Nguyễn Tiến Cường: Vài cảm nghĩ về phim Kẻ Nằm Vùng – Tập 1

Bộ phim Kẻ Nằm Vùng hay Cảm tình Viên (The Sympathizer) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nguyễn Thanh Việt, được sản xuất bởi A24 và Rhombus Media, đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, với sự hiện diện của 2 tài tử nổi danh trong cộng đồng người Việt hải ngoại là bà Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, đã bắt đầu công chiếu tập 1 trên HBO từ ngày 14 tháng 4 năm 2024. 

Phim chiếu gần 10 ngày rồi nhưng không thấy giới phê bình văn học, nghệ thuật hải ngoại có bài nào nhận xét, đánh giá tập 1 và 2. Những cây đa, cây đề nổi tiếng trong làng báo, truyền thông hải ngoại thường viết bài bình luận tác phẩm văn chương, phim ảnh… hoàn toàn im lặng. 

Tôi không nghĩ vì hào quang tác giả The Sympathizer, Nguyễn Thanh Việt với giải Pulitzer 2016 quá lớn, quá sáng chói nên giới phê bình văn học hải ngoại im lặng, sợ đụng chạm, lãnh hậu quả không hay. Chắc phải có lý do nào khác. 

Tôi không phải nhà văn, thi sĩ, cũng không đủ khả năng phê bình văn học, đánh giá phim ảnh…Bài viết này chỉ nói lên nhận xét của một sĩ quan không quân, đã sống những ngày cuối cùng của miền Nam vào tháng 04.1975, sau đó đi tù cải tạo, xem và đánh giá phim.

Không bàn đến nội dung chính trị cũng như mục đích của phim nói lên điều gì vì còn 6 tập nữa. Về diễn viên gốc Việt, ở tập 1, ngoài Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên được cộng đồng hải ngoại biết đến trước đây, số diễn viên còn lại khá xa lạ với cộng đồng. 

Điều đầu tiên cần nói là vấn đề trang phục (costum) của các nhân vật trong phim. Quần áo của nhân vật chính tức Kẻ Nằm Vùng, ông Tướng, các diễn viên phụ trong các ty, sở, nha…cảnh sát hoàn toàn không đúng với sắc phục cảnh sát VNCH, quần áo họ mặc cũng không phải của quân đội hay bất cứ binh chủng nào. 

Sắc phục của cảnh sát là áo trắng, quần xám, nón kết cũng màu như vậy. Hơn nữa, cảnh sát khi hành sự phải có bảng tên trên túi áo phải, áo có huy hiệu cảnh sát ở cánh tay trái. Còn nếu là cảnh sát chìm thì họ mặc thường phục, cảnh sát dã chiến mặc quần áo hoa nhưng hơi khác màu để phân biệt với quần áo cần ngụy trang của các binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù, Biệt Động Quân…

Một điểm cần nói nữa là Quân Phong, Quân Kỷ. Tóc tai của các nhân vật đóng vai cảnh sát, đại úy Bốn sĩ quan dù, ông Tướng có mái tóc quá dài. Quân đội, cảnh sát VNCH, kể cả sĩ quan cấp tá không ai dám để tóc dài như vậy, bị phạt, bị cảnh cáo là chắc chắn. Cấp tướng lại cần phải làm gương, hai bên thái dương cạo sát hoặc chỉ 0,5cm. Người viết đã một lần bị cảnh cáo khi vừa ra đơn vị, phải đi hớt tóc ngay.

Nhân vật ông Tướng – tư lệnh cảnh sát mật – một đơn vị không có trong cấp số của cảnh sát quốc gia VNCH. Cảnh sát Quốc gia (CSQG) có sở tình báo dưới quyền Tư lệnh CSQG. Chi tiết đáng nói là lúc nào ông Tướng cũng trịnh trọng trong quần áo tiểu lễ với dây biểu chương, huy chương đeo đầy ngực hoàn toàn không đúng với phong cách làm việc thường ngày của một chỉ huy cao cấp. Trong công việc hàng ngày, không cấp chỉ huy nào đội nón kết, đeo dây biểu chương, huy chương trên ngực. Đó là những thứ chỉ dùng trong tiểu lễ, đại lễ. 

Theo như trong truyện The Sympathizer, ông tướng là một người mảnh dẻ nên thân hình phải dong dỏng cao, khuôn mặt ốm, cương nghị nhưng diễn viên Lê Toàn thủ vai có hình thức khác hẳn tạo cảm giác nhân vật có đời sống sinh hoạt thích ăn nhậu, rượu chè, trong phim thấy lúc nào cũng uống rượu.

