Thư Võ Phiến viết về vợ và bạn

Vợ chồng nhà văn Võ Phiến-Viễn Phố. Los Angeles ngày 4.12.1991 

Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc, 

Vậy mà từ thư trước đến thư này cũng cách nhau cả tháng! Anh phải dạy học, tôi đã nghỉ việc nằm nhà nhưng cũng không nhàn rảnh được. Lần này là chuyện tôi với… bà xã. 

Trong lá thư viết ngày 2.7.91, có câu “Làm việc đoàn thể tôi quen với nhà tôi”, khiến có thể hiểu lầm là tôi chỉ được biết nhà tôi sau 1945. Thực ra trong lá thư ngày 26.4.91 đã có đoạn nói rằng nhà chúng tôi ở gần nhau, thuở nhỏ chúng tôi cùng học một thầy v.v… 

Chúng tôi có duyên “tiền định”, anh ơi. Nhớ lại thì thực sự là ngay từ hồi nhà tôi 5, 6 tuổi, chúng tôi đã lưu luyến nhau. Tôi có cô em gái (con của bà cô ruột tôi). Cô em gái ấy cùng tuổi với nhà tôi. Cô em gái (tên Trúc) có độ ở hẳn với bà ngoại (tức là bà nội của tôi) trong nhiều năm. Phố (nhà tôi) và Trúc cùng tuổi, chơi với nhau. Phố đến nhà; chúng tôi mến nhau. Nhưng về sau cái tình cảm thơ ấu ấy bị gián đoạn: vì chuyện học hành mỗi đứa sống mỗi nơi, không có cơ hội gặp lại. 

Cô em tôi – Trúc – sau 1945 yêu một bạn học của tôi ở Huế là Lê Ngọc Quang. Năm 1946 Quang đã làm lễ hứa hôn với Trúc, rồi ra Huế học lại. Toàn quốc kháng chiến xảy ra, Quang chạy ra Liên khu IV. Trong lúc ấy Tạ Chí Diệp bấy giờ cùng học với tôi (ở Hà Nội) thì chạy về Bình Định kịp thời trước khi kháng chiến bùng nổ. Tưởng Quang bị kẹt lâu dài ở Liên khu IV, Diệp tính chuyện kế vị. Trúc và Diệp đang “tính toán” thì Quang về kịp thời. (Khi ở Liên khu IV Quang làm việc tại toà soạn một tờ báo nào đó, có gặp Nguyễn Hữu Loan, khi về Bình Định chính Quang đọc cho tôi nghe bài thơ về hoa sim tím nọ lần đầu tiên). Thế rồi Quang cưới Trúc. Ngày nay cả Quang và Diệp đều qua đời. Trúc còn sống ở một vùng kinh tế mới trong Nam. 

Chuyện tình của Phố diễn ra song song với chuyện tình của cô Trúc. Chúng tôi tái ngộ hồi Phố mới 15 tuổi, từ đó dính… liền cánh, gỡ không ra! 

Phố mất mẹ hồi còn bú, lớn lên bên cạnh bà dì. Bà dì của Phố nói về chúng tôi: “Tụi nó như hai con sam”. Ở nhà quê, chuyện như thế chắc là mới lạ, khó coi lắm! 

Mấy năm sau, khi tôi bị bắt vì hoạt động chính trị, thì ngay công tố viên Quách Tạo cũng tuyên bố oang oang giữa phiên toà trên một sân vận động trước mấy vạn người về sự hèn nhát ra rít của tôi. (Một sự ra rít được cầu chứng tại toà). 

Sau 1954, vừa ti toe cầm bút là tôi xin trước tịch những bút hiệu Võ Phiến và Hoài Vũ! Trong hơn hai mươi năm cái sự nhảm ngầm ấy được giữ bí mật, anh em ở Sài Gòn không ai khám phá ra cả. 

Tại Sài Gòn tôi cũng không hay đàn đúm bạn bè. Sau buổi làm là về nhà với vợ con. Chúng tôi cặp nhau lang thang. Phạm Lọ – Đông Thi của Sài Gòn sánh vai dong ruổi khắp ngũ… thị: chợ Bến Thành, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Tân Định v.v… Tôi bám theo bả len lách vào các hàng vải, hàng cá, hàng xén, hàng quà, ngồi ăn “thử” món nọ món kia v.v… Đêm đêm, chúng tôi thường đi các ngõ hẻm. Ở ta vậy mà an ninh lắm; thời chiến, súng ngắn súng dài có thể lạc vào tay bất cứ hạng người nào, vậy mà không mấy khi xảy ra bạo động ở đô thị. Về những năm cuối chế độ, tôi đi thanh tra các tỉnh, lúc nào có điều kiện là lôi bả theo: Tiền Giang, Hậu Giang, bả biết khá nhiều tỉnh. 

Cuộc sống như thế làm tôi cô độc, thiếu bạn. Làm văn nghệ tôi là đứa không có “cánh”. Cũng không có “vây”. 

