Bùi Văn Phú: Oppenheimer, những người Mỹ cộng sản và Đại học Berkeley
Tôi đã xem phim “Oppenheimer” chiếu ngoài rạp, một phần vì tiểu sử của nhà khoa học vật lý đã chế ra bom nguyên tử, từng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học U.C. Berkeley và vì cũng muốn biết ngôi trường thân yêu của mình đã được lên phim như thế nào.
Qua phim, khán giả có thể nhận dễ dàng ra tháp chuông Campanile, nhưng hình ảnh này chỉ thấy rất thoáng qua. Còn những nơi khác như LeConte Hall hay cảnh lớp học, phòng làm việc, cũng như Faculty Club House là nơi giáo sư Oppenheimer từng sống qua và làm việc trong thập niên 1930 và 1940 thì chỉ những ai từng học ở đây trong thiên niên kỷ trước mới có thể nhận ra. Không thấy những chỗ thân quen nhất trong sân trường là cổng Sather Gate hay Sproul Plaza như thường hiện lên trong các bản tin trên đài, trên báo khi có sự kiện liên quan tới trường.
Cuối thập niên 1970, khi còn là sinh viên tại Đại học Berkeley tôi đã có những giờ học vật lý trong LeConte Hall và thường đi ngang qua căn phòng lưu niệm của giáo sư Oppenheimer.
Thời gian đó, trong ban giảng huấn của trường đã có nhiều giáo sư được trao giải Nobel. Về vật lý có Ernest Lawrence, Emilio Segrè và hoá học có Glenn Seaborg là những bậc thầy với lý thuyết khoa học cao quá mà tôi chưa hiểu được, tuy có được học với thày Segrè một khoá. Còn Oppenheimer không được giải Nobel nhưng là cha đẻ của bom nguyên tử đã được thả xuống Nhật để kết thúc Thế chiến II nên được nhiều sinh viên biết đến.
Ngoài phim “Oppenheimer” được tung ra chiếu năm ngoái về một nhà khoa học trong ban giảng huấn Đại học Berkeley, từ ngày đến Mỹ tôi đã được xem phim giải trí cũng như phim tài liệu gồm “The Graduate”, “Patty Hearst” và “Berkeley in the Sixties” có liên quan đến đại học danh tiếng này.
Phim “The Graduate” là chuyện tình của một cô sinh viên Berkeley, trong đó có bài hát quen thuộc với tôi từ ngày còn ở quê nhà là “Giàn thiên lý đã xa” qua giọng hát Thanh Lan mà khi xem phim tôi mới biết tên gốc bài hát là “Scarborough Fair”. Phim còn có ca khúc “Mrs. Robinson” và đặc biệt là bài “The Sound of Silence” nghe lần đầu tôi đã thích ngay.
“Patty Hearst” là phim về một nữ sinh viên Đại học Berkeley có tên Patricia Hearst, 19 tuổi là con của gia đình triệu phú Hearst của giới báo chí, bị bắt cóc năm 1974 tại nhà ở Berkeley bởi nhóm vũ trang chống chính phủ Mỹ có tên Symbionese Liberation Army. Cô bị ép buộc lên tiếng chống chính quyền, ôm súng đi cướp ngân hàng vào thời điểm có nhiều bạo động chính trị trong vùng Vịnh San Francisco.
“Berkeley in the Sixties” là phim tài liệu làm nổi bật sự ra đời của phong trào Free Speech Movement xuất phát từ Sproul Plaza trong sân trường vào thời chiến tranh Việt Nam với hình ảnh vệ binh quốc gia đã bay trực thăng xịt hơi cay xuống để giải tán sinh viên đang biểu tình.
Từ ngày vào học tại đây, vì các hoạt động sinh viên của trường có nhiều liên quan đến Việt Nam, tìm hiểu thêm tôi được biết vào đầu thập niên 1960 Tổng thống John F. Kennedy đã thăm trường; cuối tháng 10/1963 bà Ngô Đình Nhu đã đến đây, được giáo sư khoa chính trị học Robert Scalapino giới thiệu để bà lên tiếng giải độc cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Phim “Berkeley in the Sixties” ghi lại lịch sử sự ra đời của “Free Speech Movement” (FSM) là phong trào đòi tự do phát biểu quan điểm chính trị trong khuôn viên đại học đã làm nổi lên phong trào chống chiến tranh Việt Nam mà nhiều người cho là thiên cộng.
Tôi thích các phim về danh nhân như “Gandhi”, “JFK” hay “Amadeus”, “Malcolm X” nên đã đi xem “Oppenheimer”. Phim có những câu chuyện liên quan đến hoạt động của cộng sản tại Đại học Berkeley từ thập niên 1930, như tôi mới biết thêm về nhà khoa học danh tiếng này.
