Bão Yagi và chuyện cứu hộ, cứu trợ

Dương Quốc Chính: Một số vấn đề về cứu trợ, cứu hộ 

Theo quan sát của mình cả trên Facebook và thực tế trải nghiệm, thì có vẻ như ở các nơi đều không có 1 cơ quan nào làm tổng chỉ huy việc cứu trợ, cứu hộ (2 việc khác nhau). Dường như bây giờ hầu hết là tự phát, dân tự cứu dân là phổ biến. Lực lượng vũ trang chắc cũng đã cố gắng, nhưng bên nào thì biết bên ấy thôi chứ không có sự chỉ đạo thống nhất.

Vì thế dẫn đến thông tin rất nhiễu loạn, chủ yếu lấy từ nguồn Facebook, không thể kiểm chứng. Thông tin có thể cũng không sai, nhưng sai về thời điểm thì cũng vứt đi. Vì lũ lụt này nước lên xuống từng giờ. Hàng cứu trợ sau 5 phút có khi cũng đã khác. 

Vì thế, lẽ ra phải có 1 cơ quan quản lý thông tin chính thống. Ví dụ web hay Facebook của đài truyền hình địa phương, còn cán bộ xử lý tin là Sở 4T, phải có nguồn tin từ các điểm nóng chuyển về, cập nhật từng giờ. Có người gọi điện check thông tin. Từ đó các nhóm cứu trợ, cứu hộ mới quan sát được tình hình mà ứng cứu những nơi cần thiết, tránh để nơi thừa mứa, nơi chả có gì. Hiện tại như ở TN, thì đầu mối thông tin có vẻ như là nhóm FB Beat TN! Đơn giản vì nó là nhóm đông member sẵn từ trước, độ hóng cao. 

Về lực lượng cứu hộ, nếu được đào tạo chuyên nghiệp chỉ có Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy và Cứu Nạn Cứu Hộ. Nên sếp cơ quan này lên là chỉ huy chính về kỹ thuật cứu hộ, ông lãnh đạo địa phương cũng chỉ nên là người điều phối liên ngành, vì các lãnh đạo biết mẹ gì về chuyên môn cứu hộ đâu. Các anh em quân đội, công an khác thực ra cũng chỉ là chân tay to, trẻ khỏe và đông quân chứ không chuyên nghiệp, nên phải dưới trướng ông cứu hộ cứu nạn ở các ca khó, nguy hiểm. 

Về việc cá nhân, hội nhóm, trực tiếp đi livestream trao quà, cơ quan chức năng nên hạn chế tối đa, nhất là khi lũ lụt còn đang báo động. Vì trò này thiên về làm màu lấy view, lấy số thôi. Sau này lũ rút rồi thì tính sau. Có thể có đại diện tham gia để quay phim chụp ảnh thôi.

Đội cứu hộ (khác cứu trợ) nên là thanh niên trai tráng, không nhất thiết là lực lượng vũ trang, nên có quần áo hay buộc khăn gì đó để làm dấu hiệu. Lực lượng đó cần có trang bị bảo hộ, rồi mới được đi cứu ở các nơi nguy hiểm. Tránh để như ở Thái Nguyên vừa rồi, dân leo lên thuyền cứu hộ xong rồi ngã xuống nước chết vì thiếu áo phao. Những vụ như vậy lẽ ra không được phép có.

Về tổng chỉ huy, chắc vẫn cần là 1 lãnh đạo địa phương, nhưng chủ yếu ở vai trò điều phối liên ngành (công an, quân đội, y tế, Thông tin truyền thông…) để phối hợp nhịp nhàng. Cũng cần có đầu mối để kết nối với các hội nhóm tự phát để cùng phối hợp.

