Mặc Lý: Cũng Là Một Phép Thử

(Năm 1920, tôi làm thư ký kiêm kế toán cho công ty Bạch Thái ở Hải phòng, tôi thấy ông Bạch Thái Bưởi bóc lột công nhân làm tàu của ông rõ ràng, thế mà một hôm ông chỉ vào mặt các anh làm tàu mà nói rằng: “Chính chúng mầy bóc lột tao” – Phan Khôi – Giai Phẩm Mùa Thu 1956)

Cuộc bầu cử ở Mỹ đã qua. Đảng Cộng Hoà nắm quyền ở cả ba nhánh: nhánh Tư pháp với sáu thẩm phán Tối cao Pháp viện bảo thủ và ba cấp tiến, nhánh Lập pháp trong đó Thượng viện với 53 Cộng Hoà và 45 Dân Chủ, Hạ viện với 220 Cộng Hoà và 215 Dân Chủ và quan trọng nhất, nhánh Hành pháp với ông Trump đắc cử chức vụ Tổng Thống.

Những người ủng hộ ông Trump vui mừng vì ông Trump nay đã có toàn quyền hành động còn những người chống đối ông Trump thất vọng nặng nề. Nhiều người lo âu cho cân bằng chính trị tại Mỹ và bàn cờ thế giới mới. Về đối nội, nước Mỹ sẽ bảo thủ hơn, nghiêng về phía hữu nhiều hơn nữa, tuy trong các nước phát triển thì Mỹ đã là nước bảo thủ nhất. Nhưng lần này, với cả ba nhánh điều hành quốc gia nằm dưới ảnh hưởng của ông Trump, những chính sách về xã hội, y tế, lao động, về tự do công dân, về chương trình an an sinh xã hội sẽ bị thắt chặt hơn. Và những người thấp cố bé miệng lại còn ít tiếng nói hơn nữa. Về đối ngoại, một số đe doạ của ông Trump với những nước khác sẽ có nhiều cơ hội được tiến hành. Cường quốc hàng đầu thế giới có lẽ sẽ tha hồ chèn ép các nước khác khi có cơ hội, nhất là các nước đồng minh ít đề phòng của Mỹ. Người thiếu tưởng tượng nhất cũng có thể hình dung ra khoảng trống chính trị khi Mỹ chèn ép các nước, sẽ được Nga và Trung Quốc lấp đầy như thế nào.

Nhưng với tôi, điều  đáng ngại nhất là dưới triều đại Trump sắp tới, hình ảnh một  nước tự do dân chủ như Mỹ với sự lãnh đạo của Trump sẽ khó mà phân biệt được với hình ảnh một nước độc tài. Một nước Mỹ mà nhiều người đang ủng hộ lãnh đạo cao cấp lên tiếng công khai bày tỏ hành động bức hiếp, xâm lăng những nước yếu thế hơn bằng vũ lực hoặc bằng kinh tế thì có khác gì một nước độc tài như Liên Xô trước kia hay Nga, Trung Quốc ngày nay không.  Hình ảnh nước Mỹ với chủ trương dân chủ tôn trọng pháp luật quốc tế và quốc gia có còn không? Với những lời nói và hành động của ông Trump ngày 06/01/2021, không ai nên giữ ảo tưởng là luật pháp hay đạo đức sẽ làm ông Trump chùn bước.

Tuy nhiên, cũng có ánh sáng cuối đường hầm. Truyền thông của nước Mỹ và thế giới, dù có những xuyên tạc do những thế lực đứng sau ông Trump, vẫn là một truyền thông tự do, với nhiều cây bút yêu chuộng sự thật. Mọi áp bức, chèn ép của nước Mỹ lên những nước khác thường sẽ gặp lại những đối kháng quyết liệt dù yếu thế hơn, có khi từ một liên minh đối kháng chứ không chỉ một nước đơn độc. Và chính ngay trong nước Mỹ, chúng tôi vẫn nghĩ lương tâm tập thể của nước Mỹ sẽ còn đó. và sẽ là một rào cản với ông Trump.

Tôi xem giai đoạn u ám sắp tới dưới triều đại ông Trump như một phép thử. Là người dân một nước đồng minh của Mỹ (Canada), những phản ứng của giới lãnh đạo quốc gia này sẽ là một phép thử để chúng tôi đo lường, đánh giá sự lãnh đạo và quản lý đất nước của họ. Nó cũng là phép thử để xem thực sự có bao nhiêu người ủng hộ ông Trump mà tôi biết, lại hả hê trước những đòn của chính quyền ông Trump giáng lên các nước khác hay lên những người dân thấp cổ bé miệng ở chính nước Mỹ.

Mặc Lý

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.