Thư Võ Phiến viết về thân phụ ông
Los Angeles ngày 30.5.1991
Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc,
Thư trước gửi anh đã hơn một tháng, nay mới lại có thì giờ để bắt đầu viết lá thư thứ ba.
Bây giờ xin nói về ba tôi. Ba tôi tên là Đoàn Thế Cần. Ba tôi mất năm 1983, thọ 80 tuổi; lúc ấy tôi được 58 tuổi. Suốt đời tôi, tổng cộng thời gian bố con tôi cùng sống chung dưới một mái nhà chắc là không tới ba năm. (Và thời gian tôi được sống gần má tôi có lẽ hơn chín năm, nhưng chưa tới mười năm). Tôi không có được bao nhiêu kinh nghiệm về tình cảm cha con. Có thể vì vậy mà trong các tác phẩm của tôi không thấy bao nhiêu nhân vật được hưởng thứ tình cảm ấy.
Tôi đoán một phần do ông nội tôi mất sớm nên ba tôi và chú tôi (ông nội tôi có hai con trai) đều không chịu học đến nơi đến chốn. Lúc bấy giờ trường Qui Nhơn đã có rồi, ba và chú tôi có thể học xong trung học dễ dàng; vậy mà không ai đủ kiên nhẫn. Ba tôi xong bậc tiểu học thì thôi; chú tôi tiếp tục vài năm trung học rồi cũng bỏ học luôn.
Hồi đó một người có bằng tiểu học (primaire) đã tìm được việc làm “tử tế”. Ba tôi làm giáo học ở huyện Hoài Ân, chẳng bao lâu xích mích thế nào với tri huyện Hoài Ân và bỏ việc. (Có điều ngộ nghĩnh là trước đó thân phụ của nhà tôi, sau khi hỏng tú tài ở Huế, cũng từng dạy ở Hoài Ân, cũng xích mích với quan huyện, và cũng bỏ việc.)
Mất việc ở Hoài Ân, ba tôi bỏ xứ đi vào Sài Gòn. Kể ra ba tôi không làm điều gì táo bạo: xung quanh ba tôi, bao nhiêu bạn bè cùng lứa tuổi rủ nhau đi Sài Gòn. Chú tôi, dượng tôi (tức em rể của ba tôi), cậu tôi (anh ruột kề má tôi) v.v… đều vào Sài Gòn làm ăn. Tuy vậy trường hợp của ba tôi vẫn có chỗ đặc biệt: vào Sài Gòn, ba tôi bỗng mất tin luôn, không còn liên lạc với gia đình. Ở Bình Định, ai nấy hoảng lên. Rốt cuộc bà nội tôi quyết định “lên đường” tìm con.
A, đó là đại biến cố! Từ khi ông nội tôi qua đời (lúc bà nội tôi trên ba mươi tuổi), bà không ra khỏi gia đình: trong bốn mươi năm bà không đi chợ nữa, mọi việc phải ra ngoài đều do con dâu đảm trách. Thế mà bà đi Sài Gòn. Dù bấy giờ đã có con trai (chú tôi), con gái và rể (dượng tôi) ở Sài Gòn, nhưng chuyến đi lịch sử vẫn có tầm quan trọng lớn, trong mấy chục năm mọi người trong nhà vẫn còn nhắc nhở. Chuyến đi ấy hoàn toàn thất bại. Ba tôi biệt tích luôn trong bảy năm trời.
Tôi ra đời trong lúc ba tôi biệt tích. Gia đình đặt cho tôi cái tên gần tên ba tôi: Ba tôi tên Cần, vậy tôi tên Cẩn (Đoàn Thế Cẩn). Chín năm sau, trước khi tôi thi Yếu lược phải làm giấy chứng chỉ thế vì khai sinh, lúc ấy tình cờ ba tôi có mặt tại nhà và quyết định đổi tên tôi thành ra Nhơn.
Má tôi sinh tôi năm 18 tuổi. Trong thời gian ba tôi đi vắng, sau này tôi nghe thuật lại là cuộc sống của má tôi cũng bị nhiều hạn chế. Cậu tôi (thế quyền ông ngoại) không bao giờ cho phép má tôi ở lại bên ngoại lâu: mỗi lần có ngày kỵ giỗ, má con tôi về ngoại ăn giỗ xong bị đuổi về nội cấp kỳ! Tôi còn nhớ có một lần, lúc ấy chắc tôi còn nhỏ lắm, vì má tôi còn bưng chén cơm đuổi theo cho tôi ăn, tôi vừa ăn vừa leo trèo lên các cây róng chuồng bò. Không biết câu chuyện giữa mẹ con diễn tiến thế nào mà có lúc má tôi bảo tôi rằng ba tôi có dì rồi không về nhà nữa đâu. Tôi bép xép đem tin ấy hỏi lại bà tôi. Phen ấy má tôi bị một trận la rầy kinh khủng về tội loan tin nhảm nhí bậy bạ.
