Trần Lệ Bình: Mao và Tập
Đầu năm Ất Tỵ 2025, lướt trên mạng xã hội tiếng Trung, từ trong và ngoài nước Trung Quốc, có một chuyên đề khá sôi nổi và lý thú, đó là về tuổi cầm tinh của Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình. Tôi xin tóm lược vài ý chính đọc được như điểm báo để gửi đến bạn đọc.
Mao sinh 1893 năm Quý Tỵ, Tập sinh 1953 cũng là năm Qúy Tỵ. Cả hai người cầm quyền cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều cầm tinh con rắn như nhau. Khi Tập xuất hiện trên khán đài Thiên An Môn, với thân hình cao to béo trong bộ trang phục y hệt của Mao luôn mặc,khiến người ta nghĩ luôn tới hình ảnh của vị lãnh tụ đầu tiên của Trung cộng là Mao Trạch Đông. Hay chính Tập cũng cố ý muốn tạo cho dân Trung Quốc có ấn tượng như vậy.
Dư luận cho rằng, từ khi lên ngôi tổng bí thư đảng, những việc làm về chính trị và cách ứng nhân xử thế của Tập luôn khiến người ta liên tưởng tới những việc Mao đã làm trong qúa khứ.
Một chuyên gia và học giả quốc tế nổi tiếng, nhà Hán học người Mỹ gốc Hoa, giáo sư chính trị tại Đại học Columbia Lê An Hữu phân tích sự khác biệt và tương đồng giữa Mao và Tập. Ông cho rằng Tập đề cao hệ tư tưởng giống như Mao và phản đối những tư tưởng và hành động độc lập: “Tập tin rằng hệ tư tưởng của mình là đúng và mọi người phải chấp nhận nó. Một khi Mao đưa ra quyết định về chính sách thì mọi người đều phải tuân theo, và điều này cũng đúng với Tập.”. Về sự khác biệt giữa hai người, Lê An Hữu cho rằng: “Tập sử dụng quyền lực từ trên xuống để buộc phải tuân thủ; Mao sử dụng sự vận động xã hội để khiến đảng viên và người dân chống lại nhau; Mao tạo ra hỗn loạn và khủng bố, còn Tập tạo ra trật tự và đoàn kết trong sự ngột ngạt.” Ông cũng cho rằng: Tập không có ý định quay lại thời Mao, là một Trung Quốc nghèo nàn, cô lập và hỗn loạn, nhưng Tập rất khâm phục những gì Mao đã làm trong thời kỳ đó và những năng lực mà Mao có: “Nên tôi sẽ không nói Tập đang tuân theo các chính sách của Mao, nhưng ông ấy muốn kế thừa di sản và sức thu hút như ma lực của Mao”.
Tập Cận Bình biết rất rõ năm nay là năm tuổi của mình, sẽ gặp nhiều thách thức, nên ông đã có bài phát biểu đầy thâm ý trong buổi lễ gặp mặt các vị lão thành các mạng nhân dịp Tết ẤT tỵ vào ngày 27-1-2025. Tân hoa xã tường thuật, Tập nói: “Rắn là biểu tượng của tâm linh, trí tuệ và sức sống, mang ý nghĩa thu hoạch, may mắn và hạnh phúc. Trong năm Tỵ, tôi mong người dân các dân tộc trong cả nước sẽ dùng sức mạnh của con rắn để đi ngàn dặm, (hành thiên lý) kiên định niềm tin, tràn đầy hy vọng, tiến lên phía trước, kiên cường phấn đấu, để cùng nhau viết nên một chương mới trong công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.”
Bình luận viên La Ning Ning của trang mạng A Bo Luo cho rằng, Tập Cận Bình chỉ nói một nửa, nửa còn lại là: “Đảng Cộng sảnTrung Quốc khởi đầu từ con rắn, bắt đầu từ Mao Trạch Đông, một con rắn, và sẽ kết thúc với Tập Cận Bình, cũng một con rắn.”
Học giả Tôn Thụy Hậu cho rằng, văn hóa cổ đại Trung Hoa cho rằng, rắn là biểu tượng của trí tuệ và biến hóa. Sau giấc ngủ đông, rắn lột xác, nên năm rắn thường được coi là năm biến cách. Nhưng rắn là loài bò sát, không có chân mà bò bằng bụng. Hành tức là đi, rắn không thể đi xa. Ai đã từng nhìn thấy “rắn đi ngàn dặm” bao giờ? Có lẽ vì Tập muốn cầu may vào năm tuổi, vì thế nhất quyết phải là “rắn hành thiên lý”. Rắn hầu hết ẩn nấp trong cỏ cây và hiếm khi xuất hiện một cách công khai, dường như có nghĩa là năm nay Tập sẽ buộc phải im lìm trước áp lực từ bên trong và bên ngoài, khó có con đường thẳng tắp mà đi, mà chỉ có thể là phải uằn mình như rắn.
