Phạm Công Luận: Về để nhớ

Buổi chiều 27 Tết, Tư Quăn bới tô cơm nguội, lấy tay nhón hai miếng khô cá dứa bỏ lên mặt cơm rồi ra ngồi trước cái ghế mây ọp ẹp đặt dưới cây táo. Cái sân nhỏ xíu vẫn còn cây táo khiến anh cảm động hết sức. Cám ơn mấy đứa em biết thương thằng anh xa xứ mà không đốn cái cây cằn cỗi này. Cái cây giống mình, anh Tư ngẫm nghĩ. Cây cũng như người, hết mơn mởn tươi xanh rồi mà vẫn muốn vui sống, dù héo úa bên trong xơ xác bên ngoài vẫn cố ra cái lá xanh, ráng vươn cành ra ngoài nắng. Đang ở Mỹ sung sướng, anh đong đưa cái thân sắp già trên máy bay suốt hai chục tiếng để về đây cỡi xe máy, hít khói, hết lang thang ngoài đường Nguyễn Huệ rồi về ngồi ngó lên trên tàng cây táo bé xíu, chứ không phải nhìn ra cánh rừng sau nhà ở Virginia. Nhưng vậy mà có cái lý của nó. 

Nghĩ ngợi nhiều chi cho mệt, anh Tư thầm nói trong bụng. Lâu quá, mấy năm rồi anh mới ăn cơm nguội với khô cá. Đó là món ruột của má anh hồi còn sống. Thiệt ra má thích ăn với khô tra phồng Biển Hồ, vừa béo vừa có mùi thum thủm đặc biệt của con khô béo ngậy. Vị mặn béo của nó ăn với cơm nguội lạt lẽo vậy mà ngon thần sầu.

Gió tháng Chạp thổi luồn vô cái hẻm nhỏ của anh ở Phú Nhuận. Ngọn gió quen thuộc luôn thổi vào cuối năm, hơi se lạnh khiến anh nhớ tùm lum, nhớ thấy ông bà ông vải… đủ mọi chuyện. Anh nhớ mối tình đầu nửa thế kỷ trước với mùi tóc con gái trong một đêm đi chơi trước giờ Giao thừa. Anh nhớ những ngày lãng tử, khi“đã biết bao đêm thọc túi quần/ đốt đời le lói ở trong sương (*)” với khói thuốc và men rượu. Nhớ mùi nhang má anh cúng đưa ông Táo của những năm tuổi nhỏ. Nhớ mấy thằng bạn cà chớn mà dễ thương, rải rác từ hồi tiểu học, thuở mới lớn và lúc ra trường mới đi làm. Anh nhớ cái miệng móm mém của ông nội anh, luôn kêu úi chu cha khi thấy dáng đi đánh tay dịu nhỉu của cô Út, cục cưng của ông. Ông nội bảo: “Con Út, mày đi hai cái tay đánh đồng xa như vậy ai lấy mày?”. Cô Út cười khúc khích: “Vậy mà có người thích, ba ui!”. Cuối cùng cô cũng lấy được một đức lang quân phong độ như lính không quân, đẹp trai như Nguyễn Chánh Tín, giọng trầm như Sĩ Phú, sau này còn được ổng đưa sang Mỹ nữa chứ. Ngày cưới của cô, ông nội tiếp tục cười móm mém. Nụ cười luôn theo ông trên môi cho đến khi ông mất.

A Ngẩu, bạn vong niên của anh Tư Quăn lò dò qua chơi, tay vung vẩy cái cọ sơn cửa. Thằng A Ngẩu này nay râu tóc đã lốm đốm bạc chỉ có mỗi cặp lông mày là đậm đen, ngộ thiệt. Nhìn mặt nó ngày càng giống y ông Khổng Minh trong truyện tranh Hồng Kông hồi xưa, quắc thước với cặp mắt xếch, cái mặt dài. Trông giống là phải vì nó là dân Hẹ thế hệ thứ hai sinh ở Việt Nam. Nhà nó hồi xưa có tiệm thuốc Bắc ngoài đường Võ Di Nguy gần cầu Kiệu. A Ngẩu hỏi nhà anh Tư làm kiệu chưa? Nó mê món kiệu ngọt mà em gái anh kế thừa nghề của má anh. Ai ăn rồi sẽ chê kiệu ngoài quán không thanh, chua chát lại vàng khè. A Ngẩu yên tâm, nhà tao ăn Tết thì làm sao thiếu hột vịt Bắc thảo, tôm khô Bến Tre và món kiệu ngọt cho mày đến phá mồi chứ, miễn là đừng quên xách đến chai Ngũ Gia Bì nha, nhớ là loại đựng trong chai sành màu đen dán chữ đỏ, đừng mang ba cái rượu Mao Đài là không uống đâu. Ngồi nói chuyện một chút, A Ngẩu nhắc lại chuyện hồi ba nó còn sống. Suốt ngày ông khen đất này dễ sống dù vẫn nhớ hoài cái Thổ Lầu hình tròn thiệt to chứa mấy gian nhà nhỏ của dòng họ ông ở Phúc Kiến. Ngày Tết, má A Ngẩu nấu món truyền thống của người Hẹ để đỡ nhớ quê. Anh Tư nhớ có lúc nó kể: “Ngày Tết, người Hẹ phải có bánh tổ nhưng còn nhiều món ngon bảo đảm anh chưa ăn bao giờ. Anh có bao giờ nghe món Wù chừa táu không? Má tui và bà chị lấy khoai cau, giống khoai mỡ nhưng nhỏ hơn, đem hấp chín, lột vỏ, nghiền nhuyễn xong trộn với bột năng, xe thành điếu dài rồi hấp lần nữa. Xong cắt ra thành từng khoanh. Muốn đẹp hơn thì trước khi hấp cắt thành từng viên. Lấy cái chảo gang bỏ mỡ heo vào cho nóng, thêm nấm mèo, nấm đông cô, tôm khô xào chung với nhau, nêm nước tương. Nhắc lại thèm quá !” 