Thế mà về sau, rõ ra là má tôi cũng đúng được một nửa: Ba tôi lại về, nhưng ba tôi đã có dì.
Năm tôi lên bảy tuổi, một hôm vào buổi chiều, cuối tháng chạp, đang đứng chơi ở một bờ ruộng cách cổng nhà tôi chừng vài ba chục thước tây, thì có người mặc âu phục màu vàng, xách cái va-li da đến. (Tôi nghĩ là cuối tháng chạp vì hôm đó má tôi bận đi trỉa đỗ phụng nên vắng nhà. Ở quê tôi người ta trỉa đậu phụng vào những ngày gần tết). Thời ấy âu phục hiếm hoi. Bà con trong xóm thấy bóng dáng một người khách kỳ cục như thế vào làng liền ơi ới rủ nhau kéo đến, người trong nhà tôi cũng tuôn ra: lúc ấy bố con tôi được giới thiệu cho nhau.
Má tôi đang trỉa đậu, nghe có người chạy đến mách tin, vẫn phải trỉa cho xong đám mới về.
Lần ấy ba tôi ở nhà được vài năm. Không biết ba tôi đã giải quyết vụ bà dì trong Nam kỳ như thế nào. Dù sao mọi việc được “giải quyết” êm ru. Cả nhà từ đó về sau không ai bàn đến chuyện ấy.
Sau đó tôi có một đứa em trai, rồi một em gái. Hai đứa này ba tôi đặt tên là Hối và Tỉnh, ngụ ý rằng đó là kết quả của một cuộc ‘hối’ hận, ‘tỉnh’ ngộ. Đoàn Thế Hối về sau viết văn, lấy bút hiệu là Lê Vĩnh Hoà. Em Đoàn Thị Tỉnh mất hồi 4, 5 tuổi. (Sau em Tỉnh lần lượt sinh: Tâm, Hoà, Tòng, Ngọc, trong số này nhiều em ra đời trong Nam).
Tôi và chú Hối ngày nhỏ rất thương nhau. Tôi nhớ lần đầu tiên má tôi đem Hối theo ba vào Nam tôi mất tinh thần dữ lắm. Má tôi rút kinh nghiệm lần trước, nhất định bám riết không để ba tôi vào Nam một mình nữa. Tiểu gia đình ba tôi đi cả, cử tôi ở lại quê làm đại diện bên cạnh bà nội. Vị “đại diện” từ đó xa cả mẹ, cả cha, cả các em. Dần dần tôi cũng quen với tình trạng ấy và tình cảm đối với những người thân ở trong Nam cũng phai lạt.
Nơi ba tôi ở trong Nam là làng Vĩnh Hoà, quận Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Ba tôi vừa dạy học vừa mua đất gây cơ sở trồng trọt để thêm hoa lợi. Trong thời kỳ kháng chiến có mấy năm ba tôi là trưởng ty Tài chánh và đã ký giấy xuất tiền để in tác phẩm đầu tiên của Sơn Nam (tức cuốn Bên rừng Cù lao Dung, giải nhất giải thưởng Cửu Long 1951-52, ký tên thật là Phạm Anh Tài). Cũng trong thời gian này ba tôi có dịp quen biết Nguyễn Bính. Thi sĩ từ Bắc vào Nam trước mùa thu 1945, rồi bị kẹt lại vì cách mạng tháng tám. Ông xuống Hà Tiên ở nhà Đông Hồ một độ. Từ giã Đông Hồ qua Rạch Giá, Nguyễn Bính khoe với ba tôi bộ đồ lụa Hà Đông do Mộng Tuyết may cho theo ý kiến của Đông Hồ. Ở chéo áo Mộng Tuyết có thêu 4 chữ nho. Đó là 水可山人 ghép lại thành hai chữ Hà Tiên 河仙.Nguyễn Bính đắc ý cười ha hả.
Những giai thoại ấy sau này ba tôi kể lại khi biết tôi võ vẽ làm văn nghệ.
