Hải Di Nguyễn: Câu chuyện một gia đình H’mông bị đốt nhà và đưa vào “vùng dự án kinh tế – quốc phòng”
Ở Việt Nam, người H’mông (còn viết là Mông), cũng như các sắc tộc thiểu số khác bao lâu nay, bị kỳ thị, kìm kẹp, đặc biệt nếu theo đạo Tin Lành. Vô số người H’mông bị bứt khỏi làng, khỏi quê cha đất tổ, khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Người lưu lạc xuống miền Nam. Người trốn chạy sang Lào hoặc tận Miến Điện. Người lánh nạn trên đất Thái. Tại tỉnh Lâm Đồng, hàng trăm hàng ngàn hộ gia đình H’mông không còn đất sống phải lập nên Tiểu khu 178, Tiểu khu 179, Tiểu khu 181, Tiểu khu Tây Sơn… giữa núi rừng; hộ khẩu không có, giấy tờ tùy thân bị tước đoạt, họ trở thành “vô quốc tịch” trên chính quê hương mình*.
Một loạt gia đình H’mông khác lại bị đẩy lên những “vùng dự án kinh tế – quốc phòng” do quân đội cai quản, như Trung đoàn 720 ở tỉnh Đắk Nông.
Một trong số đó là gia đình ông Sùng Seo Chính. Tháng 11/2024 vừa qua, cả nhà đã đặt chân tới Hoa Kỳ.
Tôi phỏng vấn ông Sùng Seo Chính (sinh năm 1966) và con trai là Sùng A Bình (sinh năm 1992).
Đàn áp ở Hà Giang
Ông Sùng Seo Chính gốc ở Hà Giang.
“Trong làng không cho theo đạo… Mình xin giấy làm nhà thờ, họ không cho, mình đi cầu nguyện nhà gia đình” (tức thờ phượng tư gia).
Chỉ vì lén lút sinh hoạt tôn giáo, bốn người quen của ông bị bắt đi tù khoảng năm 1996—trong đó, một em trai ông Chính và một người anh em trong làng bỏ trốn sau khoảng 6 tháng và lẻn sang Lai Châu.
“Thời gian nó xuống… nó không biết đường đi. Mình giải thích đường cho nó đi, mình đưa nó đi một đoạn. Rồi có người báo cho công an biết mình đưa chúng nó đi… công an bắt mình.”
Ông kể công an huyện cứ thường xuyên gọi lên làm việc, hỏi về những người bỏ trốn, hỏi tại sao theo đạo, bảo bỏ đạo. Mỗi tuần lại gọi 2-3 lần. Đi làm cũng khó khăn.
Chịu không nổi vì bị mời lên mời xuống, hỏi tới hỏi lui, ông cùng gia đình dọn tới Đắk Nông năm 2001. Ba đứa con khi đó 9 tuổi, 7 tuổi, và 4 tuổi.
Vào Nam
Thời gian đầu ở tỉnh Đắk Nông, phải dọn từ huyện này sang huyện khác.
Ông Sùng Seo Chính kể “Một thời gian chưa được một năm – gần một năm – thì công an Hà Giang tìm thấy. Mình đổi tên rồi. Hôm đó mình không ở nhà, mình đi làm. 4-5 giờ chiều về, [hàng xóm] bảo có công an tới, đưa ảnh tìm. Mình đổi tên. Họ nói ảnh thì đúng rồi, tên không phải.”
Thấy công an đã lùng tới tận gót, họ tiếp tục chạy trốn. Cuối cùng tới xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp.
Anh Sùng A Bình (sinh năm 1992) kể “Đất đai mình cũng mượn người ta, mình dựng nhà mình ở. Mình cũng mướn rẫy người ta mình làm. Họ cũng không có vấn đề gì. Nhưng… khoảng hơn hai năm, họ thấy mình khá phát triển, chắc mấy người đó ghen tị hay sao đó, họ thông báo chính quyền là mấy người này là mấy người Tin Lành từ đâu đó chạy xuống. Chính quyền bắt bớ, cấm theo đạo Tin Lành, bắt mình bỏ đạo. Họ cứ xuống hoài như vậy.”
“Mình chỉ có tài sản duy nhất là cái nhà, thì họ đốt”
“Đến lúc căng nhất, họ đốt nhà. Họ đốt hết nhà luôn,” anh Sùng A Bình cho biết. Chuyện xảy ra năm 2003. Lúc đó mọi người đều đi làm rẫy, chẳng ai biết, không được báo trước.
Ông Sùng Seo Chính kể 16 hộ gia đình H’mông ở đó đều bị công an xã Đắk Wer đốt nhà. Đốt sạch.
