Phương Nam: Trump muốn kết thúc cuộc chiến Ukraine một cách nhanh chóng, nhưng với giá nào cho Ukraine?
Pete Hegseth, Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump, đã phác thảo sơ lược về tầm nhìn hòa bình của tổng thống Hoa Kỳ một cách thẳng thắn trong cuộc họp hôm thứ Tư với các bộ trưởng quốc phòng NATO.
Ông cho biết lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ không được trả lại cho Ukraine – ngụ ý về việc đóng băng dọc theo đường tiếp xúc hiện tại. Ukraine sẽ không nhận được tư cách thành viên NATO cũng như bảo đảm an ninh theo Điều 5. Và chắc chắn sẽ không có quân đội Hoa Kỳ nào tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình.
Đó là một thỏa thuận ảm đạm sẽ thưởng cho Nga bằng đất bị đánh cắp và khiến Ukraine dễ bị tấn công lần thứ hai trong những năm tới.
Nhưng ông Hegseth cũng kêu gọi đảm bảo an ninh đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công khác của Nga, thừa nhận rằng không thể là “Minsk 3.0” – ám chỉ đến hai thỏa thuận hòa bình trước đó mà Nga đã sử dụng để tập hợp lực lượng mọi thứ trước khi tấn công lần nữa.
Nhưng có một điều đáng lưu ý. Như ông Trump đã nói rõ, và ông Hegseth cũng đã nói rõ bằng ngôn ngữ mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu, Hoa Kỳ không còn hứng thú với việc bảo lãnh an ninh cho Ukraine và châu Âu nữa khi chính quyền Trump chuyển sự chú ý sang bảo vệ biên giới Hoa Kỳ và ngăn chặn chiến tranh với Trung Quốc.
Vì vậy, hình dạng của hòa bình ra sao sẽ phụ thuộc vào châu Âu.
Điều đó có nghĩa là các nước châu Âu phải đầu tư lớn vào lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng của họ để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai, không chỉ vào Ukraine mà còn vào chính NATO châu Âu. Bởi vì Putin sẽ quay trở lại Ukraine sau vài năm nữa và chiếm Kharkiv và Kyiv. Sau đó, ông ta sẽ xâm lược một quốc gia NATO, yên tâm rằng liên minh này sẽ không thực hiện được lời hùng biện về phòng vệ tập thể.
Nhưng điều đó chưa bằng những gì mà người ta cảm nhận được sau cuộc nói chuyện giữa Trump và Putin.
Mỹ từ lâu đã từ chối chiều theo tham vọng thống trị toàn cầu của Nga – cho đến tận bây giờ. “Không có điều gì về Ukraine mà không có (sự tham gia của) Ukraine” (nothing about Ukraine without Ukraine)– kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga nổ ra, Mỹ đã nhiều lần lập đi lập lại điều này, như một lời hứa sẽ không tham gia vào trò chơi của Nga là chia cắt các quốc gia thứ ba.
Không còn như vậy nữa.
Trong cuộc điện đàm dài khoảng 90 phút mà Donald Trump gọi là “có hiệu quả cao”, Trump cho biết Trump và Vladimir Putin “đã nhất trí để các nhóm tương ứng của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức”.
Nếu đó là những gì đã xảy ra, thì đó là một chiến thắng lớn cho thế giới quan của Putin.
Putin luôn tin rằng chỉ những quốc gia quyết định số phận của quốc gia khác mới có thể thực sự có chủ quyền.
Ông ta luôn quyết tâm rằng Nga sẽ là một trong những cường quốc – cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc – đủ điều kiện để chia cắt phần còn lại của thế giới giữa họ.
Đó là lý do tại sao ông ta luôn muốn nói chuyện với Washington, không phải Kyiv, về số phận của Ukraine. Bất kỳ điều gì khác sẽ là một sự sỉ nhục. Và bây giờ thì ông ta đã đạt được điều đó.
