Dương Tú: Trách nhiệm giải trình của Hội Nhà Văn Việt Nam
Hơn hai năm rưỡi trước, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều, ký quyết định điều động ông Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới.
Thông báo do ông Thiều ký không nêu rõ ông An được điều động về đâu, trong khi lý do điều động chỉ được nêu rất chung chung là “trong tình hình mới của Hội Nhà văn Việt Nam”.
Trước đó, nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo ông An đã “nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức” bà Phương “như một nô lệ tình dục”.
Chỉ ba ngày trước, hôm 5/12/2024, cũng chính ông Thiều lại ký quyết định điều động ông Lương Ngọc An giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống.
Như vậy, sau hơn hai năm rưỡi để cho tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương chìm xuồng, ông An gần như đã được phục chức, thậm chí đang đứng trước cơ hội thăng chức, khi mà tổng biên tập đương nhiệm của Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống đã thông báo ý định nghỉ chức vụ, mở đường cho ông An trở thành tổng biên tập mới.
Thông báo trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam về việc điều động ông An làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống không nêu lý do dẫn đến quyết định này. Có lẽ Hội nhà văn Việt Nam lại đang ở “trong tình hình mới”.
Là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp với kinh phí hoạt động chủ yếu do nhà nước hỗ trợ, lấy từ tiền thuế của dân (như ông Hữu Thỉnh, người tiền nhiệm của ông Nguyễn Quang Thiều, đã từng vui mừng loan báo rằng “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”), Hội Nhà văn Việt Nam bắt buộc phải có trách nhiệm giải trình trước nhà nước và người dân về hoạt động của họ.
Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cũng ghi rõ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội này, trong đó có “công khai, minh bạch”. Đồng thời, tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà văn Việt Nam được xác định trong Điều lệ là nhằm “xây dựng nền văn học Việt Nam yêu nước, nhân văn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo”.
Do đó, trước tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương về hành vi nhiều lần cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An, cùng sự quan tâm rộng rãi của xã hội về vụ việc này, Hội Nhà văn Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình về quyết định điều động ông An giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống. Dư luận có quyền được biết quyết định đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích xây dựng nền văn học Việt Nam “nhân văn” hay không.
Hơn nữa, Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cũng quy định nhiều nghĩa vụ của hội viên, bao gồm “nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội” cũng như “bảo vệ uy tín của Hội”.
Trong buổi lễ trao quyết định điều động ông An giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Nguyễn Quang Thiều còn “bày tỏ niềm tin vào kinh nghiệm làm báo cùng sự tín nhiệm” mà ông Lương Ngọc An “đã xây dựng trong suốt hành trình công tác”.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng hành vi cưỡng hiếp của ông An có nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật không, hành vi đó đã “bảo vệ uy tín của Hội” như thế nào, cũng như ông An đã được “tín nhiệm” ra sao.
Ông Nguyễn Quang Thiều trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 11/2020. Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, nhiệm kỳ của ông Thiều sẽ kết thúc.
Là một người bạn của ông Thiều trên Facebook, cũng như đã vài lần gặp và nói chuyện với ông, tôi hy vọng ông Thiều sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trả lời những câu hỏi và băn khoăn của dư luận. Đồng thời, những hội viên chính trực, có phẩm giá của Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hội này thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm bảo vệ tôn chỉ, mục đích cũng như các nguyên tắc tổ chức, hoạt động đã được ghi rõ trong Điều lệ Hội.
Cá nhân tôi đánh giá ông Thiều là một người tài năng và hiểu biết. Tôi tin chắc ông Thiều có thể hùng biện nhiều giờ liên tục về giá trị “nhân văn” cũng như nguyên tắc “công khai, minh bạch” mà Hội Nhà văn Việt Nam theo đuổi.
Vì vậy, tôi mong rằng ông Thiều không vi phạm nghĩa vụ của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, làm mất uy tín của một hội được nuôi bằng tiền thuế của dân, bằng cách né tránh, từ chối trách nhiệm giải trình về những diễn biến liên quan đến ông Lương Ngọc An.
Sự im lặng và vô trách nhiệm sẽ chỉ khiến vụ cưỡng hiếp mà nhà thơ Dạ Thảo Phương đã can đảm tố cáo trở thành di sản đáng xấu hổ của cá nhân ông Thiều nói riêng và Hội Nhà văn Việt Nam nói chung mà thôi.