“Tất tần tật. Vật dụng trong gia đình là đi hết. Nhà là nhà tranh, một số gia đình không để tiền trong nhà, họ quấn vào khăn hoặc quấn lên người nên họ vẫn giữ được tiền. Còn lại vật dụng là đi hết,” anh Bình nói. Nhà, gạo, quần áo, đồ dùng… chìm trong lửa.
Anh cho biết khu vực đó là vùng sâu vùng xa, chung quanh chủ yếu người bản địa M’nông sinh sống. Khi đó thuộc xã Đắk Wer, sau này tách thành xã Đắk R’Tih.
Riêng 16 hộ gia đình người H’mông ở gần nhau thì bị công an đốt nhà, rồi từ đó quân đội đẩy họ sang khu vực của Trung đoàn 720 ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Cuộc sống trong vùng “kinh tế – quốc phòng” của Trung đoàn 720
Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 29/5/2024 có một bài viết với tựa đề “Trung đoàn 720: Hành trình 25 năm xóa đói giảm nghèo cho bà con Tây Nguyên”, trong đó viết:
“Ngoài đồng bào tại chỗ và nhân dân địa phương được Trung đoàn triển khai thực hiện tốt chủ trương xóa đói, giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí…, Trung đoàn cũng đã tiếp nhận 312 hộ đồng bào Mông với 1.986 khẩu ổn định cuộc sống. Các hộ đồng bào Mông được Trung đoàn giao đất làm nhà và hơn 300 héc-ta đất sản xuất, bảo đảm chế độ ăn trong 12 tháng đầu, cấp công cụ sản xuất, giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện vay vốn sản xuất.”
Nhưng thực tế có phải vậy không?
Anh Sùng A Bình cho biết, làng của họ muốn vào chỉ có một con đường duy nhất, phải đi qua trung đoàn 720, qua bảo vệ.
Các hộ gia đình H’mông sống ở đó, trồng cà phê cho trung đoàn. “Đầu tiên làm cho họ, họ cho tiền công… Không đủ cho gia đình tiêu,” ông Sùng Seo Chính kể. “Bây giờ nghĩ sốt ruột lắm.”
Anh Sùng A Bình nói “Ví dụ, thời buổi đó, mình đi làm [bên ngoài] khoảng 40-50 nghìn. Thì họ chỉ đưa khoảng 10 nghìn, để mình mua gạo ăn, cho mình sống được thôi.”
“Gia đình nào muốn, mình nói với trung đoàn mình muốn nhận bao nhiêu đất… Mình nhận bao nhiêu là tùy phía trung đoàn cấp. Nếu mình không muốn nhận thì cứ làm công ăn lương. Đa số người ta chỉ làm công ăn lương lúc đầu, rồi dần dần người ta nhận thấy nhận làm thì có thể trồng bí ngô vào đó”, anh Bình giải thích.
“Mình làm theo sản phẩm. Mình nhận một khu nào đó, mình làm, tới cuối năm thu được bao nhiêu thì mình có 20% hoặc mười mấy %, tùy theo doanh thu của mình… Ví dụ một hecta, họ yêu cầu mình làm sao thì làm, trong một hecta ít nhất họ sẽ thu bao nhiêu tấn cà phê. Nếu nhiều hơn chỗ đó thì của mình. Nếu ít hơn thì năm sau bù lại.”
Các gia đình H’mông trồng cà phê, rồi phía trung đoàn sơ chế và đem đi. Riêng bí ngô họ chia nhau trồng và được lấy sản phẩm trực tiếp, nhưng cũng chẳng bán đi đâu được. Nếu bán cho trung đoàn cũng không được giá như bên ngoài.
“Lúc đầu mình cũng chấp nhận số phận”
“Mình đi đây đi đó cứ bị công an chính quyền xuống, tìm tòi bắt bớ. Mình ở đây, dưới sự cai quản của quân đội. Ít nhất họ không bắt bớ mình quá nhiều, mình cũng có cuộc sống gọi là ăn được ngủ được. Nên hiện giờ không biết đi đâu, cứ ở đây trước đã”, anh Sùng A Bình nói. “Mình bị phân biệt đối xử. Nhưng so với cuộc sống bên ngoài, bị bắt bớ, bị đốt nhà, bị công an tìm tòi, thì ở đây cũng khá ổn.”
Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi chuyện cũng thay đổi. “Lúc cao điểm, họ không cho mình theo đạo… Họ cũng xuống kiểm tra thường xuyên hơn.”
Không chỉ vậy, tới khi gia đình họ mua đất của người M’nông ngay bên ngoài khu vực của Trung đoàn 720, cũng bị thu lại. “Thời đó mua thì chỉ có giấy trắng mực đen, không có sổ đỏ.” Nhưng tịch thu xong cũng không trả lại cho mấy người M’nông. “Đó không phải là đất của trung đoàn hay đất chính quyền, mà là đất của người dân tộc bản địa. Chính quyền thật ra mà nói cũng không có quyền tịch thu đất của người dân bản địa,” anh Bình nói.