Đây cũng là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Putin. 3 năm trước, khi Putin tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện vào Ukraine, nước Nga đã nhận lãnh vô số lệnh cấm vận từ Hoa Kỳ và phương Tây, Putin bị cô lập hơn bao giờ hết, bị tòa án quốc tế truy nã vì là tội phạm chiến tranh. Người tiền nhiệm của Trump, Tổng thống Joe Biden, đã không nói chuyện với người đồng cấp Nga của mình trong gần ba năm, tin rằng sẽ chẳng có lợi ích gì khi nói chuyện với một nhà lãnh đạo mà ông coi là tội phạm chiến tranh.
Nhưng bây giờ thì Trump và Putin đã nói chuyện, sẽ gặp nhau sớm nhất có thể tại Saudi Arabia, thậm chí có thể đến thăm quốc gia của nhau, như Trump viết trên Truth Social.
Trump cũng từng đề cập về việc đạt được thỏa thuận với Zelenskyy của Ukraine để Hoa Kỳ tiếp cận các khoáng sản đất hiếm có giá trị của nước này như một khoản thanh toán cho sự hỗ trợ liên tục của Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ không bao giờ như cũ sau cuộc gọi của Trump với Putin. Cách Trump đối xử với các đồng minh như Canada và Mexico, cũng như lời kêu gọi Đan Mạch trao Greenland, cho thấy sự khinh miệt của Trump đối với chính sách đối ngoại đa phương của Hoa Kỳ trước đây. Trump luôn ca ngợi Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự thông minh và sức mạnh của họ. Rõ ràng Trump cho rằng họ là những người đối thoại xứng đáng duy nhất đối với nhà lãnh đạo cứng rắn của một cường quốc khác, Hoa Kỳ.
Zelenskyy và người Ukraine nghĩ gì?
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Năm ngày 13/2 rằng Ukraine sẽ không chấp nhận hòa bình giữa Hoa Kỳ và Nga nếu không có sự tham gia của Kyiv.
Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, đã cảnh báo về một “giải pháp nhanh chóng” và một “thỏa thuận bẩn thỉu” để chấm dứt chiến tranh, nói rằng châu Âu và Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán vì không có thỏa thuận hòa bình nào có thể được thực hiện nếu không có sự tham gia của họ.
Ukraine có thể cân nhắc một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh nếu, ví dụ, họ được trao tư cách thành viên NATO, được cung cấp đủ vũ khí tinh vi để tự vệ trong tương lai, gia nhập Liên minh châu Âu và nhận được từ phương Tây toàn bộ khoản tài trợ cần thiết cho công cuộc tái thiết. Nhưng cho đến khi Washington và các đồng minh châu Âu của họ đưa ra những đảm bảo như vậy, và cho đến khi phương Tây thừa nhận rằng sự chiếm đóng của Nga thực sự nhắm vào phần còn lại của Ukraine, thì người dân Ukraine có khả năng sẽ tiếp tục cam kết với cuộc chiến, bất kể chi phí có cao đến đâu. Và nếu đạt được lệnh ngừng bắn mà không giải quyết được mối đe dọa liên tục này của Nga, thì hòa bình và ổn định lâu dài sẽ vẫn còn xa vời.
Tệ hại hơn, điều này rõ ràng sẽ khuyến khích mọi nước lớn có thể vô tư xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền nhỏ yếu hơn hay làm bất cứ điều gì mà không phải nhận lãnh hậu quả nặng nề. Còn Việt Nam, một quốc gia cũng có hoàn cảnh tương tự như Ukraine là ở bên cạnh một láng giềng to lớn lại xấu tính thì sẽ nghĩ gì? Có lẽ đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ càng xác tín rằng không bao giờ nên là đồng minh hay bạn bè với Hoa Kỳ mà chỉ là “đối tác cần thiết”, ngược lại càng phải hết sức ngoan ngoãn giữ mối quan hệ “tốt đẹp” với Trung Cộng, chứ đừng như Ukraine muốn rời xa nước Nga, gần với phương Tây và lãnh trái đắng!
Phương Nam
——————
Tham khảo:
This is Putin and Trump’s world now, The Telegraph
After Putin call, Trump says negotiations to end Ukraine war will start ‘immediately’, CNN
US relations with Europe will never be the same after Trump’s call with Putin, CNN
Putin’s Ukraine, Foreign Affairs
Europe fears Trump-Putin ‘dirty deal’ as Ukraine scrambles for a seat at the table, CNN