Và cuộc sống ấy bắt Phố trả một giá đắt: bả ghiền thịt cầy la de một độ theo tôi. Thoạt đầu, cũng như mọi bà mọi cô, bả không chịu được thịt cầy, thấy ai bàn chuyện cầy là lánh xa. Về sau, vì cứ lẽo đẽo theo tôi, bả bị lôi cuốn. Rốt cuộc bả chấp nhận nồng nhiệt. La-de hai đứa uống chung một ly cối! Ngất ngư. 

Anh có nhớ trong Nho lâm ngoại sử có vài nhân vật (Đỗ Thiếu Khanh, Trang Triệu Quang?) có tính hay cặp kè với vợ, la cà ăn uống ở quán xá, bị người đời chê cười, coi không phải là kẻ sĩ “chân chính” không? Tôi rất không chân chính. Bây giờ đã già, qua Mỹ cũng không chân chính được. Vẫn thích ăn “thử” đủ các món linh tinh, và xem “thử’ các cảnh lạ trên thế gian. Các cảnh đẹp ở Hoa Kỳ chúng tôi đi gần hết, có lần con trai lái xe trên 3,000 miles cho chúng tôi đi. Âu châu, Úc châu tụi tôi cũng cố lết tới. Đủ cặp. 

Còn chuyện sống với nhau trong gia đình cũng thiếu hẳn chân chính. Trong Nguyên vẹn có cái đoạn một buổi trưa trong nhà, ăn cơm xong, anh nằm võng chị nằm divan thỉnh thoảng ngoéo tay nhau. Anh nhớ đoạn đó không? (Lúc đó, con đầu chúng tôi đã đậu bác sĩ, đã ra quân y!) 

Sống như sam không hẳn là hay. Tách rời nhau ra, chàng như mây trời thiếp như khói bếp, chàng đánh bạc đó đây và hát cô đầu suốt tháng, thỉnh thoảng gặp nhau tha hồ mặn nồng. Sống mà luôn luôn bên nhau thì thỉnh thoảng thế nào cũng sinh lục đục. Những lúc đó, nhà tôi than thở là vì tuổi ngọ, bả không may mắn! 

Cuộc sống “không may mắn” cũng gần nửa thế kỷ rồi. 

*

Đời công chức của tôi không có gì đáng nói đâu anh. Thoạt tiên, trong vài năm đầu, có chút hăng hái hào hứng. Cái ghét cái giận cộng sản trước 54 còn một tác động mạnh mẽ để tôi chọn ngành Thông tin, tổ chức những chiến dịch tố cộng v.v… Dần dần tôi không thích thái độ quan liêu, đường lối lẩm cẩm của kẻ cầm quyền, tôi nguội hẳn. Mặt khác, tôi không tán thành mọi hoạt động chống lại chính phủ giữa lúc ấy, cho nên tôi chỉ làm một công chức thụ động. “Hành nghề” lương thiện để nuôi thân, giữ vững cuộc sống gia đình để con cái ăn học, vậy thôi. 

Bắt đầu tôi làm ty trưởng Thông tin ở Quảng Trị, rồi đổi vào Bình Định. Năm 1959 tôi được rút về bộ, làm chủ sự ở Văn hoá vụ. Lẽ ra tôi chỉ được làm chủ sự phòng như thế thôi, vì bằng cấp không có: chỉ có bằng trung học. Nhưng tôi nghĩ rằng cái nghiệp viết lách ngẫu nhiên cũng ảnh hưởng đến nghiệp công chức: sau 1963 có độ người ta đưa tôi làm Chánh sự vụ sở Huấn luyện (trong thời gian này xảy ra vụ ký kiến nghị chống kiểm duyệt rồi vụ kiến nghị 100 văn nghệ sĩ bênh vực v.v…). Lại có lúc làm Phụ tá Giám đốc Huấn luyện, Phụ tá Giám đốc nha Điện ảnh (!). Tôi cho toàn là do đề nghị của các anh em cầm bút mà có địa vị chính quyền. Vì trong bộ Thông tin bấy giờ trước sau có khá nhiều học giả, nghệ sĩ, đến rồi đi: Trần Thúc Linh, Phan Văn Tạo, Phan Khoang, Nguyễn Thiệu Lâu, Toan Ánh, Đỗ Tiến Đức (nha Điện ảnh) v.v… À, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm cũng là nhân viên Thông tin cho đến ngày về hưu. 

Có một giai thoại trong đời công chức, dính líu đến mối liên hệ công chức – văn nghệ. Khi bộ Thông tin bãi chức vụ Chánh sự vụ vì tôi ký vào kiến nghị, khi ấy tôi và Nguyễn Mạnh Côn (cùng nhiều người nữa, tất nhiên) đang là giám khảo Giải văn chương toàn quốc (do Tổng thống). Nguyễn Mạnh Côn liền vào gặp trung tá Chánh văn phòng phủ Tổng thống để cà khịa: Anh bảo nếu một người trong Hội đồng giám khảo bị chính quyền ngang nhiên ức chế, anh xin rút tên ngay ra khỏi Hội đồng, và anh nghĩ rằng các vị khác cũng sẽ làm như thế! 