“Họ cấm, không cho mình làm bên ngoài… Dần dần, mình thấy bị phân biệt đối xử hoài, không khá lên được. Con cái mình không khá lên được.”
Đa số trẻ con cũng chẳng được đi học. Lúc đầu không có trường, sau họ lập trường mẫu giáo và cấp một.
“Vì cuộc sống khổ… ít người học hết cấp một lắm. Học đến lớp ba, lớp bốn là theo bố mẹ lên nương rẫy hết rồi. Có một số hộ gia đình muốn con mình đi, họ đút lót cho quân đội để đưa con mình ra bên ngoài học. Nhưng đó chỉ là số ít thôi”, anh Sùng A Bình nói. Riêng anh cũng ra ngoài và học gần hết cấp ba.
Biểu tình năm 2011
Năm 2011, sau khi dấy lên đợt biểu tình của người H’mông ở Mường Nhé, Điện Biên, cư dân ở đây cũng muốn biểu tình, cũng muốn đòi tự do tôn giáo, đòi đất đai, đòi quyền bình đẳng cho người H’mông, đòi quyền cho con cái đi học.
“Họ đưa máy bay trực thăng đến, kêu mình về nhà… Họ phun thuốc. Một số người bị bệnh. Một số người bị chết do uống nước, chắc một phần do thuốc. Sau đó họ đưa quân đội, cảnh sát xuống. Đánh chết người. Bắt người đi tù. Số người chết không chắc 100%, nhưng có người nói là chết gần 100 người.”
Những điều này chúng tôi không thể kiểm chứng, nhưng mô tả tương tự lời kể của anh Vàng Đức Sơn về vụ đàn áp đẫm máu ở Mường Nhé.
Bị đánh đập, tra hỏi
Ngay trong đợt đàn áp đó, anh Sùng A Bình trốn kịp, không bị bắt. Nhưng khoảng hơn một tháng thì công an tới bắt và giữ hơn 20 ngày trong trại giam ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.
“Họ đánh đập, tra hỏi. Mình đi biểu tình là do ai, tại sao… Họ cứ hỏi đi hỏi lại… Họ đánh bằng cây, bằng tay chân. Điện giật. Nói chung là họ tiện đâu đánh đó thôi.”
Anh Bình cho biết mình bị công an đánh ù tai, sưng tấy người. Một lần, canh lúc cùng công an vào rừng lấy củi và xuống đẩy xe giữa mưa tầm tã, anh bỏ trốn.
Rồi sang Lào lánh nạn tháng 12/2011.
Từ Lào sang Thái Lan
Anh Sùng A Bình cùng mẹ và em rể sang Lào, chờ chuyện lắng xuống. Chuyện không lắng, gia đình lại liên tục bị công an tra hỏi, ông Sùng Seo Chính không lâu sau đó cùng những người con khác và vợ anh Sùng A Bình sang Lào, rồi từ đó cả nhà sang Thái Lan ngày 12/2/2012.
Họ xin tỵ nạn vào khoảng tháng 4-5/2012, và được quy chế chính thức năm 2018 hay 2019.
Đặt chân đến Mỹ
Anh Sùng A Bình cho biết, nhờ BPSOS vận động, anh và vợ nhận được 40,080 baht (khoảng 1,100 USD) từ các nhà hảo tâm để đóng khoản tiền phạt để rời Thái Lan.
Ngày 7/11/2024, anh đặt chân đến San Antonio, Texas, Hoa Kỳ, cùng vợ và hai con (sinh năm 2009 và 2013). Họ được cộng đồng người Việt và đại diện nhà thờ Tin Lành ở đó chào đón.
Ngày 22/11/2024, sau khi được BPSOS vận động giúp khoản tiền phạt 1,500 USD, ông Sùng Seo Chính cùng vợ và hai người con sau cũng đặt chân đến San Antonio. Hai nhà bây giờ cách nhau chừng ba phút đi bộ.
Anh Sùng A Bình nói “Cuộc sống hiện tại, cũng còn lo lắng. Phần lớn là về tương lai, bươn chải cuộc sống… Tiếng nói cũng chưa được… Nhưng mình cảm thấy tốt hơn nhiều. Ít nhất mình có giấy tờ. Đi ra ngoài, không còn cảm giác lo sợ công an nữa. Và thứ hai là, mình cảm thấy mình là con người thật sự.”
Hải Di Nguyễn
*: Gần đây tổ chức Hmong Human Rights Coalition có một bài hát về tâm trạng người H’mông, bị kỳ thị và đàn áp ở Việt Nam. Quý độc giả có thể xem ở đây.