự ngẫu nhiên đã phát sinh ra sự xác nhận định mệnh chứ không phải do sự suy tư về sự cần thiết của định mệnh, sự biện minh cho sự hiện hữu của định mệnh. Chắc hẳn đó là sự hiện hữu không xác thực ý nghĩa của cái ngẫu nhiên. Ở đây cần phải hiểu làm thế nào bản chất của thời gian, trong sự ngẫu nhiên toàn vẹn của nó, có thể cho phép ta cắt nghĩa được cảm giác về định mệnh. Có hai cảm giác ta có được khi đặt một biến cố vào thời gian đang trôi chảy: tất cả có vẻ vừa cần thiết lại vừa có thể xảy ra một cách khác. Thật là có ý nghĩa khi bàn về định mệnh chúng ta bắt đầu bằng sự tìm hiểu quan niệm về ngẫu nhiên trong tiểu thuyết. Điều này chứng tỏ rằng, như đã nói ở trên, cái gì chúng ta đã nói về thời gian không phải chỉ giải thích một loại tiểu thuyết hay tất cả các loại tiểu thuyết, kể cả những tiểu thuyết về số phận con người.
Trần Quí Phiệt lược dịch
—————-
** Hai thời imparfait và passé simple chỉ có trong tiếng Pháp không có trong tiếng Anh. Khi viết thiên khảo luận này Pouillon dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Maurice Coindreau, một dịch giả Faulkner nổi tiếng người Pháp.