Về cứu trợ, chuyện này mình đắn đo mấy hôm rồi, vì viết ra nó hơi nhạy cảm lúc này. Đó là việc dân các tỉnh xa nô nức gói bánh chưng để gửi đồng bào miền Bắc. Xem ảnh thì xúc động lá lành đùm lá rách, nhưng cơ bản giống dân Thanh Hóa đi xe đạp thồ chở gạo cho Điện Biên Phủ. Dùng để truyền thông thì tốt, nhưng hiệu quả rất thấp.

Đó là vì gói bánh, luộc bánh vận chuyển bánh từ Nghệ An, Đà Nẵng ra nó mất thời gian lắm. Mà bánh trái cũng dễ thiu thối. Cơ bản nhất là lâu. Đồng bào ở xa tốt nhất là gửi tiền cho 1 đầu cầu ở gần nơi có thiên tai. Đầu cầu đó có thể chính là người của nhóm cứu trợ, nếu không tin tưởng vào chính quyền địa phương. Đầu cầu đó mới dựa trên thông tin thực tế xem cần mua thứ gì người ta đang thiếu. Chứ chở 1 tấn bánh chưng đến có khi lại không đưa vào được vì thiếu xuồng hay áo phao, hay không có ai đưa vào được.

Như mình hôm trước là mua hàng tại siêu thị tại Thái Nguyên, vẫn còn nhiều. Không mua mì tôm nữa mà mua bánh mì, lương khô ăn liền, bánh ngọt loại có trong túi nilon, dễ ăn và bảo quản, rơi xuống nước không sao. Áo phao thì phải ship từ Hà Nội. Sau đó mình trao lại hàng hóa cho đội cứu hộ chuyên ở tại chính điểm cần cứu.

Mình thấy có thông tin các đội cứu hộ, cá nhân tình nguyện lao về vùng lũ lụt nhưng không biết về đâu, lên Facebook hỏi “Em có thể tham gia cứu hộ nhưng cứu ai thì em chưa biết!” Đại khái thế, có cả những nhóm ở tỉnh xa về. Đó là do không có đơn vị điều phối chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do lãnh đạo Thái Nguyên lên báo “cãi” là làm gì có dân kêu cứu! Tầm này cãi nhau kiểu đó cũng khó vì dân toàn kêu trên Facebook, không ai kiểm chứng được thực hư là kêu thật hay kêu ảo để “chơi” lãnh đạo, làm nhục cơ quan chức năng!

Lụt đã có vẻ đang giảm ở 1 số nơi, nhưng việc chấn chỉnh công tác quản lý, điều phối là vẫn còn kịp, nhất là ở các tỉnh còn chưa bị hay mới chớm như Hà Nội. Việc này có lẽ phải có chỉ đạo từ cấp thủ tướng. Chứ mình nghĩ thủ tướng ra lội nước, alo “Em đang ở đâu đấy…” chả giải quyết gì, cũng như cô Tiên đi lội nước livestream thôi, hiệu quả về view có khi không bằng. Lãnh đạo to nên phải làm những việc lớn, chỉ đạo ở tầm vĩ mô hơn là gọi điện cho em nọ em kia. Để các em gọi điện cho nhau đi. Đại ca ra quyết định thôi.

Dương Quốc Chính 

***

Dương Quốc Chính: Xin lỗi đồng bào 

Đồng bào miền Nam đang lũ lượt chuyển hàng ra Bắc. Có lẽ đồng bào Cà Mau cũng sẽ chuyển tương tự. Không khí hừng hực khí thế cách mạng, có phần giống đợt dịch Covid.

Hãy tưởng tượng, người ta chuyển chai nước suối, hộp sữa (nhiều khi là quá date), hộp mì tôm…bằng máy bay ra Hà Nội, rồi đi Yên Bái. Rồi chở cả bằng xe tải nữa, nhanh cũng mất 3 ngày. Trong khi những hàng hóa rất cơ bản này ở Hà Nội cực nhiều, mua bao nhiêu chả có, giá vẫn vậy, mua nhiều có khi rẻ hơn bà con mua lẻ rồi đem gửi.

