Nguyễn Tiến Cường: Những nhận định ban đầu khác nhau từ việc thành lập nội các nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump

Hình: Wiki, Pexels

Còn 2 tháng nữa mới đến ngày nhậm chức nhưng ngay sau khi biết minh chiến thắng cuộc bầu cử ngày 05.11.2024, ông Donald Trump đã bắt tay ngay vào việc chọn lựa nhân sự cho nội các của mình.

Việc tuyển lựa nhân sự của ông Trump vào những vị trí then chốt như Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Bộ y tế, Giáo dục, Cơ quan Tình báo Quốc gia…đã khiến nhiều người sửng sốt, bàng hoàng. Những người được chọn vào những chức vụ trọng yếu nói trên, đa số gần như không có một chút kinh nghiệm hay kiến thức, học vấn đầy đủ để đảm nhiệm công việc được giao phó.

Thử điểm qua những vị trí đã được ông Trump chọn – không kể Matt Gaetz cho Bộ Tư pháp đã bị chính đồng sự trong Thượng Viện của đảng Cộng Hòa loại bỏ – nếu được chấp thuận:

1. Ông Pete Hegseth – Bộ trưởng Quốc phòng. Hegseth sinh năm 1980, là một cựu Thiếu tá Vệ binh Quốc gia (National Guard), tình nguyện tham gia vào lực lượng bảo vệ lễ nhậm chức của Tổng Thống Joe Biden nhưng bị loại trước ngày 20.01.2021 cùng với 11 người khác do bị báo cáo về những hình xăm trổ trên người – những hình xăm trổ biểu lộ sự kỳ thị chủng tộc, đề cao chủ nghĩa phát -xít, có thể là một nguy hiểm tiềm tàng. Sau khi rời khỏi lực lượng Vệ binh Quốc gia, Hegseth trở thành xướng ngôn viên của Đài Truyền hình cực hữu Fox News. Pete Hegseth đang phải đối mặt với những tố cáo về xâm phạm tình dục, nhiều khả năng sẽ bị phủ quyết (1).

2. Ông Robert F Kennedy Jr. đảm nhiệm Bộ Y tế – Robert F Kennedy Jr. sinh năm 1954, khởi thủy là luật sư về mội trường, không có kiến thức chuyên môn về y khoa, tác giả nhiều quyển sách viết về thuyết âm mưu. Robert F Kennedy Jr. cũng là người chống lại việc chích ngừa phòng bệnh cho trẻ em, cho rằng chích ngừa cho trẻ em sẽ gây ra bệnh tự kỷ (autism) mặc dù chưa bao giờ chứng minh được những gì tuyên bố. Gia đình Robert F Kennedy đã gọi Robert F Kennedy Jr là kẻ phản bội khi ông lên tiếng ủng hộ Donald Trump.

3. Bà Tulsi Gabbard – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia DNI (Director Of National Intelligence), chỉ huy toàn bộ sinh hoạt 18 cơ quan tình báo Mỹ, kể cả CIA, DIA, NSA… Sinh năm 1981, từng tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Hawaii. Gabbard là người gốc Hindu đầu tiên trở thành dân biểu Quốc hội Mỹ trong thời gian 2013-2021. 

Từng là đảng viên đảng Dân Chủ trong nhiều năm nhưng đổi sang đảng Cộng Hòa trong năm 2022. Gabbard cho biết lý do rời khỏi đảng Dân Chủ là vì đảng được lãnh đạo bởi tầng lớp tinh hoa có ý thúc đẩy một cuộc chiến tranh nguyên tử. Tháng 10.2024, Tulsi Gabbard công khai lên tiếng ủng hộ Donald Trump, trong một cuộc vận động tranh cử của Trump, Gabbard cho biết đã gia nhập đảng Cộng Hòa. Tulsi Gabbard hoàn toàn không có kinh nghiệm, chưa hề nắm giữ một chức vụ nào về tình báo, an ninh quốc gia. 

Hơn thế nữa Gabbard còn lên tiếng bênh vực Vladimir Putin trong việc Nga xâm chiếm Ukraine. Gabbard đổ lỗi, chỉ trích NATO là nguyên nhân khiến cho Nga xua quân tấn công Ukraine. Gabbard cũng mạnh mẽ bênh vực Edward Snowden, Julian Assenge, thúc đẩy một sự ân xá cho Edward Snowden trong việc tiết lộ những tin tức tình báo của Mỹ trước đây (2). 