Suốt thời kháng chiến cho đến sau Genève, gia đình Bình Định và Rạch Giá không liên lạc được với nhau. Năm 1955 tôi phải đăng báo tìm “thân nhân thất lạc” mới biết tin của ba má tôi. Bấy giờ ba tôi đã hồi ngạch giáo viên, dạy học ở Trà Vinh. Tôi và nhà tôi đi Trà Vinh rước ba má về: đó là lần đầu tiên tôi đi Lục tỉnh. Em tôi có đứa đã nói tiếng Miên rôm rốp. Đoàn Thế Hối lúc ấy đã thoát ly gia đình, chúng tôi không gặp nhau vào 1955.
Về Bình Định, ba tôi hưu trí, mua nhà ở Qui Nhơn. Vợ chồng tôi lần lượt giúp ba má, nuôi các em học trung và đại học; nhờ đó anh em thân nhau dần dần, chứ lúc mới gặp lại ở Trà Vinh thì gần như xa lạ.
Riêng chú Hối, sở dĩ lấy bút hiệu Vĩnh Hoà là để kỷ niệm làng Vĩnh Hoà, nơi chú ấy đã lớn lên, sinh sống, học hành, nơi mà chú coi là quê hương. Chú đổi họ Lê để khỏi liên luỵ đến ba má tôi. Trong những năm sau Genève, đi hoạt động và bị tù tội, chú không liên lạc gì với cha mẹ anh em và dặn vợ con cố tránh liên lạc. Nhưng năm 1965 hay 66 gì đó, chú Tâm cưới vợ, trước ngày cưới ít lâu Hối có đến nhà tôi để thăm anh em và ba má. Vài năm sau chú bị bom.
Vào khoảng cuối 1990 vừa qua, Nguyễn Quang Sáng (là bạn học của Lê Vĩnh Hoà) có xuống tận Cần Thơ, đến ngồi tại mộ của Hối, ôm tấm bia, chụp hình, nhờ người chuyển cho tôi. Tôi chưa từng gặp Sáng, nhưng cử chỉ ấy làm tôi rất cảm động. Sau đó tôi có gửi mấy quyển sách biếu Sáng.
Nấm mộ mà Sáng đã đến thăm thực ra là một nấm mộ giả: có mộ có bia mà không có hài cốt. Đó là tiết lộ riêng của vợ Hối trong vòng gia đình. Nhà nước muốn biểu lộ chút tình, nhưng không tìm được hài cốt, đành làm thế. Thím ấy, sau ngày có nghĩa trang, đã từ quê (ở Sóc Trăng) đến Cần Thơ thăm mộ (giả) của chồng một lần cho phải phép, rồi thôi.
Ngoài Hối ra, các em tôi không có ai làm văn nghệ. Hiện thời ở Mỹ, chúng tôi có 2 người em (một trai một gái). Chú em trai là dược sĩ, từng ăn ở với vợ chồng và các con tôi suốt thời gian học dược tại Sài Gòn, là chú em gần gũi chúng tôi nhất.
Những điều trên đây có vẻ lung tung, nhưng có lẽ cũng ít nhiều ích lợi cho việc tìm hiểu tác phẩm. Vừa rồi Đặng Tiến (trên Thông Luận) có đề cập đến quan hệ giữa tôi và Hối nhân nhắc đến truyện “Anh em”. Mặt khác, văn chương và âm nhạc thời 54-75 thường nói đến Mẹ Việt Nam, mà hình như tôi không khai thác đề tài ấy bao nhiêu? Trong thơ, truyện, ký v.v… của tôi có quê hương, có làng xóm, có bà con xóm giềng, có ông có bà, mà hình như không có Mẹ Việt Nam, lại càng không có Cha Việt Nam? Ấy là cảm tưởng thoáng qua, không biết có đúng chút nào không.
Dù sao, chỗ nào không dùng được, anh xem như tôi ký thác vào ngân hàng!
Còn những điểm cần biết mà anh nêu ra trong thư vừa rồi, tôi sẽ xin nói cả trong một vài lá thư tới.
Cái gia phả, ba tôi viết trên tấm vải rộng dài hơn sải tay (vì sợ viết trên giấy dễ bị rách nát). Tấm vải ấy bây giờ đã bị hoen ố nhiều. Chú em tôi đang định chép lại, thu nhỏ trên giấy. Bây giờ có chụp hình tấm vải hoen ố ấy, e cũng khó đọc. Vậy để bao giờ công trình (!) của chú em hoàn tất, tôi sẽ gửi anh một bản sao xerox. (Ngân hàng mà!).
[…]
Võ Phiến
(Trích từ cuốn Thư Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc biên tập, Người Việt xuất bản 2015, có bán trên Amazon.com)