Bùi Minh Quốc: Chùm thơ viết về Thơ & các nhà thơ

Lời giới thiệu: Diễn Đàn Thế Kỳ vừa nhận được một chùm thơ viết về Thơ & các nhà thơ của thi sĩ Bùi Minh Quốc, do thi sĩ, dịch giả Hoàng Hưng tuyển chọn từ tập  MẸ VIỆT NAM, NXB Hội Nhà Văn, 2024. Chân thành cảm ơn hai anh và xin giới thiệu cùng bạn đọc.

DĐTK.

Thi sĩ Bùi Minh Quốc. Hình từ FB của tác giả.

*****

THƠ GỬI TRẦN MẠNH HẢO

Thôi mặc những mưu đồ gian trá ấy

Dòng chảy nhân dân huyết thống giống nòi 

Lịch sử ạ, cái gì ra cái nấy

Thời gian rồi sàng sảy lại cho coi

TRẦN MẠNH HẢO

(Bài thơ thứ hai gửi chắt của con mình)*

Không 

Không 

Không

Không thể mặc những mưu đồ gian trá ấy 

Máu Nhân Dân đâu phải nước xuôi dòng 

Đến người chết cũng đội mồ đứng dậy 

Khi trên đời còn một mảy bất công

Hỡi thi sĩ của lòng dân
Đâu ngọn lửa trái tim anh,
đâu những vần thơ thép

Hãy đâm toạc những áo mão thánh thần 

cho lộ mặt quỷ ma

Rọi kính chiếu yêu

lên những vũng sáng lòa nhơ nhớp

Lật tẩy những con bài lem lém lưỡi triết gia

Ai

Ai

Ai

Ai sẽ đưa đất nước qua mọi đầm lầy phản bội 

Nếu ai cũng ngồi chửi đổng than van

Giương mắt giấy trước bao trò tinh ranh hôi thối 

Chờ thời gian sàng sảy mọi ngay gian?

Không
Không
Không

Không đợi đến chắt của con ta,
đến cháu con của cháu

Này kia các con ta đang trừng mắt kiếm tìm 

Trong chính bản thân ta

những thế hệ xoi đường qua lửa máu 

Còn chút nào năng lượng của con tim?

Đà Lạt 15.05.1989

* Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 14.05.1989

***
THÔI TA CHẲNG THÈM…

Kính tặng anh Hoàng Cầm

Thôi ta chẳng thèm tìm lá diêu bông
Cái lá vu vơ cái lá phiêu bồng

Một thời ngu ngơ một thời trả giá
Cái lá phiêu bồng cái lá không không

Ta hái ven đường nụ hoa cứt lợn

Làm thuốc phong trần chữa bệnh nhân gian
Vĩnh biệt nhé lá diêu bông huyễn tưởng

Em cầm che khuôn mặt bẽ bàng.

Đà Lạt 09 tháng 7.1991

***

CẢM TÁC TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

Nhân đọc thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên

Mấy thi sĩ thế kỷ này nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng*

Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người,

mồm nhai thứ thiệt ung dung

Anh ngồi nhấm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình

Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lia và ăn uống thật tình

Cốt một chỗ ngồi thôi

để có ngày được nhai thứ thiệt

Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm

Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan?

Tôi rùng mình đọc bài thơ Bánh vẽ
Mỗi chữ tạc lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ

Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi.

*Chế Lan Viên có câu thơ:

Ôi thương thay những thế kỷ vắng anh hùng

***

CHẾ LAN VIÊN: BÁNH VẼ

Chưa cần cầm lên nếm anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp

Chả là nếu anh từ chối Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi

Nhai nhồm nhoàm.

(Rút từ Prométhée 86 – Văn học và dư luận, tháng 8.1991)

***

THƠ ƠI THƠ!

Tuổi thơ ta: chiến tranh
Tuổi trẻ ta: chiến tranh
Tuổi già ta: áp bức
Thơ ơi thơ, giông bão dồn trong ngực!

Đà Lạt 1993

***
THƠ THIÊNG LẮM, NGƯỜI ƠI

Tặng Xuân Sách, tác giả “Chân dung nhà văn”

Người làm thơ rất nhiều mà mấy ai thi sĩ
Anh thi sĩ rồi, ngất nghểu lên ngôi

tưởng có thể tự cho phép mình phản thơ được nhỉ
anh đem bán linh hồn cho quỷ

đem thơ đi đánh đĩ với đời

Trái tim bầm đen, câu thơ đỏ ngời
ngôn từ như xiếc

Nàng Thơ mãi ngây thơ nào đâu hay biết
để anh xài xể mặc lòng

Rồi một ngày có kẻ thong dong
nâng cây đàn thơ lẩy khẽ
Thì vẫn thơ anh, vẫn chính là anh đấy nhé
nào ai bịa tạc ai nào

thơ tróc hết rồi, chỉ còn lại quỷ
ngất nghểu trên ngôi

Thơ thiêng lắm, người ơi
phản thơ thì phải chết

chẳng ai giết mình, mà mình tự giết
treo nỗi nhục muôn đời.