Trump đã từng chỉ trích, chê bai giới chức tình báo Mỹ, đồng thời ca ngợi tình báo của Putin. Việc bổ nhiệm một người như Gabbard rất phù hợp với mong muốn của Nga, Tàu, Iran (3). 

4. Bà Linda McMahon – Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Bà McMahon sinh năm 1948 – có lẽ là người già nhất trong nội các, sau ông Trump – là người thành lập và chủ tịch điều hành Đô Vật và Giải Trí Thế giới WWE (World Wrestling Entertainment). Bà McMahon có rất nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các giải đô vật cho võ sĩ toàn thế giới tham gia nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giáo duc thì chắc chỉ ngang với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ của cộng sản Việt Nam (4).

5. Ông Vivek Ramaswamy. Đồng bộ trưởng Bộ Năng Lực Chính Quyền (Department Of Government) viết tắt là DOGE. Elon Musk. – một bộ do Trump mới có sáng kiến thành lập, chưa biết cấu trúc ra sao, hoạt động như thế nào? Sinh năm 1985, cha mẹ là di dân gốc Ấn Độ, tốt nghiệp cử nhân sinh học ở Harvard, tiến sĩ luật khoa đại học Yale, thành lập cơ sở kinh doanh dược phẩm Roivant Sciences. Năm 2015, Ramaswamy thành lập công ty cổ phần Roivant Ägide (công ty con của Roivant Sciences) nhằm mua lại một loại thuốc chống bệnh đãng trí (Alzheimer) mà tổ hợp Glaxo Smith Kline đã từ bỏ sau những thử nghiệm lâm sàng.

Sau khi được lên sàn chứng khoán, vốn hóa thị trường của Roivant Ägide đạt tới 3 tỷ $. Tuy nhiên, sau đó nhanh chóng tụt xuống chỉ còn 276 triệu $ vào năm 2018. Ramaswamy từ chức Giám Đốc Điều Hành (CEO) Roivant trong năm 2021, Năm 2022 dù Ramaswamy đã từ chức, việc kinh doanh vẫn lỗ ròng 975 triệu $ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Ramaswamy thường tự coi mình là một nhà khoa học nhưng chưa bao giờ làm việc trong phòng thí nghiệm hay nghiên cứu, thường khoe đã chế tạo được nhiều loại thuốc (tên gì thì không ai biết). Thực tế, Ramaswamy chỉ tạo dựng tên tuổi cho mình qua việc lợi dụng Hedge-Fonds.

Năm 2022, thua me gỡ bài cào, Ramaswamy cùng Peter Thiel và J. D. Vance thành lập công ty đầu tư Strive Assets với tiền vốn của Thiel, Vance và một số người khác. Ramaswamy là đồng chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty có mục đích đối trọng với các công ty đầu tư khác như Black Rock hay The Vanguard Group, những công ty mà Ramaswamy chỉ trích là chú trọng quá nhiều vào các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và do đó bỏ qua việc tối đa hóa giá trị cổ đông.

Vivek Ramaswamy cũng từng có tham vọng trở thành Tổng Thống Mỹ trong năm 2024 nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định sau khi nhận ra mình chưa đủ thực lực, sức mạnh đối đầu với Donald Trump, để rồi sau đó quay sang ủng hộ Trump (5).

6. Ông Elon Musk. Musk sinh năm 1971 là di dân từ Nam Phi qua Canada rồi đến Mỹ lập nghiệp, trở thành tỷ phú, chủ tịch điều hành (CEO) của Tesla, công ty xe điện lớn nhất thế giới. Musk cực kỳ thông minh, khôn ngoan nhưng cũng rất thủ đoạn, láo xạo. Musk chỉ bắt đầu ủng hộ ông Trump thành tổng thống khoảng hơn 2 tháng trước ngày bầu cử 05.11.2024 khi thấy cơ hội thắng cử của Trump trở nên rõ rệt. Elon Musk bỏ ra 44 tỷ $ để mua mạng xã hội Twitter rồi đổi tên thành X với mục đích thao túng, kiểm soát truyền thông theo ý mình, chống lại truyền thông dòng chính. Tuy nhiên, Musk bị chính Chat Bot Grok của mình trong X nhận định là kẻ nói láo nhất hiện nay (6).

