Truyện ngắn Ngô Nguyên Dũng: Chiếc đèn cù Giáng Sinh
Đôi lần về nhà muộn giữa đêm vào những ngày cuối năm, ý nghĩ tôi thường bật ra niềm ước ao kỳ quặc: Sẽ thấy có ai đó đứng chờ tôi trước cửa. Một người bạn đã chia tay từ lâu? Hay một người từ cõi âm tìm về với tôi nơi nhà cũ? Và tôi nhớ. Nỗi nhớ mông lung, không rõ rệt. Những khuôn mặt còn ấm hơi người lướt qua trí nhớ tôi. Rồi tan biến vào bóng tối chập chùng vây quanh, khi tôi nhận ra không một ai trước cửa nhà. Tôi lặng lẽ tra chìa khóa vào ổ. Âm thanh kim loạt bật khẽ, dường như ngái ngủ. Tôi bật đèn hành lang. Hơi ấm máy sưởi chào đón tôi như vòng tay thân quen của một người khuất mặt.
*
Căn nhà trọ nằm cuối con đường cụt, cạnh một cánh vườn hoang, mùa hè mọc đầy dâu dại và cây tầm ma. Đêm tháng mười hai tịch mịch, bất động. Như một thói quen đã thành sẹo, tới ngày vọng thứ tư trước lễ thánh, tôi lấy chiếc đèn cù Giáng Sinh nằm chờ trong hộc tủ ra lắp ráp, đặt lên bệ cửa sổ. Chiếc đèn cù bằng thiếc dát mỏng, ở giữa là một tán dù lá sách treo hai que con và một cây thông đính sao li ti móc hai quả chuông tí hon. Khi bốn ngọn nến được thắp lên, tỏa nhiệt, tán dù xoay tròn, hai cọng que vướng nhẹ vào thành chuông, bật tiếng leng keng. Nhịp nhàng. Khẽ khàng. Réo rắt.
Giấc ngủ tôi đêm nay không mộng mị. Theo thói quen, cứ khoảng hai giờ sáng, tôi lại bật thức, nằm trằn trọc. Khuya cuối năm đặc quánh. Thời gian chừng như mê thiếp. Không dỗ giấc ngủ tiếp được, tôi bật đèn chụp đêm, chợt thèm nghe một thanh âm khơi thức mùa tiễn năm. Tôi ra phòng khách, xòe diêm, châm nến chiếc đèn cù. Rồi tắt đèn, nằm chờ.
Giây lát sau, giữa khuya tĩnh mịch, tiếng nhạc chuông đèn cù vang lên… Khe khẽ. Trong trẻo. Tôi khép mắt, xoay người siết lấy gối ôm. Tôi ôm lấy chính tôi, tâm tư gợn lên những cảm xúc khó tả. Dường như một mảnh hồn tôi vừa lách ra, chập chờn, múa may uyển chuyển theo chuỗi thanh âm dịu dàng của chiếc đèn cù. Tôi và mảnh hồn xoắn xuýt nhau, khiêu vũ trong bóng tối tịch mịch. Xoay tròn. Xoay tròn. Cho đến khi ánh sáng và âm thanh ngọn đèn cù lịm tắt …
Tiếng chuông Ipad ngoài phòng khách réo rắt. Tôi tỉnh giấc, ra mở máy.
“Em vừa thức. Hôm nay chủ nhật, em ngủ nướng, giờ mới dậy”, Phương nhắn tin.
“Anh thức nãy giờ, vừa chợp mắt chút.”
“Khuya nay em chiêm bao thấy ra phi trường đón anh về. Vui quá, anh ơi!”
“Còn anh ngủ được một giấc no nê những hình ảnh, màu sác và âm thanh.”
Và tôi gõ chữ, kể Phương nghe câu chuyện chiếc đèn cù Giáng Sinh …
*
Cứ mỗi cuối năm, vài ngày trước lễ thánh, tôi lại nhận được một thùng quà của bà Geck, má nuôi người Đức của tôi, gửi tặng. Năm đó, ngoài một phong bì đựng tờ giấy hai mươi Đức mã, những hộp bánh kẹo và áo ấm được gói giấy in tranh ảnh Giáng Sinh, cột dây thắt nơ nhũ vàng nhũ bạc, còn có thêm một hộp giấy nhỏ in hình chiếc đèn cù Giáng Sinh.