Một chi tiết khác nữa là chiếc xe riêng của ông Tướng, chiếc Citroen màu đen. Một viên tướng tư lệnh một quân, binh chủng có quyền dùng xe quân sự cắm cờ ở đầu xe với cấp bậc của mình nhưng xe ông Tướng không gắn sao, ông chỉ mặc quân phục với huy chương, dây biểu chương, cấp bậc trên cầu vai. Là tư lệnh cảnh sát đặc biệt, một nhân vật dể dàng trở thành mục tiêu ám sát của Việt Cộng, lẽ ra ông phải mặc thường phục chứ không phải phô trương lộ liễu như thế, hơn nữa ông lại đi một mình vào nơi tra khảo tù binh Việt Cộng để xem thẩm vấn trong một rạp xi-nê.

Coi hết tập 1, ông Tướng là tư lệnh cảnh sát mật (cảnh sát chìm), vậy thượng cấp của ông là ai? Tổng thống, Bộ trưởng quốc phòng hay Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia? Không thấy ông Tướng nhắc tới thượng cấp lần nào, cũng không thấy ông bàn bạc, báo cáo, hỏi ý kiến cấp trên.

Việc điệp viên CIA Claude trực tiếp gặp ông Tướng để thông báo cấp phương tiện di tản cho ông, cho thấy ông Tướng toàn quyền định đoạt chuyện di tản khỏi Việt Nam cho một số đông lên tới 92 người. Người viết bài này biết rằng The Sympathizer là chuyện hư cấu, tưởng tượng nhưng ít nhất sự hư cấu vẫn phải dựa trên sự hợp lý của bối cảnh về tổ chức chính quyền, những hình ảnh giống như thật. 

Diễn tiến trong phim cho thấy văn phòng làm việc của ông Tướng Tư lệnh cảnh sát mật nhưng lại có bàn thờ cho Kẻ Nằm Vùng thắp nhang lạy. Cũng không rõ lúc chuẩn bị di tản, trong bộ quần áo ngủ, tay cầm chai rượu nhìn xuống dưới lầu, quan sát thuộc cấp tiêu hủy hồ sơ thì sự việc xẩy ra ở đâu? Trụ sở của bộ chỉ huy cảnh sát đặc biệt hay tư gia của ông Tướng? Những căn nhà bên cạnh, con hẻm nhỏ sẽ cho khán giả cảm tưởng đó là tư gia ông Tướng. Nếu là trụ sở chính nó phải cách xa nhà dân, phải có tường ngăn cách, hàng rào kẽm gai bao quanh. Nhưng như vậy thì lại trái ngược khi di tản, lúc ông Tướng cỡi mô tô dẫn 2 xe buýt đi ra phi trường từ một biệt thự lớn có sân rất rộng với nhiều cây cối xanh um chung quanh.

Đây là những chi tiết nhỏ nhưng rõ ràng đạo diễn Park Chanwook cường điệu, thiếu hiểu biết về quân đội, cảnh sát, hệ thống điều hành chế độ VNCH hoặc cố tình bôi nhọ cảnh sát của thể chế VNCH. Kẻ Nằm Vùng chỉ là đại úy nhưng là chánh văn phòng của ông Tướng nên chỉ huy cả trung tâm cảnh sát đặc biệt.

Về diễn xuất, Đại úy Nằm Vùng do Hoa Xuande thủ vai có vẻ hơi non nớt và khuôn mặt lúc nào cũng căng thẳng không hợp với hình thức, tính cách của một gián điệp nhị trùng. Diễn tiến gặp Claude 4 tháng trước khi Sài Gòn thất thủ thật khó hiểu. Claude cầm 2 vé cùng Kẻ Nằm Vùng vào trong rạp hát, không phải để coi Charles Bronson đóng phim Death Wish (Muốn Chết) mà để theo dõi cuộc điều tra một nữ điệp viên – đồng chí của Kẻ Nằm Vùng – (Kaily Tran) bị bắt mấy ngày trước đó vì một hồ sơ mật được gắn xi và đích thân Kẻ Nằm Vùng dùng máy ảnh mini lén chụp lại ở phòng làm việc của ông Tướng trong vài phút khi ông Tướng ngồi chờ ngoài xe để cùng đi ăn sáng… 

Cả rạp xi-nê không có ai là khán giả, ngoài Claude, Kẻ Nằm Vùng, thông dịch viên cho Claude. Cuộc thẩm vấn đi cùng với tra tấn và khi Bánh Bao, một nhân viên điều tra lão luyện của cảnh sát mật vừa ngồi theo dõi cuộc lấy cung vừa ăn sầu riêng, uống coca cola chỉ cho thấy sự độc ác, tàn bạo pha lẫn sự lè phè thiếu chuyên nghiệp của các nhân viên điều tra VNCH. Bên cạnh đó đề cao sự can trường của nữ điệp viên cộng sản khi không khai ra ai là người chuyển giao hồ sơ mật cho cô, chẳng những vậy còn hô lớn “Không có gì quý hơn Độc Lập-Tự Do”. Từ phim này, có thể sẽ có một số ít người liên tưởng đến nhân vật Võ Thị Thắng, nữ đặc công Việt Cộng của ám sát nội thành bị cảnh sát bắt, kết án 7 năm tù, khi ra tòa đã hỏi chánh án “Liệu chế độ các ông có tồn tại đến lúc tôi mãn hạn tù không?”

