Dư luận về chuyến đi hành hương đến đất Phật của sư Minh Tuệ
Trần Hạ Vi: Sư Minh Tuệ đi Ấn Độ: Chuyến hành hương lịch sử
Mấy ngày nay rộ lên thông tin sư Minh Tuệ đi Ấn Độ, đặc biệt là sau lá tâm thư của thầy xin được giúp đỡ hỗ trợ về mặt giấy tờ để có thể đi Ấn Độ thăm viếng những thánh tích của Phật Giáo như là một tâm nguyện trước đây của thầy.
Sau những thất vọng về việc hiện tại thầy sẽ không đi khất thực nữa, cộng đồng mạng, cộng đồng Phật tử và những người ủng hộ sư Minh Tuệ rộn ràng nô nức trước tin thầy sẽ (có thể) đi Ấn Độ. Thầy Minh Tuệ đã nói sẽ đồng hành cùng TS Đoàn Văn Báu. Sau đó có tin thầy Phước Nghiêm, Phật giáo Hòa Hảo cũng sẽ đồng hành. Rồi Youtuber Lê Khả Giáp, người đã có nhiều kinh nghiệm đi bộ xuyên quốc gia, cũng sẽ đồng hành cùng thầy Minh Tuệ. Ngoài những cái tên nổi bật như trên thì cộng đồng mạng cũng đang xôn xao chuẩn bị, Youtubers chuẩn bị đi theo quay clip, người đi theo bảo hộ, người đi ủng hộ tinh thần. Người không đi theo được xuyên suốt thì dự định đi một quãng. Người ở nhà không đi được thì gửi tiền của vật chất trợ giúp người đi bảo hộ, quay clip, vv… Nói chung thầy Minh Tuệ chỉ cần cất bước là sẽ có một đoàn rồng rắn đi theo, tất nhiên chắc cũng sẽ có an ninh chìm Việt Nam đi theo để đảm bảo an toàn.
Tuyến đường đi bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ sẽ đi qua các nước sau: hoặc Lào hoặc Campuchia (tùy chọn cửa khẩu nào), Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ. Người cầm hộ chiếu Việt Nam được miễn thị thực ở Lào, Campuchia, Thái Lan (visa cấp tại cửa khẩu được ở một tháng), và phải xin visa khi đi sang Myanmar và Ấn Độ. Nếu nhìn theo tình hình như thế, sẽ rất tiện cho cộng đồng mạng đi theo thầy, ít nhất là một đoạn sang Lào/Campuchia và Thái Lan. Chỉ tính đến đây đã thấy số người đi theo thầy Minh Tuệ chắc phải lên đến hơn chục người, vài chục người. Nếu kể những người không đi xuyên suốt (tức là chỉ đi theo 1-2 ngày rồi về) thì đoàn chắc có thể lên đến trăm người hơn. Chưa kể là chuyến đi có thể thu hút nhiều người biết đến thầy Minh Tuệ (không hẳn chỉ là người Việt, không hẳn chỉ ở Việt Nam, cũng không hẳn tôn giáo phải là Phật Giáo) đi theo đoàn. Đây sẽ là một chuyến hành hương lịch sử, nếu nó xảy ra.
Về mặt chính quyền Việt Nam thì chính quyền coi như đã đẩy một củ khoai nóng ra khỏi tay, không phải lo giám sát bảo hộ an ninh ở Việt Nam nữa. Đây xét ra cũng là mong muốn của chính quyền ngay từ đầu, và mong muốn của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Ngay từ tháng 5/2024, lúc trend về thầy Minh Tuệ đang rất nóng trên mạng xã hội đã có thông tin đồn đoán thầy sẽ đi Ấn Độ. Thậm chí vào ngày 8/6/2024, trong clip thầy Minh Tuệ nhận căn cước công dân (CCCD) ở Gia Lai, anh thượng tá khi trao đổi đã hỏi thầy có muốn đi Ấn Độ không, và trao CCCD nói là thầy có thể đi tàu xe, máy bay vv… như là quyền lợi của người có CCCD. Vậy chuyến đi này có thể xem là ‘hợp ý chính quyền’. Về Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thầy đi khỏi Việt Nam một thời gian là như gỡ được cái gai trong mắt, để họ tiếp tục chiêu nạp tín đồ đến chùa chiền cúng dường như cũ.
Tuy nhiên, nghĩ xa hơn một chút, sư Minh Tuệ đi Ấn Độ thực ra sẽ không làm cho người Việt Nam quên lãng sư mà chuyến đi này có thể trở thành một cuộc hành hương lịch sử cho Phật giáo Việt Nam, và cả Phật giáo thế giới. Một người đầu trần chân đất ba y một bát đi khất thực một ngày một lần và đi bộ từ Việt Nam sang thăm viếng thánh địa Phật Giáo ở Ấn Độ sẽ là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người đi theo, tìm hiểu. Sức ảnh hưởng của thầy Minh Tuệ sẽ không ngừng lại ở Việt Nam mà vươn ra thế giới. Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar đều là những nước có đông đảo tín đồ Phật Giáo, nên chuyến đi của thầy sẽ được nhiều ủng hộ và thêm nhiều người biết đến. Theo số liệu thống kê của ChatGPT, ước lượng ở Lào có 4.9 triệu Phật tử (66% dân số), Campuchia có 15 triệu Phật tử (96% dân số), Thái Lan có 66 triệu Phật tử (93% dân số), Myanmar có 40 triệu Phật tử (88% dân số). Đa phần là theo Phật giáo Nguyên thủy. Tuy Ấn Độ hiện tại chỉ có khoảng 10 triệu tín đồ Phật Giáo (0.7% dân số), nhưng số người đi ủng hộ và hành hương theo đoàn chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể sau khi đi qua những quốc gia Lào/Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Không loại trừ là sẽ lên tới vài trăm hay vài ngàn người.
Nói thêm về những chuyến hành hương tôn giáo trên thế giới, ở Việt Nam không có hành hương tôn giáo nên người Việt thấy mới lạ, chứ những tôn giáo khác có nhiều chuyến hành hương rất lớn mỗi năm. Thường niên có khoảng 20 đến 25 triệu người theo Ấn Độ giáo hành hương về Varanasi để tắm gội ở sông Hằng nhằm thanh tẩy tội lỗi, giải thoát và tưởng nhớ cầu nguyện cho tổ tiên. Mỗi năm cũng có khoảng 2.5 đến 3 triệu người theo Hồi giáo tham gia hành hương Hajj đến thánh địa Mecca, Ả Rập Xê út. Đây là chuyến hành hương rất quan trọng mà mỗi tín đồ Hồi giáo được khuyên là phải tham gia ít nhất một lần trong đời. Đối với những thánh tích của Đức Phật ở Ấn Độ, mỗi năm cũng có khoảng 7 đến 10 triệu người hành hương thăm viếng. Vậy thì việc thầy Minh Tuệ có một chuyến hành hương đến đất Phật cũng không phải là việc hi hữu. Tuy là không phải tất cả mọi người đều đi bộ xuyên suốt trong những chuyến hành hương đã được kể trên, nhưng mọi người thường đi bộ một thời gian khi đến gần các thánh tích. Đồng thời, chuyện sắp xếp bảo vệ cho các đoàn hành hương cũng là chuyện quen thuộc đối với những nước như Ấn Độ nên không có gì phải quá bối rối bỡ ngỡ như ở Việt Nam.
Không biết hiện tại chính quyền Việt Nam đang nghĩ gì sau khi các báo đã đồng loạt gỡ tin thầy Minh Tuệ sẽ đi Ấn Độ. Chính quyền đang… suy nghĩ lại? Thiển nghĩ, chính quyền cứ để cho sư Minh Tuệ đi, chỉ cần bảo hộ an ninh trật tự đến cửa khẩu sang Lào hoặc Campuchia (tùy đường đi) rồi sau đó là họ khỏi phải lo lắng nữa. Đây cũng là minh chứng cho việc chính quyền tôn trọng quyền thực hành tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Đồng thời, đây là quyền di chuyển du lịch hợp pháp của một công dân Việt Nam. Với chuyến đi này, có thể tầm ảnh hưởng của thầy Minh Tuệ sẽ càng lớn hơn, và biết đâu chuyến đi này có thể góp phần chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và thậm chí trên thế giới. Là việc tốt lành thay. Cũng là một dấu ấn sáng ngời và niềm tự hào cho Phật Giáo Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Mong nhiều thuận lợi và phước lành cho sư Minh Tuệ và đoàn đi cùng trong chuyến hành hương lịch sử này.
Trần Hạ Vi
30.11.2024
***
Nguyễn Thanh Huy: Sư Minh Tuệ với hành trình về Thánh tích
Trong một video mới nhất, đăng ngày 27/11/2024, chính sư Minh Tuệ đã xác nhận ông sẽ bộ hành sang Ấn Độ và đi cùng có anh Đoàn Văn Báu để trợ giúp các thủ tục pháp lý.
Đây là một tin tốt. Tốt vì sư có thể thực hiện được tâm nguyện của mình khi đến thăm bốn thánh tích Phật giáo và để tỏ lòng tri ân với Đức Thích Ca Mâu Ni. Và hơn hết, sư được hiện thực ước nguyện bộ hành trên đôi chân trần mà không phải bằng các phương tiện khác. Điều này rất hợp lẽ, đúng với hạnh tu của ông. Như vậy ông có thể du hoá khất thực gieo duyên với trăm họ trên suốt hành trình trải dài qua nhiều quốc gia, lãnh thổ.
Đặc biệt, với cách đi này chuyến hành trình chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho xã hội, lan toả tình yêu thương và nhân lên lòng hướng thiện. Theo đó, hình ảnh đất nước và con người Việt sẽ được biết đến nhiều hơn trong sự ngưỡng vọng của những con người yêu lương thiện. Hành trình như vậy là điều chưa từng thấy trong lịch sử thế giới hiện đại.
Chuyến đi này của sư Minh Tuệ khiến ta nhớ đến hành trình của Trần Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7. Nhưng điểm khác là khi Huyền Trang đi, ông lặng lẽ một mình và đi trong cách bất hợp pháp trước sự khắt khe của triều đình đương thời. Và tâm nguyện của ông là tìm kiếm cho được kinh sách để giải quyết những vấn để đang tồn tại trong hệ thống các giáo lý của Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ. Trong khi đó, sư Minh Tuệ lại khác, ông không có sứ mệnh lớn lao như vậy. Ông đi như một tâm nguyện cá nhân để bày tỏ tấm lòng biết ơn với bậc đạo sư đã giúp ông tin và chọn con đường giải thoát. Nhưng biết đâu, ông đang thực hiện một sứ mệnh trọng đại bằng chính sắc thân ngũ uẩn cùng pháp hành của mình trong thời đại suy vi này. Một thời đại mà kinh sách chất cao hơn núi nhưng chỉ để người tu đọc và thuyết một cách sáo rỗng, thậm chí còn xuyên tạc, bóp méo. Nói cách khác, đó là một thời đại thiếu vắng sự thực hành theo giáo lý đúng nghĩa; một thời đại không có được mấy người tu chân chánh. Người ta đến với đạo Phật không phải để cầu giải thoát mà để cầu danh cầu lợi cầu tài. Người ta đến với đạo Phật không phải để buông mà để chấp, chưa buông thứ này đã chấp thứ khác, chưa diệt ái dục đã thêm tham si. Vậy nên, sự xuất hiện của một hành giả đầu đà với đầy đủ giới hạnh sẽ là minh chứng sống động, rõ nét cho giáo pháp Như Lai còn hiện hữu. Và mặc nhiên, tự thân nó đã mang trong mình một sứ mạng to lớn – hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh; thức tỉnh nhân tâm, khơi dậy Phật tính.
Với tâm nguyện hành hương về thánh tích ngay lúc này có lẽ đó cũng là một lựa chọn vẹn cả đôi đường. Vì ông không chỉ được thỏa ước nguyện mà còn có thể hành trì tu tập như cách mà ông mong muốn trên con đường thực hành hạnh đầu đà. Đồng thời nó cũng tháo gỡ được những khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh; giảm bớt áp lực cho xã hội trước những luồng dư luận. Hoàn cảnh này lại khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện “Cửu niên diện bích” của tổ Bồ Đề Đạt Ma. Năm 520, đời Lương Vũ đế, niên hiệu Phổ Thông, ngài Bồ Đề Đạt Ma vượt biển đến Kim Lăng. Trong cuộc hội kiến với nhà vua, ngài nhận thấy vua không hiểu đạo nên rời đi, qua sông đến Lạc Dương, dừng lại trên núi Tung Sơn, toạ thiền xoay mặt vào vách đá suốt chín năm ròng. Sở dĩ tổ Đạt Ma làm vậy vì ông thấu tỏ thiên cơ, ngay lúc đó chưa đúng thời để ông có thể thi triển đạo hạnh của mình. Sau 9 năm diện bích, người ta bắt đầu tin và tìm đến ông để học đạo. Ông trở thành sơ tổ thiền tông Trung Hoa.