Tới đêm thánh, sau khi chung vui ăn mừng cùng các bạn đồng môn trong phòng khánh tiết ký túc xá sinh viên, một mình trở về phòng trọ, tôi thắp nến chiếc đèn cù, nằm đắp chăn, mở khe khẽ một băng nhạc Việt Nam chủ đề mùa đông, chờ nghe giai điệu nhạc chuông đèn cù vang tiếng. Những hồi chuông gợi nhớ mùa đông tha hương đầu tiên của tôi tuyết đổ trắng xóa. Ở thung lũng Winterhof. Trong nhà trọ hai gian của bà Geck. Ba nam thanh niên tuổi đôi mươi. Chỗ ngủ của tôi là chiếc ghế nệm già mua, kéo ra làm giường kê gần lò sưởi than đốt. Vào những ngày cuối tháng, trương mục cạn, chỉ đủ tiền mua than vụn, chỉ đủ đốt tới giữa đêm. Giấc ngủ mùa đông đầy ắp những mộng mị quàng xiên.
“… Khoảnh khắc ấy, những giấc chiêm bao kỳ lạ xô tới. Có lúc vẳng lại tiếng ve mùa nắng ra rả buồn chán trong công viên nhiệt đới thời thơ ấu, khi tôi soi mắt ngắm điệu múa của bầy nòng nọc trong ao nước bẩn thỉu. Lúc khác là cảm giác có những đợt sóng đại dương mơn trớn da thịt thơ ấu tôi trong một chủ nhật du ngoạn. Có điều lạ, trong mỗi khắc giây mộng mị ấy, tôi có thể bắt được hương sầu riêng ngọt nồng và nếm được mùi vị những trang sách cấm kỵ tuổi dậy thì ở quê nhà. Cảm xúc ấy càng sắc nét tại một xứ lạ, trong nỗi quạnh quẽ trần trụi một sáng đông lạnh. Cái lạnh vụn vỡ, lan rộng se sắt, làm cổ họng tôi khô khốc. Dội âm gần gũi, thân quen những giấc mộng trong thính giác tôi lẫn với tiếng lách cách, như thể ai đó đang chậm chạp tra chìa khoá vào ổ. Qua rãnh mắt hé trong cơn mê ám chập chờn, tôi dõi thấy dáng người trong bộ áo màu sáng đang loay hoay dè dặt cạnh lò sưởi. Bà Geck. Bà đang châm lửa sưởi, gắng nương tay để không đánh thức tôi. Tôi giả vờ nhắm mắt như thể say ngủ, và chỉ có thể hình dung động tác của bà qua chuỗi tiếng động. Tôi bắt được tiếng giấy và gỗ mồi lửa sột soạt đặt vào lò, rồi tiếng diêm xoẹt, nối theo là tiếng lửa bùng lên thiêu huỷ, bốc thoảng mùi nhựa cây khen khét. Hơi ấm cổ tích tràn dâng hồi ức tôi về một ấu thời vô tư, hạnh phúc, hoàn toàn không khớp nhịp cùng thảm hoạ cùng cực của cuộc chiến đang xảy ra trên quê hương tôi …” (1)
Sáng dậy, căn phòng lạnh như nhà hoang mùa đông, cửa kính chéo bếp đóng đá chặt cứng. Gian nhà trọ chỉ thật sự sống động vào những cuối tuần nắng ấm. Chúng tôi điểm tâm qua loa. Một lát bánh mì thoa bơ với thịt nguội. Một tách cà-phê. Cho Chí, một tách ca-cao sữa nóng. Và âm nhạc.
Chí có thói quen, thích một ca khúc nào là mở nghe ngày này sang ngày nọ, khi nào chán mới thôi. Khi thì “Don’t Let Me Be Misunderstood” của The Animals, sau đó là “No Milk Today” của Herman’s Hermits. Có những sáng cuối tuần, còn nằm quấn chăn, dật dờ giấc ngủ muộn, tôi chợt nghe văng vẳng một giai điệu, một giọng hát quen tai. Choàng tỉnh giấc, thì ra Chí thức dậy từ bao giờ, mở nhạc và đang nấu nước pha cà-phê trong bếp. Gian nhà trọ rực lên những tia sáng âm thanh như cảnh phim cổ tích. Với hương cà-phê nồng nàn quyện lấy giai điệu rộn ràng, tươi tắn. Và những khao khát đâm chồi trên da thịt thanh xuân.
