Nghĩ về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Thái Hạo: 20.11 không phải là ngày nhà giáo ăn mừng

Nay, người ta nô nức chúc mừng, ăn mừng vào “ngày nhà giáo Việt Nam 20.11” mà gần như quên đứt đi lịch sử cũng như nội dung, ý nghĩa của nó. Nhắc đến, có chăng chỉ là một thói quen thuần túy ngôn từ.

20.11 là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1946, ở Paris người ta thành lập một tổ chức quốc tế các nhà giáo mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE. Ba năm sau đó – năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE đã xây dựng một bản THE TEACHERS’ CHARTER – Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương. 

Việt Nam tham gia vào tổ chức FISE từ năm 1953. 1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Vậy, Hiến chương là gì? Là những nội dung ký kết giữa nhiều nước, trong đó quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong quan hệ quốc tế.

Báo VietnamNet (2017) đăng lời nhận định của một nhà giáo: “Hiến chương các nhà giáo, hiển hiện như một trong những văn bản tinh hoa, được soạn thảo bởi những cá nhân ưu việt, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ, những giá trị vĩnh hằng, được sản sinh ra từ các nền giáo dục văn minh và từng trải. Nó không phụ thuộc vào thể chế chính trị, hay tôn giáo, sắc tộc nào cả. Chắc chắn nó như một ngọn hải đăng, soi sáng, hướng đạo cho mọi nền giáo dục, nhất là những nền giáo dục còn đang trưởng thành”.

Tóm lại, ngày 20.11 hay còn gọi là Ngày Hiến chương các nhà giáo, là ngày đánh dấu và kỷ niệm một một văn bản quan trọng bậc nhất của những người làm nghề giáo và giáo dục nói chung. Đọc vào bản Hiến chương này, chúng ta thấy tính chất đấu tranh của nó, nghĩa là sự ra đời của nó chính xác là sự đòi hỏi của các nhà giáo về các quyền và những giá trị cơ bản để làm nghề và, từ đó, xây dựng xã hội.

Nó không phải là một ngày hội, càng không phải là ngày để chúc tụng, ăn mừng. Nó là ngày để nhắc mỗi người hãy đọc lại bản Hiến chương, xem điều nào trong thực tế chưa được thực hiện và phải tranh đấu để nó trở thành hiện thực; nó nhắc mỗi nhà giáo về trách nhiệm và sứ mạng của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nhắc mỗi người về sự tôn nghiêm nhân cách và tự trọng nghề nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi người phải lên tiếng để đòi cho bằng được những gì mà chính phủ đã ký kết bên dưới bản Hiến chương ấy.

Xin trích vài điều trong Hiến chương để các nhà giáo so sánh với thực tế hiện nay và suy nghĩ, từ đó xem bản thân có nên ăn mừng hay phải làm gì khác nữa.

Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.

Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến của mình cho trẻ.

Nhà giáo không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.

Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.

Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.

Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.

Các bạn muốn đọc đầy đủ thì mời search Google. Còn bây giờ, mang bản Hiến chương này ra đối chiếu với những gì đang diễn ra, thì ngày hôm nay, 20.11, không có gì đáng để ăn mừng với hoa hòe, cờ quạt, cỗ bàn hay chúc tụng cả. Nó là một ngày tranh đấu.

Nếu được phép chúc, tôi chỉ muốn chúc một lời: Chúc cho mỗi thầy cô giáo Việt Nam sẽ dám sống, để được sống như những gì bản Hiến chương đã quy định.

Thái Hạo

***

Nguyễn Văn Tuấn: Hôm nay (20/11) là Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Nhưng lịch sử của ngày này thì có vẻ chẳng liên quan gì đến nhà giáo Việt Nam.

Năm 1949. Warszawa (Ba Lan). Một hội nghị của Tổ chức ‘Word Federation of Teachers Unions’, viết tắt theo tiếng Pháp là FISE (có thể dịch là Liên Đoàn Nhà Giáo Thế Giới) diễn ra [1].

FISE công bố một tuyên ngôn nhan đề “Hiến Chương Nhà Giáo”. 

Bản hiến chương đó có nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản và xây dựng nền giáo dục XHCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà giáo XHCN. 

Năm 1957, cũng tại Warszawa, một hội nghị khác khai triển hiến chương đó, và họ đề nghị từ năm 1958 trở đi, khối XHCN sẽ lấy ngày 20/11 làm ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. 

Việt Nam ở ngoài Bắc trước 1975 và toàn quốc từ 1982 cũng lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. 

Trên thế giới, có những nước không có Ngày Nhà Giáo. 

Ở miền Nam trước đây không có ngày nhà giáo. 

Tuy nhiên, một số lớn nước thì có Ngày Nhà Giáo. Tuy rằng đa số chọn ngày 5/10 theo khuyến nghị của UNESCO làm Ngày Nhà Giáo [2]. 

Nhiều nước chọn ngày khác làm Ngày Nhà Giáo:

Hungary lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 6; 

Ukraine lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 10; 

Ba Lan (14/10), v.v. 

Một số nước chọn những ngày gắn liền với một nhân vật hay sự kiện mang tính lịch sử. 

Tôi nghĩ Việt Nam nên lấy ngày 25/8 làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Tại sao? Tại vì đó là ngày sanh của Chu Văn An (25/8/1292), một nhà giáo lớn của Việt Nam.

Tranh thờ Chu Văn An (1292-1370) trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội

Nguyễn Văn Tuấn 

_____

[1] Hiến Chương của Liên Đoàn Nhà Giáo Thế Giới (FISE): http://wftufise.org/constitution Có nhiều chỗ dịch sai tiếng Anh. 

[2] UNESCO đề nghị ngày 5/10 là Ngày Nhà Giáo:

https://www.unesco.org/en/days/teachers

***

Lê Học Lãnh Vân: Bụi đen giấy trắng

Một lớp học Tiểu học ở miền Nam trước năm 1975. Ảnh: Nhạc xưa Blog

Sau năm 1975, tình Thầy Trò Miền Nam bị cơn bão ập tới
Đồng lương đủ nuôi vợ con thành đồng lương chết đói
Bốc lột tàn nhẫn tấm lòng, công sức Thầy Cô
Thầy Cô không còn làm chủ học đường, lớp học,
Chỉ là cây roi trong tay kẻ có quyền
Thầy Cô mất vai trò giáo dục
Phải thực thi chức trách minh họa, nhồi nhét, tuyên truyền
Nhiều điều ngược chiều Khai phóng, Trung thực, Yêu thương…

Để bây giờ
Thầy Cô chịu thua bạo lực học đường
Thầy Cô khóc trước băng hoại đạo đức học đường
Thầy Cô trung học khúm núm trước quan chức hành chánh
Thầy Cô đại học lạy lục trọc phú, ma tăng
Môi trường mô phạm đầy rẫy bằng giả bằng gian
Những kỳ thi tổ chức bởi đám mafia bán buôn bằng cấp

Ngày Nhà giáo, thiệt lòng, tôi khóc
Xin góp sức vì nền gíáo dục chân thật
Xóa những ảo, những dối gian, những độc ác
Đã hằn bụi đen trên trang giấy trắng
Cho điều bình thường sớm trở lại học đường…

Ngày Nhà giáo, năm 2024

(Bài viết tin rằng giáo dục Miền Bắc, Miền Nam chung một số phần. Sở dĩ viết Thầy Trò Miền Nam vì người viết chỉ biết Miền Nam, không dám nói về Miền Bắc)

Lê Học Lãnh Vân