Nhớ lại, những chuyện xưa tuy không hoàn toàn giống hôm nay nhưng cũng đủ thấy rằng con đường của hành giả luôn đầy chông gai, thử thách. Bước chân trên con đường ấy phải là những bậc đại dũng, nên không có chỗ cho những xúc cảm yếu hèn, bị lụy của thế tục, chỉ có đại nguyện từ bi – mang lại hạnh phúc cho thế nhân.
Nha Trang, 27/11/2024
***
Gió Bấc: Sư Minh Tuệ phát tâm bộ hành về đất Phật, chính đáng, khả thi nhưng…
Dư luận đang xôn xao chuyện sư Minh Tuệ thông báo ước nguyện bộ hành đến Ấn Độ viếng các thánh tích và đảnh lễ đức Phật Thích Ca. Hành trình dài tương đương với chuyến thỉnh kinh của Trần Huyền Trang. Với công phu rèn luyện bốn lần bộ hành xuyên Việt và sự trợ duyên của cộng đồng, tâm nguyện sư Minh Tuê hoàn toàn khả thi. Nhưng xứ Đông Lào thời nay không giống Đại Đường, e rằng ….
Trong thông báo viết tay và trả lời các youtuber, sư cho biết ông muốn đi đến đất nước Ấn Độ, nơi Đức Phật và nơi đất Phật để định lễ bốn thánh tích, tập học về tri ân Đức Phật và cầu cho thế giới hòa bình nhân loại hạnh phúc.
Chỉ trừ trường hợp qua sông phải đi thuyền còn lại ông “muốn tự mình đi, không ảnh hưởng đến ai”. Không cần ai ủng hộ tiền bạc, phương tiện. Ông không kêu gọi ai đồng hành nhưng không cấm cản người có nguyện vọng đi theo. Tuy nhiên ông lưu ý là nếu số người tham gia quá đông thì phải chia nhiều nhóm nhỏ và phải tổ chức sắp xếp khoảng cách, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự của vùng đất đi qua. Ông chỉ cần sự hỗ trợ duy nhất là “hướng dẫn làm thủ tục, giấy tờ” và chỉ đường đi.
Bộ hành khoảng 5000 km
Trong thông báo viết tay và trả lời các youtuber, sư cho biết ông muốn đi đến Ấn Độ, nơi Đức Phật đã sinh ra và thành đạo, để lễ bốn thánh tích, học hỏi về tri ân Đức Phật và cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc. Chỉ trừ trường hợp phải qua sông và đi thuyền, còn lại ông “muốn tự mình đi, không ảnh hưởng đến ai”. Sư không kêu gọi ai ủng hộ tiền bạc hay phương tiện. Ông không yêu cầu ai đồng hành nhưng cũng không cấm cản những người có nguyện vọng đi theo. Tuy nhiên, sư lưu ý rằng nếu số người tham gia quá đông thì phải chia thành nhiều nhóm nhỏ, tổ chức sắp xếp khoảng cách và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong suốt hành trình. Sư chỉ cần sự hỗ trợ duy nhất là “hướng dẫn làm thủ tục, giấy tờ” và chỉ đường đi.
Ông Đoàn Văn Báu, Tiến sĩ, Thượng tá An ninh, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, đã bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ sư Minh Tuệ trong lĩnh vực này trên Facebook cá nhân. Sau đó, ông đã đến Gia Lai gặp trực tiếp trao đổi và sư Minh Tuệ đã đồng ý ủy thác cho ông Báu giúp đỡ thủ tục vô điều kiện. Sư Minh Tuệ cũng khẳng định sẽ tự chịu trách nhiệm về mọi biến cố xảy ra trên đường đi mà không phiền trách một ai. (1)
Gần đây, trên mạng xã hội, cũng có nhiều clip cho thấy một số sư thầy trong tăng đoàn tự phát đi theo sư Minh Tuệ trước đây, như sư Tịnh Độ, Như Ngộ, đang dong ruổi bộ hành ở Ấn Độ. Rõ ràng, tâm nguyện hành hương về đất Phật, đảnh lễ Đức Chí Tôn là một hạnh nguyện chính đáng, tốt lành. Trong điều kiện xã hội hiện đại, có đủ máy bay, xe ô tô, xe lửa, tàu thủy, việc lựa chọn bộ hành quả thực là một thử thách rất lớn.
Chúng tôi đã nhờ trí tuệ nhân tạo ChatGPT tư vấn về đường đi và nhận được câu trả lời như sau: Để tính toán khoảng cách và thời gian đi bộ từ Gia Lai (Việt Nam) đến Ấn Độ viếng 4 thánh tích của Đức Phật, chúng ta cần phải ước lượng đường đi và tốc độ đi bộ trung bình.
Các thánh tích chính của Đức Phật ở Ấn Độ:
- Lumbini (Nepal) – Nơi Đức Phật sinh ra.
- Bodh Gaya – Nơi Đức Phật thành đạo.
- Sarnath – Nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên.
- Kushinagar – Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.
Tuy nhiên, Lumbini nằm ở Nepal, vì vậy nếu bạn bắt đầu từ Gia Lai và muốn đến thăm tất cả 4 thánh tích, bạn sẽ phải đi qua Nepal trước khi vào Ấn Độ.
Khoảng cách và ước tính thời gian:
- Gia Lai (Việt Nam) đến Lumbini (Nepal):
- Khoảng cách đường bộ từ Gia Lai đến Lumbini ước tính khoảng 2.000 km.
- Từ Lumbini, bạn có thể tiếp tục đi về phía Ấn Độ và đến các thánh tích khác.
- Lumbini đến Bodh Gaya:
- Khoảng cách khoảng 350 km.
- Bodh Gaya đến Sarnath:
- Khoảng cách khoảng 250 km.
- Sarnath đến Kushinagar:
- Khoảng cách khoảng 250 km.
Tổng khoảng cách:
- Khoảng cách tổng cộng từ Gia Lai đến các thánh tích của Đức Phật có thể lên tới khoảng 2.850 km nếu bạn đi qua tất cả các thánh tích quan trọng.
Thời gian đi bộ:
- Một người đi bộ trung bình có thể đi khoảng 20-30 km mỗi ngày nếu điều kiện thuận lợi.
- Tính toán sơ bộ thời gian đi bộ: 2.850 km ÷ 25 km/ngày ≈ 114 ngày.
Điều này có nghĩa là bạn có thể mất khoảng 4 tháng để đi bộ từ Gia Lai đến Ấn Độ và viếng tất cả các thánh tích của Đức Phật. Tuy nhiên, thời gian này có thể dài hơn nếu gặp phải các vấn đề về điều kiện thời tiết, sức khỏe, hay các yếu tố khác như thủ tục visa và an ninh.
Theo một cách tính khác, ChatGPT ước tính khoảng cách từ Gia Lai đến Lumbini lại dài hơn: Các quốc gia sẽ đi qua:
- Việt Nam (Gia Lai)
- Campuchia
- Thái Lan
- Myanmar
- Ấn Độ
- Nepal
Tổng cộng:
- Khoảng cách tổng thể có thể dài khoảng 3.000 – 3.500 km, tùy theo tuyến đường bạn lựa chọn và địa hình bạn đi qua.
Tổng hợp hai cách tính toán này, quãng đường từ Gia Lai đến Lumbini và đi qua bốn thánh tích sẽ dài từ 3.000 đến 5.000 km, gần bằng cung đường Trần Huyền Trang từ Lạc Dương đi Tây Trúc thỉnh kinh (khoảng 5.000 đến 6.000 km theo cách tính của ChatGPT). Theo lịch sử, dù được vua Đường Thế Dân cấp điệp văn, tiền bạc và binh mã hỗ trợ bảo vệ, Huyền Trang đã mất 17 năm để hoàn thành hành trình.