Riêng tôi thuở đó, yêu vô vàn tiếng hát đằm thắm của The Carpenters với những “Rainy Days and Mondays”, hay “We’ve Only Just Begun”:
“We’ve only just begun to live. White lace and promises. A kiss for luck and we’re in our way…” (2)
Cảm xúc của tôi dạo ấy, sau khi lắp dĩa nhạc vào máy và thanh âm vang lên, lâng lâng xao xuyến kỳ lạ. Tôi thấy mình như thể bốc hơi, lượn lờ bạt gió âm thanh. Đúng rồi, chúng tôi chỉ mới dọ dẫm những bước chân khám phá khung trời mới lạ của đời sống, vô tư như bầy thú hoang miền nhiệt đới lạc lối nơi xứ tuyết.
Một năm trôi qua, chúng tôi như bầy chim tản mác muôn phương. Tôi về lại tỉnh nhỏ đầu tiên đặt chân nơi đây. Sau vài tuần ăn nhờ ngủ đậu phòng trọ nhà bạn, tôi mướn được một căn phòng nhỏ khoảng mười mét vuông, nằm dưới mái ngói đá xám, trong một căn nhà bốn tầng, đối diện nhà giam thành phố. Một ghế dài kéo ra làm giường. Một bàn thấp. Một bồn rửa mặt, treo tấm gương cũ, cũng là chỗ tôi rửa rau rửa thịt rửa chén, giặt vớ và quần lót. Một đèn trần không chụp, điện năng yếu, bủa ánh sáng vàng vọt. Vỏn vẹn một ô cửa sổ lắp kính hai lớp, lớp trong nứt một góc, khoét vuông vức mảnh trời đổi màu theo thời tiết bốn mùa.
“Nhiều lúc chàng có cảm tưởng sờ mó được nỗi cô đơn. Nó ghê gớm, khủng khiếp đến độ khiến Vận thường xuyên thức giấc giữa khuya, hoảng hốt nhìn quanh phòng trọ im lìm bóng tối. Những giấc mộng ngắn, đồng dạng, chật chội như lòng ống cống, mà chàng không biết vì lẽ gì lại lạc chân vào, để rồi cuống cưồng chạy tìm lối ra. Vận đoán, có thể vì phòng trọ tù túng và tối tăm quá. Diện tích chừng mười tám thước vuông, trần nghiêng một bên, khoét một khoảng trống lắp kính, chỉ có thể mở hé. Hôm nào thời tiết đẹp, nắng lọt vào một mảnh hình học, thoạt đầu méo mó rồi từ từ đều đặn, và biến dạng một cách khó hiểu lên mặt tường đối diện. Những sáng cuối tuần, hoặc những hôm lười biếng tới trường, Vận ngủ tới trưa trờ trưa trật, chỉ tỉnh giấc khi nghe hồi chuông giáo đường gần đấy gióng lễ rộn rã. Lại thấy bóng nắng in trên tường vôi, vẫn dị dạng một cách khó hiểu. Vận quyết tâm tìm cho ra lẽ. Lỗi ở nóc nhà đối diện. Kiểng chân nhìn sang, Vận thấy cái ống khói lò sưởi vô duyên chĩa ngang luồng nắng. Chàng đâm ghét cái ống khói. Đôi khi có con quạ đậu vẩn vơ trên đó. Chàng ghét lây con quạ …” (3)
Phòng vệ sinh chung nằm ngoài hành lang. Những đêm trằn trọc, tôi nằm nghe tiếng chân người khách trọ phòng bên cạnh không một lần chạm mặt về muộn, tiếng chìa khóa tra vào ổ, tiếng cửa đóng sập, rồi mở ra. Tiếng chân nghiến ken két lên sàn gỗ, về hướng phòng vệ sinh.