Nguyễn Mạnh Côn là một người phức tạp, thỉnh thoảng anh vẫn có cử chỉ khí khái như vậy, chính quyền cũng ngán.

*

Nhân chuyện Nguyễn Mạnh Côn (dùng để kết thúc đời công chức), lại nhớ đến vài kỷ niệm bạn bè khác (ngoài đời công chức). 

Tôi có hai người bạn thân. Cả hai đều là người Huế, cả hai đều có vợ Nam kỳ, […]. Và cả hai đều quen tôi theo một cách giống nhau. 

Một đêm hồi 1964, 65 gì đó, lúc 8 giờ tối, có người gõ cửa. Mở cửa ra, thấy xuất hiện một người to lớn. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Điện, muốn làm quen vì đọc văn tôi. Từ đó chúng tôi thân thiết.

Một buổi sáng cũng độ 1964, 65 gì đó, chừng 10 giờ, tôi đang ngồi trong sở, có người bé thấp đến trước bàn, xưng tên là Hoàng Ngọc Biên, muốn làm quen, vì đọc văn. Từ đó như anh em. 

Anh Điện giỏi Anh văn, khuynh hướng cực hữu, say mê chính trị. Thượng toạ Nhất Hạnh có quen với anh, trước khi đi Mỹ du học có nhờ anh luyện Anh ngữ. Anh khá thân với tướng Nguyễn Chánh Thi. Sau khi đảo chánh thất bại ở Sài Gòn, tướng Thi sang Mỹ vẫn liên lạc thư từ với anh Điện. Ngoài chuyện văn chương, Điện khoái ăn uống, đã khai tâm cho tôi về các món “thỉm xắm”, món thịt cầy nấu lối Quảng Đông v.v… trong Chợ Lớn. Anh ấy làm với Toà đại sứ Mỹ, khi biến cố 30.75 xảy ra, anh được cấp máy truyền tin để gọi trực thăng Mỹ bốc số người do anh phụ trách. Anh bảo vợ chồng tôi cứ an tâm ra đi, anh sẽ bốc các con tôi sau. Đến khi cấp bách, cha mẹ anh em xúm xít đầy đủ tại nhà anh Điện, trực thăng Mỹ quần trên không phận Sài Gòn, nhưng chị Điện (về Bến Tre từ biệt cha mẹ) bị kẹt giữa đường, không về Sài Gòn kịp. Cộng sản đến, mấy hôm sau anh Điện uống độc dược chết. 

Anh Biên thì tả khuynh, khoái Che Guevara; chính anh thì râu ria, tóc tai dài phủ ót. Ảnh mê M. Proust như tôi, nhưng sưu tầm về Proust đầy đủ chứ không tài tử như tôi: ảnh giỏi hội hoạ và âm nhạc. Anh chị Biên và vợ chồng tôi hợp tính tình, thường gần gũi, tâm tình. Sau 4.1975 anh Biên vẫn giữ được râu tóc xum xuê suốt 16 năm. […] Tháng 10.91 anh rời Sài Gòn đi Mỹ (diện ODP), các con tôi như thiếu đi người chú ruột. Trong 16 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình các con tôi, gặp rắc rối là đều do chú thím Biên giải quyết cho. Hiện thời anh chị ấy ở Utah (Salt Lake city). 

Kể ra còn có những người khác tìm đến làm quen bất ngờ như thế (trong số đó có Nguyễn Tường Thiết, con trai Nhất Linh). Cái bất ngờ mới nhất là chủ nhật 1.12.91 vừa rồi, độ 9 giờ sáng, điện thoại reo, nhà tôi bắt lên, hỏi. Người bên kia đầu dây xưng tên: “Em là Trần Bích Tiên!” Trời đất! Lâu nay tôi vẫn nghĩ và viết về Trần Bích Tiên như về một người vô hình, không hy vọng có thể gặp được. Nhưng những quen biết sau này không tiến đến thân thiết như các anh Điện, Biên, vì hoặc do xa cách về tuổi tác, hoặc do xa cách về đường đi (anh Biên và anh Điện đều ở cùng xóm với chúng tôi). Vả lại, bây giờ nhiều tuổi rồi, không muốn tạo thêm liên hệ tình cảm khiến lúc ra đi thêm nhiều bịn rịn. Anh thử tưởng tượng: khi Chúa gọi lên thiên đường gấp mà mình cứ rề rà tìm bắt tay hết người này tới người khác mãi, Chúa có thể nổi cáu chứ. 

[…]

Võ Phiến

(Trích từ cuốn Thư Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc biên tập, Người Việt xuất bản 2015, có bán trên Amazon.com)