21.09.1993

***

BÚT MÁU ĐEN

Bút máu đen máu mình rồi

Bút quay ngọn thọc máu người kiếm ăn
Văn chương đao búa vện vằn

Vẽ mặt cao quý để săn đồng bào

Sài Gòn 1994

***

ĐƯỜNG THƠ NÀY…

– Đường thơ này lắm truân chuyên
Mà đeo đẳng mãi tới niên kiếp nào?

– Lắm truân chuyên lắm ngọt ngào
Một dòng lật tẩy thiên tào đủ vui…

Đà Lạt 1997

***

ƠI THIÊN THAI…

Tưởng nhớ thiên tài Văn Cao

Thiên thai của anh đây chăng
Những tháng năm
những tháng năm
ngắc ngoải

Hồn tắt nhạc

  thân tàn
                        mắt dại

Cái huân chương
báo hiệu liệt giường 
Cái nấm mồ cao sang
muốn sánh cùng kiệt tác 
Có bù đắp nổi chăng
Những tháng năm
những tháng năm 
Hồn anh tắt nhạc?
Ơi thiên thai
Đất nước khôn nguôi khóc hận một thiên tài!

Đà Lạt 1997

***

TA VÀ CHÚNG

Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng cả lên!

MARAT

(Tố Hữu dịch)

Chúng nó lớn bởi vì ta cúi xuống

Ta thẳng lưng thấy chúng cũng thường thôi 

Và khi chúng mang phồng mắt trợn

Chính là khi chúng sợ sắp tiêu đời.

Đà Lạt 1997

***

ÓC TIM NÀY CHẲNG AI CHO

Óc tim này chẳng ai cho

Tự mình chiêm nghiệm mà lo phận mình
Một đời một cõi nhân sinh

Thẳng lưng dẫu chạm thiên đình chẳng nao
Bùn nhơ tận chín tầng cao

Ngẩng đầu là thấy thiên tào mặt mo
Óc tim này chẳng ai cho

Thong dong mà sống tự do tự mình…

Đà Lạt 1997

***

THƠ TỪ XÓ BẾP

Anh ghi vội bên lề giấy gói thịt
Những câu thơ vừa đến bất ngờ
Món đậu phụ đang xèo trên bếp 

Mắt ngó chừng hồn vẫn đòi thơ

Em từng biết

Vì độc lập anh đâu nề sống chết

Và bây giờ vào bếp chẳng xoàng chi
Vì tự do anh lại ra đi

Dẫu chỉ bằng đôi cánh thơ vẫy từ xó bếp

Em bươn chải phố phường

Nuôi chồng không uốn cong ngòi bút 

Anh thủ gôn xó bếp

Hầu em chăm con

Có vui nào vui hơn
Chiều nay được tặng em

Món riêu cua món đậu chiên em thích

Và món nữa tuyệt vời là mấy vần xung kích
THƠ GIÀNH TỰ DO!

Đà Lạt 1997

***

NHƯNG LÀM SAO CÂM NÍN

Sầu vạn cổ thì vẫn sầu vạn cổ

Ta yêu người mà người chẳng yêu ta
Người thoáng gặp rồi mịt mù sương gió
Hoa hé cười mới đó đã tàn hoa…

Sầu vạn cổ, ừ, có gì đâu khác

Chỉ xé lòng nỗi đau đớn này thôi:
Nhâng nháo khắp đời quân đểu ác
Đang hè nhau hành hạ con người

Quân đểu ác thời nào mà chẳng lắm

Riêng thời nay chúng điêu luyện phi thường
Cái ngục tối lại lên màu tươi thắm

Sợi dây xiềng mềm mại đến thân thương

Ta bình lặng ôm mối sầu vạn cổ
Nhưng làm sao câm nín nỗi đau đời
Quân đểu ác giở muôn trò nhập nhọa

Bao người đang lìa bỏ chính con người.

Đà Lạt 1997

***

BI KỊCH HÓT

Tưởng bay ngàn dặm thơ
Hoá vòng vo nhảy nhót
Giữa cái lồng rất to

Tự đan bằng tiếng hót.

Đà Lạt 1997

***

Ừ THÌ…

Tặng tôi

Giữa dòng ngày tháng khơi khơi
Tỷ năm trước tỷ năm đời sau ta
Mang mang giữa triệu thiên hà
Đời mình chớp mắt thôi mà kể chi
Cớ sao trằn trọc cách gì

Cớ sao nung nấu lạ kỳ hồn ta
Ừ thì chớp mắt thôi, mà

Vẫn không thể sống không ra con người.

Đà Lạt 1997

***

TÔI GỬI THƠ TÔI

VÀO NGỌN GIÓ CAO NGUYÊN

Tôi gửi thơ tôi vào ngọn gió cao nguyên
Mặc bao kẻ bầm gan vì một lời ngay thật
Gió cứ thổi điệu vần này chân chất

Bọn giả hình lừa đảo chớ hòng yên

Tôi gửi thơ tôi vào ngọn gió cao nguyên
Thong dong thơ bay khắp mọi miền
Đến với muôn lòng yêu lẽ phải

Lòng mở với lòng thơ kết duyên.