Elon Musk và Vivek Ramaswamy có dự định cắt giảm tối đa lực lượng công nhân, viên chức của chính quyền. Hàng loạt công nhân, viên chức chính quyền sẽ bị sa thải. Những ngân sách theo Musk và Ramaswamy đánh giá là “hoang phí” như chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh, điều trị nghiện ngập ma túy cho đến NASA…đang lọt vào tầm ngắm của DOGE. Nếu thành công, Musk và Ramaswamy sẽ tiết kiệm được 500 tỷ $ cho ngân sách (7) nhưng đồng thời cũng vi phạm hiến pháp nặng nề. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Mỹ bị thao túng, điều khiển bởi những tài phiệt không có nhiệm vụ gì trong chính phủ.

7. Bà Pam Bondi. Người thay thế chỗ của Matt Gaetz, sinh năm 1965, tốt nghiệp tiến sĩ luật ở Stetson Law School, là Bộ trưởng Tư pháp của tiểu bang Florida, từng là ủy viên công tố của quận Hillsborough trong 18 năm. Trước đây, Bondi là đảng viên đảng Dân chủ nhưng nhẩy qua đảng Cộng Hòa trong năm 2000, nhiệt tình ủng hộ ông Trump từ cuộc bầu cử năm 2016.

Pam Bondi đã ghi điểm với Trump khi đình chỉ vụ kiện lường gạt của Trump về Trump University năm 2013. Năm 2018, Pam Bondi tham gia vào một vụ kiện khi tiểu bang Florida cùng 19 tiểu bang đỏ khác nhằm lật ngược lệnh của ACA (Affordable Care Act, gọi tắt là Obamacare) cấm các công ty bảo hiểm y tế tính tiền phí cao hơn với những người đã có bệnh từ trước hoặc từ chối không nhận bảo hiểm cho họ.

Bổ nhiệm Pam Bondi làm Bộ trưởng Tư pháp trong nội các có thể là cách trả ơn Bondi của Trump dù chưa biết mức độ trung thành của Bondi ra sao vì Bondi từng lên tiếng bảo vệ cộng đồng LGBT (8).

Những luồng ý kiến, nhận định khác nhau:

Nhiều nhà bình luận cho rằng ông Trump bất cần chuyên môn, ông chỉ cần lòng trung thành của thuộc hạ, biết nghe lời tuyệt đối, không thắc mắc, đặt câu hỏi, sốt sắng thi hành, rập khuôn y như chế độ cộng sản, độc tài – Hồng hơn Chuyên – để có thể trở thành nhà độc tài với tham vọng không hề che dấu của ông là được ngồi trong Tòa Bạch Ốc vĩnh viễn, khi khen tặng các lãnh đạo như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un….

Tuy nhiên, nếu cho rằng Trump lựa chọn nội các như vậy chỉ vì muốn tập trung chung quanh những người trung thành, đồng thời muốn trả thù những ai đã cản trở mình và cả hệ thống của nước Mỹ, có lẽ là đơn giản hóa vấn đề.  

Trước hết, nói về Donald Trump. Do tính cách, bản chất, kinh nghiệm sống, từ lâu đối nội Trump đã không có lòng tin vào hệ thống chính trị đang vận hành nước Mỹ bao gồm cả hành pháp, tư pháp, lập pháp; đối ngoại Trump không thích và không chia sẻ những cái lợi của chính sách toàn cầu hóa, tự do thương mại, những định chế quốc tế, cũng như các cam kết lâu đời của Mỹ với các đồng minh. Chính vì vậy, đối nội, Trump cho rằng cái hệ thống này đã bị hư hỏng, giới tinh hoa, những chuyên viên là những kẻ bị hư hỏng, tham nhũng tới tân xương tủy, cần phải “thay máu” bằng những người ở bên ngoài hệ thống và hoàn toàn không có kinh nghiệm. Thêm vài đó, một số chính sách thiên hẳn về bên tả của khối cấp tiến với chính trị bản sắc (identity politics), nạn khủng hoảng nhập cư và những thay đổi của xã hội Mỹ từ khối người nhập cư v.v….khiến cho nhiều người Mỹ da trắng, bảo thủ, sùng đạo, có tâm lý muốn lấy lại nước Mỹ của mình “I want my country back” and “Make America Great Again” cũng như hoài nghi giới tinh hoa, làm chính trị chuyên nghiệp. Đối ngoại, Trump muốn quay về với chính sách bảo hộ thương mại, ngoại giao theo kiểu giao dịch với những lợi ích cụ thể, không quan tâm đến nhân quyền, lý tưởng, giá trị vô hình hay việc thúc đẩy dân chủ kiểu Mỹ trên thế giới nữa v.v…