Thấy Tư Quăn lim dim mắt nghe, có vẻ khoái, A Ngẩu khoe ngay món khác: “Còn món này nữa, làm cực công nhưng Tết phải có. Trước hết, dùng thịt heo đùi luộc lên, tước thành sợi nhỏ. Lấy đậu đen nấu chín nhừ, giã ra. Xong xuôi, thịt heo và đậu đen trộn chung với nhau, lại giã thật kỹ nhiều giờ cho đến khi cả hai thành một thứ bột mịn. Cục bột đó được cắt thành từng bánh, đem đi hấp chín rồi ăn. A Ngẩu kể hồi nhỏ nó ăn thử thấy lạt miệng nên không thích, đến khi lên chín, mười tuổi được ăn lần nữa, nó mới cảm thấy ngon khi cảm nhận vị bùi của đậu và béo ngọt của thịt hòa lẫn với nhau. 

A Ngẩu ra về sau khi hẹn chiều nay sẽ gặp lại ở cái bàn dưới gốc cây táo. Tư Quăn lững thững đi ra đầu hẻm. Anh đi xuyên qua cư xá Chu Mạnh Trinh, xưa có hàng quán hủ tíu bò viên, mì hoành thánh. Ở một trong những cái quán đó, anh quen cô bạn gái tên là Ngọc Ba, có đôi mắt to hiền hậu như cô đào Lý Lệ Lệ. Anh và cô hạp nhau vì thích ăn mì hoành thánh, hủ tíu bò viên và đặc biệt là món cơm tấm dù cô không bao giờ ăn cơm cháy vì sợ không về Tàu được. Quen nhau chưa đủ một mùa trăng thì cô đi lấy chồng, một xì thẩu bụng bự theo lệnh song đường. Nói cho cùng, anh đoán trước chuyện đó vì ba cô, dân Phúc Kiến không thích gả con gái cho trai Việt. Mấy cái quán đó giờ không còn nữa, hẻm đã mở rộng hơn. Nhìn về phía ngã tư Phú Nhuận, ngay vị trí nhà thờ Cơ đốc Phục lâm ngày nay, anh nhớ hồi nhỏ má anh bảo trước kia, đúng ngay chỗ nhà thờ có ngôi nhà gỗ xây kiểu tân thời rất đẹp, nổi bật giữa khối phố đang còn trống trải. Ba anh bảo đó là nhà của ông Bùi Quang Chiêu, một chính khách đấu tranh đòi Pháp trả lại độc lập cho nước Việt. Phía dưới ngã tư, đi dọc theo con đường Võ Tánh cũ về phía đường rầy xe lửa, xưa có mấy cái quán phở khiến anh tốn không biết bao nhiêu tiền vì cái tính ham ăn hàng. Phở Quyền có tiếng nhưng anh thích phở Bắc Huỳnh hơn, nổi tiếng không kém, nước lèo trong ngọt thơm, miếng thịt chín bùi và mềm lụp. Nhớ lúc còn nhỏ, trước khi Tây rút về, anh còn thấy ông hương cả Louis Vidal đi xuống thăm dãy nhà cho thuê của ông. Ông cao khoảng một mét bảy, mập mạp và tóc đã bạc, da mặt hồng hào, râu rậm. Ông bận bộ pyjama như những người đàn ông Việt thời đó khi ra đường, tay chống ba toong. Ông qua lại trên đường Trương Tấn Bửu, nay là Trần Huy Liệu chỗ dãy nhà bán sách cũ bây giờ, không mấy khi chào hỏi ai dù ai giáp mặt cũng cúi đầu chào ông. 