Sau đó, nữ điệp viên được giải giao về một nhà an toàn (Safe House) của CIA. Đây là chi tiết không thể xẩy ra khi người Mỹ đã rút khỏi Việt Nam từ năm 1973. Tình báo CIA không còn tham gia vào việc điều tra cán bộ cộng sản như trước.

Đến lúc di tản, ông Tướng lại dùng xe mô-tô dẫn đầu chạy trước 2 xe bus chở người tị nạn ra phi trường. Trên đường đi ông còn dừng lại chào thi thể của viên sĩ quan cảnh sát (trung tá Nguyễn Văn Long) tự tử trước bức tượng của người lính Thủy Quân Lục Chiến. (Bỏ qua chi tiết ông đi vào buổi tối ngày 29.04.1975, trung tá Long tự tử trưa ngày 30.04.1975, người làm phim có quyền thay đổi)

Trước đó, tối 28.04.75 Kẻ Nằm Vùng còn đi ăn uống, nhậu nhẹt với 2 người bạn là Bốn (đại úy nhẩy dù) và Mận (nha sĩ, cũng là gián điệp cộng sản) cấp trên của Kẻ Nằm Vùng). Trong khi Bốn gây sự, đánh nhau với 3 người lính Thủy quân lục chiến ở bàn bên cạnh vì mâu thuẫn với nhau do bài hát Đại Bác Ru Đêm của Trịnh Công Sơn thì Kẻ Nằm Vùng và Mận thản nhiên ngồi quay lưng nói chuyện với nhau, không quan tâm, không can gián cuộc ấu đả sau lưng mình. Sài Gòn vào những ngày cuối tháng tư 1975 rất hoảng loạn, hàng quán, quân đội giới nghiêm 100%, tiệm ăn hầu hết đóng cửa, ở đâu ra cái nhà hàng có nhạc sống cho Kẻ Nằm Vùng cùng Bốn, Mận, bàn bên cạnh 3 người lính thủy quân lục chiến có nón sắt, không vũ khí ngồi ăn nhậu, nghe nhạc?

Phim còn nhiều chi tiết vô lý khác nữa nhưng nêu hết ra sẽ rất dài. Có thể sẽ có người phản bác rằng phim truyện, tức là có quyền hư cấu, chứ có phải phim tài liệu đâu mà đòi mọi thứ phải chính xác, phải đúng như thật? Nhưng như đã nói ở trên, sự hư cấu vẫn phải dựa trên sự hợp lý của bối cảnh. 

Cuối cùng, bối cảnh Sài Gòn được dàn dựng trong phim thì cũ kỹ, nhếch nhác, không thể nào toát lên cái hình ảnh Sài Gòn văn minh, đẹp đẽ thời trước năm 1975. Điều này có lẽ vì việc dàn dựng bối cảnh cho một bộ phim thường rất tốn kém, khó mà làm cho ra được?

Tóm lại, tập 1 của bộ phim The Sympathizer diễn tiến nhếch nhác, các diễn viên chính được chọn không phù hợp, diễn xuất yếu kém, không nhập vai, hình ảnh tạo dựng cố ý bôi bác, hạ nhục các tướng lãnh nói riêng, ngành cảnh sát, quân đội VNCH nói chung cũng như chỉ có mục đích ca ngợi, nêu cao chính nghĩa của phía Cộng sản Việt Nam với những điệp viên khôn ngoan, gan dạ, kiên cường, bất khuất như Kẻ Nằm Vùng, nha sĩ Mận, nữ gián điệp giao liên…

Đó cũng là lý do mà nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu – tác giả Bóng Đè nổi tiếng – trong một bài viết ngắn trên facebook, đã đưa ra câu hỏi nửa đùa nửa thật rằng:

“Tại sao Việt Nam, đầu tiên là không cấp phép in tiểu thuyết Cảm Tình Viên, sau đó là không cho phép đoàn làm phim được quay trong nước, cuối cùng là không cho phép tiếp sóng?

Khi mà ngay từ tập 1, nội dung phim đã đầy những manh mối có lợi cho Cộng sản và bất lợi cho Cộng hòa, cho Hoa Kỳ. 

… Tôi không hiểu ông bà tuyên giáo, ông bà an ninh văn hóa nghĩ gì mà cấm phim này…”

Hy vọng rằng những tập sau của bộ phim sẽ khá hơn.

Nguyễn Tiến Cường 

*********