Nhiều người hưởng ứng, hỗ trợ
Với thực tế công phu đã từng bộ hành xuyên Việt bốn lần trong 6 năm qua, sư Minh Tuệ đã trải qua một cung đường có chiều dài tương đương. Với kinh nghiệm và công phu khổ luyện đó, nhiều người tin rằng ý nguyện tốt đẹp của sư hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo xác đáng, trong đó có một clip trên Facebook của một người mặc đạo phục (không rõ danh tính) cảnh báo rằng không nên nghĩ đến việc đặt bát khất thực ở Ấn Độ. Ngày nay, ở Ấn Độ không còn đạo Phật, người Ấn không hiểu việc đặt bát khất thực và chắc chắn sẽ không cúng dường, nếu có thì cũng rất ít, không đủ nuôi sống. (2)
Tuy vậy, youtuber nổi tiếng Lê Khả Giáp, người đã có hơn 10 năm đi bộ qua 13 quốc gia trong những điều kiện khắc nghiệt, trong đó có 6 tháng ở Ấn Độ, cũng phát nguyện đồng hành đi bộ với sư Minh Tuệ. Anh Giáp cũng thừa nhận rằng có những vùng không thể khất thực. Dù sư Minh Tuệ có công phu bộ hành ở Việt Nam, nhưng chưa quen với khí hậu lạnh ở Ấn Độ, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Anh Giáp phát tâm hỗ trợ thực phẩm khi không thể khất thực được, và sẽ chăm sóc thuốc men cho sư nếu có bệnh hoạn. Anh cũng lưu ý rằng cung đường đi phải qua Myanmar, nơi đang có chiến tranh, nhưng vì Myanmar là đất nước Phật giáo nên không quá lo ngại. (3)
Với sự đồng hành của người có kinh nghiệm như anh Lê Khả Giáp, chuyến đi càng trở nên khả thi. Trên các kênh Youtube cũng có nhiều thông tin cho thấy rất nhiều Phật tử đã đăng ký đồng hành cùng sư Minh Tuệ, và số lượng này đang tăng nhanh.
Trước đây, trên Youtube cũng có clip ghi hình ảnh và phát biểu của Hòa thượng Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tư, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal, tán dương phẩm hạnh của sư Minh Tuệ và từng có nhã ý mời sư sang Ấn Độ để có cơ hội tu tập và gặp gỡ các cao tăng ở đất Phật. (4)
Với vai trò và các mối quan hệ của mình, nếu Hòa thượng Huyền Diệu có thể gửi thông bạch đến Giáo hội Phật giáo các nước trên đường đi của sư Minh Tuệ như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Nepal, Ấn Độ, chắc chắn không chỉ thủ tục hành chính sẽ thuận lợi mà cơ duyên của sư Minh Tuệ còn tốt đẹp hơn nhiều. Thực ra, theo kinh nghiệm của Lê Khả Giáp, ba nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar thuộc khối ASEAN, chỉ cần có passport là qua cửa khẩu dễ dàng. Chỉ có Ấn Độ và Nepal cần visa, nhưng thủ tục cũng không quá phức tạp.
Hai vị cao tăng lo ngại
Như vậy, mọi điều kiện về hành chính, hành trình và nhân lực cho chuyến bộ hành về đất Phật của sư Minh Tuệ hầu như hoàn toàn thuận lợi, chưa kể đến yếu tố đức tin tâm linh. Tuy nhiên, ngài Huyền Trang xưa cũng phải chịu đến 81 ách nạn trên đường đi, liệu sư Minh Tuệ có gặp thử thách gì không? Du Tăng Minh Tánh, người vốn tán dương phẩm hạnh, nhưng luôn mạnh mẽ phản biện với các ý kiến biến nhược, tấn công sư Minh Tuệ, cũng hoàn toàn hoan hỉ ủng hộ chuyến hành hương này. Tuy nhiên, bằng linh cảm và tuệ giác của hành giả trải qua nhiều va chạm, sư Minh Tánh lo ngại chuyến đi sẽ không thành công, ít nhất là trong năm nay. (5)
Một số kênh Youtube cũng loan truyền ý kiến của sư Minh Đạo, khuyên ngăn sư Minh Tuệ không nên đi Ấn Độ vì có nhiều rủi ro và nguy hiểm trên đường đi.
Người viết bài này không có được tuệ giác của bậc cao tăng như sư Minh Tánh, sư Minh Đạo, nhưng quan sát các tín hiệu thực tế, có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường. Thứ nhất là người bảo trợ thủ tục pháp lý cho sư Minh Tuệ, Thượng Tá Đoàn Văn Báu, dù trước đây từng có những ý kiến chân thành, thiện cảm với sư Minh Tuệ, nhưng liệu ông có đi ngược lại chủ trương của ngành?