***
Dạ Thảo Phương: Kẻ hiếp dâm tôi lại làm Phó Tổng Biên tập
Mới đây, ngày 5.12.2024, Lương Ngọc An – Kẻ từng cưỡng dâm, vu cáo ngược tôi mà chưa từng xin lỗi – vừa được Hội Nhà văn Việt Nam bổ nhiệm chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống.
Thật là một thái độ công khai xúc phạm nỗi đau của nạn nhân, khinh bỉ sự bất bình của dư luận.
Ngay lập tức, tôi nhận được rất nhiều điện thoại, tin nhắn về cả kẻ nhận lẫn người trao chức. Những từ được dùng nhiều nhất để mô tả sự kiện này là “đáng phẫn nộ” và “ghê tởm”. Một số nhà báo trong nước và quốc tế muốn phỏng vấn tôi. Và tôi biết, có rất nhiều người khác nữa đang quan tâm đến sự kiện này nhưng chưa chính thức lên tiếng.
Hiện giờ, điều kiện sức khoẻ chưa cho phép tôi đáp lại được cụ thể từng sự quan tâm này. Nhưng tôi muốn nói: Tôi trân trọng, biết ơn sự nhiệt tâm chia sẻ lý tưởng này của tất cả quý vị, của từng quý vị.
KHÔNG CHỈ VÌ CÁ NHÂN TÔI
Ngày 6.4.2022, tôi đưa lại ra ánh sáng sự thật về tội ác của Lương Ngọc An – kẻ khi đó là Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Sự việc đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng. Bài viết của tôi về vấn đề này trên trang Facebook cá nhân đã nhận được 65 ngàn tương tác, 7,7 ngàn bình luận và 10,8 ngàn lượt share. Nhiều chục cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đều đồng loạt đưa tin. Nhiều chục ngàn phản ánh, bình luận sự kiện của các “nhà báo công dân” trên các mạng xã hội, cũng như các tin nhắn, email, điện thoại từ trong và ngoài giới văn chương.
Tôi hiểu rằng, sự quan tâm này không phải dành cho một cá nhân nhỏ bé, không có quyền lực xã hội gì trong tay là tôi. Mà vì một vấn đề chung, lớn, nóng – thực trạng xâm hại tình dục và cách cộng đồng đối xử với nó, đặc biệt là trong môi trường văn chương, trí thức. Thực trạng này đang như một vết thương hoại tử kết mủ trên gương mặt của xã hội Việt Nam.
Nhưng bên cạnh đó, tôi – như tất cả các nạn nhân của tệ nạn xâm hại tình dục khác ở Việt Nam – cũng phải hứng chịu sự tấn công ngược của một bộ phận dư luận: những sỉ mạ hồ đồ, những bịa đặt trơ trẽn, những bình luận như mũi tên tẩm độc xuất phát từ nhận thức lạc hậu hoặc lợi ích cá nhân được nguỵ trang tinh vi.
Trường hợp của tôi được các chuyên gia tâm lý xếp vào cấp độ tổn thương đặc biệt nghiêm trọng, “chỉ đứng sau những trường hợp gặp thảm hoạ như tận mắt chứng kiến sự tàn sát trong chiến tranh”, và việc tôi vẫn duy trì được cuộc sống hàng ngày ở mức độ tương đối hợp lý như hiện nay được cho là một “may mắn và kỳ tích”.
Vâng, tôi hiểu rằng, tôi đang được cuộc đời trao tặng may mắn và kỳ tích, thông qua những bàn tay hào hiệp và ấm áp của cộng đồng, bè bạn, gia đình. Lòng tôi tràn ngập biết ơn. Và vì lòng biết ơn không thể tỏ hết bằng lời này, tôi sẽ cố gắng tiếp tục đứng vững.
Nhưng, tôi cũng hiểu rằng, đã gọi là “may mắn” và “kỳ tích” thì có nghĩa là không phải ai cũng nhận được. Trong hơn 2 năm qua, tôi đã phải nghe bao nhiêu câu chuyện đau lòng còn bị đè nén trong bóng tối im lặng của các nạn nhân bị xâm hại tình dục khác. Không ít người trong số họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, ca sĩ, hoạ sĩ, KOL – tưởng như không thể thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Rất nhiều người tôi không hề quen biết đã tìm đến tôi vì không thể chia sẻ nổi nỗi ám ảnh cùng ai. Có những người bị xâm hại bởi kẻ xa lạ, cũng có người bị xâm hại bởi cấp trên, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân trong gia đình, thậm chí là bố đẻ – một trí thức. Có người cả cuộc đời không có nổi một mối quan hệ tình cảm lành lặn, nhiều người vẫn đang âm thầm vật lộn trong bóng đêm “sợ sống”, “sợ con người”. Còn bao nhiêu nữa những tiếng thét câm?! Bao nhiêu khuôn miệng hàng ngày nói cười mà trái tim, cuống họng vẫn bị bóp nghẹt?! Họ và cả xã hội nhận được thông điệp gì từ việc một kẻ vừa bị cáo buộc hiếp dâm chưa lâu đã trơ trẽn giẫm lên mọi phẫn nộ của dư luận, được “tổ chức phân công” ngồi vào ghế lãnh đạo một cơ quan báo chí – văn chương?