Qua phim “Oppenheimer” tôi mới hiểu rằng ngay tại thành phố Berkeley và trong khuôn viên đại học đã có những người theo cộng sản từ cả trăm năm trước, như người tình Jean Tatlock của Oppenheimer, là con gái của một giáo sư tại trường. Một người em của giáo sư cũng là đảng viên cộng sản. Khi đó nhiều giáo sư cũng đã thành lập nghiệp đoàn, trong đó có Oppenheimer, hoạt động theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và bị giới chức trong chính quyền Mỹ theo dõi vì nghi ngờ là cộng sản, hay làm lợi, làm gián điệp cho Liên bang Xô Viết.
Có lẽ vì lý do này mà khi được tung ra chiếu tại rạp ở Mỹ và trên toàn thế giới, tôi nghe nói phim đã không được chiếu ở Việt Nam.
Trong liên hoan phim Oscars 2024 hai tuần trước, “Oppenheimer” đã đạt 7 giải, trong số đó có các giải phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất Christopher Nolan, diễn viên chính xuất sắc Cillian Murphy và diễn viên phụ xuất sắc Robert Downey Jr.
Giáo sư J. Robert Oppenheimer là lý thuyết gia vật lý, giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Đại học Berkeley từ năm 1929 đến 1943. Sau đó được chính phủ Mỹ chọn làm khoa học gia đứng đầu dự án Manhattan Project và ông đã chiêu mộ nhiều giáo sư vật lý và nghiên cứu sinh từ Berkeley cùng tham gia.
Khởi xướng qua lý thuyết từ Đại học U.C. Berkeley, được đưa qua trung tâm thí nghiệm ở Los Alamos, tiểu bang New Mexico để thử nghiệm và nước Mỹ đã thành công trong việc chế tạo ra những trái bom nguyên tử đầu tiên.
Tổng thống Harry Truman ra lệnh cho ném những trái bom này xuống Hiroshima ngày 4/8 và Nagasaki ngày 6/8/1945 khiến Nhật phải đầu hàng, đưa đến việc chấm dứt Thế chiến II.
Khi gặp Tổng thống Truman, Oppenheimer tỏ ra không vui vì sức tàn phá của bom làm chết hàng trăm nghìn dân Nhật và quan ngại khi thấy chính phủ tuỳ tiện sử dụng bất kể hậu quả. Tổng thống Mỹ thì tỏ vẻ thất vọng và không muốn gặp “crying baby” nữa, ám chỉ nhà khoa học đã chế ra hai trái bom nguyên tử đầu tiên cho nước Mỹ.
Là cố vấn cho Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử của Hoa Kỳ, giáo sư Oppenheimer lại không tán đồng việc nghiên cứu, chế tạo bom khinh khí Hy-drô trong cuộc chạy đua vũ khí với Liên Xô, vì thế một số chính trị gia Mỹ đã đặt nghi vấn về lòng trung thành của nhà khoa học gốc Do Thái với nước Mỹ qua sự kiện ông từng có quan hệ với những đảng viên cộng sản Mỹ khi ở Berkeley, vợ ông là Katherine “Kitty” Puening cũng từng theo cộng sản. Một uỷ ban gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ sau khi nghe điểu trần đã quyết định không gia hạn giấy đặc quyền về an ninh –Security Clearance – cho ông.
Đó là không gian nước Mỹ của thập niên 1950 khi mà trong Quốc hội Mỹ có uỷ ban điều tra những cá nhân bị nghi ngờ có liên hệ với cộng sản.
Những cảnh trong phim như tháp Campanile, khu nhà lưu trú của các giáo sư, phòng học trong LeConte Hall nay trông vẫn quen thuộc như xưa. Chỉ có điều là trong những năm gần đây tên của toà nhà khoa vật lý, nơi Oppenheimer có văn phòng, nhà trường đã xoá tên LeConte vì nhà khoa học này từng ủng hộ quan điểm “da trắng thượng đẳng”.
Hôm 10/3 vừa qua, khi nam diễn viên xuất sắc Cillian Murphy lên nhận giải Oscars 2024 ông đã có phát biểu cho thấy thực tế hôm nay giống như thế giới 70 năm trước đây: “Chúng tôi làm phim về nhân vật đã chế ra bom nguyên tử, làm cho thế giới tốt hơn hay xấu đi, thì tất cả chúng ta hiện như đang sống trong thời đại của Oppenheimer.”
Đó là một thế giới hiện có nhiều chia rẽ, xung đột và chiến tranh. Cũng như nước Mỹ cũng đã chia rẽ trong thời chiến tranh Việt Nam và nay đang phân cực trong chính trị nội bộ có thể đưa đến bạo động.
Bùi Văn Phú