Công đồng Phật giáo cần lên tiếng!
Rõ ràng, qua một chuỗi sự kiện, sư Minh Tuệ và tăng đoàn tự phát đã biến mất vào nửa đêm và tự nguyện dừng khất thực. Sư Minh Tuệ đang ở Quảng Nam, không bộ hành mà lại có mặt ở Gia Lai để làm căn cước. Sư Minh Tuệ ẩn tu và thỉnh thoảng lại xuất hiện ở Gia Lai, Nha Trang, rồi quay lại Gia Lai. Tất cả đều có sự hiện diện của công an, được công an bảo vệ để tránh tụ tập đông người gây mất trật tự giao thông. Tiếp theo đó là những lá thư đáng ngờ cấm quay phim chụp hình và yêu cầu xử lý người này người kia. Dù bút tích giống chữ của sư Minh Tuệ, nhưng nội dung và ý tứ không phù hợp với phong thái từ bi của sư.
Không chỉ sư Minh Tuệ và các đồng tu trong tăng đoàn bị kiểm soát nghiêm ngặt, mà nhiều youtuber, facebooker cũng bị phạt vạ khi thông tin về sư Minh Tuệ.
Rõ ràng, công an muốn xóa mờ, thu nhỏ hình ảnh của sư Minh Tuệ trong công chúng. Nếu chuyến bộ hành về đất Phật của sư Minh Tuệ thành công, tiếng vang dư luận về sư sẽ lan rộng không chỉ trong nước mà còn tới cả thế giới Phật giáo. Bao nhiêu công sức của ngành đã bỏ ra trong mấy tháng qua sẽ đổ sông đổ biển. Giáo hội quốc doanh sẽ càng trở nên khó xử khi quay lưng chối bỏ một tăng sĩ được quốc tế tôn vinh.
Sự kiện rõ nhất là chỉ đạo từ cấp nào đó ở trung ương dìm hàng, bóp nghẹt thông tin về sư Minh Tuệ sang Ấn Độ trên báo chí. Dùng từ khóa “sư Minh Tuệ sang Ấn Độ” tìm trên Google sẽ thấy các bài báo của Thanh Niên, CafeF, Vietnamnet, nhưng khi tra vào các trang này thì thông tin không còn tồn tại. (6) Không thể tự nhiên các báo này đồng loạt rút lại bài đã đăng. Phải có chỉ đạo từ trên.
May mắn thay, đến ngày 28-11, vẫn còn sót lại bài báo Gia Lai đăng lại bài viết của báo Thanh Niên. (7)
Thời nhà Đường, yêu ma quỷ quái nhiều, Đường Tăng có đến 81 ách nạn nhưng vẫn tới được Tây Thiên. Ngày nay, trong thời đại văn minh, yêu ma không còn, nhưng có đảng quang vinh lãnh đạo, có thanh kiếm và lá chắn, chỉ cần một vấn nạn là thời gian sẽ nhấn chìm sư Minh Tuệ vào quên lãng. Những lãnh đạo chức cao quyền lớn như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang… thậm chí những danh tướng khai quốc công thần như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn đều đột tử, thì không thể lạ gì việc các đối tượng “con ong cái kiến” như Lê Anh Tú lại có thể gây trở ngại.
Cộng đồng Phật giáo trên thế giới không thể thờ ơ hay chủ quan. Cần lên tiếng cảnh báo và có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ sư Minh Tuệ hành hương về đất Phật an toàn.
Gió Bấc
————-
1. Tâm nguyện bộ hành đến Ấn Độ của Sư Minh Tuệ?, Đoàn Văn Báu
3. Lê Khả Giáp Phát Tâm Cùng Sư Thích Minh Tuệ Bộ Hành Từ Việt Nam Tới Đất Phật Ở Ấn Độ Thành Sự Thật? Lê Khả Giáp
4. Thầy Huyền Diệu mời thầy Minh Tuệ sang Ấn độ, Tiktok
5. Vì sao Sư Minh Tuệ chọn TS Đoàn Văn Báu đồng hành cùng Sư đi Ấn Độ ? Du tăng Thích Minh Tánh, TD Media
6. Sư Minh Tuệ sang Ấn độ, Google
7. Ông Thích Minh Tuệ muốn đi bộ đến đất Phật, báo Gia Lai