Lê Học Lãnh Vân: Bảng Phố Vải và lòng người Chợ Vải

Chuyện Phố Vải Soái Kình Lâm tưởng nhỏ xíu vì so với Chợ Vải Soái Kình Lâm thì chỉ đổi có một chữ thôi mà! Nhưng, chuyện đời có những cái lỗ chân trâu mà người ta chết trong đó. Tại sao cái lỗ chân trâu Phố Vải này có thể làm người ta chết?

Trước hết, vì Miền Nam không có từ Phố để chỉ con đường. Chỉ có đường Nguyễn Trãi, đường Gia Long, đường Cao Thắng. Đường lớn và rộng được gọi đại lộ, đại lộ Nguyễn Huệ, đại lộ Hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi…

Tới khu vực các đường Trần Hưng Đạo, đường Phùng Hưng trong vùng Chợ Lớn, người ta gặp nơi bán vải tụ tập nhiều người theo ngành kinh doanh vải, được bà con Sài Gòn gọi là chợ vải Soái Kình Lâm.

Bỗng ngày kia, mọc lên tấm bảng Phố Vải Soái Kình Lâm! Người Sài Gòn xôn xao. Đất này chúng tôi sống và gọi nơi này là Chợ Vải, sao đùng đùng nhảy vô hai chữ Phố Vải gây bất an, xáo động tâm tình lẫn ký ức?

Chữ Phố Vải đã vô duyên với người tại chỗ, cái lập luận “không được gọi là Chợ Vải vì không có Ban quản lý chợ” càng vô duyên hơn nữa! Từ xưa, chợ nghĩa là nơi người ta tụ tập, trao đổi hàng hóa. Khi chợ phát triển lớn mới cần những người có uy tín điều phối hoạt động mà bây giờ gọi là Ban quản lý! Như vậy, Chợ quyết định sự tồn tại của Ban quản lý hay Ban quản lý quyết định sự tồn tại của Chợ?

Đi vào ý nghĩa sâu hơn, chữ Chợ mang trong lòng nó cách sống hàng ngày của người Miền Nam và từ đó góp phần xây nên văn hóa của những người mở cõi. Công cuộc mở cõi vĩ đại của Đàng Trong bắt đầu từ gần sáu thế kỷ trước đem lại cho Việt Nam mảnh đất trù phú với diện tích lớn hơn phân nửa diện tích Việt Nam ngày nay và nguồn lực vật chất đóng góp cho Trung ương là vô đối! Chợ là hoạt động thiết yếu của dân chúng, Chợ có góp phần trong công cuộc mở cõi không? Các vị lão niên Miền Nam ra đời trong thập niên 1910, 1920… biết rằng xưa kia rất nhiều Chợ của Miền Nam là Chợ trên sông nước. Chợ đầu vàm, chợ ngã ba sông, rạch, nơi thuận tiện cho người ta thả thuyền ba lá, năm lá chở sản vật từ vườn ra chợ. Những Chợ Nổi của Miền Nam nên đổi thành Phố Nổi chăng? Và, thêm nữa, theo lý luận không có Ban quản lý thì không được gọi là Chợ, các Chợ Đêm, Chợ Trời, Chợ Chồm Hổm… đổi tên thành Phố Đêm, Phố Trời, Phố Chồm Hổm… chăng?

Kỷ niệm là điều phải tôn trọng, nhất là kỷ niệm tập thể. Tên gọi truyền thống từ đời này sang đời nọ đã khắc in kỷ niệm thiêng liêng của một đời người, của ông cha! Không tôn trọng kỷ niệm của một vùng đất, một cộng đồng có là thái độ văn hóa thiếu chuẩn mực không?

Ngoài ý nghĩa trong đời sống thực, trong lịch sử mở cõi, trong văn hóa đã định hình gần sáu trăm năm, việc đổi chữ Chợ thành Phố cho thấy một tư duy quản trị ngược chiều tiến bộ. Tư duy quản trị tiến bộ là đi tới đâu phải học hỏi nơi đó trước, phải biết lịch sử, văn hóa, nếp sống, tâm tư của người tại chỗ, phải biết sợ người tại chỗ bất bình và sợ mình sai sót. Phải thảo luận, thuyết phục người tại chỗ những đề nghị mới của mình. Chưa tìm được sự đồng tình, chưa thể tiến hành.

Nhiều lời bàn tán cho rằng có thể lực nào đó muốn xóa bỏ văn hóa Miền Nam làm Việt Nam mất đi tính đa dạng văn hóa. Với trường hợp chữ Chợ bị đổi thành chữ Phố này, tôi không nghĩ vậy và cho rằng ý kiến đó đi quá xa. Đây chỉ đơn giản là vấn đề của kiến thức. Người chủ trương đổi Chợ thành Phố, nếu biết và suy nghĩ về nguồn gốc, ý nghĩa sâu sắc nhiều mặt của Chợ ở Miền Nam, Chợ với Miền Nam, thì hẳn phải cân nhắc rất nhiều chứ không dám hời hợt đổi Chợ thành Phố như vậy! Cách làm đó có khiến dân tại chỗ cảm nhận một sự áp đặt văn hóa, bác bỏ truyền thống trên một vùng đất mà văn hóa, truyền thống đặc sắc đã được định hình qua lịch sử phát triển rất lâu dài? Nền văn hóa, truyền thống ấy chứa trong mình các thành tố văn minh của người Việt, người Hoa Minh Hương, người Phù Nam, Chăm, người Pháp… Chắc người muốn áp chữ Phố thay cho chữ Chợ không lường được mình đã động vào tâm tình sâu sắc của nơi còn nồng thơm mùi đất khẩn hoang!

Đó là lý do tại sao phần mở bài xem đem chữ Phố đổi chữ Chợ là “cái lỗ chân trâu mà người ta chết trong đó”. Bởi vì, cái điểm nhỏ xíu ấy bộc lộ trước mắt bàn dân thiên hạ cái lỗ thiếu kiến thức rất lớn cùng thái độ không tôn trọng người tại chỗ, cũng là một thiếu sót nghiêm trọng về kiến thức. Thái độ đó có làm người dân không tin vào các chữ Nâng Tầm Nét Đẹp trên tấm bảng Phố Vải Soái Kình Lâm không?

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 6 tháng 1 năm 2025