Đà Lạt 1997

***

LƯƠNG TRI

Kính tặng anh Trần Độ

Ai khóc bể dâu buồn, ai nhấm nháp cô đơn
Ai xuôi tay nuốt nghẹn uất hờn

Ai tìm động hoa vàng núi biếc
Ai rong chơi hát điệu vô thường?

Đêm nặng trùm đêm, đời lịm ngủ
Chỉ cuồng vọng hỗn mang gào rú

Nhưng thế gian này không hẳn thế đâu
Luôn vẫn có ai đâu đó ngẩng đầu

Kìa ai như anh trầm tĩnh ngẩng đầu
Xuyên lốc gió

Nghe âm âm đâu đó…

Nghe âm âm đâu đó nấu nung gì?
Vẫn âm âm đâu đó nấu nung gì?
Anh nhận ra rồi:

Nung nấu của lương tri!

Máu muôn đời vẫn cuộn mạch lương tri
Cái nguồn mạch không phép gì chẹn nổi
Ngay cả giữa cõi lòng mê muội tối

Vẫn chập chờn le lói tiếng lương tri
Dẫu ai kia ngao ngán chẳng tin gì

Nghe tiếng gọi biết niềm tin không chết
Đêm lạnh dẫu bốn bề tê lặng hết

Vẫn còn người lên tiếng – tiếng lương tri

Chọc đêm dày, tiếng gọi rọi đường đi
Cái tiếng gọi ánh bừng như lửa thức

Người gọi người, đêm thẳm thắp muôn sao
Cái tiếng gọi vỗ hồn tôi rạo rực

Tóc bạc bỗng xanh ngời, chân mỏi lại nôn nao

Đêm Đà Lạt, 10.01.1999

***

NGHĨ VỀ THƠ

1

Thi sĩ chật công đường quán nhậu
Hí há phì phà thơ mất máu

2

Đất nước bốn mùa lũ lụt thơ ca
Có giọt chữ nào đọng mảy phù sa?

3

Những câu thơ như phóng đến tận cùng
mọi điều phải nói

Mà xem ra chưa nói được gì
Đời xám nặng mây chì

Thơ lay phay mưa bấc

4

Sao lắm lúc muốn quăng cả hồn lẫn bút
Cái cây bút nhẹ tênh mà vương nợ chi mà

Nhưng cứ mãi vậy thôi, mãi còng lưng cõng bút
Từng bước nhọc nhằn rút ngắn dặm trời xa.

5

Kinh viện nghìn chương nhạt thếch giữa biển đời
Thơ một chữ thật lòng sóng dồi động biển.

Đà Lạt 1999

Côn Sơn, 23 tháng 1.2000

***

NGHIỆP

Mình nung nấu một đời
Người liếc nửa giây chơi
Tuột trôi hay loé chớp
Cũng đành vậy THƠ ơi!

Đà Lạt tháng 9.2000

***

KÍNH BÁO CỤ ĐỒ CHIỂU

Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên

Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn.

Đà Lạt, 02.10.2001

***

VỀ MỘT TÊN BỒI BÚT

Cha

bút thẳng

đau đời

Con

uốn cong

đè người

    móc họng.

Đà Lạt, 02.10.2001

***

CHÂN DUNG HÈN SĨ

“Cứ im lặng là vàng!”
Hèn sĩ ca hèn triết
Ngày ngày nhai lại miết

Tưởng thấy mình cao sang.

Đà Lạt, 13.6.2002

***

LẠI NGHĨ VỀ THƠ

Học theo Xuân Sách

Gió lộng ngai hồng chân cố chen
Tim hồng từ ấy vẩn mây đen
Lộn về Việt Bắc xin bùa mế

Mế bảo nan y tại hám quyền

Quyền khua lỗi nhịp mấy đường tơ
Một tiếng đờn suông giữa hững hờ
Thơ linh thiêng lắm, muôn đời thế
Đã phản thơ thì nhục với thơ.

Đà Lạt, 19 tháng 8.2002

***

GAN “NHÀ VĂN”

Không có gan dấn thân cho tự do
Nhưng có gan ngập mình vào đê tiện
Lại cả gan lem lém dạy đời

04 tháng 5.2005

***

CHỮ VÀ NGHĨA VĂN VÀ NGƯỜI

Cửa người là cửa văn chương

Cửa mình là cửa yêu thương tận lòng
Cửa văn lắm sự thẳng cong

Cửa mình chỉ một nỗi mong vui vầy
Cửa văn lắm sự bầy hầy

Cửa mình lấy sự hồn ngây làm đầu 

Cửa văn thật giả biết đâu

Cửa mình đo hết nông sâu nhân tình.

Đà Lạt, 5g sáng 12.12.2009

Bùi Minh Quốc

(trích trong tập MẸ VIỆT NAM , NXB HNV 2024)