“Sàn lót gỗ lâu cũ, rên xiết theo mỗi bước chân. Thêm điều lạ, không hiểu sao tiếng động trong đó có âm dội, làm Vận lần nào cũng rón rén, sợ người phòng bên nghe được. Để lấn át, Vận tìm cách nghĩ ngợi quàng xiên. Có một cảnh tượng cứ bấu víu tâm trí Vận kể từ ngày sang đây: Cảnh tượng những đoàn xe lửa lao vun vút trong đêm. Tiếng bánh sắt nghiến sầm sập từng chặp lên thiết lộ băng ngang vòm mắt ảo tưởng Vận. Chàng nhẩm đếm từng toa xe một. Dài như không muốn dứt. Sàn gỗ run bần bật. Ánh lửa kim loại loé chập chờn lên vách. Gió luồn qua ô cửa hẹp, buốt lạnh nỗi chia lìa lớn, hoang mang những trăn trở …” ()
*
Năm nay, năm tuần trước lễ thánh, như thường lệ tôi lại lấy chiếc đèn cù Giáng Sinh ra lắp ráp, gắn bốn cây nến con, chờ tới chủ nhật tuần vọng thứ nhất, sẽ thắp lên ngọn lửa đầu tiên. Chờ thấy lại chút tia sáng hắt lên xua bóng tối, lẻ loi, vàng quạch. Những khuôn mặt năm xưa sóng sánh hiện về. Nhạc chuông đèn cù se sẽ nhịp nhàng. Âm thanh những giai điệu cũ rưng rưng bật thức, gợi nhớ mùa đông năm xưa chập chùng phủ tuyết trắng nơi thung lũng Winterhof. Tiếng que diêm nhen lửa lò sưởi xoẹt lên, soi yếu ớt gương mặt và đầu tóc bạc trắng bới cao của bà Geck một sáng nào…
Một đêm nọ, tôi lạc về nhà muộn, lại khát khao ao ước sẽ thấy một ai đó chờ tôi trước cửa. Có. Con mèo lông vàng nhà hàng xóm. Đèn hiên nhà tự động bật sáng. Đôi mắt thú rờn rợn lân tinh ngó tôi đăm đăm. Tôi ngồi xuống, giơ tay vuốt lên sống lưng mềm mại. Con thú dụi đầu vào chân tôi, theo tôi vào nhà. Tôi không có thức ăn dành riêng cho mèo, chỉ còn mỗi lon cá hộp. Trong khi chú mèo ngốn nghiến dĩa cá thu, tôi châm nến ngọn đèn cù, nằm đắp chăn trên ghế dài, và gọi cho Phương trò chuyện vẩn vơ. Bên đó đang sáng. Rồi ngủ quên cùng nắng ấm nhiệt đới và giọng Phương thủ thỉ. Lúc nào không hay.
… Giữa khuya, tôi tỉnh giấc vì tiếng thú gọi khẽ. Ánh sáng và thanh âm chiếc đèn cù tắt ngúm từ bao giờ. Tôi choàng dậy, mở cửa cho mèo ra về. Ngoài đêm, tuyết rơi lất phất, không đủ trắng khu vườn hoang bên kia đường.
*
Năm ấy, sau khi rời Winterhof, tôi giạt về nơi trọ học đầu tiên nơi đất tha hương, trong gian phòng có ô cửa sổ khoét trên mái nhà, nhìn ra mái trời mênh mông. Một khoảng thời gian sau, bà Geck theo con gái dọn về miền bắc Ý, và qua đời tại đó. Năm nào không rõ, vì sau nhiều lần thay đổi chỗ ở và bận bịu những lo toan cho đời sống cơm áo cũng như khoa bảng, tôi và bà lạc tin nhau.
Sau 1975, tôi lại dọn nhà, lại đổi chỗ học. Tôi thật sự tha hương, không phải trong ý nghĩa địa lý, mà trong chỗ nương náu của riêng tôi giữa chốn nhân gian nhiều bóng tối hơn ánh sáng nơi đây.
Từ dạo đó, tôi chỉ còn bầu bạn cùng chiếc đèn cù Giáng Sinh. Mỗi cuối năm.
Ngô Nguyên Dũng
_________
(1)Trích đoạn truyện ngắn “Tuyết Trong Những Giấc Mộng Tôi Vô Sắc”, cùng tác giả.
(2) “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu sống. Đỉnh trắng và những hứa hẹn. Một nụ hôn chúc lành và chúng tôi đang dấn bước cuộc hành trình.”
(3) Trích đoạn truyện ngắn “Triết Lý Của Tóc”, cùng tác giả.