SỰ VÔ SỈ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MỖI CHÚNG TA
Tôi nhớ buổi sáng đó, ngay sau hôm tôi thông báo với bạn đời rằng tôi sẽ đưa lại ra ánh sáng câu chuyện bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp, bị cơ quan trù dập của mình năm xưa. Sau một đêm mất ngủ, mặt anh trắng bệch và gầy rộc. Anh ôm lấy vai tôi và nói: “Em không phải nạn nhân duy nhất và cuối cùng của thứ tệ nạn đáng ghê tởm này. Anh hổ thẹn vì xã hội con người đến giờ này vẫn còn những chuyện như vậy. Chúng mình không muốn những việc đã xảy ra với em có thể xảy ra với những đứa con của chúng mình hay của những ông bố, bà mẹ khác. Nào, hãy làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn sự vô sỉ này tiếp tục loang ố”.
Hơn 2 năm qua, để tiếp tục sống đời sống hiện tại, hàng ngày tôi phải nỗ lực quan sát, suy ngẫm về những hậu quả của quá khứ kinh hoàng để lại trong tâm trí mình. Tôi hiểu: Tôi không còn là cô gái trẻ năm xưa, bị cưỡng bức, vây bủa bởi một kẻ đốn mạt trong liên kết với một liên minh đốn mạt, cô gái ấy đã thật yếu đuối, bị cô lập bởi sự thiếu trưởng thành trong nhận thức của chính bản thân mình và của một xã hội thời internet chưa phát triển, thông tin bị hạn chế. Tôi của hiện tại, dù còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua để tiếp tục trưởng thành, nhưng không đơn độc và tuyệt vọng trong một xã hội còn rất nhiều lương tri lành mạnh, một thời đại không thể dễ dàng lấy “giấy” cường quyền và tiền bạc “gói lửa” thông tin sự thật. Tôi của ngày hôm nay không phải một cá nhân chìa bàn tay rướm máu vì bị bạo hành ra để đón nhận giúp đỡ cho riêng mình, mà là để được nắm những bàn tay khác của lương tri, truyền tiếp đi niềm tin và hy vọng về sự tử tế của con người mà mình đã được ân nhận.
Vâng, hôm nay tôi xin được nhắc lại lời của chồng tôi, với bất cứ ai không muốn góp phần dung dưỡng cho tệ nạn xâm hại tình dục, bất cứ ai muốn cất lên tiếng nói khẳng định sự tôn trọng Con Người, Sự Thật, Công Bằng: “Nào, chúng ta hãy cùng làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn sự vô sỉ này tiếp tục loang ố”.
Hành động này của bạn, dù bạn là ai, cũng sẽ luôn có sự ủng hộ, lòng biết ơn và trân trọng của tôi.
Tôi xin một lần nữa tuyên bố: Tôi phản đối, lên án thái độ dung dưỡng cho tệ nạn xâm hại tình dục. Thái độ này có thể được thể hiện bằng việc tấn công nạn nhân, tìm cách bao che cho thủ phạm, bằng việc phớt lờ, hoặc coi nhẹ, hoặc xử lý một cách trí trá những hành động xâm hại tình dục.
Chừng nào kẻ hiếp dâm Lương Ngọc An chưa nhận tội mà vẫn ở vị trí lãnh đạo của Tạp chí Nhà văn & cuộc sống, tôi sẽ không ủng hộ, cộng tác, hay mua, đọc bất cứ sản phẩm nào của cơ quan này cũng như của những ai công khai ủng hộ thái độ của họ với tệ nạn xâm hại tình dục.
Đó là điều tối thiểu mà lòng liêm sỉ đòi hỏi bản thân tôi phải hành động.
Berlin, 6.12.2024
P.S: Tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin để các bạn nhìn rõ hơn chân dung của tệ nạn dung dưỡng cho bọn cưỡng dâm ngay trong môi trường văn chương Việt Nam.