Có nghĩa là cách làm rất không hiệu quả về mặt kinh tế và tiến độ, nặng về hình ảnh thôi. Nhưng cách làm này được đám đông xúc động, cổ vũ, nên nó ngày càng phổ biến, địa phương này học theo địa phương kia để chứng tỏ tấm lòng vì miền Bắc ruột thịt.

Đã đến lúc các cơ quan truyền thông nhà nước, cơ quan chức năng cần lên tiếng ngăn chặn, cảnh báo người dân thể hiện tấm lòng kiểu này. Một tiền gà 3 tiền ship. Nhiều thứ hàng hóa thực ra là hàng Tàu (như áo phao, đèn pin), ship từ Tàu về Cà Mau rồi bà con Cà Mau lại ship ngược lại Yên Bái, Lào Kai, khá gần Tàu! 

Đừng tưởng Việt Nam Airlines miễn phí ship hay 1 số hãng vận tải miễn phí ship nghĩa là không mất tiền ship, đó vẫn là lãng phí. Việt Nam Airlines tiêu tiền ngân sách đó.

Chỉ nên vận chuyển những mặt hàng mà địa phương lân cận nơi có thiên tai không có hàng hoặc quá khan hiếm. Chứ chuyển nhu yếu phẩm cơ bản này làm gì chứ?

Xin lỗi đồng bào, hãy dừng những hành động vô tri.

Xin thủ tướng hãy chỉ đạo: “Em ở đâu đấy, đừng chuyển nhu yếu phẩm nữa.”

Dương Quốc Chính

***

Thái Hạo: Trong lúc nguy cấp càng phải bình tĩnh*

Trong lúc nguy cấp càng phải bình tĩnh. Quan sát và theo dõi thông tin lũ lụt kinh hoàng những ngày qua từ nhiều kênh, tôi có thêm mấy suy nghĩ sau.

1. Đi cứu trợ cứu nạn trong thiên tai lũ lụt, không phải cứ biết bơi hoặc mặc áo phao là an toàn. Bơi giỏi và có áo phao trên người nhưng bị lũ lớn cuốn đi vẫn thiệt mạng như thường. Chỉ cần một cú va đầu vào đá hoặc bị kẹt chân kẹt tay trong dòng lũ là nguy hiểm đến tính mạng. Nước lớn cuồn cuộn, liên tục ập vào mặt vào mũi thì áo phao không nghĩa lý gì. Cho nên, đây là công việc của lực lượng chuyên nghiệp hay ít nhất cũng là của những người dày dạn kinh nghiệm. Bà con thương nhau thì có thể góp tiền góp của, chia sẻ thông tin hữu ích, kết nối các bên, v.v., chứ không nên khăn gói đến vùng lũ. Ốm đau, bệnh tật, tai nạn…, có khi lại khổ người khổ mình.

2. Phải phân bổ nguồn lực cứu trợ sao cho hợp lý và hiệu quả. Mua quá nhiều thức ăn và đồ đoàn, tập trung đến những nơi đã dư thừa nhưng lại không tiếp cận được nơi đang cần, đó là sự lãng phí và bất cập lớn. 

3. Bà con thương nhau thì hãy tiết kiệm tiền bạc và sức khỏe để đến với đồng bào mình trong việc tái thiết cuộc sống của họ. Đừng để “lũ rút thì người cũng rút”, vì lúc ấy người dân vùng lũ sẽ cần hơn hết sự chia sẻ về sức người sức của của cả nước. Dọn dẹp sau lũ, dựng lại nhà cửa, mua sắm công cụ, giống má…, tất cả đều cần tiền.

Cái mà người dân vùng lũ cần nhất lúc này là sự an toàn, mà việc ấy thì như đã nói, phải là lực lượng chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc địa hình. Một lần nữa, tôi mong bạn bè và anh em bà con kìm nén cảm xúc để tiết kiệm tiền bạc và sức lực để có thể đồng hành lâu dài cùng bà con sau lũ.

Thái Hạo

*Tựa do DĐTK đặt.