Thứ hai, những sai lầm trong một số chính sách của phe Dân chủ khi họ để mất kết nối với người lao động bình thường Mỹ, dẫn đến việc trở lại của Trump. Cũng chính những sai lầm này đưa đến việc chọn lựa nội các kiểu như Trump tức là chọn những nhân vật hoàn toàn trái ngược với phe Dân chủ và với mọi chuẩn mực, tiêu chuẩn theo truyền thống.

Tuy nhiên, với thể chế chính trị của Mỹ, dù Trump có muốn trở thành độc tài, được quyền lãnh đạo đất nước vĩnh viễn như Putin, Tập, Kim… cũng không dễ dàng thực hiện. Quốc hội Mỹ, dù đảng Cộng Hòa nắm đa số, việc cho phép Trump ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ không thể nào thông qua vì phải sửa đổi hiến pháp, chỉ khi nào Thương viện có đủ 67 nghị sĩ, Trump mới có hy vọng ngồi thêm một nhiệm kỳ, ngoài ra còn vấn đề tuổi tác, sức khỏe.

Về nguồn tin cho rằng sự lựa chọn nội các của Trump chứng tỏ Trump là con rối của Nga, dù có nhiều chỉ dấu cho thấy Trump nhũn nhặn ra mặt những lần gặp gỡ Putin trước đây, nhưng bằng chứng rõ ràng về những liên hệ bất lợi cho Trump với Putin vẫn còn là một dấu hỏi.

Chỉ có một chuyện khiến nhiều người tự hỏi, lý do nào ngay sau khi tin Trump thắng cử 2024 đài truyền hình Moscow đã chiếu cho khán giả xem những hình ảnh lõa thể của Đệ nhất Phu nhân Melania Trump (9). 

Với những người Mỹ ủng hộ Trump, họ tin rằng nhiệm kỳ 4 năm tới của Trump sẽ thành công rực rỡ, nước Mỹ sẽ thịnh vượng, vĩ đại trở lại về mọi mặt. Ngược lại, với những người Mỹ không thích và không bầu cho Trump, họ cho rằng tình hình nước Mỹ trong 4 năm tới chắc chắn sẽ ảm đạm với thành phần nội các như trên, và họ chỉ biết hy vọng rằng đảng Cộng Hòa vẫn còn những nghị sĩ trong thượng viện còn giữ được lòng tự trọng, lương tâm, liêm sỉ để không vì tương lai chính trị ủng hộ Trump một cách mù quáng, Thậm chí có những người bi quan đến mức tư hỏi nước Mỹ phải chăng đã hết rồi thời kỳ cực thịnh – lãnh đạo thế giới tự do – đang bắt đầu suy tàn đúng theo sự vận hành của trời đất? Lịch sử sụp đổ của Đế Quốc La Mã có vẻ như đang được lập lại?

Có một điều chắc chắn, nước Mỹ dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ rất khác, và trật tự thế giới cũng sẽ khác.

Nguyễn Tiến Cường

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.

********

Tham khảo:

(1) https://www.t-online.de/nachrichten/ausland/usa/us-wahl/id_100536268/pete-hegseth-polizeiakte-enthuellt-details-zu-den-vorwuerfen.html

(2) https://edition.cnn.com/2024/11/21/politics/tulsi-gabbard-director-national-intelligence-distrust/index.html

(3) https://www.reuters.com/world/us/spy-world-vexed-by-trump-choice-gabbard-us-intelligence-chief-2024-11-14/

(4) https://de.wikipedia.org/wiki/Linda_McMahon

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Vivek_Ramaswamy

(6) https://winfuture.de/news,146824.html

(7) https://www.cbsnews.com/news/musk-ramaswamy-doge-500-billion-spending-where-they-will-cut/

(8) https://apnews.com/article/things-to-know-pam-bondi-eec1d16075c7debda62223b475e3977d

(9) https://www.newsweek.com/russian-state-tv-airs-melania-trumps-nudes-primetime-1982683