Cũng trên trang A Bo Luo đưa tin, trước tết, Tập Cận Bình đã đến thăm Đông Bắc Trung Quốc để kiểm tra. Nhiều cư dân mạng đã phát hiện ra Thái Kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đi hộ tống, như quần thần hộ tống vua, ông mặc một chiếc áo khoác đen có sọc đỏ treo ở hai túi. Giới quan sát suy đoán, chữ “màu đỏ” trên ngực Thái Kỳ chứng tỏ ông Tập rất kiêng kỵ về năm sinh của mình và muốn dùng nó để cầu may, tránh tà.
Nhà sản xuất phim truyền hình độc lập Lý Quân nói trong chương trình “Diễn đàn Thanh Oanh” rằng, năm nay Tập Cận Bình gặp Thái Tuế. Theo phong tục văn hóa truyền thống, năm tuổi gặp Thái Tuế là điềm không may. Sách “Thần Thư Kinh” có ghi: “Thái Tuế là hình ảnh của một vị vua, dẫn dắt các vị thần điều chỉnh phương hướng và trật tự của vận mệnh”. Sách cổ “Nguyên Hải Tư Bình” cũng ghi: “Thái Tuế là hoàng đế trong năm nên không thể vi phạm, phạm vào sinh hung.”
Lý Quân cho rằng, nếu suy theo lô gích “năm rắn đa biến cách”, thì năm 2025 có thể sẽ là năm có sự biến đổi lớn về chính trị, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc.
Học giả Thái Băng mượn những lời tiên tri trong sử sách cho rằng, năm 2025 sẽ có bước ngoặt quan trọng cho chính quyền công sản Trung Quốc. Ông dẫn chứng lời thơ trong sách “Thiền sư Hoàng Bá”, là bài thơ tiên tri về vận mệnh đất nước do Thiền sư Hoàng Bá, một vị cao tăng thời Đường để lại, đã tiên đoán chính xác hàng trăm năm lịch sử ở đời sau. Trong sách có đoạn miêu tả: “Vào thời Chuột Đỏ, vận may khác nhau, vận may ở Trung Nguyên không đến. Khi nhìn thấy Nam quân ở phía Tây, vận may của Rắn Vàng vừa kết thúc.” Trong dân gian Trung Quốc lưu truyền một câu sấm: “Xà thủy xà chung”, nghĩa là rắn khởi đầu rắn kết thúc. Dư luận cho rằng, đây là những lời tiên đoán về Trung cộng sẽ kết thúc vào năm rắn. Mao là người tuổi rắn sáng lập ra Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập người tuổi rắn sẽ kết thúc Đảng cộng sản Trung Quốc.
Cũng trên trang mạng A Bo Luo cho biết, trong dân gian Trung Quốc lưu truyền câu tiên tri như sau: “ 江胡习无后,河山再从头” “Giang hồ tập vô hậu, hà sơn tái tòng đầu.” Dịch ra là: “Giang hồ tập sẽ không có kế vị, đất nước sẽ bắt đầu lại từ đầu”. Và được giải trình như sau.
Giang là Giang Trạch Dân, từng giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 13 năm (1989-2002) và chức chủ tịch nước trong 10 năm (1993-2003).
Hồ là Hồ Cẩm Đào, từng giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm (2002-2012) và chủ tịch nước trong 10 năm (2003-2013).
Tập là Tận Cận Bình giữ chức tổng bí thư Đảng từ năm 2012 và chủ tịch nước từ 2013 tới nay.
Theo câu tiên tri này, sau Tập, Đảng Cộng sảnTrung Quốc sẽ không có người tiếp theo nắm quyền, và mọi thứ sẽ bắt đầu lại.
Dư luận cũng cho rằng, hiện nay những cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Cộng sảnTrung Quốc ngày càng gây cấn. Không ai biết trước tương lai sẽ ra sao. Tôi xin mượn lời trong Thánh Kinh để kết thúc bài viết này. Đó là lời của ông Vua Do Thái tên Salomon, sống thời hơn 900 năm trước Công Nguyên, và được cho là một ông vua thông thái nhất trong lịch sử loài người. Vua Salomon nói rằng: “Thượng Đế định kỳ cho mọi sự. Mọi quy luật Thượng Đế định đều bất di bất dịch, không ai thêm bớt gì được. Thượng Đế làm vậy để loài người thấy mà kính sợ Ngài.”
Trần Lệ Bình
——————
Tham khảo: