Bùi Văn Phú: Bầu cử Mỹ: thắng thua có phải do cao tuổi?
Nếu không có buổi tranh luận đầu tiên vào ngày 27/6 vừa qua giữa hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump thì không khí vận động để vào làm chủ Nhà Trắng đã không sôi nổi lên và đưa Đảng Dân chủ vào tình trạng khủng hoảng nội bộ, vì ông Biden đã làm nhiều người ủng hộ thất vọng, dấy lên dư luận đòi thay thế ông vì tuổi già, sức yếu.
Ngay sau cuộc tranh luận, một số cơ sở truyền thông lớn của Mỹ đã kêu gọi ông Biden bước qua một bên, trao thẻ chạy đua cho một người khác trẻ hơn và có sức quyến rũ hơn.
Nhật báo The New York Times bình luận rằng để phục vụ đất nước thì Biden nên rút lui.
Báo The New Yorker cho rằng nếu Biden rút lui thì đó là hành động yêu nước trong lúc này.
Tờ Chicago Tribune nhận định cả Biden và Trump đều già nua và nếu Biden thắng cử trong tình trạng sức khỏe như đã thấy qua cuộc tranh luận thì việc ông tiếp tục làm tổng thống là một điều nực cười.
Trong khi đó, tờ Philadelphia Inquirer kêu gọi Trump rút lui vì bản chất dối trá.
Đảng Cộng hòa có sự đồng thuận nhiệt tình đứng sau Trump. Cựu Thống đốc Nikki Haley mấy hôm trước đã chính thức để cho các đại biểu của bà chuyển sang ủng hộ Trump. Tuy chỉ có 97 đại biểu nhưng bà là người đã về nhì sau Trump.
Trang mạng 270towin.com ghi nhận các thăm dò mới nhất vào ngày 10/7 thì trên toàn quốc Trump hơn Biden 3 điểm, 45-42.
Còn tại các tiểu bang mang tính quyết định, Trump hiện cũng hơn điểm Biden, nhưng chênh lệch không nhiều nên tình thế vẫn có thể thay đổi.
Số liệu thăm dò với Trump hơn điểm Biden như sau: Pennsylvania 47-40, Wisconsin 47-46, Georgia 45-41, Arizona 47-42, Nevada 47-42, North Carolina 46-43, Michigan 44-44.
Cho đến nay, cả hai ứng cử viên dù chưa được chính thức đề cử nhưng từ sau bầu cử sơ bộ Super Tuesday (Siêu thứ Ba) hôm đầu tháng Ba tại 15 tiểu bang với kết quả xem như Donald Trump nắm chắc số đại biểu Đảng Cộng hòa và Joe Biden cũng tương tự bên phía Đảng Dân chủ, coi như không còn đối thủ nào trong nội bộ hai đảng ra tranh đua đối đầu.
Cuộc tranh luận đầu tiên hôm 27/6 cũng là sự kiện khác thường vì đây là lần đầu tiên một cuộc đối đáp giữa ứng cử viên tổng thống được tổ chức ngay cả trước khi họ được chính thức đề cử.
Từ ngày 15 đến 18/7, đại hội Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Một tháng sau, đại hội Đảng Dân chủ sẽ được tổ chức tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois từ ngày 19 đến 22/8.
Trong tháng Năm vừa qua, Biden và Trump đã đồng ý với nhau là sẽ có hai buổi tranh luận vào ngày 27/6 và 10/9.
Trước đây, các buổi tranh luận trên truyền hình thường diễn ra vào tháng 9 và tháng 10 sau đại hội của hai đảng và trước ngày tổng tuyển cử vào đầu tháng 11. Như trước đây thì thường có 3 buổi, một dành cho chính sách đối nội, một dành cho đối ngoại và một buổi là đề tài tự do để hai ứng cử viên đối đáp cũng như trình bày về đường hướng, chính sách nếu thắng cử.
Trong quá khứ, các cuộc tranh luận có cử tri của hai đảng và cử tri độc lập được mời tham dự, vì thế khi một ứng cử viên nói về chủ trương chính sách được sự đồng lòng thì nhận những tràng pháo tay. Vì khán giả chọn lọc chia đều là người ủng hộ một trong hai đảng, hoặc không ghi danh theo đảng nào, nên hai ứng cử viên gà nhà đều có sự tán đồng yểm trợ khi đưa ra những chính sách.
Cũng có tranh luận dưới hình thức “town hall”, như một buổi gặp gỡ giữa các ứng cử viên với người dân. Qua cách này, một số người tham dự được trực tiếp nêu câu hỏi cho ứng cử viên để tìm câu trả lời.
Năm nay, việc tổ chức rất khác và hình thức cũng khác. Hai buổi tranh luận không do Ủy ban Tranh luận Bầu cử Tổng thống (Commission on Presidential Debates) phụ trách như trước đây, mà hai ứng cử viên đồng ý cho truyền hình CNN tổ chức buổi đầu tiên, vào ngày 27/6 vừa qua tại thành phố Atlanta, Georgia. Buổi tranh luận thứ nhì sẽ do truyền hình ABC thực hiện vào ngày 10/9 và địa điểm chưa được xác định. Đó sẽ là buổi cuối cùng trước bầu cử ngày 5/11.
Về hình thức sẽ không có cử tri tham dự. Trong phòng thu hình chỉ có hai ứng cử viên và hai nhà bình luận đặt các câu hỏi. Khi một ứng cử viên trình bày quan điểm của mình thì mi-crô của ứng cử viên đối lập không được bật lên để tránh sự việc như đã xảy ra nhiều lần khi Donald Trump thường cắt ngang, nhảy vào phản bác hay tấn công ứng viên đang phát biểu.
Trước buổi tranh luận, các thăm dò cho biết sẽ có trên 70% người Mỹ theo dõi qua ti vi hay những phương tiện truyền thông khác cho thấy sự quan tâm của người dân.
Buổi tranh luận hôm 27/6, hai nhà bình luận tin tức thời sự của CNN là Jake Tapper và Dana Bash đưa ra các câu hỏi về chính sách đối nội như di dân tràn qua biên giới để vào Mỹ, kinh tế với lạm phát cao, vấn đề phá thai. Về đối ngoại có các câu hỏi liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Dải Gaza, quan hệ với NATO, giao thương với Trung Quốc.
Tôi theo dõi cuộc tranh luận và đã thấy Đảng Dân chủ có vấn đề ngay từ vài phút đầu, khi nhìn ông Biden với nét mặt thiếu thần sắc, nói không ra hơi và nhiều lúc ấp úng không biết nói gì. Còn ông Trump lại thao thao nhiều chuyện không thực, mà hai người nêu câu hỏi không chất vấn những điều Trump nói dối. Một vài lần ông định nhảy vào cãi Biden nhưng đã được hai điều hợp viên nhắc nhở về luật chơi đã được các bên đồng ý.
Một câu hỏi được lặp lại mấy lần cho Trump là ông có sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới hay không, ông né tránh rồi cuối cùng có trả lời đại khái với ý rằng nó tùy thuộc xem có gian lận như bầu cử lần trước hay không. Cho đến nay Trump vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020 mà ông đã thua.
Bầu cử tổng thống 2024 là một sự kiện đang diễn ra chưa có tiền lệ. Hai ứng cử viên, tuy đã đều có tuổi – Biden 81 và Trump 78 – nhưng coi như mỗi bên một mình một sân chơi không đối thủ trong nội bộ đảng.
Từ những ngày bầu sơ bộ tôi đã đặt vấn đề là cả hai đảng đã hết người hay sao mà lại tiến cử hai cụ già trên dưới 80 tuổi, một ông đi không vững còn một ông bị gọi ra hầu tòa liên tục.
Mới đây ông Trump đã bị kết án trong vụ sửa hồ sơ thương mại để che giấu vụ trả tiền để bịt miệng một phụ nữ mà ông có quan hệ tình dục. Bản án dự trù được công bố vào tuần tới, nay được hoãn lại cho đến tháng Tám.
Nhưng cử tri của hai đảng đã chọn hai ứng cử viên như thế thì dân phải quyết định vào ngày 5/11.
Dư âm của cuộc tranh luận đầu tiên với nhiều thất vọng dành cho Joe Biden đã khiến cho nội bộ Đảng Dân chủ quan ngại về khả năng chiến thắng và về sức khỏe của tổng thống.
Khoảng chục dân biểu, nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội đã công khai đề nghị ông Biden rút lui để cho đảng tiến cử một người khác tại đại hội đảng vào tháng tới.
Sau cuộc tranh luận giữa Biden và Trump, Thượng nghị sĩ Michael Bennet từ tiểu bang Colorado đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng chiếng thắng của Biden. Thượng nghị sĩ Pete Welch từ tiểu bang Vermont thì thẳng thừng kêu gọi Biden nhường chỗ cho một ứng cử viên khác.
Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Joe Biden đã và đang được soi rọi từng chi tiết từ sau cuộc tranh luận ngày 27/6. Tuy nhiên, ông Biden, qua các cuộc phỏng vấn với truyền thông, tiếp xúc với cử tri khi đi vận động, vẫn cương quyết không bỏ cuộc.
Thăm dò của truyền hình CNN sau cuộc tranh luận cho thấy 75% người trả lời cho rằng Đảng Dân chủ sẽ có cơ hội chiến thắng hơn, nếu có một ứng cử viên khác thay thế Biden.
Cũng theo CNN, trước tranh luận có 75% cử tri độc lập cho rằng Biden quá già để tranh cử, sau tranh luận con số lên 79%.
Ai sẽ có thể thay Biden? Một số chính trị gia của Đảng Dân chủ được nhắc đến là Phó Tổng thống Kamala Harris, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc California Gavin Newsom. Nhưng cho đến nay họ đều đồng thanh lên tiếng ủng hộ Biden tiếp tục cuộc đua.
Nếu thay Biden, Kamala Harris có khả năng đánh bại Trump cao hơn hết. Tuần báo Newsweek đưa ra số liệu thăm dò do Bendixen & Amandi thực hiện từ ngày 2 đến 6/7 cho thấy nếu Kamala Harris tranh cử, bà sẽ hơn Trump 42-41. Nếu Hillary Clinton và Donald Trump tái đấu thì Clinton 43, Trump 41. Giả sử có liên danh Clinton-Harris thì sẽ hơn liên danh của Trump 43-40.
Còn thăm dò được phổ biến trên mạng FiveThirtyEight.com thì có đến 51% không chấp thuận Phó Tổng thống Kamala Harris và chỉ có 37% chấp thuận.
Nếu đấu với Newsom, Trump hơn điểm khá xa 40-37. Còn đấu với Whitmer, Trump cũng hơn với 40-36.
Theo tôi, nếu Biden bỏ cuộc thì Harris là chọn lựa hợp lý vì là phó tổng thống đương nhiệm, là phụ nữ và là người da màu và mới 59 tuổi. Nếu Đảng Dân chủ chọn Newsom, nhiều cử tri phái nữ và cộng đồng da màu sẽ không hài lòng.
Có thay Biden hay không và nếu thay thì chọn ai để nâng cao khả năng đánh bại Trump, đó là việc mà các thành viên cốt lõi của đảng đang nhức đầu lo lắng.
Nhiều bạn Việt tôi biết cũng chia ra ủng hộ Dân chủ hoặc Cộng hòa. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, trong nhiều ngành nghề. Tiến sĩ, bác sĩ, luật sư, kỹ sư cũng có mà làm chủ cơ sở thương mại, nghề lao động tay chân cũng có. Nhiều người cũng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của Tổng thống Joe Biden.
Một số người Việt tôi gặp đã nói là nếu Biden và Trump thi đấu thì họ sẽ không tham gia bầu cử kỳ này, vì cho rằng cả hai đều đã quá già.
Đối với cử tri California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ, thì việc bầu chọn tổng thống sẽ không thay đổi được gì, vì đây là tiểu bang xanh. Số liệu trên mạng 270towin.com cho thấy hiện Biden bỏ xa Trump với số điểm 55-31 ở tiểu bang vàng.
Nhưng không tham gia bầu cử có phải là lựa chọn của một công dân có trách nhiệm? Hay cứ theo chính sách của đảng mà bầu chọn, hoặc ít ra thì cũng chọn một người ít tồi tệ hơn – pick the lesser of the 2 evils, theo quan điểm chính trị của mình.
Vì nếu không tham gia bầu cử thì đừng than trách những gì sẽ đến với đất nước này.
Bùi Văn Phú.