Có vài giọt mưa rớt trên mái tóc quăn đã lốm đốm bạc của anh. Quái lạ, hồi còn nhỏ hiếm khi trời tháng Chạp mà có mưa như bây giờ. Tư Quăn đứng nép dưới hàng hiên tiệm chụp ảnh Mỹ Lai nhìn sang tiệm Đồng Xương nơi thường mua cà phê về uống ngày chủ nhật, nay vẫn còn nhưng ngăn đôi nên chỉ còn một nửa bề ngang. Hết mưa, anh tà tà đi về phía nhà Hội đồng xã Phú Nhuận. Anh gọi vậy chứ từ lâu nó đã trở thành Nhà Bưu điện của quận. Nhà này nằm ở đầu con hẻm đi vô trường Võ Tánh anh học hồi nhỏ với nhiều kỷ niệm. Anh nhớ hồi học lớp ba ở đây, mỗi bữa đi học được má cho năm cắc, ăn bánh mì hay xôi giá hai cắc, giải khát bằng một cắc nước đá nhận hoặc hai cây cà rem đồng giá. Nước đá nhận thời đó tuyệt vời làm sao với đám trẻ con mê ăn ngọt, hầu như giờ ra chơi đứa nào cũng có một bao cầm tay, mút lấy mút để cho đến không còn chút si rô nào trên mặt đá lạnh. Trường Võ Tánh lúc anh học chỉ có hai dãy nhà có mái ngói cũ kỹ buồn thiu đầy phân chim và lá mục. Hồi đó có nhiều ông thầy dữ đòn, là hung thần với đám học trò nghịch ngợm. Có ông thích nhéo bắp vế non, ông khác thích dùng thước tròn giống như cái hèo gõ đầu học trò đến nổi cục u. Có ông xách vành tai học trò kéo bổng lên cao, gọi là cho đi tàu bay… đủ kiểu hình phạt để trị lũ con nít lười biếng và ranh ma. Tuy vậy, thầy cô dạy chữ tận tụy, đến khi lớn lên mới thấy được điều đó. 

Trước cổng trường có đặt một lò sát sinh heo, bò, trâu. Học trò ngồi học mà thỉnh thoảng cứ giật mình khi có tiếng một con heo ré to lúc bị thọc huyết, hoặc là tiếng kêu từ con bò, con trâu nào đó khi bị đập búa đầu tiên chưa chết. Những buổi chiều tháng mười trời mau tối, lò sát sinh nghỉ, trong lò chỉ đặt một ngọn đèn đỏ le lói. Lũ học trò đi học về trễ đi ngang bấm tay nhau nhìn vào, tưởng tượng lũ heo bò chết biết ngồi dậy biến thành những con ma áo đen. Cả đám hù nhau rồi ù té chạy. 

Lần nào cũng vậy, về ăn Tết là anh Tư thấy mình có cái tật lẩn thẩn nhớ đủ thứ về những chuyện và những người mà anh đã gặp hồi còn sống trên xứ này. Họ có khi chỉ là một ông thợ giày dạo, bà bán lẻng kẻng, chú thợ chụp hình hay một cụ già hàng xóm. Anh nhớ cả những người tỵ nạn chiến tranh, về ở tạm dãy hành lang trường học của anh trong đợt nghỉ hè. Họ vô cớ lạc vào giấc mơ của anh trong những đêm lạnh xứ người nhiều mộng mị và ám ảnh. 

Điện thoại báo có tin nhắn của thằng A Ngẩu, gọi anh về uống chén rượu cuối năm cùng mấy ông bạn trước ở xóm cũ. Nó còn khoe có tới hai hũ Ngũ Gia Bì và vịt lạp, lạp xưởng gan và con gà hấp muối. Quay về nhà trong cái vắng lặng hiếm có của một tối cuối năm trên đất Sài Gòn, khi số đông người nhập cư đã về quê ăn Tết, anh mỉm cười nhớ lời trách sao về chơi mà không chịu đi du lịch ra Trung ra Bắc của cô con gái. Đường phố đã lên đèn và trong sự vắng lặng nhẹ nhàng của nó, anh được du lịch về quá khứ, trở về một mùa xuân thành phố tuổi thơ mà anh đã mất từ rất lâu, trong hương thơm của ly rượu thuốc Ngũ Gia Bì. Anh còn mong muốn gì hơn nữa?

Phạm Công Luận

(trích từ cuốn “Với ngày như lá tháng như mây”. Công ty sách Phương Nam xuất bản)

(*) Thơ Nguyễn Hồi Thủ